Friday, June 19, 2020

Vài suy nghĩ về nền dân chủ ở Mỹ: nhận thức về tự do (Bài 2)

Ở Việt Nam không có dân chủ tự do vì quan chức cướp nhà đất giữa ban ngày; công an bắt người vào đồn đánh chết có thể chỉ vì một tội cỏn con; những nhà đấu tranh bị khủng bố, bắt bớ, tù đày. Ở Mỹ không có dân chủ nhưng đối với đại đa số chỉ là chuyện đọc tin tức rồi cãi nhau trên báo chí, sách vỡ hay bàn ăn, trong cuộc sống hàng ngày vẫn đi làm, đi chơi, đi chợ mà không bị giới hạn nào. Khi nhận thức và nhu cầu về tự do dân chủ khác biệt nhau xa như vậy thì có phải là nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột, làm sao có thể so sánh giữa một bên đòi quyền cãi nhau rồi xé to sinh chuyện trong khi bên kia tranh đấu tìm quyền sống?

Nhiều người sẽ biện hộ rằng dân chủ là tranh luận và bất đồng ý kiến. Dù vậy cộng đồng người Mỹ gốc Việt tuy đấu đá gay gắt về Trump, màu da, di dân, giới tính v.v… nhưng chỉ trong phạm vi tiếng Việt. Giả sử vài phát biểu quá khích trong cộng đồng lại viết bằng tiếng Anh trên blog hay Facebook thì nội dung có thể gây ra bạo loạn với những cộng đồng khác dẫn đến việc hàng quán tiệm ăn bị đốt phá, hay người đi làm bị đuổi việc! Đến khi đó thì nhiều người sẽ tự kiểm duyệt giữ gìn lời ăn tiếng nói, tức là nền dân chủ đã bị sứt mẻ.

Không phải chỉ những lý luận hồ đồ hay cực đoan mới bị tấn công. Bà J.K. Rowling tác giả nổi tiếng của tập truyện Harry Potter bị đám cảnh sát tư tưởng đánh tơi bời khi thận trọng trình bày quan điểm của mình về những người chuyển giới. Tổng Biên Tập của tờ New York Times buộc phải từ chức khi cho đăng bài viết của Thượng Nghị Sĩ cánh hữu Tim Cotton về việc huy động quân đội giữ gìn an ninh trong các cuộc biểu tình đập phá gần đây. Câu nói của nhà thơ Voltaire “Tôi không đồng ý với điều bạn nói nhưng tôi sẽ bảo vệ đến chết quyền bạn được nói” ngày nay không còn áp dụng ở Hoa Kỳ (và Tây Âu) bởi vì dư luận cánh hữu hay tả sẽ đánh tơi bời một người bất đồng ý kiến cho đến thân bại danh liệt, tán gia bại sản mà không cần lắng nghe những gì họ nói. Vậy là có kiểm duyệt và khủng bố.

Trước đây cánh cấp tiến (liberals – dùng lẫn lộn với cánh tả trong nhiều bài viết) chiếm độc quyền trên báo chí và đại học, một phần vì gồm số đông những nhà trí thức. Nhưng từ ngày có Internet thì thông tin không còn lệ thuộc vào truyền thông dòng chính (mainstream media) mà nảy sinh ra thông tin dòng nghịch (alternative media) trên Facebook và Twitter. Hai dòng chính và nghịch tố cáo lẫn nhau là tung tin giả (fake news) trong cuộc chiến sống còn nhằm triệt hạ đối phương. Thí dụ đơn giản ở Cali, New York đa số dân chúng xem CNN, CNBC (dòng chính) và bầu cho đảng Dân Chủ; trong khi Texas, Oklahoma nhiều người lại theo dõi Fox News (dòng nghịch) lại bỏ phiếu cho đảng Cộng Hòa; ai phe nào thì nghe đài bên đó.

Truyền thông hướng dẫn dư luận để từ đó quyết định lá phiếu bầu cử. Chính những tranh cãi trên Twitter và Facebook là phương tiện truyền thông giúp cho Trump thắng cử năm 2016 và làm thay đổi bộ mặt chính trị nước Mỹ. Cho nên khác với mọi Tổng Thống tiền nhiệm Trump khích động chia rẽ chớ không hô hào đoàn kết, và trớ trêu thay thái độ này lại phù hợp với cả cánh tả lẫn hữu vốn chuẩn bị triệt tiêu lẫn nhau. Trump và những người ủng hộ xem cuộc bầu cử năm 2020 là cơ hội cuối cùng để đập tan những âm mưu của cánh tả, giới cấp tiến và chủ trương toàn cầu hóa vốn phá hoại những nền tảng từng xây dựng nước Mỹ vĩ đại. Ngược lại những kẻ chống Trump và phe thân Trump xem năm 2020 là cơ hội không thể đảo ngược để ngăn chận những phá hoại nền trật tự tự do toàn cầu (liberal world order), nhằm sửa đổi những tội lỗi nguyên thủy (nạn nô lệ) khi lập quốc, để triệt tiêu thành phần dân tộc chủ nghĩa và nhằm thay thế mô hình tư bản hiện giờ bằng kiểu mẫu Dân Chủ Xã Hội Bắc Âu. Cho nên ở Mỹ hiện tượng “cuồng Trump” hay “cuồng chống Trump” nên hiểu trong ý nghĩ cuộc chiến văn hóa sống còn này. Nền dân chủ Hoa Kỳ rạn nứt vì không có hòa giải giữa hai quan điểm cực đoan (1).

Cho nên cái miệng khi nói cũng quan trọng không kém cái miệng được ăn vì làm run chuyển một chế độ. 

***


(1) Hiện tượng “cuồng Trump” và “cuồng chống Trump” có thể tạm so sánh với miền Nam trước năm 1975 khi ngoài xã hội và trong nhiều gia đình chia rẽ thù ghét nhau giữa những người theo Việt Nam Cộng Hòa hay Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.

1 comment:

  1. bon 3 que chong trump la da so, chi co thieu so moi ung ho trump thoai

    ReplyDelete