Wednesday, May 11, 2011

Khủng hoảng kinh tế: những thử thách chính trị của khối Euro

Nếu so sánh giữa Hoa Kỳ và Âu Châu: tại Mỹ từ năm 2004 nhiều người bắt đầu ngờ rằng bóng địa ốc sẽ vỡ nhưng không tưởng được mức độ trầm trọng khi xảy ra vào năm 2007. Ngược lại không có một dấu hiệu cảnh báo nào trước về khủng hoảng đồng Euro mãi cho đến tháng 04-2010 khi tình trạng nợ nần của Hy Lạp bất ngờ bị phanh phui, rồi sau đó lan rộng ra cả vùng Nam-Âu và đến giờ này có thể làm tan rả cả một khối tiền tệ lớn hàng thứ hai trên thế giới.

Đồng Euro ra đời chỉ mới 13 năm trước đây (01-01-1999) được cổ vỏ như một bước ngoặc vô cùng quan trọng cho sự ổn định và thịnh vượng chung trong khu vực. Khi Hoa Kỳ rơi vào suy thoái vì các chính sách ngoại giao và tài chánh đơn phương thì Âu Châu được xem như tiêu biểu cho mô hình hợp tác đa phương và xem chừng có thể đánh ngã địa vị thống trị của đồng đô-la trên trường quốc tế.

Không ngờ cuộc khủng hoảng đầu tiên của Âu Châu cho thấy khuyết điểm không nằm trong lãnh vực tài chánh mà ở chính trong cơ cấu và tổ chức chính trị của toàn khu vực. Nói đơn giản là tuy trong cùng khối nhưng đến khi hoạn nạn thì mạnh ai nấy lo.

Các nền kinh tế yếu của Nam Âu được sát nhập với những nước mạnh như Đức và Bắc Âu nên vay mượn tiền dễ dàng ở phân lời thấp, từ đó sanh cẩu thả, lạm chi và bóng địa ốc. Khi bị phanh phui ra sắp vỡ nợ nên chỉ còn một trong hai cách để cứu vãn nền kinh tế: xin cứu trợ khẩn cấp hoặc phá giá đồng bạc.

Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha v.v… dùng chung đồng Euro với Đức, Pháp,… không thể đơn phương hạ thấp tiền tệ nên chỉ còn cách van xin các nước trong khu vực giúp đỡ. Việc này lại trở nên rắc rối vì ba lý do: (a) dân Đức v à Bắc Âu phản đối chính quyền nước họ cứu vớt Nam-Âu vì việc ai làm nấy chiụ, không có lý do gì bị vạ lây (b) nếu phải giúp đỡ thì lại kèm theo các điều kiện thắt lưng buộc bụng ngặc nghèo khiến dân chúng Nam-Âu phản đối (c) tiền viện trợ chỉ giúp thanh toán nợ nần chớ không mang lại kết quả lâu dài.

Để phân tích thêm về điểm thứ ba: nợ nần có thể đáo hạn hay… quịt (xóa nợ), nhưng nền kinh tế muốn phục hồi chỉ có cách tăng sức cạnh tranh để xuất cảng. Muốn giảm giá thành có hai cách là bớt chi tiêu và cắt giảm lương bổng (cách thứ ba là tăng hiệu năng nhưng lại không áp dụng được trong khủng hoảng vì đầu tư không có).

Phương thức đồng bộ để giảm chi và hạ thấp lợi tức là phá giá đồng bạc: xăng dầu, thức ăn tăng giá thì mọi người phải thắc lưng buộc bụng đồng đều giống nhau. Đàng này các nước Nam Âu không thể hạ thấp tiền tệ vì bị ràng buộc vào đồng Euro nên nhà nước phải đối diện với các chọn lựa khó khăn: cắt chi nơi nào trước, an sinh xã hội, hay trường học, hay quỹ hưu bổng? Bớt lương thì bắt đầu ở đâu, nơi khu vực công hay tư, trong giới thợ thuyền hay nhân viên văn phòng? Ai cũng biết là cần cắt giảm nhưng lại không muốn là người đầu tiên chiụ thiệt thòi, lại ở các nước dân chủ nên dân chúng biểu tình phản đối rầm rộ  Do đó mà hính quyền Bồ Đào Nha bị lật đổ vào tháng 3-2011 và có thể sẽ còn nhiều trường hợp khác sẽ xảy ra.

Nếu nhà nước bị chống đối hay tê liệt không đưa ra được biện pháp khả thi thì nền kinh tế thị trường dần dần cũng sẽ tự giải quyết: khủng hoảng kéo dài khiến doanh nghiệp đóng cửa, dân chúng thất nghiệp quá lâu sẽ nhận bất cứ việc làm nào khác với đồng lương hạ thấp – nhưng đây lại là phương cách thảm hại nhất vì tạo những xáo trộn lâu dài trong xã hội.

So sánh với Hoa Kỳ có cơ chế liên bang: khi bong bóng địa ốc căn phòng thì dân chúng các tiểu bang California, Nevada, Florida hưỡng lợi; nhưng khi bóng bể thì thiệt hại chia đều cho cả 52 tiểu bang cùng gánh vác. Dù có bất mãn nhưng cũng phải ráng chịu vì đây là luật chơi chung, chỉ tự an ủi là đến khi mình hoạn nạn sẽ được giúp lại.

Âu Châu cùng chung một đơn vị tiền tệ nhưng không có tổ chức chính trị trung ương nên khi một khu vực bị khủng hoảng thì các nước còn lại không bị ràng buộc phải cứu giúp. Dần dần dân các nước giàu muốn rút khỏi Euro vì không muốn mang vạ lây; các nước nghèo cũng muốn tách để khỏi bị trói tay trong khủng hoảng.

Đây là lý do khiến công ty Standard & Poor hạ điểm tín dụng của Hy Lạp hôm thứ tư 27-04-2011; và có những tin đồn rằng Hy Lạp sẽ bị trục xuất hay tự ý rút khỏi đồng Euro. Nếu Hy Lạp rút sẽ kéo theo Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, ... và cả khối Euro bị tan rã. Cuộc cải cách kinh tế lớn nhất vào cuối thế kỷ 20 sụp đổ vào đầu thế kỷ 21 sẽ vô cùng thất lợi cho Âu Châu và khối các nước dân chủ tự do nói chung.

Như thế mới thấy lãnh đạo một quốc gia độc tài dễ hơn dân chủ: nếu hên gặp minh quân có chính sách giỏi thì dân được nhờ, còn lỡ sai phạm thì dân gánh chiụ nhưng đừng biểu tình phản đối vì rồi lâu ngày thị trường cũng sẽ tự điều chỉnh và giải quyết mọi việc!

No comments:

Post a Comment