Đại dịch phát sinh từ Vũ Hán gây nên một cơn chấn động lan tỏa
khắp hành tinh: dân chúng trên thế giới hạn chế du lịch, nhà hàng và tụ họp giải
trí đông người; công xưởng toàn cầu Trung Quốc dần phục hồi chậm chạp do sợ dịch
tái bùng phát, trong khi doanh nghiệp Âu Châu và cả Hoa Kỳ có nguy cơ bị tê liệt
trong một vài tháng tới đây; dầu thô phá giá từ 60 USD xuống còn 30 USD một thùng
chỉ trong vòng 30 ngày; thị trường chứng khoáng tụt dốc thảm hại. Chuổi cung cầu
cùng lúc sụp đổ đè nặng lên khả năng thanh toán nợ công lẫn nợ tư trên toàn thế
giới, dẫn đến triển vọng suy thoái toàn cầu trong năm 2020-21.
Từ sau cuộc Đại Suy Thoái 2007-08 do nhiều Ngân Hàng Trung Ương
tung ra những gói kích cầu khổng lồ khiến thế giới ngập lụt tiền! Tổng số nợ trên
hành tinh tăng vọt lên đến 257 ngàn tỷ USD tức là 3.2x GDP toàn cầu, đó là chưa
kể đến những chi phí tức thời bởi đại dịch Vũ Hán gây ra. Vì các Ngân Hàng
Trung Ương giữ lãi xuất thấp nên tiền dồn vào những chổ có rủi ro cao (risk
assets) để kiếm lời, nay cơn đại dịch Vũ Hán cắt giảm thu nhập của các đầu tư bấp
bênh này nên có thể châm ngòi nổ làm sụp đổ thị trường tín dụng kéo theo sự suy
thoái của nhiều nền kinh tế trên thế giới.
Trong tổng số 257 ngàn tỷ USD nợ trên hành tinh thì nợ công
hiện chiếm 70 ngàn tỷ USD với Mỹ-Trung dẫn đầu. Nợ nước ngoài của các quốc gia đang
phát triển tăng đến mức 8.3 ngàn tỷ USD. Kinh tế đình trệ do đại dịch Vũ Hán khiến
nợ công của nhiều quốc gia nhảy vọt khi thuế thu vào giảm mạnh trong khi nhà nước
lại phải tung thêm nhiều gói hổ trợ mới. Trong số các nước thì Hoa Kỳ vẫn có thể
in thêm đô-la chi dùng; Trung Quốc còn quỹ dự trữ trên 3 ngàn tỷ USD; Đức-Nhật
lệ thuộc vào xuất khẩu nên sẽ rơi vào suy thoái nhưng vẫn còn mượn được tiền.
Ngược lại Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Iran, Venezuala, Argentina vốn đã
chao đão trước đại dịch Vũ Hán rồi đây còn thảm hại hơn nửa. Thị trường xuất khẩu
của những nước đang mở mang như Việt Nam có nguy cơ giảm mạnh cùng lúc với
ngành du lịch và nhu cầu tiêu thụ trong nước sụp đổ, cộng thêm dòng tiền từ nước
ngoài gởi về cạn kiệt. Xăng dầu hạ giá nhưng chẳng ai muốn ra khỏi nhà. Dù thiếu
hụt nhưng nợ vẫn đòi, trước đây còn trông cậy vào IMF hay Mỹ-Trung nâng đở nhưng
nay khủng hoảng lan tràn toàn thế giới, chính Hoa Kỳ và Hoa Lục đều thành nạn
nhân nên không còn nhiều khả năng giúp đỡ như trước.
Bài học 1998 cho thấy khủng hoảng tín dụng tại các nước đang
phát triễn lây lan nhanh chóng không kém gì vi khuẩn Vũ Hán: giả sử Ý, Tây Ban
Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Iran, Venezuala, Argentina vỡ nợ thì dòng tiền sẽ thoái
vốn dây chuyền ra khỏi những nước Đông Á, Nam Á và Nam Mỹ chạy về trú ẩn “an toàn”
ở Mỹ, Đức và Nhật. Ngay cả Trung Quốc cũng không thoát khỏi tình trạng chảy máu
ngoại tệ như từng xảy ra vào năm 2015.
Về phần nợ tư công nhân viên dù tạm nghĩ làm việc do dịch bệnh
nhưng vẫn phải trả tiền ăn, tiền nhà và tiền y tế. Nhà hàng vắng khách nhưng vẫn
trả tiền thuê chổ. Công ty đình trệ nhưng vẫn phải trả hóa đơn và tiền lương.
Trước đây do lãi xuất thấp nên doanh nghiệp dễ dàng mượn tiền nay đến hạn kỳ trả
nợ thì doanh thu không có. Tổng số nợ doanh nghiệp ở Âu-Mỹ-Trung-Nhật lên đến
19 ngàn tỷ USD, trong khi nhiều công ty ở các nước đang mở mang như hàng không Việt
Nam vay mượn tiền mua máy bay trong thời gian phát triễn. Kỷ nghệ dầu đá phiến ở
Mỹ lệ thuộc vào mức giá 40-60 USD để tồn tại, nay dầu chỉ còn trên 30 USD mỗi
thùng không khỏi nhiều công ty bị phá sản hàng loạt.
