Wednesday, October 28, 2020

Mất cân bằng trong kinh tế toàn cầu: thương chiến Mỹ-Trung (Bài 29)

 Độc vật Vũ Hán làm chênh lệch bàn cờ thương chiến Mỹ-Trung.

OECD dự đoán đến cuối năm 2021 GDP Trung Quốc tăng trưởng 10% trong khi GDP Hoa Kỳ chỉ trở lại bằng năm 2019 [1], còn Âu Châu và Nhật Bản mất thêm nhiều năm nửa mới phục hồi. Như vậy nếu thương chiến tái khởi động hiệp 2 thì Trung Quốc vừa ở thế mạnh hơn trước lại thêm dễ dàng dùng mối lợi trước mắt để chia rẽ các nước Tây Phương.  

Cụ thể hai công ty Boeing (Mỹ) và Airbus (Âu Châu) đều đang khốn đốn, nếu Airbus có cơ hội chiếm thị phần của đối thủ Boeing ở Trung Quốc thì sẽ khó mà từ chối trong lúc chính quyền đang bị áp lực của hàng ngàn nhân viên Airbus biểu tình sợ mất việc ở Âu Châu.

Hoa Kỳ sẽ phải lo giải quyết 12.6 triệu người thất nghiệp và hàng trăm ngàn cửa hàng doanh nghiệp bị đóng cửa hơn là mở màng một cuộc thương chiến mới. Khi kinh tế suy sụp thì các va chạm về thương mại sẽ gia tăng, nhưng một chính trị gia như Biden sẽ chú trọng về hoà giải ngược lại Trump khích động tâm lý bài Trung để khích động trào lưu dân túy.

Xuất cảng từ Trung Quốc tăng vọt trong quý 3 nhờ bán dụng cụ y tế và điện toán để làm việc ở nhà. Một khi các nước đang mở mang bắt đầu phục hồi từ sau đại dịch và cần đầu tư mua hàng hóa giá rẻ thì không đâu bằng từ Hoa Lục. Một thí dụ là Hoa Vi - nếu không bị cản trở bởi lệnh phong tỏa của Trump - có ưu thế tại các nước đang phát triễn đầu tư 5G hơn nhiều so với Ericsson và Nokia.

Tổng số nợ ở Mỹ và Tàu trước đây gần ngang nhau ở mức trên 240% GDP nay tăng vọt ở Mỹ do các gói kích cầu to lớn hơn rất nhiều so với Trung Quốc.

Chênh lệch thương mại Mỹ-Trung là 26.4 tỷ USD chỉ riêng tháng 8, trong khi đó Tàu từ đầu năm chỉ nhập cảng 33.1 tỷ USD từ Mỹ, tức là thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu 142.7 tỷ USD cần phải đạt vào năm 2021 để đáp ứng thỏa thuận đợt I ngưng chiến Mỹ-Trung. 

Đại tập đoàn tài chánh Ant Group của Trung Quốc đang chuẩn bị một IPO kỷ lục trị giá 34 tỷ USD (lớn nhất trong lịch sử) ở hai sàn chứng khoáng Hồng Kông và Thượng Hải [2a]. Đây là tín hiệu của Bắc Kinh cho thấy các công ty Tàu có thể gây vốn mà không cần niêm yết ở Mỹ; ngược lại những tập đoàn tài chánh Âu-Mỹ sẽ phải chạy sang thị trường Trung Quốc để mua cổ phiếu Ant Group với hy vọng đầu tư nhảy vọt.

Người viết dự đoán Hồng Kông trong vòng 5 năm sẽ tiếp tục hấp dẫn các tập đoàn tài chánh Tây Phương cho dù Mỹ có hăm dọa sẽ phong tỏa đồng đô-la. Lý do Bắc Kinh sẽ biến Hồng Kông thành trọng điểm chứng minh tính ưu việt của mô hình Trung Quốc là ổn định chính trị để phát triển kinh tế. Hoa Kỳ hiện đã có bước thối lui đầu tiên bằng cách trấn an những ngân hàng quốc tế sẽ không bị hụt hẳn nếu quyết định phong tỏa có xãy ra [3] Cho nên đô-la Hông Kông tiếp tục ổn định từ sau ngày bị thôn tính.

