Người được xem khai sáng ngành kinh tế học Adam Smith đã cổ
võ cho tự do mậu dịch giữa các quốc gia. Xã hội Âu Châu bắt đầu công nghiệp hóa
trong thời đại của Smith. Ông quan sát trong một hảng xưởng sản xuất kim châm (pin
factory) để thấy năng suất tăng vọt khi công việc được phân công ra làm nhiều
khâu với chuyên môn khác nhau. Từ đó Smith mở rộng kết luận cho rằng giữa các
quốc gia phải có tự do mậu dịch để sản xuất được phân phối theo ưu thế của từng
nước nhằm mang đến lợi ích cho toàn thế giới, thay vì mỗi quốc gia dựng lên các
rào cản thuế má hoặc theo chính sách bế quan (isolationism) hay trục lợi
(mercantilism) để bảo vệ doanh nghiệp nội địa. Tên tuổi của Adam Smith giờ đây
gắn liền với thị trường tự do (free market) và tự do mậu dịch (free trade.)
MẬU DỊCH HÀNG HÓA
Mậu dịch hàng hóa trên thế giới ngày nay khác với thế kỷ 18-20.
Cho dù Adam Smith đã nhận thấy ích lợi của dây chuyền sản xuất nhưng mãi cho đến
thập niên 1980 mua bán giữa các nước phần lớn gồm những sản phẩm đã hoàn tất như
tivi, tủ lạnh, xe hơi…thay vì trao đổi theo chuổi cung ứng toàn cầu (supply
chain) như hiện thời. Lý do thông tin liên lạc và vận chuyển hàng hóa còn đắt đỏ
và bị nhiều rào cản cho đến khi Bức Màn Sắt sụp đổ vào cuối thế kỷ thứ 20, cùng
một lúc với Internet và các chuyến tàu xuyên đại dương chuyên chở những kiện hàng
container
trở nên phổ biến với giá rẻ thì việc phân phối sản xuất theo ưu thế của từng quốc
gia mới bùn phát.
Lấy thí dụ về sản xuất xe hơi trong thế kỷ 21: thiết kế ở Mỹ,
võ xe làm tại Việt Nam, chip điện toán ở Đài Loan, máy lạnh từ Trung Quốc…các bộ
phận sau đó nhập cảng vào Mexico để sản xuất thành phẩm là chiếc ô-tô bán sang
Hoa Kỳ. Mexico tuy là chặn cuối xuất cảng xe sang Mỹ nhưng phải nhập cảng 90% các
bộ phận từ nhiều nước khác... Giả sử Mexico thu vào 30 ngàn USD từ Mỹ nhưng chi
trả 25 ngàn USD mua phụ tùng từ Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan thì Mexico xuất
siêu 30 ngàn USD với Hoa Kỳ mà chỉ giữ lại 1 ngàn USD trong nước. Trong khung cảnh
phức tạp này chỉ nhắc đến mậu dịch song phương (bilateral trade) giữa hai nước
chưa đủ mà cần đến cái nhìn toàn bộ về mậu dịch đa phương (multilateral trade)
hay mậu dịch khu vực (regional trade). Riêng trường hợp tay bốn giữa Âu-Mỹ-Việt-Trung
thì suất xiêu từ Việt Nam sang Âu-Mỹ lại tương đương với nhập siêu từ Trung
Quốc vào Việt Nam; dù hàng hoá du nhập vào Việt Nam có dán nhãn từ nhiều nước Đông
Á rồi sau đó bán sang Âu-Mỹ nhưng kết quả vẫn là suất xiêu từ Âu-Mỹ tuôn vào Việt
Nam rồi nhập siêu đổ sang Trung Quốc. Cho nên hiểu một cách đơn giản là Mỹ tăng
thuế ngăn hàng hóa Tàu thì doanh nghiệp Tàu chạy sang Việt Nam bán hàng
qua Mỹ trốn thuế. Dân Tàu nhờ đông, sinh sống ở khắp nơi trên thế giới nên nền kinh
tế Tàu ngày nay tổ chức như con rắn 100 đầu: chận đầu này thò đầu khác luồn lách
kẽ ngõ để vào!
