Friday, April 24, 2020

Mất cân bằng trong kinh tế toàn cầu: các nước đang mở mang và đại dịch Vũ Hán (Bài 21)


Ôn dịch Vũ Hán gây nên một cơn khủng hoảng chưa từng thấy trong khối các nước nghèo khó khiến 100 quốc gia trong số 189 thành viên IMF hiện đang cầu cứu cơ quan quốc tế này viện trợ khẩn cấp. Tưởng cần nên tìm hiểu bối cảnh của những quốc gia đang phát triển song song với các phân tích về tác động của khủng hoảng.

  1. Từ 2008 đến nay Trung Quốc là đầu tàu phát triển cho nhiều nước trên thế giới. Thương mại lên trên 1 ngàn tỷ USD thu mua khoáng sản từ Úc và Phi Châu, dầu hỏa ở Nga và Trung Đông và lương thực của Á Châu và Nam Mỹ (để so sánh thì Hoa Kỳ phung phí 4 ngàn tỷ USD vào chiến trường Afghanistan và Iraq mà không được gì hết!) Nay kinh tế Âu-Mỹ-Nhật-Hoa đều chậm lại nên không thể tìm ra nguồn tiền mới tiếp tục cho tăng trưởng.

  1. Do lãi xuất ở Âu-Mỹ-Nhật cực thấp nên một khoảng tiền trên thế giới đổ vào các nước đang mở mang cho vay mượn tìm phân lời cao. Nợ nước ngoài thường tính bằng Euro và USD. Trong số này thì nợ từ Trung Quốc tăng nhanh nhất với kế hoạch Vành Đai Con Đường chiếm trên 200 tỷ USD nhưng với sổ sách và điều kiện cho vay không minh bạch. Khi khủng hoảng do ôn dịch Vũ Hán xãy đến thì USD trở nên khan hiếm, đô-la Mỹ tăng giá trong lúc thu nhập của các quốc gia đang mở mang lại sa sút. Tình trạng này khiến nhiều nước nghèo khó rơi không còn khả năng trả nợ.

  1. Chiến tranh dầu hỏa giữa Nga, Saudi và công nghệ dầu đá phiến ở Mỹ bùng nổ ngay vào lúc ôn dịch Vũ Hán hoành hành khiến giá dầu thô sụp đổ. Hai nước Nga và Saudi có khoảng dự trữ ngoại tệ trên dưới 500 tỷ USD đủ để chịu lỗ trong một thời gian; Hoa Kỳ có thể in tiền cứu trợ công nghệ dầu đá phiến vì lý do an ninh quốc gia. Ngược lại kinh tế Iran và Venezuala lệ thuộc phần lớn vào dầu hỏa nên sẽ lâm nguy; Brazil, Mễ Tây Cơ, Ai Cập, Sudan, Iraq v.v… đều là những nước bán dầu đều bị thiệt hại nặng nề.

  1. Những quốc gia với quỹ dự trữ ngoại tệ dồi dào như Nam Hàn, Đài Loan, Nga, Saudi, Việt Nam, v.v… có thể gồng mình gánh chịu trong khi nhiều nước còn lại (trong đó có Ý, Tây Ban Nha, Hy Lạp và những quốc gia nghèo khó) sẽ rơi vào tình trạng xáo trộn cả kinh tế lẫn chính trị. Giá dầu rẻ mạt phần nào giúp đỡ dân nghèo, nhưng do nhu cầu tiêu thụ sụp đổ trên toàn thế giới trong khi khuynh hướng bảo hộ mậu dịch sẽ gia tăng vào những năm sắp tới nên việc thúc đẩy xuất cảng nhằm gầy dựng quỹ dự trữ sẽ trở nên khó khăn.

  1. Ngành du lịch sụp đổ ảnh hưởng nặng nề đến nhiều nước trong đó Pháp, Ý, Thái Lan, Việt Nam, v.v…

  1. Đại dịch nếu bùng phát ở Phi Châu, Nam Mỹ và Nam Á sẽ là một thảm họa nhân loại vì những nước này vừa không đủ tiền lại không có cơ sở y tế để chống trả. Biện pháp cách ly ngăn ngừa dịch bệnh bắt đầu mang lại nạn đói tập thể do không có công ăn việc làm ở nhiều quốc gia. Ngay trong hoàn cảnh sáng sủa nhất ôn dịch không lan rộng nhưng hàng trăm triệu hay tỷ người trên thế giới vẫn rơi trở lại vào cuộc sống bần cùng do tác động kinh tế dây chuyền.

IMF ước tính kinh tế thế giới sẽ co cụm 3% vào năm 2020 nếu độc vật Vũ Hán không tái bùng phát vào mùa Đông. Ngược lại trong trường hợp có thêm đợt dịch thứ nhì suy thoái sẽ là 6% hay cao hơn nửa.

IMF hiện có khoảng 1.2 ngàn tỷ USD trong quỹ đủ để cứu trợ khẩn cấp vào năm 2020. G-20 trong tháng 04/2020 đồng thỏa thuận cho những nước nghèo hoãn hạn kỳ trả nợ. Tuy nhiên nhiều chuyên gia quan tâm liệu Bắc Kinh có thực hiện lời hứa hay không do các khoảng cho vay thiếu minh bạch với điều kiện thường là chuyển nhượng đất đai và bến cảng cho Trung Quốc nếu không có tiền trả nợ.

Vào tháng 07/2018 khi Pakistan yêu cầu IMF cứu trợ thì Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cảnh báo rằng không thể dùng tiền của IMF để trả nợ thiếu minh bạch từ Trung Quốc. Vấn đề này tuy chưa được nêu lên trong những ngày gần đây nhưng sẽ trở lại trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung ngày càng gia tăng.

Tháng 04/2020 Tổng Thống Pháp Macron kêu gọi cộng đồng quốc tế không chỉ hoãn nợ mà phải hủy nợ cho các nước nghèo khó. Lời kêu gọi này nhắm thẳng vào Bắc Kinh vì Trung Quốc là chủ nợ hàng đầu cho Phi Châu. Với chính sách độc đoán của Donald Trump không biết Mỹ và Âu Châu còn có thể hợp tác với nhau hay không nhưng đây có thể là bước đầu để phá vỡ kế hoạch Vành Đai Con Đường và thu tóm đất đai của họ Tập.


No comments:

Post a Comment