Sunday, January 7, 2024

Tìm hiểu kinh tế Trung Quốc Phần 1: mô hình kinh tế qua các mốc thời gian


Trung Quốc là một nước khổng lồ đông dân. Kinh tế gia Adam Smith - người được xem như ông tổ của bộ môn kinh tế học – đã đánh giá về Trung Quốc từ cuối thế kỷ thứ 18 trong quyển sách nổi tiếng Luận Bàn về Của Cải Quốc Gia (Wealth of Nations, 1776) như sau:

Trung Hoa, với dân số đông đảo, với nhiều mặt hàng đa dạng sản xuất từ các địa phương có khí hậu thay đổi khác nhau, với hệ thống giao thương trên sông ngòi thuận tiện, hội đủ các điều kiện giúp cho thị trường trong nước tự túc và tự lực phân công sản xuất. Thị trường nội địa của Trung Hoa tự nó đã phong phú không thua kém gì thị trường của các nước Âu Châu hợp lại. Nhưng ngày nào Trung Hoa mở cửa buôn bán với nước ngoài, nhất là dùng phương tiện tàu thuyền hàng hải của chính họ (lời người viết – hàm ý người Hoa sẽ đi trên thương thuyền của họ ra nước ngoài học hỏi), sẽ không khỏi nâng cao số lượng hàng hóa và năng lực sản xuất từ trong nước. Cánh cửa giao thương một khi đã mở tất yếu sẽ giúp Trung Hoa học hỏi các ngành công nghệ và kỹ thuật của nhiều nước khác trên toàn thế giới[1].

Một nhân vật lừng danh khác trong lịch sử là Đại đế Nã Phá Luân đã nhận xét “Hãy để Trung Hoa ngủ yên bởi vì khi tỉnh giấc nó sẽ làm rung chuyển thế giới[2].”

Nay Trung Quốc từ một nước khép kín đã vươn mình trổi dậy, hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu và và đưa lại nhiều bài toán thách thức trật tự thế giới. Tập Cận Bình đã nhận xét với Putin nước Nga vào tháng 03/2023 “Có nhiều cơ hội trăm năm mới đến một lần, và hai chúng ta (tức là Putin và Tập) sẽ cùng nhau thúc đẩy các thay đổi đó[3].”

Trung Quốc là một nước lớn nên có thể được phân tích theo nhiều góc cạnh. Bài viết phần I sẽ tìm hiểu nền kinh tế Trung Quốc đã thay đổi như thế nào qua bốn mốc điểm thời gian để từ một nước chậm tiến lạc hậu nhảy vọt lên đứng hàng nhì thế giới chỉ trong vòng 40 năm sau ngày đổi mới:

1949-1978: Kinh Tế Chỉ Huy (Command Economy)

1978-1992: Giai đoạn chuyển tiếp sang kinh tế thị trường

1992-2008: Tư Bản Nhà Nước (State Capitalism)

2008 cho đến nay: Tư Bản Đảng và Nhà Nước (Party-State Capitalism)

1949-1978: Kinh Tế Chỉ Huy (Command Economy)

Mao Trạch Đông khi thành hình nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đã hủy bỏ thị trường và quyền tư hữu, thay vào đó bằng mô hình kinh tế tập trung (centrally planned economy) đặt dưới sự chỉ huy của đảng Cộng Sản và đóng kín không giao thương với các nước tư bản. Kết quả dẫn đến nghèo đói khiến từ 40 cho đến 80 triệu người Hoa chết vì thiếu ăn.

1978-1992: Giai đoạn chuyển tiếp sang kinh tế thị trường

Nền kinh tế Trung Quốc kiệt quệ cho đến khi Mao Trạch Đông qua đời và cánh Tứ Nhân Bang bị hất ngã. Tháng 12 năm 1978 Đặng Tiểu Bình trở thành Nhà Lãnh Đạo Tối Cao. Họ Đặng công nhận thị trường, quyền tư hữu và mở cánh cửa kinh tế giao lưu với các nước tư bản. Nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu nhảy vọt từ đó.

