Thursday, May 8, 2025

Trump 2.0 và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: 100 ngày đầu tiên của Trump (Bài 6)

Ông Trump làm Tổng Thống chỉ hơn 100 ngày nhưng thế giới hoảng loạn. Ngay cả nhiều người ủng hộ Trump cũng không biết ông Trump đánh võ khùng hay ông Trump khùng! Người viết suốt 3 tháng không thể nào chạy kịp ông Trump do vừa hạ bút lại thêm tin mới nóng bỏng đau tim hơn. Nhưng nay quá hạn 100 ngày: thị trường chứng khoán Mỹ trở lại ngang điểm so với 4/02/2025 khi ông Trump tuyên bố Ngày Giải Phóng (Liberation Day) áp thuế khủng khiến thế giới nghẹt thở; đồng đô-la ổn định dù vẫn còn sụt giá gần 10%; Elon Musk rút về với Tesla; Mỹ-Tàu rụt rịt đàm phán thương mại; Hoa Kỳ ký hiệp định thương mại đầu tiên với Anh; nên tạm xem đây là lúc tổng kết hiệp đầu cho dù biết rằng với ông Trump không thể nào lường trước được tương lai.

Trước hết nên tìm hiểu bối cảnh tổng quát trong đó có ba độc chiêu ông Trump đang thực hiện cho dù không ầm ĩ như chiến tranh thương mại:

1. Giá xăng dầu ở Mỹ hạ thấp trên dưới 2 USD mỗi gallon giảm áp lực lạm phát. Giá nhiên liệu rẻ thu hút công ty đầu tư vào Hoa Kỳ.

2. DOGE đã hay sẽ cắt giảm khoảng 250 ngàn công chức liên bang (12% trên tổng số 2.4 triệu). Bên cạnh việc tiết kiệm ngân sách nhà nước 1 ngàn tỷ USD (con số hiện chỉ đạt 160 tỷ USD) còn mục tiêu thứ nhì - ít được bàn nhưng quan trọng – là cắt giảm nhân sự để giảm nhẹ guồng máy thư lại hành chánh (bureaucracy) và giám sát doanh nghiệp (regulations, như các quy định tốn kém về môi trường, an toàn, v.v… ) nhằm tạo điều kiện dễ dãi cho công ty đầu tư vào Hoa Kỳ.

3. Một trọng điểm 100 ngày sắp tới là thúc đẩy Quốc Hội bỏ phiếu thông qua luật giảm thuế. Thuế thu nhập thấp giúp các gia đình có thêm tiền chi tiêu nếu vật giá gia tăng. Thuế doanh nghiệp giảm nhằm khuyến khích công ty đầu tư vào Mỹ.

Cho nên cả 3 chiêu thức hạ giá nhiên liệu, cắt giám sát và giảm thuế đều là củ cà-rốt dụ dỗ công ty doanh nghiệp đầu tư ở Mỹ.

Ngược lại búa tạ là thái độ bất nhất của Trump có thể áp thuế nhập khẩu lên một nước đối tác bất cứ lúc nào. Cho dù đàm phán thương mại có thành công hay không thì ai cũng phập phồng không biết liệu Trump có sẽ xóa bỏ thỏa thuận như đã từng làm với Iran (hiệp ước về nguyên tử), Mexico và Canada (NAFTA 2). Điều này khiến các công ty quốc tế dù là Tàu, Mỹ hay Âu Châu bối rối do đầu tư vào Việt Nam, Mexico, Canada…không biết liệu ông Trump có xé thỏa ước trong 1-2 năm tới đây đòi áp thuế. Cho nên an toàn nhất vẫn là đầu tư ở Mỹ sẽ không bao giờ bị đánh thuế. Ông Trump khoe trong 100 ngày đã lôi kéo được 9 ngàn tỷ USD đầu tư vào Hoa Kỳ nhưng tin tức hỏa mù vì báo chí lề phải (mainstream media) cho rằng con số thật sự thấp hơn nhiều lần.

Cứ tạm cho là ông Trump đánh võ khùng chớ không phải ông Trump khùng nhưng người tính vẫn không bằng trời tính. Nhiều áng mây mù nào đang chờ che phủ nền kinh tế Mỹ, và sấm sét cuồng phong không biết lại nổi lên lúc nào:

1. Hàng hóa khan hiếm và giá cả tăng vọt trong những tuần lễ sắp tới vì mức thuế 145% lên hàng hóa Trung Quốc. Mỗi người dân Mỹ hiện có 15-50 đôi giày, 50-100 áo thun…chật nhà cho nên bớt tiêu xài cũng không sao nhưng báo chí Mỹ sẽ la làng cho rằng thiệt hại cho người tiêu dùng khiến lạm phát tăng vọt. 

2. Áp lực lạm phát vẫn rất cao do chưa biết kết quả đàm phán mậu dịch sẽ như thế nào, cho nên Ngân Hàng Trung Ương dù bị ông Trump chửi rủa công khai vẫn không dám hạ lãi suất cho dù NHTƯ Nhật-Tàu đều giảm phân lời để cứu trợ nền kinh tế. 

3. Nếu đàm phán không kết quả thì đồng USD lại mất giá do kinh tế và chính trị Mỹ bấp bênh còn thế giới không biết gởi  tiền ở đâu cho an toàn. Trước đây mỗi lần khủng hoảng thế giới tích lũy USD - thí dụ ở Việt Nam chỉ đổi tiền mua USD mà rất ít người nhận thu mua Nhân Dân Tệ, Euro, Yen, v.v…- nay chính Mỹ vừa tạo khủng hoảng kinh tế vừa bất ổn chính trị nên các nước không biết tồn trữ tiền quốc gia nào. USD mất giá khiến Euro, Yen tăng giá làm hàng hóa xuất cảng từ Âu Châu và Nhật Bản khó bán. USD mất giá nên mua nợ công nước Mỹ và đầu tư vào Mỹ bị lỗ. Các mối tương quan chằng chịt về tiền tệ cần riêng một bài viết để tìm hiểu.

4. Ngay cả nếu ông Trump kềm hãm lạm phát, thu hút đầu tư, đạt được nhiều thỏa ước mậu dịch tốt, thúc đẩy kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng đồng thời cắt giảm thâm thủng ngân sách và mậu dịch nhưng Hoa Kỳ tổn hại lâu dài về chính trị do mất lòng tin nơi các nước đồng minh trên thế giới. Nhưng đối với ông Trump thì uy tín không quan trọng so với Mỹ ngu nên bị các nước vừa bốc thơm vừa móc túi.

Việt Nam trước đây đòi Biden công nhận kinh tế thị trường còn ngược lại dọa tổn hại đến bang giao hai nước - tức là Việt Nam hăm nghiêng theo Tàu nếu không được Hoa Kỳ chiều chuộng. Lúc Trump lên làm Tổng Thống tấn công Mexico và Canada thì Việt Nam hồi hộp nhưng thở phào nhẹ nhõm nhờ không bị mang lên bảng phong thần dù đi hai hàng giữa Mỹ-Trung.  Đến lúc bị Trump bất ngờ đánh thuế 45% khiến Việt Nam choáng váng, Tô Lâm nhanh chóng gọi điện thoại được Trump khen khôn ngoan biết đàm phán. Tô Lâm sau đó lại tiếp đón Tập Cận Bình rồi mời quân đội Trung Quốc diễn hành nên Hoa Kỳ ngăn cấm nhân viên ngoại giao tham dự buổi lễ 30/4. Trump nhận xét một câu như sét đánh “Việt-Tàu hợp bàn tìm cách chơi xỏ nước Mỹ.” Cho nên lần này Việt Nam vừa đàm vừa run về thỏa ước mậu dịch với Hoa Kỳ.

Theo tình tình trốn, trốn tình tình theo. Ông Trump là doanh gia câu được bà Melanie nên kinh nghiệm đầy mình. 

Trước đây nếu Mỹ tuyên bố áp thuế 10% sẽ khiến thị trường hoảng loạn. Nay Trump gia hạn các mức thuế khủng 10%-60% trong khi vẫn áp dụng thuế nền 10% thị trường lại thở phào và trở về mức điểm ngày 4/02 vì đoán rằng thuế nhập khẩu cuối cùng sẽ khoảng 15-20% - tuy nặng nề nhưng không đến mức làm sụp đổ mậu dịch toàn cầu. Ông Trump còn làm Tổng Thống nên vui ngày nào được ngày nấy.



Sunday, January 12, 2025

Trump 2.0 và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: EU, Mexico và Việt Nam (Bài 5)

EU, Mexico và Việt Nam tuy không là đối thủ địa chính trị của Hoa Kỳ nhưng vẫn được phe Trump liệt kê vào bản phong thần vì đứng sau Trung Quốc với thặng dư mậu dịch hạng thứ 2, 3 và 4 đối với Mỹ.

Khối EU

Trong 3 nền kinh tế lớn thì lục địa già Âu Châu rất lúng túng nếu chiến tranh thương mại xảy ra. Kinh tế khu vực èo uột, nền an ninh bị đe dọa, chính trị lung lay trong nội bộ nhiều nước lớn và chia rẽ giữa các nước trong khối. Âu Châu bị tấn công tới tấp từ nhiều phía mà không tìm ra được tiếng nói chung đoàn kết để đáp trả áp lực từ Nga, Tàu, Trump và Elon Musk.

Trước hết về chính trị. Trong hai nước quan trọng nhất của EU thì thủ tướng Đức Olag Sholz và tổng thống Pháp Macron đều bị bất tín nhiệm trong nội bộ nên không đủ tư thế đại diện cho Âu Châu đối thoại với Trump và Tập. Nhiều chính quyền tả và trung tả của Âu Châu lung lay trước sự trổi dậy của trào lưu dân tộc cánh hữu khởi đầu tư chính sách di dân bừa bãi, đạo đức suy đồi (LGBTQIA) và kinh tế èo uột. Âu Châu mệt mỏi với chiến tranh Ukraine nên chia thành 3 khu vực: các nước cận Nga (vùng Baltic, Bắc và Đông Âu) lo sợ ý đồ bành trướng của Putin; vùng Trung Âu (Hungary, Slovakia) thân thiện với Nga; Tây Âu chuyên đánh võ mồm nên miễn cưỡng tăng ngân sách quốc phòng lên gần 2% theo như cam kết với NATO.

