Wednesday, June 13, 2012

Dự kiến về cuộc chạy đua Mỹ-Trung


Khán giả môn điền kinh không cần phải đợi mức đến mà chỉ chờ tới hồi gần cuối cũng đã đoán được thắng thua: hoặc giả  lực sĩ đang dẫn đầu nhưng vấp ngã, hay kẻ hạng nhì ráng sức phóng vọt lên thì hụt hơi! Người ta bỏ tiền cá độ tùy theo dự đoán chớ không phải đợi kết cuột.  

Căn bản của cuộc tranh hùng Mỹ-Trung là nơi sức mạnh kinh tế, và theo nhận xét của người viết chỉ trong vòng 3-10 năm nửa đủ để dự trù nước nào sẽ trở thành siêu cường hạng nhất trong thế kỷ 21. Các quốc gia trên thế giới sẽ tuỳ theo dự phóng riêng để điều chỉnh chính sách đối ngoại cho phù hợp chớ không phải đợi gió đổi chiều rồi mới xoay.

GDP của Hoa Lục vào 2000 chỉ bằng 1/8 của Mỹ nhưng trong vòng 11 năm sau nhảy vọt lên ngang 1/3 và đứng hàng nhì thế giới. Giải sử mức phát triển của Trung Quốc có chậm lại nhưng Hoa Kỳ vẫn không thoát khỏi trì trệ thì dù chưa bắt kịp nhưng chuyện thắng thua sẽ thấy rỏ không xa. Do đó người viết mới nghĩ rằng chúng ta có thể dự đoán sớm hơn kết quả chính thức.

Khác với Đức-Nhật từ sau Thế Chiến Thứ Hai, việc trổi dậy của Hoa Lục không chỉ giới hạn vào kinh tế mà còn ảnh hưởng lên chính trị và xả hội toàn cầu.

Cả hai nước Mỹ-Trung đều có tiềm năng nhưng đồng thời lại cưu mang nhiều mâu thuẩn nội tại, và giờ phút quyết định đã gần kề. Hoa Kỳ không thể tiếp tục tình trạng thâm thủng ngân sách và mậu dịch thêm lâu nửa. Nếu không sớm giải quyết thì nước Mỹ sẽ không còn là mô hình kiểu mẫu cho sự phát triển trong thế kỷ 21: một là xã hội Hoa Kỳ đánh mất sức năng động, khả năng thích ứng và tính cạnh tranh, hai là cơ chế chính trị bị phân hoá đến mức không giải quyết được các vấn đề cấp bách của đất nước. Trong vòng 3-4 năm tới đây Hoa Kỳ bắt buộc phải đạt đến một thoả hiệp để vừa cắt giảm chi tiêu đồng thời thúc đẩy tăng trưởng, bằng không thì sức mạnh chính trị và quân sự cũng theo đó suy đồi. Người viết nghĩ rằng tương lai nước này có thể thấy trước khi nhiệm kỳ của tổng thống sắp tới chấm dứt, nếu Obama tái đắc cử tức là trước khi ông rời chức vụ năm 2016.

Riêng Trung Quốc có tiềm năng và nguồn nhân lực khổng lồ để tiếp tục đà phát triển ngoạn mục từ 20 năm naỵ, Tuy nhiên bất công xã hội đã trở nên sâu xắc với những lời cảnh báo từ giới lãnh đạo cao cấp nhất rằng hố sâu giàu nghèo cùng tình trạng tham nhũng và bè đảng sẽ chận đứng tăng trưởng. Nhà nước có hai cái khó, một là không thể cải thiện xã hội nếu không thay đổi chính trị; nhưng muốn đổi mới lần thứ nhì thì phải đụng chạm đến các khối lợi ích nay đã đồng hoá với giai cấp cầm quyền. Hai là phải mở ra cánh cửa để dân chúng tự do tư duy và dám lên tiếng bênh vực quyền lợi chính đáng của chính mình. Điều đáng lo là nổi bất mãn của quần chúng hiện đã tràn đầy, nếu cho phép bày tỏ không khéo sẽ bộc pháp dữ dội và mang theo nhiều hệ lụy không thể nào tiên liệu được. Dù gì thì vị lãnh đạo kế tiếp –theo giới quan sát quốc tế tức là ông Tập Cận Bình - sẽ phải lèo lái trong vòng 3 hay 4 năm tới, và kết quả sẽ thấy trước khi có người thay thế. Do vậy người viết đánh giá chậm nhất trong vòng 10 năm nửa tương lai của Hoa Lục sẽ trở nên rỏ rệt.

Đây không phải là lần đầu mà hai nước Mỹ-Trung gặp nhiều thách đố nghiêm trọng như vậy. Đặc tính của xã hội Hoa Kỳ là nhờ vào tính linh hoạt thích ứng và nền tảng dân chủ  tự do đã giúp họ vượt qua nhiều giai đoạn vô cùng nguy ngập trong suốt 150 năm nay. Nhưng quá khứ không quyết định cho tương lai, và liệu nước Mỹ vẫn đủ khả năng uyển chuyển để tiếp tục ngôi vị hàng đầu hay đã đánh mất năng lực cạnh tranh theo đà thay đổI của thế kỷ 21 - chúng ta sẽ biết trong vài năm tới đây. Trong khi đó suốt 30 năm không thiếu các nhà nghiên cứu tiên đoán Hoa Lục sẽ sụp đổ; nhưng Bắc Kinh đã quyền biến để thực hiện Đổi Mới, củng cố địa vị đồng thời vượt qua nhiều thử thách như Thiên An Môn 1989 và các vụ khủng hoảng 1997 (Đông Á) 2001-03 (Nga và Nam Mỹ), 2007-09 (Hoa Kỳ), 2010-12 (Âu Châu) trong khung cảnh chính trị ổn định cùng đà tăng trưởng ngoạn mục chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Nhưng nay họ đứng trước ngã rẻ giữa độc tài và tiến bộ, và chọn lựa nào cũng đầy những bất trắc không ngờ trước được.

