Thursday, May 13, 2021

Kinh Tế Dễ Hiểu: Tiền (Chương 7)

Bàn về kinh tế không thể không nhắc đến tiền. Tiền không mua được hạnh phúc nhưng không có tiền thì…đói. Tiền mang lại tự do (có tiền mua tiên) hay biến con người thành nô lệ đồng tiền. Con nít lên 3 đã biết tiền dùng để mua bánh kẹo, vậy mà các kinh tế gia giờ này vẫn không đồng ý chuyện tiền để làm chi!

Tiền có 3 chức năng:

1.      Thước đo giá trị: hàng tốt nhiều tiền, hàng xấu ít tiền

2.      Phương tiện trao đổi: mua bán bằng tiền, chuyển tiền, đổi tiền

3.      Tích lũy tài sản: để dành tiền

Tiền không chỉ là vật thụ động mà có sức sống sinh động vì:

(1) tiền đẻ ra tiền - cho nên tích lũy của cải giàu nhanh hơn đi làm công;

(2) tiền chạy đến chổ nào sinh lời mà tránh lỗ lả - cũng giống như nước chảy xuống thấp mà tránh chổ cao.

Hỏi tiền là cái chi chi, thế gian ai cũng phải đi kiếm tiền?

1.      Tiền nhà nước (fiat money)

Mỹ in USD, Việt Nam ấn hành VND. Tiền nhà nước chỉ là…tờ giấy lộn do nhà nước phát ra nhưng lại có giá trị dùng trong mua bán, đổi chác. Vì nhà nước độc quyền in tiền nên nhà nước in…thật nhiều tiền khiến tiền mất giá, hay là lạm phát.

Để tránh lạm phát thì giá trị đồng bạc (currency) có thể bị cột neo vào vàng tức là kim bản vị. Thí dụ ngày xưa Hoa Kỳ bảo đảm 35 USD đổi ra một lượng vàng. Do lượng vàng tồn kho có hạn nên nhà nước bị trói tay không thể tùy tiện in thêm tiền. Ưu điểm nơi kiểm soát nhà nước không xử dụng bừa bải quyền lực in tiền. Khuyết điểm nơi nhà nước bị trói tay nên không dễ dàng tăng hay giảm lượng tiền lưu hành theo nhu cầu của nền kinh tế. Gặp khủng hoảng nhà nước không thể in tiền kích cầu. Khi kinh tế xuống dân chúng thường hốt hoảng đổi tiền ra vàng cho an tâm. Nhà nước sợ hết vàng phải tạm đóng cửa ngân hàng (bank holiday) hay nâng mức lời để dụ dân chúng gởi tiền thay vì rút tiền. Những biện pháp này gây tổn thương cho nền kinh tế (thị trường thiếu tiền như bị người nghẽn tim dù chỉ trong chốc lát nhưng tác hại đến toàn bộ nền kinh tế.)

Nhà nước có thể thả nổi đồng bạc thay vì cột vào vàng. Giá trị đồng tiền là do thị trường định đoạt. Thí dụ kinh tế Mỹ yếu (lẽ ra) USD xuống giá, kinh tế Việt mạnh (lẽ ra) VND tăng giá. Ưu điểm nơi nhà nước không còn bị trói tay nên nhanh chóng tăng hay giảm lượng tiền lưu hành theo nhu cầu kinh tế. Khuyết điểm vì nhà nước quen thói in tiền sinh thêm tật ăn xài khiến tiền bị mất giá tạo thành lạm phát.

Vào thế kỷ thứ 21 nhiều nước lại neo đồng bạc nội địa vào USD. Lý do vì USD là đơn vị tiền quốc tế trong khi Mỹ lại là nước mua hàng lớn nhất thế giới. Việc này dẫn đến nhiều kiểu chơi xấu như thao túng ngoại tệ (currency manipulation) nhằm tạo lợi thế xuất khẩu.

1.      Tiền điện toán (bitcoin)

 Quyền lực ấn hành tiền của nhà nước là vô hạn nên lạm dụng của nhà nước cũng vô hạn. Tiền mất giá tức lạm phát, hay tiền bốc hơi (tiền không xài mà giá trị vơi dần.)

Nếu một người trộn lẫn 5% chì vào vàng sẽ bị bắt giam về tội gian thương. Nhà nước in 100 đồng nhưng giá trị chỉ bằng 95 đồng nên gọi là chính phủ (tức chú phỉnh.)

