Saturday, December 18, 2010

Khủng hoảng kinh tế: ba năm nhìn lại

Cuộc khủng hoảng tài chánh bắt đầu từ tháng 11-1997 đến nay đã hơn 3 năm. Tình hình tại Hoa Kỳ tạm ổn định chớ chưa gọi là đã phục hồi. Tương lai khu vực đồng Euro rất bấp bênh. Nhật Bản không thoát khỏi trì trệ. Trong khi đó Đông Á – và nhất là Trung Quốc – tăng trưởng nhảy vọt và là đầu tàu của phát triển.

Trong hai năm đầu các nước cùng hợp tác tăng chi như bơm thuốc hồi sinh để thoát cơn ngặt nghèo: cứu trợ ngành tài chánh và công ty lớn; tài trợ thị trường địa ốc để chận suy thoái; hạ phân lời nhằm nâng tiêu thụ. Nhưng từ đầu năm 2010 thì người ta bắt đầu tranh cải về các hệ lụy lâu dài, và trong nội bộ cũng như giữa các quốc gia lộ ra nhiều chia rẻ.

Vấn đề thứ nhất là nếu ngưng bơm tiền có thể bị rơi vào suy thoái lần hai; nhưng ngược lại thì ai sẽ gánh món nợ khổng lồ (Hoa Kỳ) hay lạm phát phi mã (Trung Quốc). Vấn đề thứ hai là bơm tiền sẽ giúp nâng đỡ tiêu thụ trong ngắn hạn nhưng nếu mua hàng hoá nhập cảng thì cũng giống như tạo công ăn việc làm cho Hoa Lục - trừ phi trị giá đồng Nhân Dân Tệ được điều chỉnh để mang lại cân bằng mậu dịch. Trong khối Euro lại thêm chuyện nửa là người nào chi (Đức) cho ai được hưởng (Nam Âu).

***

Mỹ chọn con đường kích thích tiêu thụ qua hai biện pháp: Ngân Hàng Liên Bang tung 600 tỷ  USD vào thị trường bằng các mua lại công phiếu (nôm na là in bạc); Quốc Hội cùng Hành Pháp thông qua bộ luật giảm thuế 858 tỷ USD trong vòng hai năm. Con số tổng cọng 1458 tỷ USD. Có nhiều tính toán đi sau các chính sách này:

-          Nhà nước vừa tăng chi và giảm thuế để làm hài lòng cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hoà, nhưng không ai lo đến món nợ khổng lồ 14 ngàn tỷ USD (hay 45000 USD cho mỗi đầu người già trẻ bé lớn). Nhưng hiện tại thì Mỹ vẫn không thiếu người cho vay vì không ai dám mua Euro hay trử đồng Nhân Dân Tệ (sẽ nói phần sau).

-          In tiền và tăng nợ để giảm giá trị đồng đô-la nhằm gián tiếp đẩy Nhân Dân Tệ tăng giá. Đầu tư ngắn hạn chạy sang các nước đang phát triễn làm tăng áp lực lạm phát lên thị trường địa ốc và nhu yếu phẩm như một loại “Sinh Tử Phù” cấy vào Hoa Lục.

-          Các biện pháp này chỉ kéo dài đúng hai năm trước kỳ bầu cử Quốc Hội và Tổng Thống năm 2012. Nếu hiệu quả đảng Cộng Hoà sẽ nhận công lao, còn thất bại đổ cho Obama. Đảng Dân Chủ vì đang nắm toà Bạch Ốc nên trách nhiệm nặng nề là phải hạ con số thất nghiệp từ 10% xuống còn 6-7% thì mới hy vọng tái đắc cử.

***

Các nước Âu Châu chủ trương trái ngược là giảm chi sanh ra đụng chạm với Hoa Kỳ, đồng thời bị dân chúng biểu tình phản đối khi cắt xén những chương trình hưu bổng giáo dục. Nhưng chính sự chia rẻ giữa các nước trong khối EU mới là mối đe doạ chính cho khu vực đồng Euro.

Các nước Ireland, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Ý bị ảnh hưởng bởi ngân sách thiếu hụt và bong bóng tài chành & địa ốc của những năm trước nên rơi vào khủng hoảng. Chính sách thông thường là phá giá đồng bạc để nâng mức cạnh tranh và giảm tiêu thụ, nhưng lại không thể áp dụng vì đang dùng đơn vị tiền tệ Euro chung với các nền kinh tế mạnh Đức Pháp v.v…

Biện pháp còn lại là xin các nước giàu giúp. Nhưng dân Đức phản đối vì họ đang thắt lưng buộc bụng lại phải tài trợ người khác, nên đưa ra các điều kiện ngặt nghèo khiến Nam Âu cảm thấy bị tổn thương.