Vào tháng 03/1978 có một sự kiện ít được biết đến nhưng lay thức gã khổng lồ Trung Quốc khi hợp tác xã nông nghiệp Phúc Kiến xin phép được giữ lại phần sản xuất vượt chỉ tiêu để ban thưởng và khuyến khích nông dân hăng hái làm việc. Đây là giai đoạn trước Đổi Mới nên viên thư ký đảng bộ của hợp tác xã bị phê bình kiểm điểm vì lập trường tiểu tư sản. Nhưng chỉ 8 tháng sau đó vào cuối năm 1978 Đặng Tiểu Bình tuyên bố cải tổ và mở cửa nền kinh tế, đề nghị nói trên của hợp tác xã được mang ra thử nghiệm mang lại kết quả sáng chói nên viên thư ký đảng được tưởng thưởng ban khen.

Đặng Tiểu Bình có cái nhìn thực tế về cải tổ thay vì là một lý thuyết gia. Ba câu nói của họ Đặng là “Mò đá qua sông”, “Giàu sang là vinh quang” và “Không thể nào mọi người trở nên giàu có trong cùng một lúc” trở thành châm ngôn trong giai đoạn chuyển tiếp khi đảng Cộng Sản dò dẫm chuyển đổi sang kinh tế thị trường nhưng vẫn độc quyền chính trị:

o       “Mò đá qua sông”: họ Đặng không hối hả du nhập mô hình Đồng Thuận Washington[4] (bao gồm Tư Bản, Dân Chủ và tự do mậu dịch) để thúc đẩy thay đổi toàn bộ cấu trúc kinh tế và chính trị theo kiểu nước Nga dưới thời Yeltsin. Trái lại Bắc Kinh dò dẫm cải tổ ở từng thí điểm, sau đó nếu thành công mới đem áp dụng rộng rãi toàn quốc. Ngay vào lúc có những thúc giục cải cách mạnh mẽ nhất thì cánh bảo thủ của Đảng vẫn theo dõi thận trọng từng bước tiến không cho vượt ra ngoài tầm kiểm soát của nhà nước.

 

o       “Giàu sang là vinh quang”: Bắc Kinh công nhận quyền tư hữu, khuyến khích làm giàu để nâng cao tính cạnh tranh và tăng gia sản xuất.

 

o       “Không thể nào mọi người trở nên giàu có trong cùng một lúc”: họ Đặng chấp nhận khoảng cách giàu nghèo thay vì bình đẳng theo kiểu xã hội chủ nghĩa dưới thời Mao. Bắc Kinh ưu tiên phát triển thí điểm ở những vùng ven biển như Thượng Hải và Thẩm Quyến vốn thuận tiện cho việc giao lưu với nước ngoài. Điểm cuối cùng này đã tạo mầm mống cho hố sâu giàu nghèo giữa tầng lớp tư bản đỏ và quần chúng, và giữa hai khu vực duyên hải và đất liền nội-Trung.

 

Những cải tổ từ năm 1979 của Đặng Tiểu Bình thúc đẩy tăng trưởng nhưng dẫn đến nạn lạm phát[5] khiến dân tình bất mãn vì giá cả gia tăng. Điều này cộng với phong trào dân chủ trong giới thanh niên sinh viên đưa đến biến cố Thiên An Môn và cuộc đàn áp đẫm máu 1989. Phe Đổi Mới thất thế trong khi cánh Bảo Thủ trong đảng Cộng Sản Trung Quốc trổi dậy chống cải tổ, nhưng hậu quả khiến nền kinh tế trở nên trì trệ. Bất ngờ đến năm 1991 Liên Bang Xô Viết sụp đổ. Đảng Cộng Sản Trung Quốc tự đánh giá đảng không thể tồn tại nếu đời sống dân chúng không cải thiện, nhưng kinh tế không phát triển nếu chính trị không ổn định.  Sang năm 1992 Đặng Tiểu Bình trong chuyến Nam Du (Southern Tour) đến Thượng Hải và Thẩm Quyến tái khẳng định chính sách Đổi Mới với tuyên bố "Không cần biết mèo vàng hay mèo đen, chỉ cần bắt được chuột đều là mèo tốt" nhằm khuyến khích tư doanh và thúc đẩy tăng trưởng. Dù vậy họ Đặng không hề nhắc đến thay đổi chính trị mà tiếp tục chủ trương độc quyền đảng trị. Đảng và nhà nước tiếp tục nắm giữ các mấu chốt kinh tế như quyền sở hữu đất đai (gọi là của toàn dân), hệ thống ngân hàng nhà nước (nhằm kiểm soát dòng vốn tức là mạch máu của thị trường), và hỗ trợ nhiều công ty quốc doanh cho dù lời hay lỗ nhưng đảng dùng làm chỗ tựa. 