Vì thấy bất công nên một nhân vật bí ẩn siêu phàm (chỉ biết qua tên gọi Satoshi Nakomoto mà không ai biết dung nhan) sáng chế ra bitcoin, tức là tiền điện toán. Vàng phải đào tìm từ đất, thì bitcoin cũng phải dùng máy tính điện tử để đào tìm trong không gian ảo (bitcoin mining) cứ mỗi 10 phút thì chủ một máy điện toán may mắn đẻ ra một bitcoin mới. Giá trị của bitcoin do thị trường định đoạt, bù lại số lượng bitcoin và giao dịch bằng bitcoin do các máy điện toán kiểm soát mà không qua hệ thống nhà nước hay ngân hàng. Không có hệ thống máy chủ nhưng hàng chục triệu máy điện toán tham dự đào bitcoin đều bình đẳng như  nhau (egalitarian) trong mỗi quyết định. Mỗi giao dịch bằng bitcoin được cột vào theo chuổi mã số (digital ledger hay blockchain) và được 51% trên tổng số hàng chục triệu máy điện toán này bỏ phiếu đồng ý thì mới có giá trị. Cho nên ai muốn lường gạt phải biết cách che mắt hàng chục triệu số máy điện toán này trên toàn cầu. Bitcoin được phái tự do (libertarian), những người có máu bài bạc, giới buôn lậu và chuyển tiền lậu ưa chuộng vì không bị nhà nước theo dõi mà cũng không thể bị gian lận.

2.      Tiền điện toán (digital currency)

 Bitcoin chỉ là một trường hợp đặc thù được biết đến nhiều nhất trong khi tiền điện toán nói chung có thể độc lập hay không độc lập đối với nhà nước. Các loại tiền điện toán này đang được các ngân hàng trung ương Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc nghiên cứu thận trọng vì sẽ mở ra một kỷ nguyên và những cơ hội mới chưa thể hình dung được trong tương lai. Riêng đối với EU và Trung Quốc thi tiền điện toán còn là một giải pháp để phá vỡ vòng kiềm toả của USD.

Trong trường hợp tiền điện toán không độc lập với nhà nước thì hai đại công ty dẫn đầu trên thế giới là Ant Financial (công ty con thuộc Alibaba) và WeChat. Cả hai đều là mạng xã hội nên thu thập đầy đủ dữ kiện của từng cá nhân, cửa hàng, hay doanh nghiệp. Ant và WeChat vừa là cửa ngỏ giao dịch (khách hàng khi mua bán chỉ cần đưa máy điện thoại cầm tay để khấu trừ vào tài khoảng trên mạng) lại có thể cho các tiểu thương vay vốn một cách cực kỳ nhanh chóng so với ngân hàng. Hai công ty này cho mượn tiền mà không cần xét điểm tín dụng (credit score) bởi vì đã biết trước mỗi doanh nghiệp (hay cửa tiệm) có được bao nhiêu khác hàng ưa chuộng v.v… qua mạng xã hội. Ant và WeChat còn thêm lợi thế phục vụ doanh nghiệp và người tiêu thụ ở những vùng nông thôn hẻo lánh không có văn phòng ngân hàng vì người dân vẫn dùng điện thoại cầm tay. Vốn cho vay có thể hợp tác với ngân hàng hay trực tiếp của tư nhân cất tiền vào tài khoảng trên mạng của Ant[1] và WeChat.

 

Trường hợp tiện điện toán độc lập với nhà nước ngoài Bitcoin còn có Libra do Facebook đề nghị. Libra là một loại tiền quốc tế mỗi đồng USD, Euro và Yen tùy giá trị lên xuống sẽ đổi ra nhiều hay ít Libra (Nhân Dân Tệ hiện chưa có trong danh sách này.) Dù là quốc gia hay tư nhân đều có thể đổi ra tiền Libra để mua bán hàng hóa trên thị trường quốc tế.

 

Libra tuy chưa được nhiều chính quyền hậu thuẫn nhưng ý niệm về một loại tiền điện toán quốc tế thay thế USD, Nhân Dân Tệ, Euro…trong thương mại toàn cầu mà không qua hệ thống ngân hàng nhà nước gây chấn động trên toàn thế giới, nhất là khi loại tiền này do một công ty tư nhân như Facebook kiểm soát.



[1] Do tiềm lực của Ant Financial và WeChat quá mạnh nên vào năm 2020-21 nhà nước Trung Quốc hãm phanh thắng dằn mặt Alibaba và Jack Ma để không trở thành mối đe dọa cho hệ thống ngân hàng nhà nước. Sự việc cho đến nay (05/2021) vẫn chưa rỏ ràng ngã ngủ.

3.      Thuyết Tân Tiền Tệ (Modern Monetary Theory hay MMT)

Khi nhà nước cần thúc đẩy nền kinh tế (hay xài bậy) mà thuế thu vào không đủ thì nhà nước hoặc mượn tiền hay in tiền. Nước Mỹ vay bằng USD nên có thể in USD để trả. Như vậy thiếu hụt ngân sách (deficit) cũng không sao vì Mỹ cứ tùy tiện mượn thêm tiền bù vào khoảng trống mà không bao giờ lo quịt nợ - cho đến khi USD in ra nhiều quá mất giá khiến không nước nào còn muốn cho Mỹ vay. Nhưng hàng chục năm nay Mỹ mượn tiền ào ạt mà USD không mất giá (chưa ai “chê” USD) nên vẫn còn nhiều nước cho vay mượn với lãi xuất gần âm (tức chịu lỗ cho vay) thì Mỹ cứ mượn thêm tiền để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng rồi thì nợ sẽ theo đó bốc hơi cạn dần.

