Wednesday, December 30, 2020

Thập niên cuối cùng do Mỹ lãnh đạo?

Viện nghiên cứu The Centre for Economics and Business Research dự đoán nền kinh tế Trung Quốc sẽ qua mặt Hoa Kỳ vào năm 2028, tức là 5 năm sớm hơn các tính toán trước đây do tác động của đại dịch Vũ Hán [1] (Việt Nam sẽ nhảy vọt từ hạng 38 năm 2021 lên 24 năm 2030.)

Trên bình diện kinh tế thì vị trí siêu cường của một quốc gia đặt trên GDP chớ không phải PPP (Purchasing Power Parity - sức mua) hay thu nhập đầu người (Per Capita Income – tính theo USD). Cho dễ hiểu, Luxembourg hay Monaco có thu nhập đầu người gấp đôi Mỹ nhưng đều không là cường quốc bởi GDP quá nhỏ so với toàn thế giới. Lý do vì giao dịch quốc tế phần lớn dùng USD, cho nên GDP tăng thì trọng lượng càng nặng kí giúp thêm sức hút lôi cuốn những nước còn lại rơi vào quỹ đạo kinh tế, rồi đến an ninh, chính trị, xã hội, văn hóa… của quốc gia đó.

Nếu vậy Hoa Kỳ sẽ chỉ lãnh đạo thế giới trong vòng một thập niên nửa. Quân đội Mỹ có thể tiếp tục nổi trội, Hoa Kỳ tuy có nhiều đồng minh và liên minh, thu nhập đầu người ở Mỹ vẫn hơn gấp đôi so với dân Tàu nhưng nhiều nước sẽ không còn xem Hoa Kỳ là cường quốc đầu đàn như vào thế kỷ 20. Cách tiếp cận này ảnh hưởng lên những toan tính lợi ích chiến lược, cũng giống vào trường đua thì chẳng ai bắt cá con ngựa hạng nhì!

Ngành ngoại giao Trung Quốc khoác lác vụn về lại không che dấu tham vọng bành trướng khiến thế giới nay thức tỉnh và cảnh giác. Dù vậy, Bắc Kinh tiếp tục ngăn chận thành công các nước thành hình một liên minh nhằm răn đe Hoa Lục phải tôn trọng trật tự quốc tế. Đồng thời Trung Quốc vẫn thâm nhập, thao túng và vô hiệu hóa những cơ quan quốc tế như WTO, WHO, WIPO, ITU v.v… Bắc Kinh gây ra đại họa Vũ Hán, khắc phục Hồng Kông, xâm lấn biển Đông, hù dọa Ấn-Úc-Đài Loan, bắt chẹt các nước Phi Châu và Nam Á với điều khoảng cho vay mờ ám và nghiệt ngã. Vậy mà phản ứng của thế giới vẫn chừng mực ngoại trừ vài quốc gia có va chạm trực tiếp với Trung Quốc như Mỹ-Úc-Ấn-Đài Loan.  

Điều này có thể ví với thời Xuân Thu Chiến Quốc tuy các chư hầu biết rỏ Tần là giống sài lang nhưng không liên minh mà để mặc cho Tần thôn tính từng nước một. Ở Tây Phương có thuyết gọi là Đuổi Hưu (Stag Hunt trong Game Theory – tên trùng hợp với tích săn hưu ở Trung Nguyên) tức là đàn chó săn phải phối họp thì mới bắt được hưu, nhưng cho đến nay Trung Quốc thắng cuộc đua này vì các cường quốc kinh tế không cộng tác nhằm áp lực Bắc Kinh tuân thủ luật chơi chung. Lý do đơn giản do mỗi quốc gia đều không muốn mất quyền lợi kinh tế với Trung Quốc kể cả những nước chịu áp lực trực tiếp như Việt Nam. Nói cách khác, Việt Nam nếu muốn GDP tăng từ hạng 38 năm 2021 lên hạng 24 năm 2030 để tạo công ăn việc làm và nâng thu nhập đầu người (tài sản của cán bộ và đại gia lại còn nhảy vọt nhanh hơn) theo như dự đoán của CEBR thì Việt Nam sẽ không có chọn lựa ngoại trừ nhịn nhục với Bắc Kinh!

Năm 2029 dân số Trung Quốc bắt đầu lão hóa giảm bớt 5 triệu người hàng năm. Tập Cận Bình đề ra chiến lược Made in China 2025 một phần nhằm Trung Quốc tăng cao năng suất bù đắp cho thiếu hụt lao động trong khi chi phí hưu trí và y tế tăng vọt. Cho nên đại họa Vũ-Hán của thế giới lại là cơ hội ngàn vàng cho Bắc Kinh rút ngắn 5 năm thời gian GDP qua mặt Hoa Kỳ vào 2028 (cho xê xích một vài năm), vì sau đó Mỹ khó lòng thay đổi cục diện.

Đầu năm 2020 Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai nền kinh tế lớn nhất nhì lại gánh hai núi nợ khổng lồ chờ xem núi nào xụp trước. Điều này cũng giống như hai anh lực sĩ…kiệt lực tiêm thuốc kích thích chạy đua về gần đến mức. Dịch Vũ Hán khiến lực sĩ Mỹ vấp cục đá tuy không té nhào nhưng loạn choạn đủ để đối thủ có đà vọt lên. Hiện chính quyền Trump còn siết chặc phong tỏa ngành điện toán với Hoa Lục ngoài ra không ai nhắc tiếp tục cuộc chiến thương mại, trong khi Tổng Thống sắp tới nếu là Biden lại càng không khuấy động vũng nước bùn.  

Biden sau cuộc bầu cử 2020 tuyên bố “Nước Mỹ đã trở lại.” Những nhân vật được tuyển dụng đa số từng làm việc cho Obama nên báo chí Hoa Kỳ gọi đây là nhiệm kỳ 3 của Obama. Giới tinh hoa trong ngoại giao Mỹ đều bày tỏ tâm lý phấn khởi trên nhiều bài bình luận ở Foreign Affairs, New York Times, v.v…rằng Hoa Kỳ sẽ tái tham gia vào WHO hay thỏa ước nguyên tử JCPoA với Iran, dẫn đầu thế giới chống biến đổi khí hậu, chủng ngừa độc vật Vũ Hán. Thành phần ưu tú đó xem JPoA và chiến dịch như giúp Phi Châu chủng ngừa SARS như cao điểm của ngành ngoại giao Hoa Kỳ. Dù vậy, 2/3 dân Mỹ và phần còn lại của thế giới bên ngoài Âu Châu đều đánh giá Obama là một tổng thống yếu khi đương đầu với Bắc Kinh.

Giới ưu tú ngành ngoại giao Mỹ chạy trật vòng đua tranh dành với…Âu Châu dẫn đầu thế giới chống Biến Đổi Khí Hậu và chủng ngừa độc trùng Vũ Hán. Bởi vì trận tranh hùng với Trung Quốc trong thế kỷ 21 để nắm giữ chức siêu cường đầu đàn quan trọng nhất phải là đối đầu kinh tế rồi khoảng xa sau đó mới là quân sự. Cho đến nay chưa thấy bài viết nào phân tích liệu Hoa Kỳ có chiến lược đổi mới gì đối với Bắc Kinh khi mà nền kinh tế của Trung Quốc sẽ qua mặt Mỹ trong 10 năm nữa, ngoại trừ lời hứa cuội của Biden trong thời gian tranh cử là sẽ có sách lược cứng rắn với Bắc Kinh hơn cả Trump.

***

 [1] WORLD ECONOMIC LEAGUE TABLE 2021. CEBR


No comments:

Post a Comment