 

Đặng Tiểu Bình quan sát 5 con rồng châu Á gồm Nhật, Nam Hàn, Hồng Kông, Singapore và Đài Loan để kết luận nhà nước phải tích cực thúc đẩy tăng trưởng thay vì buông thả cho tư nhân và thị trường tự do. Chuyến Nam Du của Đặng Tiểu Bình năm 1992 được xem như mốc điểm quan trọng để Trung Quốc chuyển đổi sang kinh tế thị trường trong Tư Bản Nhà Nước.

1992-2008: Tư Bản Nhà Nước (State Capitalism)

Tư Bản Nhà Nước là một khái niệm rộng được áp dụng ở nhiều nước từ dân chủ (Na Uy, Ấn Độ, Brazil) cho đến độc tài (Trung Quốc, Nga). Mô hình này bao gồm nhiều khía cạnh như sở hữu công và nhà nước can thiệp vào thị trường để (1) thúc đẩy các mục tiêu tăng trưởng và (2) hỗ trợ những ngành công nghiệp chiến lược dù công hay tư nhằm nâng cao sức cạnh tranh trong khung cảnh toàn cầu hóa. Riêng Tư Bản Nhà Nước ở Trung Quốc còn thêm ý nghĩa đảng độc quyền cai trị nhưng kinh tế phải tăng trưởng và dân chúng tự do làm ăn.   

Năm 1994 chế độ thuế khoá được cải tổ ở Trung Quốc nhằm cắt giảm thâm thủng ngân sách tại Trung Ương[6]. Các địa phương phải tăng phần trăm chuyển thuế về Trung Ương, ngược lại địa phương có quyền hạn rộng rãi trưng dụng đất đai “của toàn dân” để bù đắp ngân sách thiếu hụt trong khu vực. Nhu cầu bất động sản ở Trung Quốc nhảy vọt vì kinh tế tăng trưởng nên cần thêm rất nhiều đất kinh doanh và đô thị hóa, đồng thời người dân Tàu lần đầu tiên được mua bán nhà. Các chính quyền địa phương đã trưng dụng đất đai “của toàn dân” rồi cho những tập đoàn thân hữu thuê mua khai thác khiến giá trị đất tăng vọt để thu thuế. Cho nên quyền xử dụng đất đai là chìa khóa mỏ vàng cho các lãnh chúa địa phương và tập đoàn tư bản đỏ tha hồ khai thác. Cải cách thuế má năm 1994 đặt nền móng cho cuộc khủng hoảng địa ốc ở Trung Quốc bắt đầu từ năm 2016 nhưng đây là câu chuyện về sau.

Trong thập niên 1990 tuy đảng Cộng Sản độc quyền cai trị nhưng khu vực tư nhân năng động trở nên đầu tàu tăng trưởng. Trong khi đó nhiều công ty quốc doanh thua lỗ nặng nề. Đến cuối thập niên 1990 Bắc Kinh ngã theo kinh tế thị trường trước khi gia nhập WTO nên thu nhỏ hay tư nhân hóa những công ty nhà nước lỗ lả. Câu nói trong dân gian vào khoảng thời gian này là “tư nhân thăng tiến nhà nước lùi dần” (the private advances, the state retreats). Vai trò của nền Tư Bản Nhà Nước ở Trung Quốc tập trung vào việc quản lý các tập đoàn quốc doanh chiến lược cỡ lớn; cho phép dân chúng thôn quê lên thành thị làm việc trong hãng xưởng (nhưng không cung cấp hộ khẩu thành phố) để dùng đồng lương thấp thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài; ưu đãi tư bản dù trong hay ngoài nước qua những giám sát lỏng lẻo về môi trường, lao động và lương bổng; bán quyền xử dụng đất để đầu tư xây cất hạ tầng và đô thị; quản lý nguồn vốn trong nước qua hệ thống ngân hàng nhà nước; cho các công ty quốc doanh và những tập đoàn thân hữu vay mượn với phân lời thấp; quản lý thặng dư mậu dịch nhằm nâng cao quỹ dự trữ ngoại tệ; kềm giá đồng Nhân Dân Tệ để thúc đẩy xuất khẩu; và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước học hỏi kiến thức kỹ thuật của Tây Phương.

