Friday, July 17, 2020

Mất cân bằng trong kinh tế toàn cầu: Dân Chủ Xã Hội và Xã Hội Chủ Nghĩa (Bài 25)


Người viết vốn dị ứng với xã hội chủ nghĩa và cảnh nhà nước lạm dụng quyền lực cho nên nghe đòi mở rộng vai trò của chính quyền để phục vụ xã hội là dán nhãn Mác-Xít theo cách nhìn nhà nước chẳng những không giải quyết mà còn tạo thêm vấn nạn (Government is not the solution to our problem, government is the problem – như Tổng Thống Ronald Reagan phát biểu). Tuy nhiên nghĩ lại thì oan uổng cho thành phần cấp tiến (progressive) khi một số đông trong đó vừa chống tư bản bất công lại chống độc tài cộng sản. Cho nên thiết tưởng cần phân biệt giữa hai mô hình Dân Chủ Xã Hội và Xã Hội Chủ Nghĩa, cọng thêm một khuông mẫu mới là Xã Hội Chủ Nghĩa theo màu sắc Trung Quốc.

Mô hình Dân Chủ Xã Hội thường được gắn liền với kinh tế gia nổi tiếng John Manyard Keynes. Ông này sống vào đầu thế kỷ 20 nên chứng kiến cảnh Chủ Nghĩa Tư Bản phát triển quá độ dẫn đến chế độ thực dân, bất công xã hội và cuộc Đại Khủng Hoảng 1929. Keynes lại sang Nga nhìn thấy giáo điều Mác-Lenin chà đạp lên quyền tự do cá nhân và làm kiệt quệ nền kinh tế, rồi Đức với sự bùn nổ của tư tưởng Quốc Xã dẫn đến Thế Chiến Thứ Hai thảm khốc. Từ đó Keynes đưa ra giải pháp nhà nước phải đóng vai trò tích cực nhằm ngăn ngừa những quá độ của tư bản, bằng không bất công kinh tế sẽ dẫn đến phẩn nộ và  trào lưu dân túy cùng mầm mống Cộng Sản hay Phát Xít đe doạ hủy diệt quyền tự do cá nhân. Nói cách khác, chính quyền cần mang đến cơ hội đồng đều về kinh tế (economic opportunities – khác với sang bằng giàu nghèo) thì mới bảo vệ được tự do. Nhà nước phải chống độc quyền (monopoly) phát triễn dân sinh (giáo dục, y tế, quyền lợi lao động) tạo điều kiện để mọi người tìm ra được công ăn việc làm tốt (full employment) và chống đỡ nền kinh tế mỗi lần gặp khủng hoảng nhằm giảm thiểu tình trạng bất công và nghèo đói trước khi tâm lý phẫn uất lan tràn.

Ở Mỹ Tổng Thống Roosevelt đã tiến hành nhiều bước cải cách như phát triển công đoàn và xây dựng mạng lưới an sinh từ sau năm 1929 theo chính sách New Deal để giúp Hoa Kỳ thoát ra Đại Khủng Hoảng. Trong khi đó Âu Châu vẫn còn chế độ thực dân cho nên có thể nói Hoa Kỳ áp dụng mô hình Dân Chủ Xã Hội trước Tây Âu. Nhưng Mỹ là vùng đất mới khai phóng ra đời từ khi dân chúng nổi dậy chống thuế má và sự bảo hộ của vương quốc Anh, do đó người dân Hoa Kỳ có truyền thống độc lập cá nhân (individualism) hoài nghi chính quyền sẽ tước đoạt quyền tự do và tài sản của họ dưới dạng thuế má. Ngược lại Tây Âu sau Thế Chiến Thứ Hai bị chèn ép giữa hai gã khổng lồ Nga và Mỹ nên nhất thiết phải có chính quyền dân chủ đủ mạnh để bảo đảm hoà bình, phục hồi kinh tế và phát triễn dân sinh. Do hoàn cảnh khác biệt này nên từ sau Thế Chiến Thứ Hai Âu Châu phát triễn theo mô hình Dân Chủ Xã Hội trong khi Hoa Kỳ lúc nào cũng bị dằn co giữa vai trò nhà nước lớn hay nhỏ.