Đối với Trump thì mậu dịch là một góc cạnh trong địa chính trị toàn cầu nên dùng hàng rào thuế quan áp lực Âu Châu nay tăng quốc phòng lên 3-5% GDP; cắt giảm thâm thủng mậu dịch bằng cách mua vũ khí và khí đốt của Mỹ; chấm dứt nạn quấy nhiễu (harassment) công ty Hoa Kỳ như Apple, Google, Tesla và X (cho dù ông chủ X và nhà tỷ phú Elon Musk dùng X để tấn công tới tấp các chính quyền cánh tả và trung tả để ủng hộ cánh hữu dân tộc); gần đây nhất là Trump đe dọa đánh thuế Đan Mạch 100% nếu không chịu bán đảo Greenland do vị thế an ninh cốt lõi đối với Hoa Kỳ. 

Lục địa già Âu Châu chạy đua không kịp với Mỹ và Tàu về trí tuệ nhân tạo, công nghệ sản xuất chip điện tử đời mới (cho dù có AMSL ở Hòa Lan và ARM bên Anh), công nghệ xanh (điện gió, điện mặt trời, bình điện, xe hơi điện), thương mại điện tử (Amazon, Alibaba, Tencent,…), mạng xã hội (Google, Facebook, Tiktok, X) và công nghệ 5G (Apple, Huawei). GDP nước Đức không tăng trưởng trong suốt 2 năm do giá năng lượng cao và đầu tư trong nước thấp nên các công ty sản xuất xe hơi khổng lồ như Volkswagen và Bosch rụt rịt sa thải nhân viên trong nước. Kinh tế nước Pháp tăng trưởng chậm dưới 1% trong khi nợ công nhảy vọt lên 112% GDP tức là cao hơn các nước Nam Âu trong lần khủng hoảng đồng Euro năm 2009-10, nhưng nếu Pháp cắt ngân sách để giảm nợ công sẽ khiến nền kinh tế thêm trì trệ.

Nhìn chung, lục địa già Âu Châu nếu không thúc đẩy đầu tư, cắt giảm an sinh xã hội và giảm nhẹ giám sát nhà nước để đầu tư trẻ trung hóa thì mỗi ngày càng bị Mỹ-Tàu bỏ xa, còn tăng ngân sách thì đụng đến mức trần nợ công do khu vực đồng Euro quy định.

Các công ty Âu Châu buôn bán lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc cho nên EU không dám dựng hàng rào thuế quan ngăn chận hàng Tàu xâm nhập do sợ bị Bắc Kinh trả đũa. Âu châu lo sợ Trung Quốc gián tiếp yểm trợ cho Nga trong chiến tranh Ukraine nhưng không dám lớn tiếng phản đối. Nhiều công ty Âu Châu lại muốn dọn sang Mỹ do (1) giá nhiên liệu rẻ, (2) Trump sẽ giảm thuế doanh nghiệp và cắt nạn hành chính quấy nhiễu, (3) tránh hàng rào thuế quan của Trump khiến khối EU lo ngại tình trạng phi công nghiệp hóa (de-industrialization) của lục địa già.

Gương mặt sáng đẹp hiện thời ở Âu Châu là bà thủ tướng Ý Giorgia Melanie vốn được cả Trump và Elon Musk khen ngợi do lập trường dân tộc cánh hữu (chống di dân bất hợp pháp và đổi giống) nên EU hy vọng bà sẽ làm nhịp cầu đến tòa Bạch Ốc nhằm tránh chiến tranh thương mại và thuyết phục Mỹ không bỏ rơi Ukraine.

Mexico

Hai nền kinh tế của Mỹ và Mexico buộc chặt vào nhau, nhưng hiện có 4 vấn đề Trump cần giải quyết trong lúc tái thương thuyết thỏa ước thương mại NAFTA năm 2026:

  1. Mexico là cửa ngõ của di dân lậu vào Hoa Kỳ nên Trump đe dọa tăng thuế 25% nếu Mexico không kiểm soát vùng biên giới. Mexico đang cấp bách đáp ứng điều này trước khi Trump nhậm chức để tránh khủng hoảng không xảy ra. 
  1. Trung Quốc đầu tư xây cất hãng xưởng vào Mexico để bán hàng hóa vào Hoa Kỳ, Trung và Nam Mỹ. Trump có thể giới hạn Mexico trở thành trạm đầu tư của Trung Quốc bằng đánh thuế theo % hàng hóa lắp ráp ở Mexico nhưng chứa đầy cơ phận từ Hoa Lục. 
  1. Công nhân Mỹ lo sợ mất việc vì Mexico nên Trump dùng hàng rào thuế quan thúc giục các công ty Âu-Mỹ-Nhật-Hàn đầu tư vào Hoa Kỳ. Trump cắt giảm thuế doanh nghiệp, đơn giản hóa thủ tục hành chính rườm rà và tăng sản xuất nhiên liệu để giá điện hạ thấp nhằm thu hút tư bản xây cất hãng xưởng ở Hoa Kỳ. 
  1. Giá nông phẩm sản xuất từ Mexico trực tiếp ảnh hưởng lên túi tiền của dân Mỹ. Nếu Trump khó lòng tăng thuế nông phẩm do bài học từ đảng Dân Chủ thua năm 2024 bởi lạm phát tăng nhanh dưới thời Biden. Trái lại Trump sẽ đòi Mexico mua thêm đậu nành, thịt bò…từ Hoa Kỳ để đáp các tiểu bang nông nghiệp vốn bỏ phiếu cho Trump.    

Việt Nam 

Việt Nam chưa bị Trump trực tiếp chĩa mũi dùi như trường hợp EU và Mexico. Tuy nhiên con trai và cố vấn thân cận Eric Trump đã gọi Việt Nam “lừa đảo” nước Mỹ; cố vấn cao cấp về thương mại Peter Navarro liệt kê Việt Nam vào danh sách các nước cần bị đánh thuế để cải sửa thâm thủng mậu dịch.

Việt Nam dùng vị trí chiến lược trong vùng Đông Nam Á để làm mồi nhử Hoa Kỳ đầu tư và mở cửa thị trường tiêu thụ cho dù Việt Nam nhận làm nước trung chuyển hàng hóa Trung Quốc trốn thuế của Trump. Biden ve vãn Hà Nội nên ký kết quan hệ chiến lược toàn diện mặc dù biển Đông được liệt kê vào cuối bản cho thấy Hà Nội lo sợ phật lòng Bắc Kinh hơn hài lòng Hoa Kỳ.

Trump mang dòng máu thương gia đổi chác (transactional) nên có thể sẽ thương lượng đòi những nhân nhượng cụ thể từ phía Việt Nam liên quan đến an ninh biển Đông nếu muốn tiếp tục cán cân mậu dịch, thí dụ sử dụng Cam Ranh, hay tăng chi phí quốc phòng mua vũ khí Hoa Kỳ. Bù lại Trump có thể chấp nhận phần nào Việt Nam làm trạm trung chuyển cho Trung Quốc vì Hoa Kỳ cần mua hàng giá rẻ để vật giá ở Mỹ không tăng vọt. Trump có thể tăng thuế trên các mặt hàng dán nhãn Việt Nam nhưng nguồn gốc từ Trung Quốc, hay ngược lại Trump cũng có thể đánh thuế diện rộng đối với Việt Nam 65% ngang hàng với Trung Quốc do báo chí Mỹ nhận xét Việt Nam ít khả năng trả đủa Hoa Kỳ. Việt Nam dù hứa hẹn mua máy bay dân sự Boeing, máy bay quân sự Lockheed, đậu nành, thịt gà, than đá từ Mỹ thì lượng hàng mua vào không bù đắp được với thâm thủng mậu dịch từ phía Hoa Kỳ nay lên đến 102 tỷ USD. Hà Nội cũng không dám hứa lèo vì nhiệm kỳ lần này của Trump sẽ kéo dài cho đến năm 2029.

Bài 6 sẽ bàn về chiến tranh thương mại từ phía Mỹ.

 

  

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thursday, January 2, 2025

Trump 2.0 và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: phía Trung Quốc (Bài 4)

Bài này viết về Trung Quốc vốn là đối tác hàng đầu của Mỹ với cán cân mua bán chênh lệch 279 tỷ USD. Trump đe dọa đánh thuế 60% lên các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ-Trung lệ thuộc và buộc chặt vào nhau (người Mỹ gọi là joined at the hips) nên chiến tranh thương mại xảy ra giữa hai nước này đang làm thay đổi mậu dịch toàn cầu.

Bên phía Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện có hai luồng dư luận trái chiều: người Tàu cho rằng Tập Cận Bình đã quá vội vã thách thức Hoa Kỳ trong khi Trung Quốc chưa đủ mạnh; dân Mỹ lại đánh giá Hoa Kỳ chậm trễ nên đánh mất cơ hội chận đứng đà tiến lên của Trung Quốc. 

Riêng trong chiến tranh mậu dịch phía Mỹ lại còn thêm 2 ý kiến: một bên cho rằng chính sách ngoại thương dù là “vườn hẹp, rào cao” thời Biden hay hàng rào thuế quan của Trump cũng đều không chận đứng được các công ty Tàu luồn lách cửa sau nên kết quả chỉ có dân Mỹ chịu thiệt thòi do giá cả hàng tiêu dùng tăng, chênh lệch mậu dịch không giảm mà ngành sản xuất trong nước cũng không lên; phe còn lại đánh giá chiến tranh mậu dịch xảy ra trong lúc này là thời cơ thuận tiện vì nền kinh tế Trung Quốc đang èo uột nhất kể từ thập niên 1990 cho đến nay.

