Nuôi dưỡng nền dân chủ giống như kẻ trồng cây: khi còn là hạt
giống phải chống đỡ quạ tha gà mổ; cây còn non trẻ cần ngăn ngừa sâu bọ; đến lúc
trưởng thành già nua phải chặt bớt những cành lớn không thì một cơn bão lớn sẽ
làm đổ ngã thân cây.
Việt Nam
chưa có dân chủ nên tranh đấu đòi dân chủ. Nền dân chủ non trẻ tại Phi Luật Tân
bị đe dọa trở lại độc tài. Dân chủ ở Mỹ trưởng thành lâu đời nay lại nảy sinh
ra dấu hiệu già nua thoái hóa thành một
hình dạng gì chưa nhận biết được.
Churchill từng nói “Dân Chủ là mô hình nhà nước tệ hại nhất
nhưng tất cả các mô hình nhà nước khác đều đã được thử qua.” Cho đến giờ này
Churchill vẫn đúng, nhưng mọi sinh hoạt xã hội và con người đều không tránh được
định luật của Tạo Hóa là sanh, lão, bệnh, tử. Nền dân chủ lâu đời ở Hoa Kỳ hiện
đang đối diện với những vấn nạn sống còn, liệu nó có thể tự cách mạng hóa để trở
thành một nhà nước trẻ trung đương đầu với thử thách, hay sẽ kéo dài tình trạng
trì trệ do hai phe tả và hữu tranh giành quyền lợi để rơi vào suy thoái trong
thế kỷ 21?
Nhưng cần phân biệt giữa ý thức và chế độ. Athens
giờ này chỉ còn là một đống gạch vụn nhưng tư tưởng dân chủ vốn bắt nguồn từ Athens lớn mạnh hơn bao
giờ hết. Đế quốc La Mã đã tan rã 1800 năm trước nhưng tổ chức hành chánh và luật
pháp của La Mã vẫn còn là nền tảng cho xã hội ngày nay. Nếu một ngày nào đó nước
Mỹ không còn là cường quốc hàng đầu, hay Hoa Kỳ quay mặt tự cô lập như đã từng
làm sau Thế Chiến Thứ Nhất thì những tư tưởng dân chủ, nhân quyền, bình đẳng,
v.v… sẽ không vì đó mà mai một. Thế giới không thể dựa mãi vào nước Mỹ để duy
trì dân chủ và trật tự quốc tế, và ngược lại Hoa Kỳ cũng không thể phung phí nhân
vật lực để áp đặt dân chủ hay đi bảo vệ những nước khác trong khi không tự lo
cho mình trước nhất.
Chính quyền Hoa Kỳ do dân Mỹ bầu lên chớ không phải của công
dân quốc tế, nên trách nhiệm đầu tiên phải bảo vệ quyền lợi của dân Mỹ và nền dân
chủ của Hoa Kỳ. Vị Tổng Thống đời thứ sáu John Quincy Adams từng cảnh giác đất
nước đừng hung hăng đi tìm diệt những con quái vật bên ngoài châu Mỹ (“She goes
not abroad in search of monsters to destroy”), câu này áp dụng ngày nay khi Hoa
Kỳ bị chia rẽ sâu xa nội bộ do 50% dân Mỹ bất mãn vì đời sống không thăng tiến
mà còn thụt lùi trong 30 năm kể từ ngày toàn cầu hóa. Hoa Kỳ phung phí hàng triệu
tỷ đô-la vào các cuộc chiến ở Trung Đông và để bảo vệ Âu Châu trong khi các nước
này không tự bảo vệ chính mình.