***
Doanh nghiệp rất ghét tồn kho vì là vốn chết nằm một chổ không
sinh lời. Doanh nghiệp ngày này giảm thiểu lượng hàng tồn kho chỉ-vừa-đủ-xài
(just-in-time) cho đến khi cần sản xuất hay bán hàng. Vốn không bị kẹt, dây
chuyền sản xuất và phân phối hàng hóa nhờ đó được hữu hiệu hóa giúp giá thành sản
phẩm được hạ thấp. Bù lại lượng hàng tồn kho chỉ-vừa-đủ-xài lệ thuộc vào các nút
chận, bởi thắt nghẽn ở một nơi nào đó trên thế giới sẽ làm tê liệt toàn bộ dây
chuyền sản xuất toàn cầu. Vài thí dụ gần đây gồm:
·
2011 bão lụt lớn ở Thái Lan khiến nhiều hảng xe
trên toàn thế giới bị bế tắc do thiếu bộ phận sản xuất xe. Chịu ảnh hưởng nặng
nhất là Toyota
của Nhật.
·
03-2021 nghẽn kênh đào Suez khiến chuổi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn
gần 2 tuần
·
2021-2022 khan hiếm chip điện toán khiến các hảng
xe và sản xuất điện thoại bị thiệt hại nặng nề hàng chục tỷ USD
Rút từ những bài học nói trên nên Hoa Kỳ và Âu Châu đang tìm
nhiều giải pháp tránh thắt nghẽn như (1) đa phương hóa nguồn cung ứng (2) hồi hương
ngành sản xuất về nước hay trong khu vực (3) tăng tồn kho.
Những biện pháp này đều tốn kém, cần nhiều thời gian cho nên trong nhiều trường
hợp thiếu thực tế.
Các nút chận về mậu dịch rở thành vũ khí địa chính trị. Vài
thí dụ như:
·
2010 Trung Quốc ngưng bán đất hiếm sang Nhật để
trả đủa tranh chấp quần đảo Senkaku khiến các hảng điện tử Nhật chới với.
·
2020 Mỹ ngăn chận xuất cảng các chip điện toán
sang các công ty liên hệ đến ngành quốc phòng ở Trung Quốc khiến Huawei bị thiệt
hại nặng nề.
Các nhà quan sát đều cho rằng:
(1) trong
khi Mỹ tìm cách đem các ngành công nghệ chiến lược ra khỏi Trung Quốc,
(2) ngược
lại Trung Quốc đầu tư ồ ạt vào các ngành công nghệ chiến lược để không còn bị lệ
thuộc vào Hoa Kỳ.
Người Mỹ gọi đây là decoupling (tách đôi Mỹ-Trung) hay là
giai đoạn chạy đua nước rút quyết định tranh hùng Mỹ-Trung trong thế kỷ 21. Khó
xử cho những nước còn lại nếu phải vỗ tay chọn một phe. Riêng Việt Nam khôn
khéo đi hàng hai mà không bắt cá theo bên nào, chỉ đợi “trâu bò hút nhau, ruồi
muỗi hút máu!”
***
Mậu dịch toàn cầu có lợi cho các địa phương nằm ven biển mà
thiệt hại cho dân cư nội địa, cho dù là ở Mỹ (Cali, New York
giàu hơn Trung-Mỹ), Tàu (Thượng Hải, Thẩm Quyến giàu hơn nội-Trung).
Bên Tàu hay Việt Nam
tuổi trẻ nông thôn di cư hàng loạt lên thành thị tìm việc làm. Nước Mỹ sau khi
giàu có dân chúng mọc rễ có nhà cửa, gia đình, hàng xóm…không còn muốn tha phương
cầu thực như thời đi lập quốc. Khi hảng xưởng dời ra nước ngoài thì dân Mỹ ở vòng
đai han rĩ (rust bell) không cần thiết di cư hàng loạt ra vùng duyên hải tìm kiếm
việc làm trong các điều kiện khắc khổ, thay vào đó sống nhờ trợ cấp welfare. Kết
quả là số người thất nghiệp hay với đồng lương thấp sống tập trung vào nội địa tạo
thành một lực lượng chính trị quan trọng chống toàn cầu hóa và bỏ phiếu cho
Trump năm 2016-2020.
***
Tự do mậu dịch dựa trên hàng hóa được trao đổi một cách công
bằng mà không bị những rào cản thuế quan hay chính sách bảo hộ ngăn cản. Mậu dịch
thiếu công bằng khiến chênh lệch nghiêm trọng trong cán cân thương mại Mỹ-Trung.
