Friday, September 3, 2021

Kinh Tế Dễ Hiểu: Tâm Lý Thị Trường (Chương 15)

 Có hai cách nhìn về thị trường. 

  1. Theo quan điểm thứ nhất mọi người sinh hoạt trong thị trường đều không quyết định cẩu thả lợi vì đụng chạm đến lợi ích riêng tư của mình (self-interest). Mỗi cá nhân có thể đúng hay sai nhưng đến khi tổng hợp các quyết định (dựa vào những dữ kiện đang có[1]) lúc nào cũng sáng suốt cho nên gọi là thị trường hợp lý (rational market.)
Thí dụ kỷ sư A muốn đòi lương cao trong khi B chấp nhận mức lương thấp hơn. Các công ty C, D, E lại trả lương chênh lệch. Tổng hợp nhiều quyết định sẽ đi đến một mức lương chung hợp lý nhất trong thị trường lao động dựa trên dữ kiện ngay vào lúc đó là có bao nhiêu người đang tìm việc và bao nhiêu hảng cần thuê mướn nhân viên.

Trong một thí dụ khác về giá chứng khoán. Nhóm A  đồng ý mua cổ phiếu giá thấp trong khi nhóm B đòi giá cao. Sàn chứng khoán tổng hợp ước đoán của mọi phe tham dự nên quyết định giá hiệu quả nhất giá trị chứng khoán vào thời điểm lúc bấy giờ (efficient market theory.)[2],[3]

Cách nhìn thứ nhất nghe hợp lý nhưng thực tế cho thấy giá cả không phải lúc nào cũng thỏa đáng mà trong nhiều trường hợp tăng vọt một cách phi lý để rồi sau đó xì thảm hại như bong bóng.

  1. Quan điểm thứ nhì (từ John M. Keynes) cho rằng nhóm A không muốn bị vuột hay hố nên khi đưa ra giá cả đã tiên liệu một nhóm khác sẽ trả giá cao hay thấp hơn. Nói cách khác, thị trường giống như sàn đấu thầu hay trên bàn xì phé nơi đó mỗi người dò chừng đối thủ sẽ đuổi theo giá bao nhiêu, để rồi một khi “nóng máu” giá cả sẽ bay bổng lên xuống một cách phi lý bất ngờ. Khi nhận xét về thị trường trường hợp lý Keynes phát biểu “Đơi đến khi thị trường hết điên rồ thì bạn đã cháy túi” (The stock market can remain irrational longer than you are solvent.)

Nếu thị trường hợp lý giá cả sẽ đạt đến mức cân bằng tối ưu (optimal pricing) phù hợp với các dữ kiện đang có. Nếu thị trường không hợp lý tất nhiên giá cả sẽ trồi sụt thất thường. Tuy vậy hai quan điểm nói trên không đối nghịch nhưng lại bổ túc lẫn nhau như hai bộ mặt của một đồng tiền. Nhà đầu tư nổi tiếng Peter Lynch nhận xét “Trong ngắn hạn giá cổ phiếu của một công ty không liên hệ gì đến sự thành bại của công ty đó, nhưng đến dài hạn giá cổ phiếu lại phản ảnh 100% thành quả của công ty.” (Often, there is no correlation between the success of a company’s operations and the success of its stock over a few months or even a few years. In the long term, there is a 100 percent correlation between the success of the company and the success of its stock.) Nói cách khác trong khoảng vài tháng hay vài năm giá cả trồi sụt theo tâm lý thị trường nên thường khi không hợp lý, nhưng nếu kiên nhẩn chờ đợi lâu dài thì giá cả phù hợp 100% với thành quả của công ty[4] [5].

Trở lại với kinh tế vĩ mô nếu thị trường hữu hiệu (và dữ kiện không thay đổi) thì giá cả sẽ đạt đến trạng thái tĩnh cân bằng tối ưu. Mọi người đều sẽ có công ăn việc làm với đồng lương hợp lý. Giá cả và mức cung cầu đều ổn định nên không giảm phát hay lạm phát. Mọi sự can thiệp của nhà nước sẽ chỉ bóp méo thị trường. Đến khi dữ kiện thay đổi, giá cả sẽ dao động trồi sụt nhưng nhà nước không vì vậy mà can thiệp nhưng cần kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi thị trường gạn lọc các bất cập trước khi trở về trạng thái cân đối.

Ngược lại nếu thị trường không hợp lý giống như bãi đấu thầu thì giá cả sẽ có những giai đoạn hổn loạn. Nhà nước cần can thiệp để ngăn chận hay giảm thiểu tác động của khủng hoảng nhằm tránh lạm phát và thất nghiệp vốn là hai nguyên nhân dẫn đến xáo trộn chính trị và xã hội.

***

Ngành kinh tế hành vi (behavioral economics) trở nên thịnh hành kể từ sau cuộc khủng hoảng 2007-08 để trả lời câu hỏi tại sao các đại ngân hàng Mỹ vốn xử dụng những chuyên viên ưu tú nhất từ Harvard, Columbia,…lại điên rồ đua nhau bơm lên bong bóng điạ ốc và tài chánh khổng lồ để rồi khi nổ bùng làm thiệt hại đến quyền lợi của chính họ?

Nguyên do thứ nhất là do tâm lý hùa theo đám đông (herd mentalitỵ.) Tâm lý này rất tự nhiên vì bắt nguồn từ bản năng sinh tồn khi sống thành đàn mà thấy mọi người ùa nhau chạy thì phải…chạy theo không cần chờ biết do cháy rừng, sư tử hay thảo khấu[6]. Nhưng cũng chính bản năng này khi áp dụng vào thị trường lại vô cùng tai hại nếu một người hùa theo đám đông mua nhà hay chứng khoán vào lúc giá cao ngất ngưỡng để rồi bán tháo đổ lúc giá xuống thảm hại cùng với đám đông ôm đầu máu bỏ chạy.