Một biến cố quan trọng trong khoảng thời gian này là cuộc khủng hoảng tài chánh Đông Á năm 1998 khởi đầu do giới đầu cơ tiền tệ tấn công đồng Baht Thái Lan rồi hậu quả nhanh chóng lan tràn sang nhiều nước Nam Dương, Phi Luật Tân, Nam Hàn, Đài Loan…Bắc Kinh kết luận rằng Trung Quốc tuy khuyến khích mậu dịch với nước ngoài nhưng không thể mở rộng cánh cửa lưu thông tài chánh (financial liberalization) để ngăn ngừa giới tư bản quốc tế tấn công đồng Nhân Dân Tệ nhằm tạo ra khủng hoảng kinh tế và đe dọa sự tồn tại của chế độ[7]. Bắc Kinh giới hạn các công ty nước ngoài đầu tư vào ngân hàng cùng hai thị trường chứng khoán và địa ốc ở Trung Quốc; hạn chế vay mượn nước ngoài, thay vào đó các địa phương giữ độc quyền hệ thống ngân hàng địa phương để huy động vốn từ trong dân chúng; tích lũy thặng dư mậu dịch để nâng cao quỹ ngoại hối nhằm phòng hờ bị giới tài phiệt quốc tế tấn công đồng Nhân Dân Tệ.

Biến cố quan trọng thứ nhì là Trung Quốc gia nhập WTO (World Trade Organization) vào tháng 12/2001. Trước đó vào tháng 09/2001 Mỹ bị nhóm khủng bố Hồi Giáo Al-Qaeda tấn công nên chú tâm vào vùng Trung Đông mà lơ là cảnh giác đối với Bắc Kinh. Trung Quốc dùng quỹ dự trữ ngoại tệ để kềm giá đồng Nhân Dân Tệ thúc đẩy xuất cảng sang Hoa Kỳ tăng vọt, cho đến năm 2014 quỹ này sở hữu con số kỷ lục 4 ngàn tỷ USD. Mỹ không phàn nàn vì Bắc Kinh mang tiền trở về Mỹ cho vay và biết thành chủ nợ hàng đầu mua nợ công Hoa Kỳ. Hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc giữ lạm phát ở Hoa Kỳ ở mức thấp để dân Mỹ không bất mãn cho dù phung phí tài nguyên quốc gia vào hai chiến trường Iraq và A-Phú-Hãn.

Một nghịch lý trong nền Tư Bản Nhà Nước ở Trung Quốc là đảng độc quyền cai trị nên dẫn đến tình trạng bè phái và tham nhũng mà sau này Tập Cận Bình cảnh giác trở thành mối đe dọa cho sự sống còn của đảng, dù vậy khu vực tư nhân vẫn năng động và thị trường ở Trung Quốc đầy dẫy tính cạnh tranh. Tại sao nạn tham nhũng và độc đảng không bóp nghẹt tăng trưởng là một đề tài được tác giả Yuen Yuen Ang tìm hiểu trong quyển sách “China’s Gilded Age” (tạm dịch Thời Đại Vàng Mã ở Trung Quốc) và sẽ được tìm hiểu thêm trong các bài viết sau này. 

2008 cho đến nay: Tư Bản Đảng và Nhà Nước (Party-State Capitalism)

Nếu trong Tư Bản Nhà Nước ở Trung Quốc có khác biệt giữa công hay tư thì đến Tư Bản Đảng và Nhà Nước không còn phân biệt được quốc doanh hay tư doanh bởi vì doanh nghiệp tư nhân trở thành cánh tay nối dài của Đảng và Nhà Nước. Tuy vẫn có thị trường nhưng mọi sinh hoạt kinh tế và xã hội đều phải phù hợp với chủ trương và đường lối của Đảng và Nhà Nước (thay vì các sinh hoạt kinh tế do tư nhân và thị trường định đoạt.)