Trung Quốc hiện đang rơi vào suy thoái do khủng hoảng địa ốc cùng các khoảng nợ khổng lồ và mờ ám ở những địa phương. Giá nhà tụt dốc trong khi tài sản của dân Tàu đầu tư 80% vào địa ốc nên dân chúng không dám tiêu xài. Dân số giảm khiến mãi lực kém. Tập Cận Bình chủ trương kích cung thay vì kích cầu để phục hồi nền kinh tế. Tiêu thụ nội địa sụt giảm nên kinh tế Trung Quốc càng lệ thuộc vào xuất khẩu. Nếu chiến tranh mậu dịch xảy ra ước tính GDP Trung Quốc sẽ rơi thêm 1.5-2% so với tăng trưởng hiện thời là 5% (nhiều người cho rằng tăng trưởng thực chỉ 2-3% hay ngay cả số âm.)

Hàng hóa ứ đọng không bán sang Mỹ thì phải đổ dồn sang EU và khối các nước phương Nam (Global South). Kinh tế EU lại đang èo uột, EU và các nước đang phát triển lo sợ hàng Trung Quốc phá giá giết chết doanh nghiệp nội địa nên sẽ phải dựng hàng rào thương mại hay thuế quan ngăn chận - trường hợp gần đây khi hàng Temu không được thông quan vào Việt Nam là thí dụ điển hình. Nhiều nước không những lo trả đũa Trump mà còn phải chận đứng hàng Trung Quốc tạo căng thẳng với cả Tàu lẫn Mỹ khiến nền mậu dịch toàn cầu chịu nhiều áp lực. Nước nào đi hai hàng đều loạng choạng vì cứ phải chàng hãng ngày càng xa. 

Nền kinh tế Trung Quốc yếu kém không có nghĩa là Trung Quốc kém nguy hiểm. Bắc Kinh bắn loạt đạn đầu tiên trả đũa bằng cách phong tỏa xuất cảng đất hiếm sang Hoa Kỳ, theo dõi Nvidia và đặt 10 công ty Mỹ liên hệ đến quốc phòng vào danh sách đối tác không đáng tin cậy (unreliable entity list) gồm Boeing, Raytheon, Lockheed Martin…)

Dân Tàu không tiêu xài mà gửi tiền vào ngân hàng giúp cho thị trường tài chính Trung Quốc không thiếu vốn cho dù gánh nhiều nợ xấu. Nhờ vậy mà khủng hoảng nhà đất Trung Quốc không lây lan kiểu Mỹ 2007-08. Tiết kiệm của dân Tàu lên đến 43% GDP (trong lúc tiết kiệm ở Mỹ là 19% GDP) cho nên thị trường tài chính bên Tàu mỗi năm thu vào 8000 tỷ USD - một con số không thể tưởng tượng nổi. Trước đây các địa phương đầu tư vào ngành nhà đất nên địa ốc chiếm đến 30% GDP Trung Quốc (so với 20% bên Mỹ); nay không xây cất nhà và đô thị thì Bắc Kinh chuyển hướng đầu tư vào công nghệ tiên tiến của thế kỷ 21 - tức là chính sách của Tập Cận Bình chú trọng kích cung thay vì kích cầu.

Bắc Kinh huy động đầu tư vào đất hiếm, năng lượng xanh, xe hơi điện, sản xuất chip điện toán và trí tuệ nhân tạo. Trung Quốc hiện chiếm ưu thế áp đảo về sản xuất đất hiếm, pin điện, điện gió và mặt trời đủ sức phong tỏa hay bán phá giá giết chết cạnh tranh từ Tây Phương. Xe hơi điện và 5G (Huawei) bị ngăn chận không cho vào Âu-Mỹ thì bán sang Nga, Đông Nam Á, Trung Đông, Phi Châu và Nam Mỹ. Các nước đang phát triển lại đang cần những sản phẩm loại này với giá rẻ và phẩm chất thích hợp cho túi tiền dân chúng (thí dụ xe điện chỉ cần chạy 150km thay vì 600km bên Mỹ nên bình điện nhỏ và rẻ) nên Trung Quốc là nhà cung cấp lý tưởng - chỉ một điều là các nước phương Nam sau đó không đủ khả năng phát triển công ty nội địa cạnh tranh với hàng Trung Quốc. 

Trung Quốc ăn cắp công nghệ và đào tạo kỹ sư đuổi theo ráo riết Hoa Kỳ và TSMC Đài Loan trong ngành sản xuất chip điện toán đời mới (7nm-2nm) dùng trong trí tuệ nhân tạo và điện thoại cầm tay. Bắc Kinh lại đầu tư thêm 300 tỷ USD để sản xuất chip điện toán đời cũ nhưng cần thiết và thông dụng trong xe hơi, tivi, tủ lạnh, microwave, laptop…Dự trù trong 2-3 năm nửa chip từ Trung Quốc sẽ tràn ngập và bán phá giá thị trường so với Âu-Mỹ-Nhật. Xe hơi, tivi, tủ lạnh, microware, laptop… lại sản xuất từ Trung Quốc tạo ra thế mạnh liên kết trong dây chuyền sản xuất. Trung Quốc đang trở thành nền kinh tế “trọn gói” sản xuất đủ loại mặt hàng mà ít lệ thuộc vào chuỗi cung ứng từ nước ngoài bởi vì chuỗi cung ứng trong nước cung cấp gần đủ các bộ phận từ rẻ tiền như dây điện cho đến tinh vi như chip điện toán và các nhà máy sản xuất tối tân. 

Cựu tổng giám đốc tập đoàn Google ông Eric Schmidt vào tháng 11/2024 đã phát biểu chấn động là Trung Quốc đang đuổi kịp Hoa Kỳ trong ngành trí tuệ nhân tạo. Trí tuệ nhân tạo của Mỹ ứng dụng trong mô hình ngôn ngữ lớn (Large Language Model hay LLM) theo kiểu ChatGPT, còn ở Trung Quốc ứng dụng vào sản xuất và nhận dạng an ninh. Nhờ vậy mà các nhà máy sản xuất xe hơi điện của Trung Quốc giờ này đe dọa công ty Âu-Mỹ-Nhật. Tổng giám đốc Tesla ông Elon Musk 13 năm trước chế nhạo xe hơi BYD, nay nhìn nhận xe hơi điện Trung Quốc đủ sức cạnh tranh ra thế giới và sẽ giết chết các công ty Tây Phương nếu không bị ngăn chận bởi hàng rào mậu dịch. 

Hàng hóa của Tàu bị Trump chận đánh thuế nên luồn lách sang các nước phương Nam để trốn thuế bán sang Mỹ. Cho nên chính sách giảm thiểu rủi ro (derisking) của Biden bằng cách đa phương hóa chuỗi cung ứng sang các nước như Mexico hay Việt Nam chưa chắc đã có hiệu quả vì gốc ngọn vẫn từ Trung Quốc. Nhờ 300-500 triệu người gốc Tàu có mặt trên khắp thế giới nên Bắc Kinh lúc nào cũng tìm ra ngõ ngách chống phong tỏa hay trốn thuế, nhu cầu đa phương hóa chuỗi cung ứng toàn cầu của Mỹ lại tạo cơ hội cho Trung Quốc nới rộng vòng tay bạch tuộc siết chặt nhiều nước phương Nam như Mexico và Việt Nam vào quỹ đạo kinh tế của Bắc Kinh.

Biden ve vãn đồng minh và các nước phương Nam nên không ngăn chận những ngỏ luồn lách này. Trái lại Trump dọa tăng thuế 60% đối với Trung Quốc và 20% đối với các nước còn lại, riêng hai nước Mexico và Việt Nam là hai trạm trung chuyển hàng đầu có thể bị thuế cao hơn. 

Cho nên giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc mỗi bên đều có thế mạnh hay yếu. Trung Quốc cho rằng điều đình với Trump dễ hơn so với Biden vì Trump gốc thương mại nên biết đổi chác linh hoạt (transactional) thay vì ngoan cố giáo điều (dogmatic). Chiến tranh mậu dịch thắng thua không những nhờ vào đòn phép, nội lực mà còn giữa ý chí của Trump và Tập bên nào lì lợm chịu đòn nhiều hơn. Trump và Tập lại cứng đầu và đầy tự tin không ai kém ai.  

Bài tới sẽ bàn về 3 đối tác còn lại mà Hoa Kỳ đang thâm thủng mậu dịch nhiều nhất chỉ sau Trung Quốc: EU (208 tỷ USD) , Mexico (152) và Việt Nam (104).













Thursday, December 26, 2024

Trump 2.0 và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. So sánh giữa Biden và Trump (Bài 3)

Nói ngắn gọn trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung thì Biden đánh điểm nhọn còn Trump đánh diện rộng. Chính sách của Biden là “vườn nhỏ, rào cao” (small yard, high fence) tập trung mũi nhọn ngăn chận đà tiến của Trung Quốc trong hai ngành công nghệ chiến lược của thế kỷ thứ 21 là điện toán và trí tuệ nhân tạo. Trong khi đó Trump đe dọa áp thuế 60% trên diện rộng lên toàn bộ các mặt hàng từ Trung Quốc.