Các công ty Trung Quốc đều có tổ sinh hoạt đảng chỉ cần nói
miệng ưu tiên mua hàng Tàu cũng đủ để tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa nội địa
mà không cần đến những văn bản thuế quan hay bảo hộ nhằm tránh thưa kiện lên
WTO.
Công ty Tây Phương muốn hiện diện ở Trung Quốc bị bắt buộc
phải hùn với công ty Tàu, lý do Bắc Kinh muốn tìm cơ hội đánh cắp công nghệ cho
đến khi mọc đủ lông cánh rồi vắt chanh bỏ vỏ loại công ty nước ngoài ra khỏi Trung
Quốc. Trong lần thương chiến Mỹ-Trung năm 2019 Trump quyết liệt đòi Trung Quốc hủy
bỏ điều kiện này, nhưng Bắc Kinh cương quyết không kém chỉ đồng ý ghi trên văn
bản thỏa thuận mà không quy định thành luật pháp. Cho đến năm 2020 thương chiến
nguôi bớt vì dịch cúm Tàu, năm 2021 đến thời Biden không biết vụ này sẽ kết thúc
ra sau.
***
Mậu dịch toàn cầu chênh lệch có thể giải thích như khoảng cách
giữa tiết kiệm (nước xuất siêu) và tiêu thụ (nước nhập siêu.) Còn muốn dễ hiểu thì dùng truyện ngụ ngôn con kiến cần
cù tích trữ trong khi con ve sầu không biết lo xa cứ mãi vui chơi ca hát.
Mức tiết kiệm ở Tàu chiếm 45% GDP còn ở Mỹ chỉ dưới 10% GDP.
Một phần do dân Tàu tiện tặng hơn dân Mỹ (những người lớn tuổi còn nhớ đến cảnh
nghèo đói thời Mao), phần khác do nhà nước hạn chế tiêu thụ nội địa
(consumption suppression) bằng cách chi tiêu thấp vào mạng lưới an sinh xã hội
(giáo dục, y tế, hưu bổng và lương thất nghiệp); tiền trợ cấp ít nên dân chúng
phải tự túc lo xa bằng cách để dành tiền giáo dục con cái, phòng khi bệnh hoạn,
thất nghiệp hay lúc tuổi già. Nhà nước huy động nguồn tiết kiệm từ dân chúng dùng
làm dòng vốn đầu tư vào hạ tầng hay cho doanh nghiệp vay mượn với giá rẻ nhằm hổ
trợ xuất cảng.
Tiêu thụ ở Tàu chiếm 40% GDP còn ở Mỹ 70% GDP. Trợ cấp xã hội
ở Mỹ khá hơn bên Tàu nhưng không bằng Âu Châu, tuy nhiên dân Mỹ vẫn thích ăn xài
vì dễ vay mượn tín dụng. Nguồn tín dụng dồi dào đến từ các nước xuất siêu (Trung
Quốc, Việt Nam, Nhật, Đức, Saudi Arabia,…) dư tiền cho Mỹ mượn để mua hàng. Thực
tế này tuy nghịch lý nhưng nước sản xuất bán hàng mà không có Mỹ tiêu thụ thì…chết
cứng!
Tình trạng chênh lệch mậu dịch không thể kéo dài mãi mãi. Hoa
Kỳ sẽ có lúc bớt tiêu xài (thí dụ sau Đại Khủng Hoảng 2007-08) hoặc không còn
ai dám cho vay nợ. Mỹ bớt nhập cảng thì Tàu thặng dư xuất cảng. Sản xuất dư thừa
thì dòng vốn đầu tư ở Tàu phải mất hiệu quả do bơm vào nợ xấu hay bong bóng địa
ốc.
Hai nước Mỹ-Trung không dễ thoát ra thế kẹt nói trên. Tiêu thụ bên Mỹ chiếm 70% GDP còn địa ốc ở Tàu
là 25% GDP. Muốn cắt tiêu thụ ở Mỹ, hay xì bong bóng địa ốc bên Tàu thì GDP phải
thụt giảm tức là kinh tế suy thoái. Cho nên Mỹ cứ tiếp tục ăn xài còn Tàu tiếp
tục bơm bong bóng - Mỹ gọi là “kick the can down the road” (hay là chuyện để
cho con cháu mình lo.)