Trong khi dân chúng Âu Châu tin vào chính quyền bảo đảm an sinh và quyền tự do cá nhân thì không ít dân chúng Hoa Kỳ chống lại vai trò bành trướng của nhà nước vì họ nghi nghờ sẽ tước đoạt tài sản (qua thuế má) và bóp nghẹt quyền tự do. Cho nên nhiều người Mỹ không phân biệt giữa Dân Chủ Xã Hội hay Xã Hội Chủ Nghĩa, trong cách mạng 1775 họ nổi lên chống “The British are coming” thì nay họ so sánh sự bành trướng của nhà nước giống như “The Communists are coming.”

Tuy nhiên giữa Dân Chủ Xã Hội và Xã Hội Chủ Nghĩa có nhiều khác biệt. Một là dân chủ đa đảng hay độc tài đơn đảng. Thứ nhì nhà nước vẫn phải tôn trọng luật pháp thay vì đứng trên luật pháp. Thứ ba là Tam Quyền Phân Lập. Nền Dân Chủ Xã Hội vẫn tôn trọng quyền tư hữu và kinh doanh tư nhân trong khi nhà nước dùng thuế má để tái phân phối tài sản nhằm giảm bớt giàu nghèo và phát triển dân sinh. Ngược lại trong Xã Hội Chủ Nghĩa không có quyền tư hữu kinh doanh tư nhân, nhà nước nắm trọn của cải và mọi sinh hoạt kinh tế trong nước để chia đều cho mọi người (mà cho đảng viên được nhiều hơn!)

Xã Hội Chủ Nghĩa theo mô hình Trung Quốc (Việt Nam đang áp dụng) lại là một khuôn mẫu mới. Trước đây tư bản tạo ra của cải (wealth creation) trong khi cộng sản hô hào phân phối của cải (wealth distribution) dẫn đến tình trạng nghèo khó. Nhưng sau khi Liên Bang Xô Viết phá sản thì Đặng Tiểu Bình lập luận mèo trắng mèo đen cũng đều bắt chuột, đảng Cộng Sản tuy vẫn nắm độc quyền lãnh đạo nhưng tính chính danh đặt trên tăng trưởng GDP. Nhà cầm quyền tuy chấp nhận quyền tư hữu và kinh doanh nhưng phải có khả năng điều hành quốc gia tốt (good governance) nhằm tạo ổn định (stability) cho dân giàu nước mạnh. Kết quả nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhảy vọt đưa 1.5 tỷ người ra khỏi ngưỡng cửa nghèo khó trong đó 500-700 triệu người tiến vào giới trung lưu với mức sống và tiêu thụ không kém gì Tây Phương. Trung Quốc tự xem đang ở vào thời đại hoàn kim hơn cả đời nhà Hán. Dân chúng tuy có quyền tư hữu, khu vực kinh tế tư nhân dù được khuyến khích tăng trưởng vô cùng linh động nhưng vẫn đặt dưới sự giám sát trong khi nhà nước tiếp tục sở hữu đất đai, độc quyền lãnh đạo và đưa ra chiến lược công nghệ phát triễn quốc gia. Giữa nhà nước và các tập đoàn chủ lưc (Huawei, Alibaba, v.v…) mập mờ công hay tư.

Nói tóm lại hiện có 3 mô hình của 3 nền kinh tế lớn cạnh tranh lẫn nhau gồm Tư Bản (Hoa Kỳ), Dân Chủ Xã Hội (Tây Âu) và Xã Hội Chủ Nghĩa với màu sắc Trung Quốc. Âu Châu và Trung Quốc sẽ không thay đổi phương thức của mình trừ phi có biến động chính trị, trong khi tại Hoa Kỳ đang có biến động chính trị lớn dằn co quyết liệt giữa hai khuynh hướng Tư Bản và Dân Chủ Xã Hội. Còn lại các nước đang mở mang thì dân chúng thích nếp sống tự do Âu-Mỹ trong khi lãnh đạo lại muốn làm ăn với Trung Quốc để làm giàu và trị dân cho dễ.

No comments:

Post a Comment