Sunday, April 24, 2016

Lãi suất thấp và lãi suất âm

Dân Mỹ buồn khi gởi tiền vào ngân hàng do lãi suất quá thấp, nhưng vui khi sắp mua nhà vì tiền lời rẻ. Như vậy lãi suất thấp ưu đãi cho kẻ đi vay mà thiệt thòi cho người tiết kiệm.
 
Vì lãi suất ngân sắp sĩ 1% nên nhiều người phải đầu tư vào cổ phiếu để tìm lợi nhuận.  Kết quả là giá nhà và chứng khoáng tăng nhanh hơn lương bổng – các chuyên gia gọi đây là asset inflation khi giá cả địa ốc và chứng khoáng nhảy vọt không tương xứng với đồng lương. Khoảng cách giàu nghèo theo đó thêm sâu đậm vì ai có tài sản thì giàu thêm còn dân đi làm ăn lương lại dậm chân tại chổ.

Trên lý thuyết Ngân Hàng Trung Ưong giữ lãi suất thấp để giúp dân chúng tiêu xài và doanh nghiệp mượn vốn kinh doanh qua đó thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng dù tiền lời thấp mà lương không tăng, nợ củ còn nhiều thì ít ai dám tăng chi. Doanh nghiệp khi đó liệu không tăng khách hàng thì cũng chẳng cần khuyếch trương – tiến trình này gọi là de-leveraging do thời gian dài trước khủng hoảng 2007 dân Mỹ nợ nhà và tín dụng quá nhiều nên nay phải tiết kiệm trả nợ làm cho biện pháp kềm giữ tiền lời thấp của Ngân Hàng Trung Ưong chẳng những không hiệu quả mà còn sản sinh ra hai bong bóng địa ốc và chứng khoáng.

(Điều đáng ghi nhận là tuy lãi suất ngắn hạng do Ngân Hàng Trung Ương quyết định trong khi mức lời dài hạn 10, 20 năm do thị trường đề xuất, nhưng nếu Ngân Hàng Trung Ưong cho biết sẽ giữ lãi suất ngắn hạn lâu dài thì mức lời dài hạn cũng theo đó đi xuống)

Mấu chốt nơi đây là tại sao lương bổng không tăng trong lúc tỷ lệ thất nghiệp xuống rất thấp dưới 5% thì chưa ai rõ. Có chuyên gia cho rằng lương tuy tăng chậm nhưng có dấu hiệu đang lên; người khác nhận xét dân chúng tìm được việc làm dù lương dù cũng mừng nên không kén chọn; hoặc áp lực lương bổng đến từ các nước đang phát triển ở Á Châu khiến giá thành ngày càng rẻ với mức lương cực thấp.

Nhà nước cần lương tăng không những cho dân chúng có thêm tiền tiêu xài mà còn nhằm đẩy lạm phát lên cao. Lạm phát khiến tiền bốc hơi theo đó nợ cũng tự động vơi dần, đây là biện pháp vô cùng hữu hiệu (có người gọi là tráo trở) để cắt giảm các khối nơ khổng lồ công và tư. Ai mua nhà cũng biết khi bắt đầu trả tiền hàng tháng thấy quá nhiều nhưng 10, 20 năm sau đó mới mừng vì còn rẻ hơn đi thuê chổ ở. Hoa Kỳ đặt chỉ tiêu lạm phát 2% làm tiêu chuẩn cho nền kinh tế phát triển vừa phải mà không suy thoái hay bốc hỏa, nhưng hiện chỉ đạt dưới 1% nên sợ bị rơi vào tình trạng giảm phát (deflation).

Kinh tế Âu-Nhật trì trệ hơn Mỹ rất nhiều nên phải đẩy lãi suất chỉ đạo dưới con số 0%. Như vậy hiện 40% GDP toàn cầu nằm trong khu vực lãi suất âm, một sự kiện chưa từng có! Tình trạng này giống như ngân hàng tư nhân cho vay không hết nên gởi $100 vào Ngân Hàng Trung Ương, nhưng khi rút ra chỉ còn $99. Đây là cách nhà nước ép ngân hàng tư không ôm tiền mặt mà phải cho vay để thúc đẩy tăng trưởng. Ngân hàng tư bị ép sẽ phải siết lãi suất đến mức âm khiến dân chúng bớt tiết kiệm mà phải chi tiêu. Khổ nổi bị chèn ép nên tâm lý doanh nghiệp và dân chúng càng thêm thận trọng, doanh nghiệp không muốn mượn thêm vốn vì dân chúng dè dặt chẳng chịu chi tiêu.

Không ai biết lãi suất âm nếu kéo dài sẽ đem lại hậu quả gì, nhưng trên lý thuyết nó làm đảo lộn tiến trình phối trí tư bản (capital) của thị trường là dân chúng dư tiền gởi vào nhà băng để rồi ngân hàng cho doanh nghiệp vay mượn.
 
Để thoát ra khỏi tình trạng suy thoái phải tấn công từ hai hướng: tài chánh và ngân sách. Biện pháp tài chánh là bơm tín dụng và giữ lãi suất thấp do Ngân Hàng Trung Ưong thực hiện nhưng có vẽ gần hết hiệu quả. Giải pháp thứ nhì là cắt thuế (bỏ tiền vào túi dân chúng) và bội chi (nhà nước ào ạt đầu tư vào hạ tầng như cầu đường, phi trường, điện nước internet… qua đó tạo việc làm để đẩy mức lương và tiêu thụ) nhưng lại làm tăng gánh nợ công khổng lồ của Âu-Mỹ-Nhật. Một biện pháp khác được đề ra là xoá nợ, ở Mỹ gồm nợ học vấn (education loan mà gánh nặng lên đến 1000 tỷ USD) và nợ địa ốc cho những khu vực chọn lọc, tại Âu-Châu là nợ cho Hy Lạp, Bồ Đào Nha, v.v…

 
Nhưng giảm thuế, bội chi và xóa nợ đều gặp nhiều chống đối dữ dội từ nhiều thành phần xã hội. Cho nên giải quyết vấn nạn kinh tế tuỳ thuộc vào chính trị mà điển hình là các cuộc bầu cử ở Âu-Mỹ trong vòng 2 năm tới đây.

 

No comments:

Post a Comment