***
Chênh lệch mậu dịch còn do thao túng ngoại tệ (currency
manipulation.) Mỹ nhập siêu với Việt Nam lẻ ra USD phải mất giá so với
VND. Nhưng Việt Nam
thu USD vào không cho lưu hành mà bỏ trong quỹ dự trữ ngoại tệ theo kiểu đấp đập
chứa nước mưa. Đập cản nước khiến hạ nguồn thiếu nước cũng giống như USD bị cản
trở thành khan hiếm. USD khan hiếm thì giá USD bị ngăn chận ở mức cao so với
VND.
VN vay nợ nước ngoài và nhập cảng máy móc, xăng dầu dùng
USD. Việt Nam
cần dự trữ USD cho 3-6 tháng hàng nhập cảng phòng khi sự cố và trường hợp chảy
máu ngoại tệ. Mỗi nước đều cần đến quỹ dự trử ngoại tệ cũng như mỗi gia đình giữ
một ít tiền mặt. Nhưng rồi giống như ông cha hà tiện thu tiền lương của con cái
đi làm rồi cất giữ trong kho bạc mà không chịu chia ra cho con cái tiêu xài, khi
quỹ ngoại tệ quá lớn tức là nhà nước không chi tiêu đủ vào an sinh xã hội nhằm
nâng cao mức sống dân chúng. Việt Nam kềm giá VND nhưng phải nhập cảng
xăng dầu bằng USD. Xăng dầu bị mua giá cao khiến hàng hóa tiêu dùng trong nước
trở thành đắt đỏ, dân chúng bớt tiêu xài. Như vậy quỹ dự trữ lớn lại cũng là một
cách để nhà nước hạn chế tiêu thụ trong nước (consumption suppression) nhằm giúp
doanh nghiệp tạo lợi thế cạnh tranh khi xuất cảng.
NGUỒN VỐN LƯU ĐỘNG
Tự do mậu dịch vào thời Adam Smith chỉ gồm trao đổi hàng hóa,
nhưng đến thế kỷ thứ 21 còn thêm nguồn vốn lưu động luồn lách đi khắp thế giới.
Một người Pháp trước đây muốn xây cất đồn điền cao su phải dọn
nhà sinh sống lâu dài ở Việt Nam
chớ rất ít cơ hội sống bên Pháp mà bỏ vốn hùn hạp làm ăn ra nước ngoài. Ngày
nay dân Mỹ dễ dàng đầu tư vào bitcoin, thị trường địa ốc, trái phiếu và chứng
khoán ở một quốc gia khác bằng cách mua bán trực tiếp trên sàn hay gián tiếp thông
qua các công ty đầu tư, bảo hiểm hay hưu trí. Giả sử mua chứng khoán Ai Cập không
tăng giá thì bán ra để mua vào chứng khoán Việt Nam, cho nên dòng vốn nói trên lưu động
khắp thế giới từ nước này sang nước nọ để kiếm lời cũng giống như nguồn nước luồn
lách tìm chổ thấp chảy vào. Nếu nước chảy sinh ra lụt lội hay khô cạn thì nguồn
vốn lưu động cũng dẫn đến nhiều bất ổn:
·
Đầu thập niên 1990 bong bóng địa ốc ở Nhật phát
nổ. Giới đầu tư quốc tế chuyển dòng tiền vào Thái Lan với hy vọng nắm đuôi con
rồng thứ 6 ở Đông-Á trước khi cất cánh. Tiền vô ào ạt bơm lên bong bóng ở Thái
Lan cho đến lúc đồng Bhat phá giá vì bị giới đầu cơ tiền tệ tấn công. Bóng vỡ
sinh ra cuộc Khủng Hoảng Tài Chánh Đông-Á 1988, rồi lan tràn đến Đông-Âu và
Nam-Mỹ.
·
Sau ba vố đau nói trên giới đầu tư quốc tế đổ tiền
vào ngành địa ốc ở Mỹ do tin tưởng vào tài năng quản lý tiền bạc của nền kinh tế
tư bản hàng đầu thế giới trong khi giá nhà bên Mỹ chỉ tăng mà không giảm. Các
tay phù thủy tài chánh Hoa Kỳ mê hoặc giới đầu tư bằng bùa phép thần kỳ như
Mortgage Backed Security (MBS) và Credit Default Swap (CDS) mãi đến lúc cuộc Đại
Khủng Hoảng Tài Chánh 2007-08 nổ tan tành thị trường mới thức tỉnh đang khuấy nước
thành hồ. Trận địa chấn lan rộng sang Âu Châu khi các ngân hàng Đức và Bắc Âu cũng
nhắm mắt đầu tư bừa bãi vào Nam Âu sinh ra Khủng Hoảng Euro 2010-12.