Năm 2008 được xem như bước ngoặt chuyển biến tư duy ở Bắc Kinh khi tư bản và thị trường tự do (free market) ở Mỹ không sáng suốt (rational market theory) mà trái lại đầu tư điên rồ (irrational market) vào lãnh vực địa ốc, kết quả dẫn đến cuộc Đại Khủng Hoảng Tài Chánh (Great Financial Crisis hay GFC) đưa nền kinh tế Hoa Kỳ và thế giới đến sát bờ vực thẳm. Trái lại nền kinh tế Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản vẫn ổn định và tiếp tục tăng trưởng liên tục trong suốt 30 năm, và trở thành cái phao cứu vớt các nước đang mở mang không bị nhận chìm trong khủng hoảng[8]. Từ đó giới lãnh đạo ở Bắc Kinh tự tin khẳng định vai trò không thể thiếu của Đảng và Nhà Nước trong kinh tế để chấm dứt mọi tranh luận còn sót lại về đảng độc quyền chính trị và về thị trường tự do. Nói cách khác, Bắc Kinh quyết định chọn con đường tư bản đỏ thay vì đi theo tư bản Mỹ.

Tăng trưởng kinh tế sinh ra tham vọng chính trị nên Bắc Kinh hé lộ các âm mưu về lãnh thổ (Đài Loan và biên giới Ấn) và lãnh hải (biển Đông và biển Nhật Bản). Kế hoạch Made in China 2025 nhằm dẫn đầu hay ngang hàng với Mỹ trong 25 ngành công nghệ chiến lược đưa đến chiến tranh thương mại dưới thời Trump, rồi Trung Quốc trở thành đối thủ chiến lược (strategic competitor) của Mỹ dưới thời Biden. Bắc Kinh không còn nép mình trong Trật Tự Thế Giới tự do (liberal world order) do Mỹ lãnh đạo từ sau Chiến Tranh Lạnh mà mưu đồ đứng đầu Thế Giới Phương Nam (Global South) gồm những nước đang mở mang trong kỷ nguyên trọng tâm kinh tế toàn cầu đang chuyển dịch từ Tây sang Đông, cụ thể qua đại kế hoạch Vòng Đai Con Đường và sự thành hình của Ngân Hàng Phát Triển Mới của khối BRICS (BRICS New Development Bank hay NDP) và Ngân Hàng Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng Châu Á (Asian Infrastructructure Investment Bank hay AIIB) nhằm cạnh tranh với Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF).

Nền Tư Bản Đảng và Nhà Nước ở Trung Quốc bao gồm nhiều điểm dưới đây, nhưng đặc điểm vẫn là doanh nghiệp tư nhân trở thành cánh tay nối dài của nhà nước.

1. Đảng dùng bàn tay hữu hình của nhà nước để kiểm soát doanh nghiệp tư nhân:

o       Các tổ sinh hoạt đảng được thành hình trong nhiều công ty tư nhân để điều hướng kinh doanh phù hợp với chủ trương của nhà nước;

o       Các mạng xã hội, những công ty thiết kế camera, máy bay không người lái, kỹ thuật bán dẫn (semiconductor), trí tuệ nhân tạo (AI), điện thoại 5G (Huawei),v.v…trở thành ứng dụng song hành (dual use technologies) vào cả an ninh quốc phòng lẫn tư nhân theo chỉ thị đảng;

o       Nhà nước khuyến khích ưu đãi doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào các ngành công nghệ chiến lược của thế kỷ thứ 21 như trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật bán dẫn, ngành sinh học (biotechnology)… để nhanh chóng tự túc và bắt kịp Hoa Kỳ; để dẫn đầu các ngành sản xuất xe điện (Electric Vehicle hay EV), năng lượng tái tạo (renewable energy, gồm bình điện xe hơi, năng lượng gió và mặt trời,…) và điện thoại 5G.

o       Trái với cuối thập niên 1990 khi nhà cầm quyền giải tán các công ty quốc doanh không sinh lời thì nay những công ty quốc doanh được cũng cố lớn mạnh.

o       Nhà nước ép buộc các công ty Tây Phương hợp doanh và chuyển giao công nghệ cho công ty Trung Quốc.

