Trung Quốc tuy theo mô hình Tư Bản Nhà Nước nhưng ngân sách chính thức của nhà cầm quyền tính theo GDP lại thấp hơn nhiều so với các nước Âu-Mỹ [1] Bài viết này nhằm tìm hiểu nguyên nhân của mâu thuẩn đó.
Dù là Tư Bản, Dân Chủ Xã Hội hay Tư Bản Nhà Nước nhưng vai trò của nhà nước trong các nền kinh tế dẫn đầu thế giới đều rất lớn. Khác biệt nơi ngân sách của Âu-Mỹ nặng về chi tiêu cho mạng lưới an sinh xã hội (Hoa Kỳ lại gánh thêm quốc phòng) trong khi Trung Quốc chú trọng đầu tư phát triễn công nghiệp nhằm thúc đẩy kinh tế.
Cố thủ tướng Lý Quang Diệu vốn nổi tiếng khôn ngoan và bộc trực từng nhận xét nếu Hoa Kỳ tăng chi tiêu vào các chương trình xã hội để bắt chước theo mô hình Dân Chủ Xã Hội Âu Châu thì Mỹ sẽ thua Trung Quốc vào thế kỷ 21 [2]
Kinh tế Trung Quốc nếu tính theo sức
mua (PPP) đã qua mặt Mỹ [3]. Dù vậy, nhiều người lầm lẫn cho rằng thu nhập đầu
người ở Tàu (tính bằng USD) sẽ không bao giờ bắt kịp Tây Phương. Dân số Trung
Quốc đông gấp 4 lần Mỹ cho nên năng suất của người Tàu chỉ cần hơn ¼ của người
Mỹ thì GDP sẽ lớn hơn Hoa Kỳ, trong khi chính GDP mới thể hiện sức mạnh của một
quốc gia trên toàn cầu. Dùng thí dụ cho dễ hiểu ba nước Luxembourg, Thụy Sĩ và
Na Uy hiện mức thu nhập đầu người cao gấp đôi Mỹ nhưng đều không là siêu cường
vì tỷ trọng GDP quá nhỏ so với thế giới. Nay PPP đã hơn Mỹ, một khi GDP qua mặt
Hoa Kỳ vào khoảng 2030 khi đó Trung Quốc sẽ trở thành tâm điểm thu hút các nước
khác rơi vào quỹ đạo mậu dịch, tài chánh, công nghiệp và văn hóa (phim ảnh, thời
trang v.v…) tức là một trật tự thế giới do Bắc Kinh cài đặt. Việt
Trở lại vai trò của nhà nước ở Trung Quốc do ngân sách công dành cho an sinh xã hội, y tế, giáo dục và hưu bổng thấp nên dân Tàu phải để dành tiền lo cho con cái, lúc bệnh hoạn hay khi về già (23% tiền lương ở Tàu là dành dụm so với dân Mỹ tháng nào xài sạch tháng đó.) Nhờ vậy các ngân hàng nhà nước thu vào những khoảng tiết kiệm rất lớn từ dân chúng, rồi sau đó cho doanh nghiệp vay lại với lãi xuất rẻ mạt nhằm cạnh tranh với công ty ngoại quốc [4]. Theo cách nhìn từ Tây Phương thì đảng Cộng Sản ép bức dân chúng góp vốn tài trợ tập đoàn (nhà nghèo gom góp của cải dâng cho nhà giàu) nhằm tạo lợi thế cạnh tranh với nước ngoài. Thặng dư mậu dịch không được dùng để nâng giá trị đồng Nhân Dân Tệ giúp dân Tàu nhập cảng xăng dầu và lương thực với giá hạ để nâng cao đời sống mà trái lại bị nhà nước tích lũy rồi cho Hoa Kỳ vay mượn với lãi xuất số không hòng kèm giá trị đồng bạc nhằm hổ trợ xuất khẩu.
Ngược lại nếu nhìn từ phía Trung Quốc thì đất nước đang cần rất nhiều vốn để hiện đại hóa, nhưng nợ vay mượn từ dân chúng trong nước nên không sợ rơi vào tình trạng tư bản nước ngoài đầu cơ thao túng rồi tháo vốn bỏ chạy như trường hợp khủng hoảng tài chánh châu Á năm 1998 [5]. Nhà cầm quyền vừa tích tụ một khoảng dự trữ ngoại hối khổng lồ nhằm ngăn chận đồng bạc mất giá, lại có thể chận đứng việc chuyển tiền ra nước ngoài khiến thất thoát ngoại tệ. Dân chúng hài lòng khi hảng xưởng mọc lên tạo ra công ăn việc làm giúp nâng cao đời sống và dân trí. Mỗi lần kinh tế suy thoái thì nhà cầm quyền kiểm soát thị trường không hoảng loạn mà phải rơi vào “hạ cánh cứng” (hard landing) như các chuyên viên Tây Phương nhiều lần trù ẽo! Nói cách khác, kết luận mà Âu-Mỹ nên học (thay vì dạy) từ Bắc Kinh là tạo công ăn tốt cho dân chúng quan trọng hơn mạng lưới an sinh xã hội vốn sinh ra lạm dụng và ỷ lại.