Trong khi đó nền dân chủ trong nước Mỹ đang thoái trào. Nước
Mỹ ngày nay có kiểm duyệt – không do chính quyền mà do dư luận cực đoan cánh tả
- ngày nay ai bước ra đường tuyên bố bất cẩn về màu da, chủng tộc, nam nữ, giàu
nghèo thì sẽ bị đuổi sở làm hay bị đánh cho tán gia bại sản. Nền dân chủ vững mạnh
nhờ vào tính chính danh và các định chế nhưng ba đời Tổng Thống liên tiếp bị một
thiểu số không nhỏ từ tả đến hữu tố cáo là soán ngôi: George W. Bush thắng năm
2000 nhờ vào quyết định của Tối Cao Pháp Viện trong đó đa số thẩm phán do đảng
Cộng Hòa đề cử; Obama bị ám ảnh dai dẳng bởi tin đồn không sinh ra ở Mỹ; Trump
thắng nhờ vào lá phiếu cử tri đoàn trong khi thua bà Clinton 2 triệu phiếu phổ
thông. Tính chính danh của Hành Pháp bị soi mòn trong khi chỉ còn 30% dân chúng
tin tưởng vào Quốc Hội. Tổng Thống không có sự hợp tác của Quốc Hội nên điều hành
bằng các sắc lệnh hành chánh (executive oders), khi đổi sang đời Tổng Thống đối
lập các sắc lệnh này bị hủy bỏ dễ dàng khiến chính sách nhà nước trở nên bất nhất
và hổn loạn.
Tính chính danh của Đệ Tam Quyền tức Tối Cao Pháp Viện bị cánh
tả bôi nhọ qua các lần đề cử thẩm phán Clarence Thomas, Neil Gorsuch và Brett
Kavanaugh. Đệ Tứ Quyền hay báo chí thì truyền thông dòng chính (mainstream
media) bị Trump và cánh hữu lên án như kẻ thù của quần chúng (enemy of the
people) chuyên loan tin vịt (fake news) do cánh tả giựt dây. Các định chế hành
chánh độc lập như cảnh sát bị chỉa mũi dùi tấn công vì xem như công cụ của đàn áp
bất công.
Người viết có đọc một tam đoạn luận thú vị: “Người Việt
trong và ngoài nước yêu nước phải chống Tàu. Trump chống Tàu. Người Việt trong
và ngoài nước phải yêu Trump.” Nhưng một số đông ở ngoài nước ngày nay đã là người
Mỹ gốc Việt thì sự trung thành (loyalty) trước hết phải dành cho nước Mỹ. Giả sử
Trump chống Tàu kịch liệt nhưng kinh tế suy sụp, thất nghiệp gia tăng lại cắt trợ
cấp và tiền hưu trí thì chắc người Mỹ gốc Việt cũng đều đắn đo trước khi bỏ phiếu.
Nói cách khác, vận mệnh của người Mỹ gốc Việt gắn liền với tương
lai và nền dân chủ trong nước Mỹ. Nếu đảng Dân Chủ thắng cả Hành Pháp và Quốc Hội
trong năm 2020 thì áp lực tiến gần đến xã hội chủ nghĩa sẽ vô cùng lớn:
medicare for all (bảo hiểm sức khỏe cho mọi người), education for all (giáo dục
cho mọi người), housing for all (nhà ở cho mọi người), basic income for all (lương
bổng cho mọi người) – cái gì cũng for all (cho mọi người) tức là xã hội chủ nghĩa
vì người dân đừng có lo để nhà nước no đủ thu tóm tài sản xã hội bằng đánh thuế
triệt tiêu nhà giàu gọi là cho nhà nghèo. Ngược lại Trump tái đắc cử thì người
viết không còn biết bộ mặt nước Mỹ sẽ thay đổi như thế nào trong 4 năm sắp tới.
Nhưng nước Mỹ dù thăng hay trầm, hay khi nền dân chủ của Hoa
Kỳ không còn là mẫu mực thì người viết tin rằng ước vọng dân chủ trên toàn thế
giới không vì thế suy mòn – cũng giống như cổ thành Athens đã để lại món quà dân
chủ muôn đời cho nhân loại.
No comments:
Post a Comment