2. Đảng và Nhà Nước dùng bàn tay vô hình của thị trường để kiểm soát doanh nghiệp tư nhân:

o       Nhà nước mua loại cổ phần vàng (golden shares) của nhiều công ty như Tencent và Alibaba. Quy định về cổ phần vàng không rõ ràng nên dù chỉ chiếm 1% lượng chứng khoán lưu hành nhưng đại diện nhà nước vẫn có quyền tham gia và chi phối các kế hoạch kinh doanh.

o       Trước đây Trung Quốc tích lũy thặng dự mậu dịch vào quỹ dự trữ ngoại tệ con số lên đến 4000 tỷ năm 2012. Nhưng từ 10 năm nay con số này giảm xuống còn 3 ngàn tỷ, phần còn lại đầu tư vào ngân hàng phát triển cho các nước chậm tiến vay mượn (các bẫy nợ và kế hoạch Vòng Đai Con Đường) hoặc trong quỹ đầu tư quốc gia (Sovereign Wealth Fund hay SWF) như China Investment Corporation (CIC). Các quỹ này chọn lọc mua cổ phần của nhiều công ty Tây Phương như hãng xe Volvo của Thụy Điển để tham gia những quyết định của công ty như đầu tư xây cất hảng xưởng hoặc hợp doanh với công ty Trung Quốc.

o       Đặc biệt từ năm 2016 Bắc Kinh lại dùng bàn tay của thị trường tẩy sạch khu vực bất động sản.  Nhà nước không bao che mà để mặt cho nhiều công ty địa ốc phá sản. Tập Cận Bình một phần muốn dân chúng và các nhà đầu tư địa ốc chừa bỏ thói “ỷ thế làm liều” (moral hazard) vì tin rằng thị trường địa ốc mọc rễ sâu trong giới cầm quyền nên lúc nào cũng được đỡ đầu; mặt khác họ Tập muốn chặt đứt các vây cánh đối nghịch ở địa phương mà tập trung quyền lực về trung ương. Nhưng thị trường địa ốc chiếm 25-30% GDP nên ảnh hưởng nặng nề đến tăng trưởng kinh tế, đây là một đề tài sẽ được phân tích trong các bài sau.

3. Không chỉ giới hạn về kinh tế nhưng Bắc Kinh còn ép buộc các công ty nội địa và ngoại quốc phải có nhận thức “đúng đắn” và tuân thủ chủ trương mà Đảng đề ra:

o       Những công ty nước ngoài như Disney, Nike, NBA… muốn làm ăn tại Trung Quốc không được nói xấu chế độ; không được nhắc đến các vi phạm nhân quyền; không có liên hệ với Đức Đạt Lai Ma; không phản đối lập trường của Trung Quốc về biển Đông, biển Hoa Đông và Đài Loan.

o       Bắc Kinh trừng phạt thương mại các quốc gia có cái nhìn “sai lệch” về Trung Quốc: Úc khi đặt câu hỏi về nguồn gốc độc trùng Vũ-Hán; Na Uy lúc trao giải Nobel Hòa Bình cho nhà dân chủ Lưu Hiểu Ba; Nhật và Phi Luật Tân do tranh chấp ở biển Hoa Đông và biển Đông.

o       Hai công ty tài chánh mạng Ant Financial và dịch vụ đi xe chung Didi bị cấm IPO vào giờ chót. Hai đại công ty mạng Alibaba và Tencent nay bị Đảng và Nhà Nước kiểm soát chặt chẽ. Nhiều công ty dạy kèm và trò chơi trên mạng bị cấm đoán.

Chính sách trên mạng cho thấy Bắc Kinh theo dõi các sinh hoạt trên không gian ảo rất chặt chẽ vì sợ thông tin vuột khỏi tầm kiểm soát. Chủ trương của nhà cầm quyền lại khuyến khích các sinh viên và kỹ sư không làm việc phần mềm và tài chánh mạng (khác với bên Mỹ) mà chú trọng đến phần cứng như kỷ thuật bán dẫn, năng lượng tái tạo, viễn thông, hỏa tiễn, sản xuất xe điện, máy bay, xe lửa cao tốc,…ngoại trừ các ngành mềm tối quan trọng như trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng. 

4. Người dân Trung Quốc bị đánh giá bằng “điểm xã hội” (social credit), nếu điểm xấu khó vay tiền ngân hàng, khó xin việc làm, con cái không được vào trường giỏi, người sống ở nước ngoài không được về thăm gia đình. Thật tình là các điểm xã hội này có được áp dụng phổ thông và đồng đều hay chăng không ai biết, nhưng chỉ những tin đồn đoán cũng đủ để người dân “tự ý kiểm duyệt.”