·
Do cuộc Đại Suy Trầm 2007-12 nên Âu-Mỹ giảm nhập
cảng từ Trung Quốc khiến Bắc Kinh năm 2008 phải tung ra một gói kích cầu khổng
lồ trị giá 12.5% GDP để cứu vớt nền kinh tế. Tàu lúc đó được khen là đầu máy kéo
thế giới ra khỏi khủng hoảng. GDP tăng trưởng 10% nên Tàu ồ ạt nhập cảng nguyên
vật liệu giúp Úc và Nam-Mỹ không bị suy thoái do khủng hoảng Âu-Mỹ. Đầu tư ở Tàu
tăng nhưng xuất cảng giảm nên tiền kích cầu bơm lên bong bóng địa ốc. Từ năm
2016 Tàu bị chê là quản lý kinh tế kém khi chính gói kích cầu nói trên sinh ra
núi nợ khổng lồ 300% GDP.
Trong khi nguồn vốn nước ngoài đầu tư trực tiếp (FDI) vào hạ
tầng và hảng xưởng nằm chết một chổ, ngược lại nguồn vốn lưu động luồn lách từ
nước này sang nước khác sinh ra bất ổn. Các nước trong cùng một khu vực thường
phát triễn theo chung một khuông mẫu (thí dụ Đông Nam Á bán quần áo và đồ điện
tử; Nam Mỹ xuất cảng nguyên vật liệu; Trung Đông bán dầu hỏa; Nam Âu xây nhà
thu hút khách du lịch) cho nên nguồn vốn lưu động một khi tháo chạy khỏi một nước
thường lây lan ra toàn khu vực khiến khủng hoảng tài chánh nguy hiểm như một đóm
lửa nhỏ sinh ra trận cháy rừng. IMF trước đây cho là nguồn vốn nào cũng tốt nhưng
sau nhiều bất ổn trên thế giới bắt đầu đổi ý khuyến khích FDI thay vì vốn lưu động.
Trung Quốc thu hút đầu tư trực tiếp (FDI) nhưng kiểm soát dòng
vốn lưu động bằng cách (1) ít vay mượn nước ngoài, (2) kiểm soát công ty ngoại
quốc hoạt động trong ngành tài chánh ngân hàng, (3) giới hạn chuyển ngoại tệ ra
nước ngoài. Dòng vốn đầu tư trong nước chủ yếu từ tiết kiệm của dân chúng. Dân
Tàu gởi tiết kiệm vào ngân hàng nhà nước với phân lời thấp. Ngân hàng nhà nước
biến tiết kiệm thành nguồn vốn giá rẻ cho các công ty quốc doanh và tập đoàn ưu
đãi vay mượn. Những tập đoàn thế lực mua lại quyền xử dụng đất đai “của toàn dân”
do các chính quyền địa phương ưu đãi sang nhượng, sau đó khai thác rồi cầm cố đất
đã phát triển cho các ngân hàng địa phương để vay mượn vốn mới làm ăn cú khác.
Cho nên khủng hoảng tài chánh ở Trung Quốc không do tư bản nước ngoài giựt dây
mà nơi chính tư bản đỏ trong nước tận dụng ưu thế độc quyền phân phối vốn và đất
đai sinh ra nợ xấu và bong bóng địa ốc.
Nguồn vốn lưu động trên thế giới đến từ nhiều phía:
·
Các quỹ đầu tư, hưu trí và bảo hiểm Âu-Mỹ.
·
Khối các nước bán dầu hỏa như Nga, Na Uy và
Trung Đông.
·
Thặng dư mậu dịch giữa các nước tiết kiệm (Đức, Đông
Á) và những nước tiêu thụ (Hoa Kỳ,
Nam Âu). Một phần
tiền dùng cho dự trữ an toàn bằng cách mua nợ công của Mỹ, Nhật, Anh,…phần còn
lại bỏ vào các quỹ đầu tư quốc gia (Sovereign Wealth Fund) mua bán chứng khoán,
các công ty nước ngoài hoặc đầu tư địa ốc.