Mấu chốt của vấn đề nơi Âu Châu dùng chung đơn vị tiền tệ mà lại không có quy chế Liên Bang. Nếu so với Mỹ: khi bong bóng địa ốc tăng nhanh thì dân ở California-Florida-Nevada hưởng lợi, nhưng khi bị bể thì Texas-Oklahoma phải giúp, hoặc cùng nhau mượn nợ rồi sau đó chia đều ra trả. Có bất công cũng phải ráng chiụ vì đó là luật chơi chung.

Các quốc gia Âu Châu đều độc lập nên không có luật chơi đó. Dân chúng Hy Lạp - Bồ Đào Nha – Tây Ban Nha bất mãn vì vào đồng Euro bị bó buộc mà khi bị nạn không ai giúp; còn Đức - Phần Lan phản đối vì dùng Euro lợi không thấy chỉ gánh thêm nợ của người ngoài.

Kết quả là có thể đồng Euro bị tan vở khi một hay hai nước rút ra. Đây sẽ là một thảm hoạ cho Âu Châu. Nhưng ngắn hạn thì không ai dám mua Euro nên cứ phải cho Hoa Kỳ vay nợ!

***

Trong khi đó thì nền kinh tế Trung Quốc sáng sủa nhất: phát triễn đều 10% mỗi năm; qua mặt Nhật Bản lên hàng thứ nhì trên thế giới; trử lượng ngoại tệ 2600 tỷ USD. Cứ theo đà này thì mỗi 7 năm là tăng gấp đôi, tức là sẽ hơn Mỹ vào năm 2025.

Có người ví Hoa Lục với phim Speed (1995), giống như chiếc xe buýt bị gài bom bắt buộc phải liên tục chạy trên 50 dặm mỗi giờ vì nếu chậm lại sẽ bị nổ.

Lý do vì nền kinh tế phát triển không đồng đều nên tiền bạc dồn vào các đại gia và thành phố lớn dẫn đến tình trạng lạm phát và bong bóng. Theo vài ước tính thì từ 1100 cho đến 1300 tỷ USD - tức là ½ số trử lượng ngoại tệ - nằm trong khu vực kinh tế đen ngoài vòng kiểm soát của nhà nước. Khoảng 45% số tiền ngân hàng cho vay (740 tỷ USD) là nợ khó đòi. Các số tiền này rơi vào tay thiểu số tạo ra bóng đầu cơ, xây hàng chục vạn căn nhà ở các thành phố lớn để bỏ trống vì không có người mua nổi.

Đó là tại sao Bắc Kinh cứ phải cho Hoa Kỳ vay tiền, vì giống như ông nhà giàu nhưng tiền phải gởi người ngoài vì vợ ham bài bạc. Tiền muốn giữ nuôi con (tức là nâng cao mức sống dân chúng) cũng sợ bị vợ mang đem ra xài sạch!

Có lẻ nhận xét của ông David Leonhardt (báo New York Times 11-24-2010) là chỉnh, rằng Bắc Kinh có đủ tiền và uy tín để đối phó với mọi khủng hoảng trong 5-10 năm tới; nhưng cùng khoảng thời gian này mà vẫn không cải tổ được chính trị và xã hội thì sẽ bị hiểm nghèo.

Đầu năm 2010 Quỹ Tiền Tệ Á Châu ra đời (AMF: Nhật 32% Hoa 32% Hàn 17%) để trợ giúp các nước Đông Á nếu bị khủng hoảng, và nhằm bớt lệ thuộc vào đồng đô-la. Tương lai của AMF không sáng sủa vì giờ này ba nước chủ chốt này không còn tin lẩn nhau vì các tranh chấp tại Hàn Quốc và quần đảo Senkaku.

Qua việc Bắc Kinh dùng kinh tế làm áp lực (vụ đất hiếm) nên không còn ai dám mua đồng Nhân Dân Tệ làm trử lượng. Các nước như Trung Đông lại chỉ còn một chổ chọn mặt gởi vàng là đồng đô-la!


***

Việt Nam rút bài học từ cả Âu-Mỹ-Hoa, nhưng giờ này có thể đã trể:

-          Đầu tư nhà nước bị thất thoát vào tập đoàn. Trử lượng ngoại tệ thấp, cán cân mậu dịch thâm thủng cao nhất là về phía Trung Quốc.

-          Tiền bạc dồn vào các đại gia và thành phố lớn dẫn đến bong bóng, đầu cơ và lạm phát.

-          Bị cả hai cơ quan quốc tế Fitch lẫn Standard & Poor giảm điểm tín dụng nên sẽ phải vay tiền nặng lãi.

-          Gặp lúc ngặt nghèo thì phải tìm trợ giúp từ nước ngoài khiến mất tự chủ: xin Mỹ & IMF thì phải cải tổ xã hội; mượn Trung Quốc lại phải nhân nhượng đủ điều.

No comments:

Post a Comment