Thursday, September 3, 2015

Nền kinh tế Trung Quốc và ảnh hưởng toàn cầu


Thị trường cổ phiếu và tài chánh quốc tế chấn động mạnh sau khi sàn chứng khoáng Thượng Hải tuột dốc. Sau đó Bắc Kinh phá giá đồng Nhân Dân Tệ trong hai ngày liên tiếp xuống gần 5%. Nền kinh tế Trung Quốc hiện đứng hàng thứ nhì nhưng lại là cổ máy tăng trưởng hàng đầu và cơ xưởng sản xuất cho thế giới trong nhiều năm nên khi hạ cánh sẽ mang lại nhiều hệ lụy dây chuyền, phức tạp và không đồng bộ sang các khu vực kinh tế khác nhau trên thế giới.

 

Xin bắt đầu với nhận xét rằng vòng xoáy khủng hoảng cứ chạy loanh quanh từ Hoa Kỳ sang đến Âu Châu rồi lan ra các quốc gia đang phát triển: hiện tượng này được thấy trong hai thập niên gần đây khi kinh tế  Đức bị khủng hoảng vào những năm 90, tiếp đến khủng hoảng tài chánh Đông Á 1998, sang khủng hoảng ở Hoa Kỳ hai lần vào 2001 và 2008, trở lại Âu Châu 2011, giờ đây đến lược Trung Quốc 2015 (nếu chu kỳ này tiếp tục sẽ đến phiên Bắc Mỹ rơi vào khủng hoảng trong vòng vài năm nửa). Phân tích nguyên nhân nằm ngoài phạm vi bài này, nhưng điểm tích cực nơi các khối kinh tế lớn không khủng hoảng cùng một lúc bằng không thì… đại họa! Ngược lại khía cạnh đáng lo vì các cuộc khủng hoảng ngày càng xảy ra dồn dập, mỗi lần thêm trầm trọng và dai dẳng.

 

Tình trạng suy thoái của Hoa Lục sẽ tác động khác nhau đến Hoa Kỳ, Âu Châu và các nước đang phát triển. Kinh tế Âu-Mỹ (hy vọng) ít bị ảnh hưởng cho dù các sàn cổ phiểu có thể bị suy thoái (bear market) trong một thời gian dài. Lý do vì Hoa Kỳ và Âu Châu bắt đầu phục hồi cho dù tăng trưởng kém hay không tăng trưởng nhưng vẫn có thể phần nào chịu đựng được các cơn địa chấn từ Trung Quốc. Riêng Hoa Kỳ rất tự túc, hàng hoá bán sang Hoa Lục chỉ chiếm 1% của GDP cho nên tác động trực tiếp không nhiều. Ngược lại hậu quả lên sàn chứng khoán rất nặng vì các đại công ty như Apple, GM, Ford của Mỹ,  Mercedes, BMW, Audi của Âu châu đều sản xuất và bán hàng tại Hoa Lục, cổ phiếu trước đây tăng vọt nhờ vào sức mua của thị trường Trung Quốc. Nay nếu người Hoa giảm tiêu thụ vì nước họ đang hạ cánh sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các tập đoàn đa quốc gia khiến thị trường cổ phiếu bị tuột dốc. Thêm vào đó giá dầu giảm quá nhanh nên các đại công ty Exxon, Shell, Mobil v.v… thua lổ. Tuy nhiên nguyên nhân chính khiến cổ phiếu mất giá tại Mỹ không phải vì Trung Quốc mà do sàn chứng khoán Hoa Kỳ đã tăng trưởng liên tục 140% trong 6 năm từ 2009-15 nên quá hạn điều chỉnh đã hơn 3 năm, nay đến lúc chín mùi để tự điều chỉnh giá cả.