***

Biden vẫn có phần đánh diện rộng vì không hủy mức thuế 25% của Trump lên 350 tỷ USD các mặt hàng từ Trung Quốc mà còn tăng thuế sắt thép, ngành năng lượng tái tạo và 100% lên xe hơi điện từ Trung Quốc. Nhưng trọng tâm chính sách của Biden qua lời phát biểu của cố vấn an ninh quốc gia Jack Sullivan vào tháng 10/2022 rằng Mỹ không chỉ dẫn đầu mà còn phải vượt lên càng xa càng tốt trong cuộc chạy đua về công nghệ điện toán và trí tuệ nhân tạo so với Trung Quốc [1]: 

o Tháng 08/2022 Hoa Kỳ thông qua ngân sách 52 tỷ USD hỗ trợ cho các công ty sản xuất chip điện toán trong nước Mỹ.

o Tháng 10/2023 bộ Thương Mại Hoa Kỳ ngăn cấm bán các cơ phận sản xuất và loại chip điện toán tối tân đối với 140 các công ty quốc doanh, bán quốc doanh hay liên hệ đến quốc phòng ở Trung Quốc.

o Tháng 03/2024 ngăn cấm bán các chip điện toán tối tân nhất dùng trong trí tuệ nhân tạo sang Trung Quốc. 

o Tháng 12/2024 chuẩn bị đối phó với Trung Quốc đầu tư tràn ngập thị trường đối với loại chip hạng trung bình nhưng thông dụng trong sản xuất xe hơi, tivi, tủ lạnh, v.v… 

o Bắc Kinh đã trả đũa bằng cách phong tỏa sản xuất các sản phẩm đất hiếm bán sang công ty Mỹ. 

Dù bị cấm vận nhưng công ty Huawei đã tạo bất ngờ vào tháng 08/2023 rồi 11/2024 với điện thoại cầm tay Mate 60 & 70 trang bị loại chip 7nm sản xuất từ nội địa cho thấy Trung Quốc tiến bộ nhanh hơn 2-3 năm so với các dự đoán của Mỹ. Tháng 11/2024 cựu tổng giám đốc công ty Google ông Eric Smith trước đây cho rằng Trung Quốc chậm trễ 2-3 năm trong ngành trí tuệ nhân tạo, nay nhận xét nước này đang bắt kịp và có thể qua mặt Hoa Kỳ trong lãnh vực AI cực kỳ quan trọng này. Một điều đáng nói là trong khi thế giới chú ý nhiều đến loại AI tạo sinh (hay generative AI theo kiểu ChatGPT) thì Bắc Kinh từ nhiều năm nay đầu tư ồ ạt vào AI ứng dụng trong sản xuất và an ninh nhận diện; điều này giúp cho Trung Quốc hiện thời dẫn đầu sản xuất ngành công nghệ xanh và xe hơi điện. Tổng giám đốc Tesla ông Elon Musk 13 năm trước đây từng chê xe hơi của BYD, nay nhìn nhận rằng sản phẩm BYD đủ sức cạnh tranh ra quốc tế, và nếu Âu-Mỹ không dựng hàng rào thuế quan thì xe hơi sản xuất từ Trung Quốc sẽ giết chết những công ty Tây Phương.

Lý do khiến chính sách phong tỏa sản phẩm công nghệ của Biden kém hiệu quả là từ lúc tuyên bố cho đến khi áp dụng cấm vận chậm lụt mất một năm trời để thảo luận bàn cãi với chính quyền Âu-Nhật cùng các công ty tư nhân; lắm thầy thối ma cho nên Trung Quốc chuẩn bị đủ thời giờ để mua tích trữ hệ sản phẩm cần thiết dùng trong sản xuất nội địa. Chính sách của Biden cũng không ngăn chận hàng hóa Trung Quốc chạy sang Mexico và Việt Nam dán nhãn trốn thuế khiến thâm thủng mậu dịch giữa Mỹ và hai nước này tăng vọt lên đến 152 tỷ USD và 105 tỷ USD vào năm 2023.

***

Trung Quốc như con thuồng luồng 100 đầu nên chận ngõ này thì luồn lách sang hướng khác (Mỹ gọi là whack-a-mole). Nhưng đối với Trump thì các đối thủ chính trị như Trung Quốc hay những nước đồng minh như Âu Châu, Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan…đều lợi dụng Hoa Kỳ nên Trump sẽ đánh thuế trên diện rộng 60% lên các mặt hàng từ Trung Quốc cùng các nước nhận làm trung gian và 20% đối với các nước còn lại. Cho dù Mỹ buôn bán với hơn 200 nước và lãnh thổ trên thế giới, nhưng cố vấn cao cấp và diều hâu về thương mại Peter Navarro nhận xét chỉ cần nhắm áp thuế 5 nước chính (Trung Quốc hạng 1, Mexico hạng 2 và Việt Nam hạng 3) thì cũng chỉnh đốn được phần lớn cán cân mậu dịch. 

Các kinh tế gia cho rằng thuế nhập khẩu sẽ khiến giá cả gia tăng khiến người tiêu thụ ở Mỹ bị thiệt hại. Tuy nhiên dân Mỹ tiêu thụ quá nhiều, thí dụ mỗi người đã có 20 đôi giày thì nay bớt mua còn 18 đôi vẫn đủ xài suốt đời. Chương trình trọn gói của Trump có thể tóm tắt như sau:

1. Trump cắt thuế thu nhập để dân Mỹ có đủ tiền tiêu xài ngay cả nếu giá hàng đắt hơn. 

2. Trump tăng sản xuất dầu hỏa và khí đốt để dân Mỹ bớt tốn tiền đổ xăng, đồng thời bán nhiên liệu ra nước ngoài bù đắp cho thâm thủng mậu dịch.

3. Trump giảm thuế doanh nghiệp và các quy định nhà nước. Thuế thấp, giá điện rẻ và giám sát dễ dãi sẽ thu hút công ty trong và ngoài nước đầu tư tạo công ăn việc làm cho dân Mỹ. 

4. Mức thuế 60-20% chỉ như lá bài đầu dùng trong thương lượng. Thị trường tài chính hiện dự trù mức thuế cuối cùng ở khoảng 25-30%, do đó mà giá chứng khoán tiếp tục tăng cho dù có Trump có đe dọa chiến tranh thương mại. 

Bài viết kế tiếp sẽ bàn về thế mạnh và yếu của hai nền kinh tế Mỹ-Trung trong cuộc chiến tranh thương maị. 

***

[1] https://www.whitehouse.gov/briefing-room/speeches-remarks/2022/09/16/remarks-by-national-security-advisor-jake-sullivan-at-the-special-competitive-studies-project-global-emerging-technologies-summit/?utm_source=chatgpt.com

…we (the US) must maintain as large of a lead as possible… 


Friday, December 20, 2024

Trump 2.0 và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Việt Nam trong tầm đạn (bài 2)

Bài viết trước nhận xét Việt Nam đã né được phát súng đầu tiên khi tổng thống đắc cử Donald Trump chĩa mùi dùi thuế quan vào Trung Quốc, Mexico và Canada. Nhưng chỉ một tuần lễ sau đó Việt Nam lại rơi vào tầm đạn khi Eric Trump – con trai và cận thần của ông Trump - tuyên bố Việt Nam đã “móc túi” (ripped off) nước Mỹ [1].

Tưởng cũng nên nhắc lại tập đoàn Trump Organization ký kết nhiều dự án xây cất khách sạn và sân golf ở Âu Châu, Ấn Độ và Việt Nam (ngay trong tỉnh Hưng Yên của tổng Tô Lâm). Để tránh tai tiếng lợi dụng quyền thế chính trị cho lợi lộc dòng họ nên Eric Trump tuyên bố các nước đừng hòng mua chuộc ông ta để được ưu đãi với chính quyền Trump [2] - tuy nói dậy mà không biết có như dậy hay không phải dậy thật là khó hiểu.

Dù sau thì Việt Nam có cán cân mậu dịch chênh lệch 104 tỷ USD với Mỹ đứng hàng thứ 3 trên thế giới chỉ sau Trung Quốc và Mexico (hoặc hàng thứ 4 nếu tính luôn khối EU) nên khó lòng tránh khỏi bị áp thuế. Ông Peter Navarro được chọn làm cố vấn cao cấp về mậu dịch vốn có lập trường diều hâu đã viết trong Project 2025 rằng Hoa Kỳ chỉ cần chỉnh sửa thuế nhập khẩu với 13 quốc gia đầu sổ thì cũng đủ để phục hồi cán cân mậu dịch.

Trong số 13 nước này riêng ở vùng Đông Nam Á có Việt Nam nổi trội nhất (99.8 tỷ USD năm 2022) bỏ xa Thái Lan (36.6 tỷ USD) Mã Lai (30.9 tỷ USD) và Indo (21.1 tỷ USD). Báo Mỹ cho rằng Việt Nam có triển  vọng bị áp thuế vì Việt Nam có ít khả năng trả đũa so với Tàu hay Mexico. Vì mũi dùi chĩa vào Việt Nam nên nhiều công ty nước ngoài đang rục rịch dọn sang Cambodia, Ấn Độ và Mã Lai [3].

Thời Biden muốn ve vãn Việt Nam nghiêng về phía Mỹ cho nên chính quyền Biden không nhắc nhở gì đến thâm thủng mậu dịch đang trên đà tăng vọt với Việt Nam. Bộ Tài Chính Hoa Kỳ kết luận Việt Nam không thao túng mậu dịch (11/2023). Bộ trưởng Tài Chính bà Yellen muốn Mỹ đầu tư vào Việt Nam để đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu (06/2024). Bộ trưởng Thương Mại bà Raimondo ủng hộ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách của các nền kinh tế phi thị trường (08/2024). Ngược lại Hà Nội hù dọa việc Mỹ không công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đã tổn hại đến bang giao hai nước [4]. Cho nên Biden đích thân đến Hà Nội dưới ngọn cờ đỏ sao vàng ký nâng quan hệ giữa hai nước lên hàng đối tác chiến lược toàn diện với Nguyễn Phú Trọng thì an ninh biển Đông rơi vào hạng mục cuối cùng của hiệp ước. Trước đó thì Việt Nam cũng đã loan báo nâng cấp quan hệ ngoại giao với Úc và Singapore nhằm trấn an Tập Cận Bình rằng câu chuyện đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ chẳng có gì là ầm ĩ.