5. Bức “Vạn Lý Tường Lửa” chận đứng các thông tin bất lợi cho Đảng và Nhà Nước kể cả những VPN của công ty nước ngoài làm việc tại Trung Quốc.

Nhìn chung thì bàn tay hữu hình của Đảng và Nhà Nước tuy kiểm soát chặt chẽ nhưng không bóp chết tính năng động và cạnh tranh. Trung Quốc vẫn là một cường quốc đầu tư công nghệ, nhiều công ty nhờ vào trợ giúp của nhà nước nên năng động hiện diện ra toàn thế giới. Trung Quốc hiện qua mặt Nhật và Đức về sản xuất xe hơi (hãng BYD qua mặt Tesla của Mỹ); nắm gần độc quyền về năng lượng tái tạo (bình điện xe hơi, điện gió và mặt trời); Huawei dẫn đầu trong công nghệ 5G nhờ hai thị trường Trung Quốc và các nước đang mở mang; Trung Quốc tiếp tục xây cất hạ tầng ở Phi Châu, Nam Mỹ, Trung Đông và Đông Nam Á. Bù lại thị trường nhà đất ở Trung Quốc (vốn chiếm 20-30% GDP), nạn lão hóa và chính sách phong tỏa công nghệ của Mỹ là những đe dọa cho tăng trưởng. Bàn tay hữu hình của Đảng và Nhà Nước vừa trợ lực nhưng đồng thời làm cản lực cho nền kinh tế, nhưng đây là đề tài của những bài sau.


[1] “…the great extent of the empire of China, the vast multitude of its inhabitants, the variety of climate, and consequently of productions in its different provinces, and the easy communication by means of water carriage between the greater part of them, render the home market of that country of so great extent as to be alone sufficient to support very great manufactures, and to admit of very considerable subdivisions of labour. The home market of China is, perhaps, in extent, not much inferior to the market of all the different countries of Europe put together. A more extensive foreign trade, however, which to this great home market added the foreign market of all the rest of the world; especially if any considerable part of this trade was carried on in Chinese ships; could scarce fail to increase very much the manufactures of China, and to improve very much the productive powers of its manufacturing industry. By a more extensive navigation, the Chinese would naturally learn the art of using and constructing themselves all the different machines made use of in other countries, as well as the other improvements of art and industry which are practised in all the  different parts of the world.” Adam Smith

[2] “Let China sleep, for when she wakes, she will shake the world.” Đại đế Nã Phá Luân

[3] “Now there are changes that haven't happened in 100 years. When we are together, we drive these changes.” NBC News 03/22/2023

[4] Đồng thuận Washington (Washington consensus) là khuynh hướng cho rằng thịnh vượng là kết quả của tự do mậu dịch và khu vực tư nhân chủ động nền kinh tế thay vì nhà nước giám sát và can thiệp vào thị trường.

[5] http://www.country-data.com/cgi-bin/query/r-2731.html#:~:text=The%20first%20serious%20jump%20in,thirty%20years%20of%20steady%20prices.

[6] https://en.wikipedia.org/wiki/Tax-Sharing_Reform_of_China_in_1994

[7] Cuộc khủng hoảng tài chánh năm 1998 bắt đầu do giới tài phiệt quốc tế tấn công đồng Baht ở Thái Lan sau đó lan rộng khắp vùng Đông Nam Á, rồi dẫn đến sự sụp đổ của các chính quyền độc tài như Suharto (Indonesia, 1998) và trào lưu dân chủ hóa ở Nam Hàn và Đài Loan

[8] Năm 2008-09 Trung Quốc tung ra gói kích cung khổng lồ trị giá 586 USD - tức là hơn 12% GDP thời bấy giờ - đẩy nền kinh tế tăng trưởng trên dưới 10% trong 3 năm sau đó. Trung Quốc trở thành nước nhập cảng nguyên vật liệu hàng đầu từ Canada, Úc, Brazil, Nam Dương,…nên là cái phao cứu vớt cho khối các nước xuất cảng nguyên vật liệu trong khi buôn bán với Âu-Mỹ sụt giảm nặng nề. Nhưng chính sách của Bắc Kinh lại tạo ra mầm móng cho khối nợ khổng lồ và bong bóng đầu tư địa ốc vốn ló dạng từ năm 2013.

 


No comments:

Post a Comment