Nhà đầu tư nổi tiếng Warren Buffet từng nói “nước ròng mới
biết anh nào tắm ở truồng” (You only find out who is swimming naked when the
tide goes out). Kỷ nghệ du lịch, hàng không, dầu hỏa, các công ty nhỏ và vừa,
những doanh nghiệp yếu vốn, các quốc gia lệ thuộc vào xuất khẩu, những nước mang
nhiều nợ có thể sẽ bị phá sản hàng loạt. Ảnh hưởng dây chuyền sẽ lan đến thị trường
nhà đất vì ai nấy cũng giữ tiền mặt không dám mua nhà cho dù lãi xuất cực rẻ.
Ngân hàng là quả tim bơm tiền cho hệ thống tư bản quan trọng
như máu chảy trong cơ thể. Ở Trung Quốc ngân hàng cho vay theo mệnh lệnh của Bắc
Kinh. Trái lại các ngân hàng Tây Phương thuộc về tư nhân, gặp khủng hoảng thì tự
động co rút thủ tiền mặt (giống như mỗi gia đình tư nhân) khiến tín dụng trở nên
khan hiếm. Doanh nghiệp không thu nhập lại không thể vay mượn trả hóa đơn và lương
bổng hàng tháng nên mang nguy cơ phá sản hàng loạt. Cho nên biện pháp khẩn thiết
đầu tiên là các Ngân Hàng Trung Ương Âu-Mỹ hạ thấp lãi xuất và bơm tiền để ngân
hàng tư nhân tránh hốt hoảng mà tiếp tục cho vay ngắn hạn.
Nhu cầu cấp thời kế tiếp là tiền đến từng gia đình để trả tiền
nhà, nhu yếu phẩm và y tế do công ăn việc làm bị đình trệ. Hồng Kông áp dụng chính
sách “Tiền trên trời rớt xuống” (helicopter money) tự động gởi chi phiếu $1300
USD đến mỗi gia đình trong thời gian dịch bệnh. Nhiều biện pháp khẩn cấp khác
như yêu cầu chủ nợ và công ty điện nước tạm dừng không đòi tiền hàng tháng; tăng
tiền thất nghiệp và y tế giúp công nhân trả tiền nhà, tiền ăn, tiền bác sĩ; trợ
cấp khẩn thiết cho nhà hàng, hàng không, du lịch, dầu hỏa sống còn mà không ồ ạt
sa thải nhân viên trong một vài tháng tới đây. Các biện pháp này vô cùng tốn kém
trong khi thuế thu vào không có, Mỹ-Trung-Đức-Nhật còn xoay sở ra tiền nhưng những
nước còn lại không biết vay mượn ở đâu?
Những biện pháp khẩn thiết nói trên chỉ có thể kéo dài 2-3
tháng với hy vọng vi trùng Vũ Hán sẽ chết tiệt vào mùa hè và hoạt động kinh tế
dần khôi phục lại. Nhưng nếu dịch bệnh tiếp tục hoành hành khiến dân chúng không
dám ra khỏi nhà 6-7 tháng kinh tế thế giới sẽ ra sao?
Không thể nói đến kích thích và phục
hồi kinh tế nếu dịch bệnh Vũ Hán chưa bị ngăn chận, việc này lại tùy thuộc nhiều
vào giới khoa học và thời tiết nhiều hơn là nhà nước. Nhưng chính quyền có thể
trợ giúp bằng cách tăng ngân khoảng nghiên cứu y tế, ban bố cách ly và giữ gìn
an ninh tránh hoảng loạn, hổ trợ cho những khu vực bị cô lập.
Giả sử dịch bệnh lắng dịu thì mới tính đến phục hồi kinh tế.
Trong trung hạn thì nhà nước có thể giảm thuế lương bổng và thuế tiêu thụ để nâng
đỡ mức cầu. Bơm tiền với lãi xuất thấp để hổ trợ mức cung. Riêng Hoa Kỳ và Đức
có thể tung ra nhiều chương trình đầu tư hạ tầng khổng lồ nhằm tạo công ăn việc
làm cho những người thất nghiệp. Tổng số nợ trên thế giới có thể tăng vọt lên
300-500 ngàn tỷ USD, nhưng đối với những nước bị ảnh hưỡng dây chuyền mà không
còn khả năng vay mượn thì sẽ gặp vô vàn khó khăn.
Trong dài hạn thế giới sẽ phải xét lại mô hình toàn cầu hóa
hiện thời. Tự do mậu dịch thường được xem là giải pháp tốt nhất để phân phối hữu
hiệu dây chuyền sản xuất nay lại bộc lộ nhiều yếu điểm tận gốc rể. Do công xưởng
sản xuất dồn về Trung Quốc và các nước Á Châu khiến nền an ninh quốc gia của
nhiều nước Tây Phương trở thành lệ thuộc vào ngoại quốc. Hiện 90% dược liệu bán
ở Hoa Kỳ có xuất xứ từ Trung Quốc; công nghệ 5G của Hoa Vi dẫn đầu thế giới tạo
ra lổ hổng quốc phòng đến mọi quốc gia muốn mua hàng giá hạ. Chiến tranh mậu dịch
và dịch bệnh Vũ Hán sẽ làm thay đổi bộ mặt của toàn cầu hóa trong 10 năm tới đây.
No comments:
Post a Comment