Ngược lại Trump là thương gia trước khi thành chính trị gia nên muốn làm bạn tốt không được chơi xấu. Trump chẳng cần lịch sự ngoại giao mà thẳng thừng lên án Âu Châu ăn quịt, Đài Loan ăn cắp công nghệ, Nam Hàn hà tiện còn Việt Nam ăn gian hơn cả Tàu, vậy mà được dân Mỹ ủng hộ. Con trai Eric Trump nay cho rằng Việt Nam móc túi nước Mỹ. Trong nhiệm kỳ đầu chính quyền Trump hỗn loạn vì gặp nhiều chống đối của nhà nước ma (deep state) gồm các thành phần ưu tú (elites) và thư lại hành chánh (bureaucracy), nay trải qua 4 năm chuẩn bị nên hứa hẹn sẽ đánh đẹp ngay trong tuần lễ đầu tiên sau ngày nhậm chức.

Năm 2018 chênh lệch mậu dịch Việt-Mỹ lên đến 39 tỷ USD nên sau đó vào 2019 Nguyễn Phú Trọng hứa với Trump đặt hàng 20 tỷ USD [5] mua máy bay Boeing, than đá, đậu nành, v.v… Hứa nhiều mà mua ít nhờ độc trùng Vũ Hán rồi Trump bị thất cử năm 2020.

 

Năm 2023 chênh lệch mậu dịch Việt-Mỹ tăng vọt là 105 tỷ USD. Nếu giữ theo tỷ số 50% thì Tô Lâm sẽ phải hứa mua 50-70 tỷ USD hàng Mỹ. Khác biệt lần này là ông Trump sẽ ở Tòa Nhà Trắng trong 4 năm sắp tới nên không dám hứa lèo, mà Việt Nam cũng không đủ tiền hay đủ sức tiêu thụ lượng hàng hóa khổng lồ như vậy. Chỉ còn cách Việt Nam phải nỗ lực chận hàng dán nhãn từ Trung Quốc nếu không muốn bị áp thuế ở mức 60%. Thị trường tiêu thụ bên Tàu đang giảm do kinh tế suy thoái, thị trường xuất khẩu từ Tàu lại bị Trump đe dọa áp thuế thì công ty Trung Quốc chỉ còn cách tiếp tục bơm hàng sang Việt Nam, Đông Nam Á, Mexico…tạo thêm căng thẳng giữa các nước này với cả Tàu lẫn Mỹ.

Bài tới sẽ tìm hiểu sâu hơn về khác biệt giữa hai chính sách thương mại thời Biden và Trump.

***

[1] Vietnam's soaring US trade surplus stokes new fears of Trump tariffs. Reuters 12/06/2024

[2] Eric Trump says he’s “wrong guy” to gain US favor amid deal push. BNN Bloomberg 12/13/2024

[3] The unintended consequence of tariff. New York Times 12/17/2024

[4] U.S. keeps Vietnam as non-market economy, despite effort to woo Hanoi. Reuters 08/02/2024

[5] U.S.-Vietnam trade deal signed before North Korea summit. UPI 02/27/2019

 

 

Sunday, December 1, 2024

Trump 2.0 và Chiến Tranh Mậu Dịch: Việt Nam né được phát súng đầu tiên (bài 1)

Trung Quốc, Mexico và Việt Nam hiện dẫn đầu thâm thủng mậu dịch với Hoa Kỳ với con số ấn tượng của mỗi nước vào năm 2023 là $279, $152, và $105 tỷ USD. Mexico và Việt Nam là hai nước hưởng lợi nhiều nhất trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nhờ làm trạm trung chuyển cho Trung Quốc đầu tư sản xuất hay dán nhãn rồi xuất cảng sang Hoa Kỳ để tránh thuế Trump 1.0.

Vậy mà Việt Nam tránh né được phát súng đầu tiên của Trump sau ngày đắc cử trong khi Trump đe dọa tăng thuế 25% đối với Mexico & Canada và 10% với Trung Quốc. Trước đó chỉ một tháng (tức là vào tháng 10 trước bầu cử Mỹ 11/2024) Chủ tịch nước Tô Lâm đã ký thỏa thuận cho tập đoàn Trump Organization đầu tư 1.5 tỷ USD vào khách sạn và sân golf ở tỉnh nhà Hưng Yên. Biết đâu nhờ đó mà Việt Nam thoát nạn lần này!

Điểm đáng lưu ý là Trump dọa tăng thuế nhập cảng để cảnh cáo Mexico & Canada không ngăn chận làn sóng di dân bất hợp pháp còn Trung Quốc thả lỏng buôn lậu thuốc phiện fentanyl vào Mỹ. Trump dùng hàng rào thuế quan lần này nhằm vào các mục tiêu chính trị nội bộ thay vì mậu dịch toàn cầu. Lại biết đâu nhờ đó mà Việt Nam thoát nạn lần này vì không can thiệp vào nội tình chính trị của Mỹ.

Ngay sau lời tuyên bố của Trump thì Ottawa đã vội vã bắn tiếng Canada là “bạn tốt hơn Mexico” (better than Mexico). Canada không phải là trạm trung chuyển cho hàng hóa Trung Quốc và đã đánh thuế 100% lên xe hơi điện từ Hoa Lục, tức là phù hợp với chính sách mậu dịch của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc. Tổng Thống Mexico trả đũa rằng Canada nhập cảng xe hơi điện từ Trung Quốc nhảy vọt lên đến 1.6 tỷ USD vào năm 2023 tức là cao hơn rất nhiều so với Mexico [1].

Trường hợp tương tợ đã từng xảy ra ở Đông Nam Á khi Mã Lai bắn tiếng nếu có chiến tranh thương mại thì Việt Nam phải bị đánh thuế cao vì rành rành là trạm trung chuyển cho hàng hóa Trung Quốc, trong khi hàng Mã Lai là do đầu tư nội địa hay của các công ty Mỹ lẫn Tàu nên cần giảm thuế ít hơn [2]. Việc các nước đâm chọt lẫn nhau để tránh hàng rào thuế quan của Trump 2.0 sẽ xảy ra. 

***

Lãnh đạo Việt Nam rất khôn ngoan nhờ quen thoái đút lót nên “tiền đi trước là tiền khôn”. Năm 2019 Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sang Hoa Kỳ hứa hẹn mua máy bay Boeing, khí đốt và đậu nành để giảm thâm thủng Việt-Mỹ,  nhưng hứa nhiều mà mua ít vì sau đó là dịch Covid và Trump thất cử năm 2020. Việt Nam bị Trump nhận xét là “gian lận còn hơn Tàu” [3] rồi liệt vào hàng các nước thao túng ngoại tệ vào năm 2020, nhưng đến năm 2021 Biden rút lại kết luận này. Biết đâu Trump 2.0 sẽ khơi lại các chuyện cũ nói trên.

Thời Biden hãng Vinfast đã hứa hẹn đầu tư sản xuất xe hơi điện ở North Carolina để phù hợp với chính sách tạo công ăn việc làm của Mỹ, nhưng rồi cù cưa kéo dài cho đến ít nhất năm 2028 hay ngay cả hủy bỏ dự án này nếu Trump không còn chú trọng vào công nghệ xanh. Nhưng Việt Nam và Vinfast có thể sẽ rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan do đảng Cộng Hòa đang cần tạo công ăn việc làm ở North Carolina chuẩn bị cho tranh cử Quốc Hội (2026) và Tổng Thống (2028). North Carolina là một trong số các tiểu bang dao động (swing state) nhưng từng bỏ phiếu cho Trump vào những năm 2016, 2020 và 2024.

Người ta có thể trông đợi lãnh đạo Việt Nam lại sang Mỹ ký kết mua máy bay 737/787 Boeing hay F-16 Lockheed, khí đốt, than đá, đậu nành, nhà máy điện nguyên tử. Nhưng Việt Nam thận trọng hơn vì Trump 2.0 kéo dài 4 năm tới đây nên không dám hứa lèo lần thứ hai. Cán cân thâm thủng mậu dịch Việt-Mỹ nay nhảy vọt lên hàng thứ 3 và Việt Nam nổi tiếng dán nhãn cho hàng Trung Quốc nên không khỏi bị Quốc Hội, Bộ Giao Thương và Bộ Tài Chính rọi đèn xem xét tăng thuế hay bị liệt vào hàng thao túng ngoại tệ.

Trong quyển sách “The Art of the Deal” của Trump có kể lại câu chuyện Trump biết một nhân viên quản lý chung cư (apartment manager) ăn cắp tiền của mình nhưng không đuổi việc vì tay này có bản lãnh thu tiền hàng tháng đúng hạn từ giới giang hồ thuê mướn phòng mà không bị trễ nải. Cho nên Trump có thể nhân nhượng cho dù Việt Nam “gian lận còn hơn Tàu” nhưng lại có chỗ dùng!

Lãnh đạo Việt Nam rất khôn khéo đu dây giữa Âu-Mỹ lẫn Nga-Tàu. Biết đâu uy tín Việt Nam sẽ nổi lên như cồn nếu Việt Nam được chọn làm địa điểm hòa đàm quốc tế về chiến tranh Ukraine. Hòa đàm Paris ký (rồi bị vi phạm) để Mỹ rút lui khỏi Việt Nam, nay hòa đàm Hà-Nội ký (rồi lại bị vi phạm) nhưng để Trump rút khỏi Ukraine sẽ là một trường hợp lịch sử tái diễn một cách trớ trêu, lần thứ nhất là một bi kịch và lần thứ nhì là một thảm kịch.

Chỉ không biết là ông Trump có tin dị đoan hay không: năm 2019 ông Trump cắt ngắn hội đàm với Kim Jong Un ở Hà Nội nên không biết ông còn muốn trở lại Hà Nội cho hòa đàm Ukraine không. Các ông bà mua bán đất đai đều tin phong thủy, riêng tỷ phú địa ốc Trump có tin hay không?