Trở lại Ant Group (trước đây thuộc Alibaba) là một đại tập đoàn tài chánh điện toán (FinTech) sở hửu sản phẩm Alipay vốn cung cấp dịch vụ cho 730 triệu dân Tàu từ đi chợ, đi nhà hàng, vay và gởi tiền, mua bảo hiểm cho đến tiểu thương mượn vốn đầu tư. Alipay cùng đối thủ cạnh tranh là WeChat (của đại tập đoàn Tencent) là hai sàn tài chánh điện toán khổng lồ nên thu thập đầy đủ mọi dữ kiện của cá nhân và doanh nghiệp. Dù biết rằng đời tư của người tiêu dùng sẽ bị xâm phạm nhưng đại tập đoàn tài chánh Vanguard của Hoa Kỳ vẫn cọng tác với Ant Group để mang đến cho 900 triệu dân Tàu nhiều dịch vụ đầu tư mới [4].

Ant Group không cần có mặt trên thị trường chứng khoáng Mỹ thì các quỹ đầu tư khổng lồ của Tây Phương vẫn đua nhau đầu tư vào Ant Group qua hai sàn Hồng Kông và Thượng Hải do tiềm năng tăng trưởng nhảy vọt của nhóm này. Những quỹ đầu tư Âu-Mỹ thu nhiều lợi nhuận thì mới thu hút được dân chúng Tây Phương.

Một thế kẹt mà Trung Quốc phải tháo gỡ là quyết định của Hoa Kỳ phong tỏa tập đoàn Hoa Vi về linh kiện và chip điện tử. Hoa Vi là trọng điểm trong sách lược 5G và Made In China 2025 của họ Tập. Trung Quốc đang tìm mọi cách để ngừng lệ thuộc vào Mỹ trong các ngành công nghệ tiên tiến. Nay Âu-Mỹ-Nhật đều cảnh giác không để bị ăn cắp hay ép trao đổi công nghệ thì Bắc Kinh phải mua thời gian bằng cách nhữ mồi các công ty Tây Phương. Tỷ như doanh thu của công ty điện tử Qualcomm và Apple là 40% và 25% từ Trung Quốc thì Bắc Kinh sẽ điều đình để các công ty Hoa Kỳ áp lực chính phủ Mỹ ngưng lệnh phong tỏa đối với Hoa Vi.

Kinh tế chính là nội lực trong trận tranh hùng Mỹ-Trung so với quân sự chỉ là ngoại công. Biden tự hào ông từng làm việc với Tập Cận Bình trong thời gian lâu dài tức là Biden bị họ Tập lừa từ năm 2008 mà không biết! Các Tổng Thống từ Clinton, Bush cho đến Obama lúc tranh cử đều lên án Trung Quốc nhưng sau khi nhậm chức lại hòa hoản với Bắc Kinh.

Trong hoàn cảnh kinh tế Mỹ còn rất bấp bênh thì dù tâm lý chống Trung Quốc sôi động trong chính giới Mỹ nhưng Trump hay Biden có thắng cử cũng sẽ vất vã vì số người thất nghiệp và doanh nghiệp phá sản cao ngất ngưỡng – nhưng cần nhất là khôn ngoan đừng bị lừa gạt. Bài toán Hoa Vi có thể sớm giải quyết sau ngày Tân Tổng Thống nhậm chức sẽ cho thấy ông mới này đòi được Bắc Kinh nhượng bộ hay không.

***

[1] Winners and Losers. The Economist 10/10/2020

[2] China's economic recovery gains even more momentum. CNN 10/19/2020

[2a] Ant Group Set to Raise $34 Billion in World’s Biggest I.P.O. NYTimes 10/26/2020

[3] Global Banks in Hong Kong Breathe Easier Over U.S. Sanctions - WSJ 10/27/2020

[4] Ant, Vanguard Target 900 Million Users With Robo Adviser. Bloomberg 04/01/2020

 

No comments:

Post a Comment