Nhà đầu tư lừng danh Warren Buffet dạy ngược lại “Hãy hoảng sợ khi mọi người tham lam, hãy tham lam khi mọi người hốt hoảng” (Fearful when others are greedy and greedy when others are fearful) tức là mua khi giá cả tuột dốc, và bán khi giá cả tăng vọt. Cách đầu tư lề trái gọi là contrarian investing.

Nhiều trạng thái tâm lý khác khiến chết người như lòng tham (greed), tánh ghanh ghét (envious) hay sợ lỡ chuyến đò (missing the boat)!

Có những người dù biết dại dột mới nhảy vào một khi giá đã tăng lên quá cao, vậy mà vẫn mua vì họ tin sẽ bán được cho thằng khác khờ hơn - tức là Last Fool Theory. Khôn ngoan tính toán kiểu này dễ chết vì biết đâu chính mình mới là tên khờ cuối cùng!

Chu kỳ giá cả tăng hay giảm đôi khi kéo dài nhiều năm khiến nhiều người đâm ra mất kiên nhẫn và tự tin. Thí dụ từ năm 2004 ở Mỹ đã nhận xét giá nhà đã tăng quá cao. Nhưng sau đó từ 2004-2007 giá cả cứ tiếp tục nhảy vọt khiến những người vốn chậm chạp và thận trọng nhất cũng đâm ra sốt ruột để rồi nhảy vào mua lúc đỉnh điểm!

Khôn cũng chết, dại cũng chết, chỉ có biết là sống. Ông Buffet đã cho biết mà không ai chịu nghe (kể cả người viết!)

***

Một ngành học khác là Complexity Economics (Kinh Tế Phức Tạp.) Kinh tế không có trạng thái tĩnh vì không phải là hệ thống đóng (closed system) mà là hệ thống mở (open system.) Hệ thống mở chịu nhiều tác động bên ngoài như đại dịch Vũ Hán, biến đổi khí hậu, chiến tranh, các phát minh mới, kết quả bầu cử v.v…đều tác động lên nền kinh tế.

Nói về các phát minh có một khái niệm rất quan trọng gọi là “creative destruction” (sáng tạo trong hũy diệt) của kinh tế gia Schumpeter. Thí dụ toàn cầu hoá khiến hàng hoá giá rẻ vì chuổi cung ứng vô cùng hiệu quả nhưng lại hũy diệt hàng triệu công ăn việc làm ở Tây Phương. Mua bán trên Amazon vô cùng tiện lợi nhưng hũy diệt hàng chục ngàn cửa tiệm phá sản. Uber khiến các hãng taxi chết dỡ.

Quyền lực phe nhóm một khi đã bén rể lúc nào cũng sợ bị hũy diệt nên vì đó mà bóp chết sáng tạo và tiến bộ. Ngược lại nhà nước phải nâng đỡ thành phần bị thiệt thòi khi những phát minh mới hũy diệt công ăn việc làm để họ không bị bỏ rơi (left behind) mà sinh ra bạo loạn xã hội và chính trị.

TÓM TẮT

  1. Thị trường hữu hiệu vì tổng hợp mọi quyết định trong xã hội để đạt đến mức giá chung phù hợp nhất với các dữ kiện đang có (efficient market theory.) Ngược lại nếu giá cả do nhà nước đơn phương quyết định sẽ sai lệch.
  2. Giá cả trong thị trường, giống như bãi đấu thầu, không phải lúc nào cũng hợp lý do mỗi người dự đoán giá sẽ còn tăng hay giảm.
  3. Tâm lý hùa theo đám đông và tên khờ cuối cùng (Last Fool Theory) rất tai hại trong Kinh Tế Hành Vi (Behavioral Economics)
  4. Kinh Tế Phức Tạp (Complexity Economics) tìm hiểu những tác động từ bên ngoài như đại dịch, chiến tranh, phát minh…lên nền kinh tế.


[1] Thị trường sáng suốt “dựa trên các dữ kiện đang có”. Còn nếu tin tức không chính xác thì quyết định chung sẽ sai lệch. Hay khi hoàn cảnh thay đổi quyết định chung cũng phải đổi thay.

 

[2] Một thí nghiệm vui và dễ thực tập trong các buổi tiệc là đưa ra một hủ đựng kẹo bòn bon để mọi người tham gia đoán có bao nhiêu kẹo trong hủ. Mỗi người đoán mò một con số nhưng tổng hợp mọi ước đoán sẽ chính xác một cách bất ngờ. Càng nhiều người tham dự cuộc chơi thì kết quả tổng hợp sẽ càng gần với con số thật!

 

[3] Một hệ lụy là kinh tế thị trường (thị trường quyết định giá cả) hữu hiệu hơn kinh tế chỉ huy (nhà nước quyết định giá cả.)

[4] Có 2 cách đầu tư mua chứng khoán: (1) đầu tư chạy theo đà (momentum investing) tức mua khi giá đang trên đà đi lên và bán theo đà đi xuống mà không cần biết công ty tốt hay xấu; hoặc (2) đầu tư trên cơ sở (fundamental investing) tức gạn lọc các công ty có nền tảng tốt để mua cổ phiếu.

 

[5] Để ý câu nói của Peter Lynch rất phù hợp với John M. Keynes

 

[6] Quan sát nai hay chim lúc nào cũng đi theo đàn.

No comments:

Post a Comment