Loạt bài tới đây về “Chiến Tranh Thương Mại Mỹ-Trung trong thời đại Trump 2.0” sẽ không liên tục mà chia ra rải rác trong thời gian sắp tới với hy vọng đúc kết cho cả người viết lẫn người đọc các diễn biến nóng hổi của một đề tài thời sự rất quan trọng này.


***

[1] Trump’s tariff threat pits Canada against Mexico. New York Times 11/26/2024

[2] World fears a wider trade war. Malaysia sees an opportunity. New York Times 11/15/2024

[3] Trump says Vietnam worse than China on trade. Business Standard 06/26/2019

Wednesday, August 28, 2024

Tìm hiểu Tư Tưởng Tập Cận Bình

Năm 2012 Tập Cận Bình được bầu làm Tổng Bí Thư Trung Ương Đảng; năm 2013 trở thành Chủ Tịch Nước; đến năm 2018 tư tưởng Tập Cận Bình được chính thức mang vào Hiến Pháp với tên gọi “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội với đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới”. Tập Cận Bình đem lại nhiều thay đổi sâu sắc trong xã hội Trung Quốc, mối bang giao Mỹ-Trung và nền trật tự thế giới. Cho dù nhiều người nhận xét các tuyên bố hay sách vở viết về Tập chỉ nhằm tuyên truyền tô bóng lãnh tụ nhưng ít nhiều vẫn thể hiện những suy nghĩ của Tập trong chính sách đối ngoại và đối ngoại nên cần được tìm hiểu nghiêm chỉnh. 

Điểm đáng nói là trước khi lên nhậm chức Tập không hề hé lộ tham vọng sẽ trở thành một lãnh tụ tập trung nhiều quyền lực như hiện thời. Các nhà quan sát cho rằng việc Tập được chọn làm Tổng Bí Thư rồi Chủ Tịch Nước là một dàn xếp “an toàn” trong nội bộ đảng và giữa các Thái Thượng Hoàng sắp sửa rút lui về hậu trường, với lý do vì Tập không nổi bật trong giới thái tử đảng (so với Bạc Hy Lai) nên Tập sẽ phải chia xẻ quyền lực với các thế lực khác trong cơ chế lãnh đạo tập thể (collective leadership) do Đặng Tiểu Bình đề ra kể từ khi Đổi Mới nhằm ngăn ngừa không cho quyền hành tập trung vào một cá nhân theo kiểu Mao Trạch Đông như trước đây. Vì Tập đã từng được chọn làm thị trưởng của thành phố thương mại Thượng Hải nên Tây Phương hy vọng Tập sẽ tiếp tục kinh tế thị trường và chính sách cởi mở như dưới thời Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Nhiều nhà đối lập mong mỏi Tập sẽ cởi mở với các tôn giáo nói chung và đức Đạt Lai Lạt Ma nói riêng vì vợ của Tập là tín đồ Phật Giáo Tây Tạng. 

Tập là con trai của khai quốc công thần Tập Trọng Huân. Khi cha bị thanh trừng trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa thì Tập và gia đình sống nghèo khổ trong hang động. Đến khi Đặng Tiểu Bình thi hành chính sách đổi mới thì Tập mới đi học trở lại, sau đó gia nhập đảng rồi thăng tiến dần trong các cấp bậc chính trị ở những tỉnh vùng duyên hải như Chiết Giang, Thượng Hải. Tập được bầu vào Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị năm 2007, lên Phó Chủ Tịch nước năm 2008 rồi nắm các chức vụ tối cao vào năm 2011-12.   

Biến cố Bạc Hy Lai vào năm 2012 tạo một cơn chấn động trong nội bộ đảng cộng sản Trung Quốc. Tập Cận Bình nhân cơ hội này siết chặt kỷ luật đảng theo mô hình Lê-nin-nít (hay Mao-ít) bài trừ tham nhũng vì xem đây là quốc nạn đe dọa mối sinh tồn của đảng. Tập nhân đó loại bỏ các phe cánh đối thủ, siết chặt kỷ luật đảng để trở thành “nhà lãnh đạo hạt nhân” kể từ năm 2016. Đặng Tiểu Bình và Tập Cận Bình giống nhau ở chỗ cả hai đều muốn duy trì quyền lực độc tôn của đảng Cộng Sản Trung Quốc, nhưng giữa Đặng và Tập có hai khác biệt cơ bản: 

1.      Đặng chủ trương “Mò đá qua sông” vì lúc Đổi Mới vào cuối thập niên 1980-90 không ai biết đảng cộng sản sẽ tồn tại song song với tư bản và kinh tế thị trường như thế nào. Cho nên Đặng tuy duy trì quyền lực chính trị ở trung ương nhưng trao nhiều quyền hạn kinh tế rộng rãi cho các địa phương để thử nghiệm những sáng kiến mới trong các đặc khu kinh tế như ở Thẩm Quyến và Thượng Hải, rồi nếu thành công mới mang áp dụng rộng rãi sang các khu vực khác. 

Đến thời Tập thì Trung Quốc đã trở thành cường quốc kinh tế trong khi Hoa Kỳ bị sa lầy về chính trị và quân sự ở Iraq và Afghanistan, suy thoái về kinh tế do cuộc đại khủng hoảng tài chính năm 2007-08. Bắc Kinh không cần dọ dẫm như thời Đặng trái lại tự tin rằng đảng Cộng Sản Trung Quốc đã sáng suốt lãnh đạo Trung Quốc liên tục ổn định và phát triển trong suốt 30 năm. “Đồng Thuận Bắc Kinh” (Peking consensus) nay cạnh tranh ngang hàng với “Đồng Thuận Hoa Thịnh Đốn” (Washington consensus”). Bắc Kinh không cần “dấu ánh đèn trong đống trấu” như thời Đặng mà phô trương sức mạnh kinh tế, chính trị và quân sự trong cuộc tranh hùng Mỹ-Trung vào thế kỷ thứ 21. Do thành quả sáng chói của đảng Cộng Sản đã được chứng minh thì tầng lớp cán bộ đảng viên và thành phần nồng cốt trong xã hội (tức là các chủ tập đoàn và công ty) phải được chỉnh đốn để không còn tình trạng suy đồi trong đạo đức (chống xa hoa thoái hóa, chống tham nhũng) và chao đảo về lập trường giữa các khuynh hướng bảo thủ hay cấp tiến, giữa tự do cá nhân hay xã hội hài hòa (harmonious society), giữa tam quyền phân lập hay tập quyền đảng trị, giữa tự do kinh doanh hay nhà nước chỉ đạo. 

Cho nên khác biệt cơ bản đầu tiên là thời Đặng thực tiễn (pragmatic), thời Tập giáo điều (dogmatic). 

2.      Khi Đặng cho phép các địa phương thử nghiệm những sáng kiến kinh tế đã dẫn đến hai hệ lụy: (a) quyền lực kinh tế bị chia ra sang các lãnh chúa và thế lực địa phương, và (b) tạo hố sâu giàu nghèo giữa các thành thị vùng duyên hải và trong đất liền nội-Trung. Đặng lại chủ trương mô hình lãnh đạo tập thể (collective leadership) nhằm ngăn ngừa quyền lực không tập trung vào một lãnh tụ như Mao Trạch Đông khiến Trung Quốc rơi vào bạo loạn và nghèo đói như dưới thời Cách Mạng Văn Hóa. 

Khi Tập lên chức chủ tịch nước năm 2012 thì tổng số nợ ở Trung Quốc đang trên đà tăng vọt lên đến 300% GDP năm 2024, phần lớn nợ xấu trong ngành địa ốc lại do các nhà cầm quyền địa phương vay mượn hay bè phái cho tư bản thân hữu đầu tư. Cho nên dù Đại Hội Đảng lần thứ ba năm 2013 xác nhận kinh tế thị trường là nhân tố quyết định (decisive factor) phân phối nguồn vốn (capital allocation) trong xã hội, nhưng sau đó Tập kêu gọi chống tham nhũng và bài trừ lối sống xa hoa thái quá của các cán bộ đảng viên hủ hóa và tầng lớp tư bản đỏ, qua đó Tập bẻ gãy vây cánh đối thủ đồng thời làm suy yếu các tập đoàn tư bản mà tập trung quyền lực kinh tế và chính trị trở về nhà nước trung ương. Tập chủ đạo nền kinh tế, chuyển hướng dòng vốn đầu tư từ địa ốc đổi sang năng lượng xanh và các công nghệ chiến lược, chú trọng đầu tư công và vào các tập đoàn thân hữu chiến lược (như điện thoại Huawei, chip điện toán SMIC, xe hơi điện BYD…) trong khi thị trường tư nhân không còn nắm vai trò quyết định mà trở thành một trong các công cụ thi hành đường lối đảng.  

Cho nên khác biệt cơ bản thứ nhì là dưới thời Đặng khế ước bất thành văn trong xã hội (social contract) là tuy độc tài đảng trị nhưng kinh tế phải phát triển và dân chúng làm ăn tương đối tự do. Thời Tập khế ước xã hội trở thành người dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng vì Tập và Đảng sẽ dẫn dắt dân tộc Hán thực hiện Giấc Mộng Trung Hoa. 

Tập nay ép đặt Trung Quốc vào trong khuôn khổ của “một quốc gia, một dân tộc, một ý thức hệ, một đảng, một lãnh tụ” (one nation, one people, one ideology, one party, one leader). Bài viết tìm hiểu tư tưởng Tập Cận Bình, bắt đầu bằng lãnh tụ. 

MỘT LÃNH TỤ, MỘT ĐẢNG 

Nếu Tây Phương phê bình Tập là một lãnh tụ tập quyền thì ngược lại Tập hẳn tự xem mình là đấng minh quân trị nước (sage emperor). Quân minh thần trung cho nên quân xử thần tử thần bất tử bất trung. 

