Cuộc tranh luận về vai trò của nhà nước trong kinh tế giống
một quả lắc đồng hồ từ trái sang phải rồi xoay ngược lại:
1. Trong
thập niên 60-70 kinh tế Hoa Kỳ bị trì trệ
vì chiến tranh Việt Nam, khủng hoảng dầu hỏa Trung Đông và vai trò mở rộng của
nhà nước song song với chương trình Chống Nghèo (The Great Society) vô cùng tốn
kém của tổng thống Lyndon Johnson vốn thuộc cánh Cấp Tiến (Liberal).
2. Sang
thập niên 80 cánh Bảo Thủ (Conservative) của tổng thống Ronald Reagan (và Thủ Tướng
Margaret Thatcher của Anh) chủ trương thu nhỏ vai trò của chính quyền với câu nói
bất hủ “Nhà nước không phải là lời giải đáp bởi vì chính nhà nước tạo thêm nhiều
vấn đề” (Government is not the solution to our problem government is the
problem”). Ông đòi bớt thuế má và giảm giám sát nhà nước (regulations) mà đặt nặng
vào tính cạnh tranh và vai trò của bàn tay vô hình (the invisible hand) điều tiết
nền kinh tế thị trường.
3. Sau
sự sụp đổ của bức màn sắt và bước qua những năm 90 cùng đầu thế kỷ thứ 20 Hoa
Kỳ lại có thêm hai khuynh hướng Tân Tự Do (Neo-Liberalism) và Tân Bảo Thủ
(Neo-Conservatism). Hai phái này tuy tiếp tục khác biệt về thuế má và vai trò của
nhà nước trong nước Mỹ nhưng lại đồng thuận trên quan điểm phát huy toàn cầu hoá.
4. Song
song với mậu dịch quốc tế (global trade) là việc mở rộng các cánh cửa tài chánh
đầu tư xuyên quốc gia (financial liberalization). Những nguồn tiền khổng lồ chạy
từ lục địa này sang lục địa khác tạo ra nhiều cuộc khủng hoảng tài chánh liên tục
từ Mexico (1994) sang Đông Á (1997) Nga (1998) Nam Mỹ (2000) rồi đến cả Hoa Kỳ (2007-09)
và Âu Châu (2010-12). IMF (Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế) và Ngân Hàng Trung Ương được
xem như trọng tâm để giải quyết khủng hoảng bằng các biện pháp tiền tệ thay vì tăng cường ngân
sách và sự giám sát của nhà nước, dựa trên quan điểm của kinh tế gia Milton
Friedman.
5. Hậu
quả bất ngờ tích lũy của nhiều chính sách tưởng chừng không có liên hệ trực tiếp
gồm cả thị trường tự do từ những năm 80, toàn cầu hóa từ thập niên 90 và các biện
pháp tiền tệ nhằm giải quyết khủng hoảng tài chánh ở Âu-Mỹ từ 2008, cọng thêm tác
động đến từ tự động hóa và điện toán hoá, là giới công nhân thợ thuyền Tây Phương
bị mất việc trong khi khoảng cách giàu nghèo thêm sâu đậm; lợi tức của các tập đoàn
đa quốc gia tăng vọt nhờ đóng cửa hảng xưởng ở Tây Phương mà xử dụng công nhân
rẻ ở Trung Quốc, Đông Nam Á và Nam Mỹ; thu nhập tập trung vào những kẻ thích hợp
nhất với điện toán hóa (winner take all). Thông thường thì mỗi người nghiên cứu
một trong các chính sách nói trên như kẻ mù mò chân voi, nhưng cọng lại do vẫn
mù nên vẫn không biết là con voi hay bạch tuột năm vòi khổng lồ! Dù vậy là quả
lắc chính trị nay xoay chiều ngược lại:
-
cánh hữu dân túy (popularism) của Donald Trump
chống mậu dịch toàn cầu nhằm đem công ăn việc làm trở lại nước Mỹ, đòi nhà nước
giảm thuế và giảm giám sát để nâng sức cạnh tranh và chống cánh Tân Bảo Thủ truyền
thống trong đảng Cộng Hòa. Chính sách của cánh hữu nói chung bị phê bình là trickle
down economic, tức là nhà giàu hưởng phần trên trước đến khi rơi rớt dư thừa mới
đến số đông quần chúng.
-
cánh tả xã hội (socialism) Bernie Sander –
Elizabeth Warren chống thương mại quốc tế để bảo vệ công nhân Hoa Kỳ, đòi tăng
thuế và tăng giám sát nhà nước hòng giảm bớt khoảng cách giàu nghèo và chống cánh
Tân Tự Do trong đảng Dân Chủ.
Trong tranh luận kinh tế thì quả lắc cũng đổi chiều ngược lại
từ bàn tay vô hình (the invisible hand) theo Adam Smith chuyển qua bàn tay lông
lá của nhà nước của John M. Keynes nhằm điều tiết thị trường; từ vai trò trọng
tâm trong chính sách tiền tệ của Ngân Hàng Trung Ương theo Milton Friedman chuyển
sang vai trò trọng trách trong ngân sách và giám sát nhà nước cũng của John M.
Keynes và Hymen Minsky nhằm giải quyết khủng hoảng.
Kinh tế gia Thomas Piketty (tác giả của quyển sách nổi tiếng
Capital in the Twenty First Century - Vốn Tư Bản trong thế kỷ thứ 21) sắp ra mắt
vào tháng 3/2020 sách mới Capital and Ideology (Vốn Tư Bản và Chủ Thuyết) trong
một bài phỏng vấn gần đây có nhận xét đáng chú ý rằng giới trí thức cánh tả
tranh đấu cho dân nghèo, nhưng rồi lại hô hào toàn cầu hóa mà không quan tâm đến
hệ lụy giàu nghèo trong xã hội. Sách mới của ông dài 1100 trang nên sẽ là liều
thuốc ngủ ngon trong nhiều đêm dài!
Trên đây là bức tranh sơ lược lịch sử kinh tế và chính trị
Hoa Kỳ từ thập niên 60 đến nay dài chỉ hơn 1 trang (!) Các bài tiếp theo sẽ phân
tích sâu hơn về vai trò của nhà nước, của Ngân Hàng Trung Ương, của toàn cầu hoá
và điện toán hóa lên khoảng cách giàu nghèo. Điều đáng nói là những tranh luận
chính trị và kinh tế xem ra khô khan, xa vời và vô bổ nhưng lại tác động lên công
ăn việc làm và tương lai của từng gia đình và mỗi chúng ta.
Để kết luận, người viết xin kể lại một truyện cười Liên Bang
Xô Viết. Trong buổi diễn hành của Hồng Quân chống Tư Bản, đi trước các binh chủng
không hải lục quân oai phong hùng tráng trên Quảng Trường Đỏ lại là một đám người
ăn mặc xốc xếc đi đứng hổn độn cải cọ om xòm. Ai nấy thắc mắc hỏi là bọn nào hổn
láo thiếu kỷ luật thì Stalin nghiêm chỉnh trả lời: “Các kinh tế gia đấy. Thấy
chúng lộn xộn như vậy mà sức phá hại của chúng thật là khủng khiếp!”
Stalin quên mất ông tổ Karl Marx cũng là kinh tế gia!
No comments:
Post a Comment