Dòng vốn lưu động còn được giải thích do tình trạng dư thừa
tiết kiệm (savings glut) từ 3 nguồn nói trên. Nhà nghèo có bao nhiêu tiền xài hết;
nhà giàu xài không hết mới để dành tiền. Nếu tiền của chia đều ra cho mọi người
đều…nghèo thì không còn dư thừa tiết kiệm tức giải quyết được dòng vốn lưu động.
LỜI KẾT
Đến đây là chấm dứt loạt bài Kinh Tế Dễ Hiểu. Tác giả sẽ chấn
chỉnh và bổ túc thành quyễn sách Kinh Tế Dễ Hiểu trong vài tháng tới.
Tác giả Đoàn Hưng Quốc (tên thật Đoàn Văn Tân) hiện hành nghề
kỹ sư ở tiểu bang Texas,
Hoa Kỳ. Học kinh tế chỉ có 1 lớp Econ 101 hơn 30 năm trước – cho đến nay thì chữ
nghĩa của thầy đã trả lại thầy để thầy còn vốn mà dạy sinh viên khác. Tác giả bắt
đầu quan tâm đến ngành kinh tế tài chánh vì thua lổ chứng khoáng trong cuộc Đại
Suy Trầm 2007-08, lúc đó làm việc liên quan đến toàn cầu hóa trong ngành sản xuất
điện thoại cầm tay mà trong đầu cứ nhớ câu nói “follow the money” - phải theo dõi
dấu vết của đồng tiền mới rõ tiền nhân hậu hoạn của sự việc.
Người dân Việt Nam cho đến thập niên 1980 chỉ biết
đến đổi tiền và lạm phát. Cho đến thế kỷ thứ 21 một chị bán hàng rong cũng bàn
về toàn cầu hóa, kích cầu, khủng hoảng tài chánh, bong bóng địa ốc, lãi xuất ngân
hàng, bitcoin…Dân Việt thích uống cà phê đọc báo bàn chuyện trên trời dưới đất
cho nên Kinh Tế Dễ Hiểu không ngoài mục đích góp đề tài tán gẩu…mua vui cũng được
một vài trống canh.
Gọi là Kinh Tế Dễ Hiểu nhưng các đề tài tinh vi, phức tạp và
hiện đại. Vì mỗi chương có thể phóng thành 1 quyễn sách nên Kinh Tế Dễ Hiểu do
quá ôm đồm chắc chắn nhiều thiếu sót. Nếu phê bình theo kiểu Mỹ là thiếu nghiên
cứu và dẫn chứng nghiêm ngặt (rigorous) nên sai lệch và dễ bị tấn công. Nhưng
nghiêm ngặt thì không còn dễ hiểu, cho nên tác giả chọn dễ hiểu hơn là nghiêm
ngặt.
Giả sử người đọc phê phán “ông này viết sai” hay “cái này không
biết có đúng không, để tìm hiểu thêm” thì tác giả đã hoàn tất mục đích của mình
tức là kích thích óc tò mò, phê phán và tư duy độc lập (critical thinking) bởi
vì trong kinh tế không có khuông vàng thước ngọc. Người đi trước phải chấp nhận
bị kẻ đi sau phê bình chỉ dạy.
Tác giả từng sống trong Thiên Đường Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, sang Mỹ lại
thấy cảnh lạm dụng trợ cấp xã hội nên đâm ra dị ứng với vai trò của nhà nước lạm
quyền trong kinh tế. Cho dù biết rằng vai trò của nhà nước không thể bị phủ nhận
nhưng lúc cãi lý vẫn thiên về quan điểm của cánh tự do cá nhân (libertarian). Đây
là khuyết điểm của tác giả, đành xin đón nhận mọi phản pháo từ độc giả.
Từ ngữ tiếng Anh dùng trong sách báo kinh tế rất linh động và
phong phú. Thí dụ chử “socialism” do người Mỹ dùng hàm nhiều ý nghĩa khác biệt
với xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.
Người viết hàng ngày đọc sách báo Mỹ nên dù viết tiếng Việt vẫn phải kèm trong
ngoặc đơn các từ tiếng Anh để suy nghĩ được mạch lạc. Tác giả hy vọng độc giả Việt
Nam
đọc báo Mỹ cũng nhờ đó mà theo dõi được những tranh luận bên Mỹ.
Lời cuối: sách Kinh Tế Dễ Hiểu sẽ được đúc kết chấn chỉnh còn
hay hơn các bài trên báo!