Đặng và cha của Tập đều bị thanh trừng dưới thời Mao, nhưng Đặng Tiểu Bình và Tập Cận Bình đều kết luận từ bài học Liên Bang Xô Viết tan rã rằng sự ổn định, toàn vẹn và canh tân của Trung Quốc phải đi đôi với sự sống còn của đảng cộng sản. Khác biệt nơi Đặng chủ trương mô hình lãnh đạo tập thể nhằm ngăn ngừa quyền hành không cho tập trung vào một lãnh tụ tối cao kiểu Mao Trạch Đông. Cho nên đến thời Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào trong nội bộ chia ra nhiều phe phái như Đoàn Thanh Niên Cộng Sản, phe Trùng Khánh, phe Thượng Hải. 

Trái lại Tập hô hào “đả hổ diệt ruồi” để diệt cỏ diệt tận gốc các phe phái đối lập và đối thủ chính trị, trong đó có nhiều vụ nổi tiếng của Bộ Trưởng Bộ Đường Sắt Lưu Chí Vân 2013, cựu Ủy Viên Bộ Chính Trị và Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ Chu Vĩnh Khang 2014 cùng hơn 300 ngàn cán bộ đảng viên về tội tham nhũng. Tập tái lập cơ chế đảng với kỷ luật nghiêm khắc theo mô hình lãnh đạo tập trung kiểu Lê-nin-nít trong đó mọi tầng lớp đảng viên từ trên xuống dưới đều phải tuyệt đối trung thành với một lãnh đạo là Tập Cận Bình, bởi vì Tập và Đảng sẽ sáng suốt dẫn dắt dân tộc “phục hưng Trung Quốc” hoàn thành “giấc mộng Trung Hoa” vào năm 2049 trước kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. 

Cán bộ đảng viên và những thành phần nồng cốt trong xã hội (như ban giám đốc công ty công hay tư) hàng ngày đều phải học tập tư tưởng Tập Cận Bình qua ứng dụng điện thoại cầm tay để tiện bề theo dõi và kiểm điểm. Tư tưởng Tập còn được giảng dạy từ cấp bậc tiểu học đến đại học rồi hàng ngày tuyên truyền rộng rãi trên các mạng xã hội, báo chí, truyền hình. 

Tư tưởng Tập Cận Bình được chính thức ghi vào Hiến Pháp nên đảng viên và quần chúng không thể chao đảo giữa mô hình dân chủ Tây Phương và độc quyền đảng trị, giữa quyền tự do cá nhân và xã hội trật tự hài hòa, giữa tam quyền phân lập và tập quyền đảng trị, giữa tự do kinh doanh và nhà nước chỉ đạo. 

Bức Vạn Lý Tường Lửa được dựng lên để chận đứng mọi tuyên truyền bóp méo từ Tây Phương. Hai công ty mạng xã hội Alibaba và WeChat bị nhà nước kiểm soát chặt chẽ để thông tin không còn cơ hội rao truyền chống đảng.  

Khổng Giáo được phục hồi để biện minh cho xã hội trật tự hài hòa phù hợp với truyền thống lịch sử và văn hóa Trung Quốc thay vì nền dân chủ tư bản hỗn loạn và vị kỷ của Tây Phương, với hàm ý tô bóng cho vai trò lãnh đạo tối cao của đấng minh quân Tập Cận Bình. Tính chính danh (legitimacy) của nhà cầm quyền không do dân bầu mà nơi dân chúng được cơm no áo ấm, nên đảng thường xuyên nhắc nhở hơn 1 tỷ người Trung Quốc đã thoát ra khỏi cảnh nghèo đói và nền kinh tế nhảy vọt lên hàng thứ 2 trên thế giới trong thời gian kỷ lục 30 năm nhờ sự lãnh đạo của đảng. 

Điểm đáng nói là Bắc Kinh tuyên truyền so sánh Mác với Khổng Tử mà không nhắc đến Lê-nin, trái lại Tập áp dụng kỹ thuật Lê-nin-nít dùng tuyên truyền nhồi sọ, kỷ luật khắt khe, hình phạt nghiệt ngã để thuyết phục, đe dọa và cai trị. 

Chiến dịch “Đả hổ diệt ruồi” phải do Đảng phát động từ trên xuống thấp thay vì nơi phong trào quần chúng tự phát từ dưới lên trên, cho nên các nhà đối lập chống tham nhũng, bảo vệ môi trường đều bị bỏ tù rục xương về tội tiết lộ bí mật nhà nước.   

Tuyên truyền “Thịnh Vượng Chung” đã phá hố sâu giàu nghèo và những xa hoa thái quá của thành phần cán bộ tham nhũng và tư bản đỏ, nhưng lại không thể để trở thành phong trào quần chúng tự phát nổi lên đe dọa đến tăng trưởng kinh tế và quyền lực của đảng thì bị bỏ tù rục xương về tội phá rối an ninh trật tự. Lý do vì Tập đã sống qua thời kỳ “Cách Mạng Văn Hóa” đấu tố thành phần tinh hoa trong xã hội khiến Trung Quốc nghèo đói suốt nhiều thập niên. Ngày nay sự sống còn của Đảng và cuộc tranh hùng Mỹ-Trung đều lệ thuộc vào kinh tế nên tăng trưởng phải là mục tiêu hàng đầu của Đảng cho dù có sinh ra bất công trong xã hội. 

GDP Trung Quốc giảm tốc từ sau Covid; nền kinh tế bị đè nặng bởi các gánh nợ xấu ở địa phương trong ngành địa ốc; nhà cửa sụt giá, việc làm khó tìm nên dân chúng không dám tiêu xài khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ điêu đứng. Tây Phương (như kinh tế gia nổi tiếng Paul Krugman) chê Tập Cận Bình là một nhà lãnh đạo kinh tế…tồi vì không kích thích tăng trưởng bằng cách thúc đẩy tiêu thụ nội địa để nền kinh tế có cơ nguy sẽ rơi vào tình trạng suy thoái triền miên giống như Nhật Bản từ thập niên 1990 cho đến nay. Trái lại Bắc Kinh không kích cầu mà lại kích cung bằng cách đầu tư ồ ạt vào các ngành năng lượng xanh (khai thác đất hiếm, dẫn đầu thế giới về điện gió, điện mặt trời, bình chứa điện và xe hơi điện), vào sản xuất chip điện toán và trí tuệ nhân tạo khiến Âu-Mỹ hốt hoảng dựng hàng rào thuế quan chống hàng phá giá từ Trung Quốc đe dọa các công ty nội địa. 

Điều này cho thấy Tập Cận Bình tự tin lãnh đạo kinh tế mà không hề bị lung lạc bởi những lời xúi dại của các chuyên gia Tây Phương vốn không tiên liệu được cuộc Đại Khủng Hoảng Tài Chính ở Mỹ năm 2007-08. Mô hình đầu tư của đảng Cộng Sản đã thành công trong suốt 30 năm liên tục thì không thể vì các lời dèm pha của giới chuyên gia Âu-Mỹ mà đổi sang tiêu thụ. Tập lại là đấng minh quân “phụ mẫu chi dân” thì “thương cho roi cho vọt” (tức là dân chúng đòi cải tiến an sinh thì bỏ tù rục xương) chớ không “ghét cho ngọt cho bùi” thúc đẩy dân chúng tiêu xài theo kiểu Tây Phương. Thị trường địa ốc ở Trung Quốc mang thói ỷ lại (moral hazard) trong một thời gian dài khiến các địa phương và dân chúng đầu tư cẩu thả vì tin chắc sẽ được Bắc Kinh cứu vớt, nay Tập để mặc cho thị trường co thắt để quét sạch cặn bả. Đầu tư nhà nước không thể cứu trợ những doanh nghiệp đang phá sản hay dân chúng tham lam đầu tư liều lĩnh mà phải tài trợ các ngành công nghệ tiên tiến để chạy đua trong cuộc tranh hùng Mỹ-Trung vào thế kỷ 21. 

Tập giáo điều nên cho rằng nợ xấu do các chính quyền địa phương cùng tư nhân ỷ lại và thiếu giám sát nên sinh thành thói hư hỏng đầu tư cẩu thả, mà Tập không chấp nhận nguồn cội vấn đề chính nơi cộng sản độc quyền đảng trị. Tập cho rằng trong sạch hóa hàng ngũ cán bộ đảng viên bằng kỷ luật đảng và học tập, đồng thời để mặt thị trường quét sạch các đầu tư kém hiệu quả, nhưng đây chỉ là liều thuốc chữa ghẻ ngoài da cho căn bệnh ung thư. Hiểm họa cho Trung Quốc ngày nay là Tập nắm toàn bộ quyền hành nên không còn tiếng nói phản biện phê bình các sai phạm để nhắc nhở đấng minh quân là “ông vua đang cởi truồng” (the emperor has no clothes). 

Các quan sát viên Tây Phương hiện chia thành 2 phe: một bên cho rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm trong 3-5 năm tới đây để giải quyết tình trạng nhà cửa xây cất dư thừa rồi sau đó sẽ “bốc” nhanh trở lại nhờ linh hoạt tẩy xóa được cặn bã (get rid of the fat); phe còn lại cho rằng nợ xấu, nạn lão hóa và tranh chấp mậu dịch khiến Trung Quốc đầu tư dư thừa mà tiêu thụ không đủ nên sẽ rơi vào tình trạng vòng xoáy trả nợ (de-leveraging) như nước Nhật kể từ 1990. Dù sau thì cũng không ai còn dám xem thường nền kinh tế chỉ huy, khả năng huy động nhân vật lực và nguồn vốn trong nước để khuất lấp nợ xấu địa ốc mà tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng dựa vào năng lượng xanh và các ngành công nghệ tiên tiến của thế kỷ 21, cho nên khả năng Tập thành công vẫn 50/50. 