Trường hợp Trung Quốc cần thay đổi mô hình kinh tế chuyển đổi từ đầu tư sang tiêu thụ nội địa nhà cầm quyền lúc đó sẽ tăng cường ngân sách an sinh xã hội. Dân chúng sẽ bớt dành dụm để ăn xài nhiều hơn. Việc chuyển đổi mô hình phát triễn vô cùng gay go vì đụng chạm đến các tập đoàn lợi ích gốc rể trong xã hội (tức là cắt giảm lợi tức của doanh nghiệp nhằm tài trợ cho dân sinh) nhưng Bắc Kinh còn nhiều khoảng trống xoay sở hơn là Tây Phương vốn đang bị chiếu bí giữa nhiều thế lực thù nghịch chia rẽ nội bộ.
Sức mạnh thực sự của nhà nước Trung Quốc không chỉ nơi ngân sách nhiều hay ít so với GDP mà chính do Bắc Kinh nắm quyền lực vạn năng trong xã hội. Nhà nước trưng dụng đất đai rồi cung cấp cho tập đoàn đầu tư. Ngân hàng ưu đãi các ngành công nghiệp mũi nhọn (điện tái tạo, v.v…). Nhà cầm quyền đóng cửa ngân hàng yếu và chuyển nợ xấu sang ngân hàng mạnh, tuy nợ vẫn còn đó nhưng vì dân chúng và giới đầu tư không sợ sạch vốn (bank run) giúp Bắc Kinh có thêm thời giờ giải quyết khủng hoảng. Các gói kích cầu được phối họp chặc chẽ giữa ngân sách và tài chánh vì không có sự độc lập giữa chính phủ và ngân hàng trung ương. Khi cần thì Bắc Kinh đóng cửa sàn chứng khoáng rồi bóp nghẹt mọi thông tin bất lợi (gọi là tin đồn nhảm) nhằm ổn định tâm lý thị trường; phối hợp giữa địa phương, luật pháp và giám sát để tạo sân chơi bất bình đẳng cho công ty nước ngoài. Không một nước dân chủ Tây Phương nào có thể thực hiện những biện pháp tương tự.
Quyền lực tuyệt đối tất yếu dẫn đến lạm dụng. Một chuyên viên được đào tạo ở Tây Phương khi đọc mỗi câu viết ở phần trên sẽ kinh hoàn đưa ra bằng chứng cụ thể trong lịch sử cho thấy mô hình tư bản nhà nước rồi sẽ sụp đổ. Nhưng thực tế vẫn là trong 30 năm nay Bắc Kinh quản lý kinh tế khá hơn Âu-Mỹ-Nhật. Rất khó để phân biệt đảng Cộng Sản Trung Quốc có bao nhiêu phần trăm tài giỏi (chính sách linh động hợp lý) hay may mắn (nhờ vào sự khờ dại của tầng lớp tinh hoa Tây Phương) cộng thêm thiên thời (bức màn sắt xụp đổ cùng với các tiến bộ tin học giúp thành hình một thế giới phẳng nơi đó trọng tâm kinh tế toàn cầu di chuyển từ Tây sang Đông, tức là thời cơ thuận lợi cho Hoa Lục). Người viết thú nhận không nhìn thấu bức màn thiên cơ đó!
***
[1] Cracking the China Conundrum,
chapter 10.
[2] Lee Kuan Yee: The Grand
Master’s Insight on
[3] China Is Now the World’s Largest Economy. The National Interest 10/15/2020.
[4] Lãi xuất rẽ chưa đủ để thu hút đầu tư sản xuất trong nước. Lãi xuất tại Âu-Mỹ hiện cực thấp nhưng hảng xưởng vẫn đầu tư ra nước ngoài vì giá thành hạ (lương nhân công rẽ, thuế môi trường và an sinh xã hội thấp, v.v…) và vì thị trường tiêu thụ ở ngoại quốc tăng nhanh hơn Tây Phương.
[5] Năm 1998 tư bản ngoại quốc ồ ạt đầu tư vào Thái Lan vì triển vọng trở thành một con rồng châu Á. Khi các phí phạm đổ bể thì tư bản nước ngoài tháo vốn thoát chạy dẫn đến khủng hoảng tài chánh Châu Á.
So với Trung Quốc năm 2016 cũng đổ bể nhiều hoang phí từ các khoảng kích cầu, nhưng vì không vay mượn nước ngoài mà lại kiểm soát được việc chuyển tiền nên Bắc Kinh nhanh chóng kiểm soát tình hình giúp nền kinh tế không sụp đổ như nhiều chuyên gia Tây Phương dự đoán.
Ưu điểm của Trung Quốc là chận đứng tâm lý hốt hoảng của giới đầu tư để mua thời gian chấn chỉnh nội bộ. Khuyết điểm nơi nhà nước độc quyền phát nợ, vay nợ, xài bậy, xử phạt xài bậy nên các khuyết tật trong kinh tế bị che dấu tồn động thay vì để thị trường tự do thưởng phạt công bằng.
No comments:
Post a Comment