Thuyết MMT thoạt nghe có vẻ ngụy biện nhưng có nhiều bằng chứng hùng hồn hậu thuẩn phía sau như nợ công Mỹ nhảy vọt từ 55% GDP năm 2000 lên 107% GDP năm 2021, vậy mà Hoa Kỳ không bị lạm phát trong khi lãi xuất tiếp tục ở mức cực thấp, tức là còn rất nhiều nước muốn cho Mỹ vay thêm tiền nên không đòi tăng mức lời. Kết luận của cánh cấp tiến (progressive) là Mỹ còn nhiều tiềm năng để mượn thêm nợ (rồi in USD trả nợ) nên chính quyền Hoa Kỳ có trách nhiệm phải vay thêm để thúc đẩy nền kinh tế phục hồi, để đầu tư vào năng lượng xanh (green energy) và chi tiêu tạo công bằng xã hội (wealth equality.)

Thuyết MMT quan niệm rằng vì nhà nước độc quyền in tiền nên nhà nước có trách nhiệm in thêm tiền nhằm tạo công ăn việc làm (full employment) hay cho đến khi tiền in quá nhiều sinh lạm phát (inflation.) Trên nguyên tắc nhà nước có thể mãi mãi in tiền cho đến khi lạm phát mà không cần thu thuế; trên thực tế nhà nước thu thuế nhằm hút vào lượng tiền đã in ra để không sinh lạm phát.

Thuyết MMT rất mới, lạ và kỳ quặc nhưng Kinh Tế Dễ Hiểu xin độc giả khoan vội phán đoán mà nên tìm hiểu thêm trong tinh thần cởi mở[1] [2]. Chỉ nên nhớ một điều là đừng dại dột áp dụng vào Việt Nam vì Việt Nam mượn tiền USD nên không thể in USD trả nợ như Mỹ!

4.      Lạm phát

Lạm phát tức tiền mất giá. Lạm phát thường tăng nhanh hơn lương bổng. Năm trước 8 USD mua sáu lon bia bây giờ lên đến 10 USD, tức giá bia lạm phát 25% trong khi lương chỉ tăng 3%!

Lạm phát lợi cho kẻ mượn tiền nhưng thiệt cho người cho vay. Nếu lãi xuất cố định 3% trong 30 năm nhưng mỗi năm tiền mất giá 4% thì nợ bốc hơi cạn dần. Một cách để nhà nước trả nợ là tăng lạm phát, nhưng lại khiến cho đời sống dân chúng khó khăn hơn vì lương tăng chậm hơn lạm phát. Lạm phát dẫn đến nhiều xáo trộn xã hội như châm ngòi cho trào lưu phát-xít của Hitler nên nước nào cũng e sợ lạm phát.

Lạm phát còn nguy hiểm hơn thuế má: thuế tăng ai cũng thấy, còn lạm phát giống như nhà nước nhè nhẹ móc túi khiến tiền vơi dần mà không ai để ý.

Đừng vội tin con số chính thức về lạm phát của nhà nước. Ở Mỹ lạm phát trung bình trong suốt 20 năm chỉ dưới 4% nhưng giá nhà, tiền y tế, giữ trẻ và học phí đại học nhảy vọt 100-200%. Con số lạm phát của nhà nước chỉ gồm những thứ mà người ta muốn có (wants, như quần áo, tivi, tủ lạnh lên giá chậm) thay vì những món người ta phải có (needs, như bia rượu, nhà ở, y tế, giữ trẻ, đại học giá tăng nhanh.)

Chuyện tiền bạc còn dài dài nhưng xin để dành cho những chương sau.

TÓM TẮT

a.      Tiền nhà nước (fiat money) có thể cột vào vàng hay thả nổi cho thị trường quyết định.

b.      Nhà nước in quá nhiều tiền sinh lạm phát.

c.      Tiền điện toán (bitcoin) được ưa chuộng vì không do nhà nước ấn hành mà cũng không bị nhà nước kiểm soát bởi chẳng ai tin nhà nước.

d.      Thuyết Tân Tiền Tệ có vẻ ngụy biện nhưng đừng vội chê mà hãy tìm hiểu thêm.

e.      Lạm phát là một thứ thuế của nhà nước len lén móc hầu bao dân chúng vì tiền nằm trong túi nhưng cứ nhè nhẹ cạn dần.



[1] Deficit Myth. Tác giả Stephanie Kelton

[2] Modern Monetary Theory. Tác giả L Randall Wray

No comments:

Post a Comment