 

Biến động thị trường xảy ra vì những chuyện không tiên liệu trước: ai cũng biết đến Hy Lạp, thị trường địa ốc cùng nợ xấu ở Hoa Lục, tình trạng suy thoái tại Nga; ít được nhắc đến hơn là Argentina vỡ nợ kỷ thuật, Brazil và Venezuala suy thoái nặng. Nhưng không có chuyên gia nào tiên liệu trước Puerto Rico vỡ nợ; sau đó sàn chứng khoán Thượng Hải tuột dốc; rồi đến Trung Quốc, Việt Nam phá giá tiền, Kazakhstan thả nổi đồng bạc rơi xuống gần 30%. Puerto Rico, Việt Nam hay Kazakhstan là những nền kinh tế nhỏ (giống như Hy Lạp) lẻ ra tác động ít, nhưng chính chuổi sự kiện xảy ra liên tục khiến các nhà đầu tư bối rối không biết rồi sẽ đến phiên nước nào khác vỡ nợ hay suy sụp trong khối đang phát triển (giới tài chánh Mỹ gọi là “wait for next shoe to drop”). Bắc Kinh kềm tỷ giá theo đô-la Mỹ nên từ năm 2010 đến nay Nhân Dân Tệ không còn rẻ nửa, nhiều chuyên viên cho rằng Trung Quốc có thể phá giá thêm 5-10% nếu các biện pháp vừa rồi không đủ mạnh. Cho nên các nhà đầu tư đổi sang đô-la rút tiền về Mỹ cho an toàn trong hoàn cảnh bất ổn nhất là khi Ngân Hàng Trung Ương Hoa Kỳ sắp tăng lãi xuất. Trung Quốc, Nam Hàn có khoảng dự trữ ngoại tệ lớn còn chịu đựng được, nhưng khối các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam sẽ điêu đứng vì phải bán ngoại tệ để giữ giá tiền đồng trong lúc doanh nghiệp lo tích tụ đô la phòng xuống giá thêm nửa, bên cạnh các khoảng nợ đáo hạn phải trả bằng đô la. Tuy lợi thế tiền mất giá giúp cho xuất cảng nhưng chỉ bán sang Hoa Kỳ tăng còn Âu Châu vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó hàng hóa từ Hoa Lục sẽ bán phá giá nếu mậu dịch tại các nước đang phát triển không được kiểm soát chặc chẻ, trong khi nguyên vật liệu bán sang Trung Quốc giảm sút nặng.

 

Nguy hiểm không kém là tình trạng “lạc đạn” – giới tài chánh Hoa Kỳ gọi là “drive-by shooting” - vốn xảy ra cho Indonesia năm 1998 hay Tây-Ban-Nha năm 2011. Hai nước này đều có thanh khoản tương đối vững nhưng vì các nước láng giềng Thái Lan và Hy Lạp suy sụp, các nhà đầu tư sợ lổ soi mói sổ sách để rồi ồ-ạt rút lui khi thấy có vài triệu chứng đáng ngờ. Một nước như Việt Nam vốn mang tì vết vì nợ xấu dễ trở thành nạn nhân của tình trạng này, khi đó ngoại tệ dự trữ phải dùng để chống chọi vất vã ngăn ngừa tháo chạy.

 

Việc cổ phiếu và tiền sụt giá mạnh lẻ ra là hiện tượng bình thường trong thị trường tự do như đã xảy ra (quá) nhiều lần ở Mỹ, nhưng lại không bình thường chút nào tại Hoa Lục. Tính chính đáng của đảng Cộng Sản Trung Quốc thu gọn vào ổn định và tăng trưởng. Nay tăng trưởng chậm tạo ra bất ổn nên Bắc Kinh can thiệp mạnh bạo, trước đây họ rất thành công vào những năm 1998 và 2008 nhưng rồi lại dẫn đến những hậu quả bất lường lộ rõ từ năm 2013, nay đảng cầm quyền liệu có thành công một lần nửa hay không… chẳng ai biết. Các chính quyền Âu-Mỹ-Nhật đều can thiệp ào ạt vào kinh tế nhưng nếu thất bại thì đảng cầm quyền bị thay đổi. Đảng Cộng Sản Trung Quốc không thể thất bại hay bị thay đổi nên trở thành thách thức lớn nhất cho nhân dân Trung Quốc và cho chính Tập Cận Bình.

No comments:

Post a Comment