Friday, May 8, 2020

Mất cân bằng trong kinh tế toàn cầu: lạm dụng ngân sách nhà nước và rủi ro đạo đức (Bài 22)


Khi chính quyền Hoa Kỳ tung gói cứu cấp khổng lồ trị giá 3 ngàn tỷ USD thì không khỏi tránh bị lạm dụng. Theo một ước tính con số thất thoát có thể lên đến 20% (tức là 600 tỷ USD) do thiếu kiểm soát khi tiền tung ra quá nhanh hòng chận đứng đà suy thoái của nền kinh tế do ôn dịch Vũ Hán gây ra.

Ngoài việc khai man hoặc luồn lách kẽ hở luật pháp để lãnh cứu trợ còn một vấn đề được nêu lên là một khi nhà nước nhúng tay can thiệp vào thị trường tự do tất sẽ tạo ra tiền lệ xấu dẫn đến nhiều rủi ro đạo đức (moral hazard) trong kinh doanh. Lẽ phải trên thương trường tức làm ăn gian dối hay cẩu thả phải chấp nhận sớm muộn bị đào thải; nhưng nếu doanh nghiệp ỷ lại được chính quyền bảo kê thì sẽ không thay đổi thói hư tật xấu mà tiếp tục liều lĩnh đi tìm lợi lộc, hay nói nôm na cũng giống như con hư tại mẹ cháu hư tại bà!

Rủi ro đạo đức ở nhiều nước là hiện tượng tư bản thân hữu. Nhưng năm 2007-08 có thêm tình trạng ỷ lại vào thế mạnh (too big to fail) của các đại ngân hàng Hoa Kỳ. Những đại ngân hàng này đầu tư bừa bải vào địa ốc khiến sau đó thị trường tín dụng sụp đổ làm nước Mỹ rơi vào cuộc Đại Suy Thoái, vậy mà sau đó được nhà nước cứu vớt và chỉ bị phạt vạ sơ sơ cho có lệ. Lý do vì nếu để mặc các đại ngân hàng phá sản thì cũng giống như quả tim ngưng bơm máu vào cơ thể và sẽ dẫn đến sự sụp đổ của toàn bộ nền kinh tế. Kết quả là các chủ ngân hàng chẳng những không bị tù tội mà còn lãnh thêm phần thưởng to lớn khi những đại ngân hàng khuếch trương sanh lợi nhờ vào tiền cứu trợ của nhà nước, tức là tiền thuế của dân chúng. Đây là một trong các nguyên nhân dẫn đến sự phẩn nộ của quần chúng rằng nền chính trị Mỹ bị dàn dựng (the system is rigged) ưu đãi thành phần thượng lưu ưu tú mà thiệt hại cho dân chúng khiến dẫn đến trào lưu dân túy cánh hữu và xã hội cánh tã trong cuộc bầu cử 2016 ở Hoa Kỳ.

Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2020 phát sinh từ đại dịch Vũ Hán, lổi nơi Trung Quốc dấu giếm sự thật chớ không phải do các doanh nghiệp làm ăn cẩu thả. Thoạt đầu vấn đề rủi ro đạo đức không được nêu lên vì mọi công ty từ lớn nhỏ cho đến kinh doanh cá thể đều cần được cứu vớt trong lúc ngặt nghèo. Tuy nhiên một khi tiền – đúng hơn là rất nhiều tiền – được tung ra thì lại có chuyện tranh cải vì phân phối không công bình.

Đối với thành phần công nhân có lời than phiền rằng trợ cấp thất nghiệp cộng thêm phụ trội khẩn cấp còn cao hơn cả tiền lương họ đang lãnh, nếu kéo dài sẽ sinh ra thói lười biếng.

Khoảng 600 tỷ USD được dành để tài trợ cho các cơ xưởng tiệm tùng nhỏ lẻ (Small Business Administration hay SBA) như nhà hàng v.v… Nhưng thoạt đầu vài công ty lớn và vừa cũng nhảy vào “ăn có” vay mượn hàng trăm triệu USD làm hụt tiền trợ cấp cho kinh doanh cá thể nên tạo ra làn sóng công kích dữ dội. Việc lạm dụng giờ đây được ngăn chận phần nào bằng cách giới hạn số tiền cho vay nhưng cũng đã gây nên nhiều bất mãn trong xã hội.

Ngân Hàng Trung Ương Hoa Kỳ (NHTƯHK) trước đây chỉ mua nợ công của chính phủ Mỹ; năm 2008 mua thêm nợ địa ốc để hổ trợ các ngân hàng không bị xập tiệm; năm 2020 lại tiến thêm một bước chưa từng có là mua thêm nợ từ đủ mọi loại doanh nghiệp để giúp cho các công ty không bị phá sản hàng loạt, lý do vì nhiều kỷ nghệ có tầm vóc quốc gia như hàng không, sản xuất xe hơi, khai thác dầu hỏa, v.v… đều bị tê liệt trong thời gian khủng hoảng. Tuy nhiên từ năm 2008 do lãi xuất cực thấp nhiều doanh nghiệp đã vay mượn không phải để kinh doanh mà nhằm xử dụng vào các pháp thuật tài chánh (financial engineering) như thu hồi cổ phiếu (stock buyback) để nâng giá chứng khoáng nhằm thu lợi cho cổ đông và thành phần quản trị. Rủi ro đạo đức là liệu NHTƯHK có sẽ thu mua nợ xấu của những công ty này hay không vì tầm quan trọng chiến lược trong nền kinh tế.

Các khoảng cứu trợ khẩn cấp năm 2007-08 đã dẫn đến phong trào dân túy cánh hữu và xã hội cánh tả. Chúng ta chỉ có thể dự trù rằng những gói tài trợ lớn hơn rất nhiều vào năm 2020 sẽ khiến độ rạn nứt về chính trị càng trở nên sâu sắc. Cánh hữu sẽ đòi Hoa Kỳ cắt giảm nhịp độ toàn cầu hóa, nước Mỹ tự túc và cô lập để không còn lệ thuộc sinh tồn vào sản xuất nước ngoài, không phung phí tiền của ra ngoại quốc và tạo công ăn việc làm trong nước. Cánh tả sẽ đòi nhà nước khuếch trương to lớn khổng lồ để đảm nhận nhiều vai trò như y tế vào tạo công ăn việc làm thay vì giao khoáng cho tư nhân, đồng thời tăng thuế nhảy vọt để tái phân phối của cải trong xã hội. Khoảng cách giàu nghèo trong xã hội sẽ càng sâu đậm trong khi chiến tranh lạnh Mỹ-Trung có cơ hội nổ bùng. Thập niên 2020 sẽ đầy sóng gió.

Bài kế tiếp sẽ tìm hiểu liệu đại dịch Vũ Hán có đe dọa làm tan rã khối EU hay không?

No comments:

Post a Comment