MỘT Ý THỨC HỆ, MỘT DÂN TỘC 

Các tổ sinh hoạt đảng nay thành hình trong doanh nghiệp tư nhân. Công ty tư nhân phát hành loại cổ phần vàng (golden shares) dù chỉ chiếm 1% nhưng cho phép cán bộ chính trị hiện diện và tham gia trong các quyết định quan trọng điều hành công ty. Doanh nghiệp nước ngoài chỉ được được đầu tư nếu hợp doanh với công ty Trung Quốc để chuyển giao công nghệ. Các đại công ty Apple, Tesla, Airbus được khuyến khích buôn bán ở Trung Quốc để dùng làm thước đo cho các công ty Trung Quốc như Xaomi, BYD, Comac học hỏi và cạnh tranh ở cấp độ quốc tế. Tập đoàn Huawei lớn và thành công nhất nhưng nay không còn phân biệt công hay tư. Ngân hàng và các quỹ đầu tư (investment funds) được khuyến khích cho vay hay góp vốn vào các ngành nghề công nghệ chiến lược trong Made In China 2025 và trong đại kế hoạch Vòng Đai Con Đường. Nói chung, thị trường tư nhân trở thành công cụ thi hành các mục tiêu do Đảng đề ra. 

Trong khoảng thời gian trước và sau khi gia nhập WTO Trung Quốc giải thể hay thu nhỏ nhiều công ty quốc doanh lỗ lã. Bắc Kinh khuyến khích các chuyên viên và công ty thượng thặng Âu-Mỹ như Goldman Sach, Deutsche Bank…cố vấn cho những ngân hàng nhà nước và công ty quốc doanh lớn như China Mobile, China Telecom hùn hạp hay bán cổ phần để nhận vốn đầu tư từ Tây Phương, đồng thời hữu hiệu hóa cơ chế điều hành nhằm chuẩn bị cạnh tranh ra quốc tế. Đến thời Tập các doanh nghiệp nhà nước đủ lông cánh nên vắt chanh bỏ vỏ rút ra khỏi thị trường chứng khoán Hoa Kỳ để không phải công khai hóa nhiều dữ kiện kinh doanh thuộc loại “bí mật nhà nước” theo những quy định của cơ quan giám sát SEC bên Mỹ. 

Ý thức hệ Mác-Xít nhưng tuyên truyền cho chủ nghĩa Đại Hán. Cựu ngoại trưởng thời Tập là Dương Khiết Trì thể hiện quan điểm này kể từ năm 2010 với lời tuyên bố liên quan đến tranh chấp biển Đông: "Trung Quốc là đại quốc, các nước còn lại là tiểu quốc, sự thật đó rất hiển nhiên…” 

Bắc Kinh đơn phương vẽ lại bản đồ biển Đông, biển Hoa Đông, biên giới Tây Tạng và Ấn Độ. Trung Quốc thường xuyên nhắc nhở mối quốc nhục trăm năm bị đế quốc Tây Phương và Nhật Bản xâm lấn bởi vì Tập Cận Bình là đấng minh quân sẽ dẫn dắt dân tộc “phục hưng đất nước” để thực hiện “Giấc Mộng Trung Hoa.” 

Chủ nghĩa Đại Hán nên Tập hủy diệt hai nền văn hóa của người Tây Tạng và Duy Môn Nhĩ. 

Nhà cầm quyền chú trọng đầu tư vào doanh nghiệp sản xuất thay vì mở rộng mạng lưới an sinh xã hội để cải tiến dân sinh. Tập phê bình mô hình nhà nước tế bần (welfare state) của Tây Phương sẽ khiến dân chúng trở nên ỷ lại lười biếng. Kinh tế suy thoái trầm trọng nhưng Bắc Kinh không tung ra gói kích cầu đủ lớn để thúc đẩy tiêu thụ mà mặc tình cho thị trường co thắt để chừa bỏ thói ỷ lại (moral hazard) mong chờ nhà nước cứu vớt. Dân chúng đi làm phải chấp nhận đồng lương thấp (giống như thế hệ Tập lớn lên nghèo khổ) thay vì nằm phè (lie flat, do ra trường Đại Học mà không tìm được việc làm đúng khả năng) hay thành lập công đoàn đòi tăng lương. Tăng trưởng kinh tế và tự túc về công nghệ quan trọng hơn là Thịnh Vượng Chung. 

Lê-nin cho rằng sự phát triển của xã hội chủ nghĩa phải dựa trên công nghiệp nặng (heavy industries, gồm nhà máy sản xuất, công xưởng quốc phòng, luyện thép, sản xuất điện và than đá…) Tập chủ trương nền an ninh quốc gia (national security) và an toàn chế độ (regime security) đặt trên các ngành công nghiệp chiến lược trong thế kỷ thứ 21 nên đề ra đại kế hoạch Made In China 2025 để Trung Quốc dẫn đầu hay tự lực về trí tuệ nhân tạo, tin học, hàng không không gian, hàng hải, hỏa xa, năng lượng (điện gió, điện mặt trời, xe hơi điện, nhà máy điện hạt nhân), người máy, sinh học và vật liệu tiên tiến (advanced material)). Bù lại Tập kiểm soát chặt chẽ các mạng xã hội (Alibaba, Tencent), dịch vụ mạng (Ant Financial, Didi) và Bitcoin (tiền phi chính phủ) không cho phép mạng Internet ảnh hưởng lên dư luận thoát ra ngoài tầm kiểm soát của đảng. 

Như vậy Tập thi hành Lê-nin-nít chú trọng đầu tư sản xuất hơn là tiêu thụ nội địa, tức mô hình kinh tế trọng cung (supply-side economic) theo kiểu xã hội chủ nghĩa, hoặc là khác với kinh tế trọng cung theo kiểu tư bản chủ nghĩa (Ronald Reagan, Margaret Thatcher) hay kinh tế trọng cầu (demand-side economic) theo kiểu dân chủ xã hội của Âu-Châu và đảng Dân Chủ. 

MỘT QUỐC GIA 

Tập có tham vọng sát nhập Đài Loan trước năm 2030 để hoàn thành Giấc Mộng Trung Hoa trong đó “Mao Trạch Đông thống nhất lục địa; Đặng Tiểu Bình canh tân đất nước; Tập Cận Bình phục hưng Trung Quốc.” Nhìn như vậy thì Tập tiếp nối chớ không phải thay đổi so với Đặng, bởi vì Đặng Tiểu Bình chỉ dạy “giấu ánh đèn trong đống trấu” như Câu Tiễn nằm gai nếm mật trong khi thế lực còn yếu; đến thời Tập khi Trung Quốc đã hùng mạnh thì không còn che dấu tham vọng. 

Bắc Kinh dùng tấm bản đồ 9 đoạn để tranh giành biển Đông kể từ năm 2008, nhưng đến thời Tập thì Trung Quốc mới thúc đẩy xây các đảo nhân tạo đe dọa các nước láng giềng. Tập cho phép máy bay và tàu chiến vi phạm không hải phận Đài Loan và vùng biển Hoa Đông thuộc Nhật Bản; dùng lính bộ để xâm lấn vùng biên giới với Ấn Độ. 

Dù vậy, Bắc Kinh vẫn tuyên truyền rằng các dân tộc trên thế giới cùng chia xẻ một hoài bảo và tương lai (the same aspiration and destiny) nên cần sốt sắng tham gia vào “Cộng Đồng Chung Một Vận Mệnh” (Community of Common Destiny), hàm ý Trung Quốc sẽ lãnh đạo thế giới phương Nam (global South) thay vì các nước chạy theo Tây Phương. Tập thay thế nền trật tự tự do toàn cầu (liberal world order) do Mỹ lãnh đạo bằng khái niệm về Thiên Hạ. Theo văn hóa Trung Hoa thì trong Thiên Hạ, trên cao là đấng minh quân trị nước Trung Quốc trở thành đại quốc ban phát nhiều lợi ít về văn hóa và thương mại cho các nước xung quanh.

Bắc Kinh tuyên truyền các nước tăng trưởng nhờ vào mua bán với Trung Quốc (mà không nhắc đến chênh lệch mậu dịch, hay bị chèn ép về thương mại khi quyền lợi kinh tế hay chính trị không đi song song) hoặc nhận đầu tư BRI (không nhắc đến bẫy nợ). Bắc Kinh kêu gọi ổn định giữa các nước không can thiệp vào nội bộ lẫn nhau; không ràng buộc mậu dịch với những điều kiện về môi trường, dân chủ hay nhân quyền (miễn là không liên hệ ngoại giao với Đài Loan, không tiếp đón đức Đạt Lai Lạt Ma, không bênh vực người Duy Môn Nhĩ, không trao giải thưởng cho tù nhân chính trị, không thắc mắc về tham vọng lãnh thổ và không đặt câu hỏi về nguồn gốc đại dịch Vũ Hán.) Trung Quốc so sánh nền trật tự thế giới tự do do Mỹ lãnh đạo nhưng rơi vào chiến tranh (Ukraine, Gaza), hỗn loạn về an ninh và chính trị (Bắc Phi, Trung Đông, Ukraine hay bầu cử ở Mỹ năm 2020), thảm họa nhân loại (Syrie, Afghanistan) và suy thoái kinh tế (đại khủng hoảng tài chính 2007 suýt kéo sập nền kinh tế toàn cầu nếu không nhờ Trung Quốc làm đầu tàu tăng trưởng cho khối các nước đang phát triển.) 

Theo các phát biểu của Tập thì Hoa Kỳ và Tây Phương đang trên đà suy thoái trong khi Trung Quốc và các nước phương Nam đang tiến lên. Cho nên Tập nhận xét với Putin vào năm 2023 “Có những cơ hội 100 năm mới đến một lần nên Ngài Putin và Tôi sẽ cùng nhau thúc đẩy các thay đổi đó.” 

Tìm hiểu về Tập không phải để ca tụng mà vì trong lịch sử mỗi lần Trung Hoa có lãnh đạo giỏi lại đe dọa đến các lân bang. Tập tự tin và có chí lớn nên là mối thử thách rất lớn cho Việt Nam

 

 

 

 

 

 

 

 

***

 

Sách tham khảo: The Political Thought of Xi Jinping. Tác giả Steve Tsang và Olivia Cheung