***

Phần trên nói về cuộc chạy đua khắc phục các mâu thuẩn nội bộ, giờ đây người viết xin bàn đến khả năng đối đầu kinh tế và quân sự giữa Mỹ-Hoa. Trong vòng 10 năm tới dù khó xảy ra chiến tranh nhưng tranh chấp ngày càng nóng do tâm lý đối nghịch gia tăng giữa hai siêu cường. Lý do là Hoa Kỳ nghi ngờ Trung Quốc muốn qua mặt mình, trong khi Hoa Lục cho rằng mọi sách lược của Mỹ đều nhằm kềm hảm không cho Trung Quốc vươn lên.

Liệu một cuộc chiến mậu dịch có sẽ xảy ra hay không? Người viết không quả quyết nhưng Trung Quốc từ lâu đã ưu đãi công nghiệp trong nước đồng thời tài trợ cho thị trường xuất khẩu, thì nay tâm lý bảo hộ và nhu cầu tạo công ăn việc làm hiện đang dâng cao tại các nước Âu-Mỹ.

Liệu một cuộc chiến tiền tệ có sẽ xảy ra hay không? Nếu thế giới nghi nghờ về khả năng lãnh đạo của Hoa Kỳ thì vị thế đồng đô la bắt buộc phải xuống, trong khi Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng thì vai trò của đồng Nhân Dân Tệ sẽ tiến lên ngang bằng hay vượt trội Mỹ kim vào năm 2025. Hoa Kỳ là nước duy nhất mang nợ ngập đầu mà vẫn có thể vay thêm với lãi xuất rẻ mạt nhờ vào ưu thế của đồng đô-la, nếu đánh mất vi trí đó tức là rơi mất đi một nền tảng quan trọng.

Liệu một cuộc đối đầu quân sự có sẽ xảy ra hay không? Tại Trung Đông trừ phi cách mạng hoa lài lan đến Iran thì Mỹ và Do Thái sẽ phải có biện pháp đối phó với chương trình chế tạo bom nguyên tử của nước này trong vòng 3 năm tới đây. Chọn lựa nào cũng sẽ làm sôi sụt tâm lý quá khích cùng các phong trào quần chúng tại Tunisia, Ai Cập, Libye, Syria và nhiều nước khác nửa. Không thể có giải pháp hoà bình cho Trung Đông trong vòng 20 năm tới đây, và không gì khiến Bắc Kinh hài lòng bằng Hoa Kỳ sa lầy nơi vũng bùn sa mạc. Trong khi đó tình hình Biển Đông ngày thêm căng thẳng, trừ phi Trung Quốc bị xáo trộn xã hội, còn không thì áp lực nội bộ để có những biện pháp quyết đoán tại biển Đông sẽ tăng theo đà trở lại của Hoa Kỳ. Biển Đông là nơi mà hai nước Mỹ-Trung không thể mất mặt vì Á Châu nhìn về đó để thăm dò quyết tâm và tính trường kỳ của hai cường quốc.

Một nghịch lý là sự phát triễn của các loại vũ khí không người lái có thể khiến chạm trán dễ xảy ra hơn. Khả năng Trung Quốc tấn công một tàu chiến hay máy bay chở nhân sự Mỹ rất nhỏ, nhưng nếu gặp phi vụ không người lái thì một sự cố vô tình hay hữu ý có thể đến do tính toán rằng không mất sinh mạng thì khó có lý do lan rộng thành chiến tranh toàn diện. Dù vậy tình trạng căng thẳng sẽ lên đến tột bực vì các nước xung quanh sẽ nhìn theo đó để đánh giá phản ứng đôi bên. Tương tự như thế, việc tàu sân bay của Hoa Lục thực sự đi vào hoạt động trong vòng 3-5 năm tới đây sẽ bị theo dõi sát không phải vì nó có khả năng đe doạ hạm đội Mỹ, mà vì các nước xung quanh muốn biết Bắc Kinh đã bỏ tiền lớn thì dám đánh cuộc như thế nào.

***

Cả hai nước Mỹ-Trung đều muốn dẫn đầu trào lưu tiến bộ trong thế kỷ 21. Hoa Kỳ tin rằng trật tự thế giới hiện thời, cộng thêm tự do thông tin và mậu dịch toàn cầu tất yếu sẽ mang đến xu hướng dân chủ trong khối các quốc gia đang phát triển. Hoa Lục đánh giá họ đang ở thế thuận lợi theo đà chuyển đổi ồ ạt của năng lực sản xuất từ Tây sang Đông. Nếu Bắc Kinh chứng minh được mô hình tư bản nhà nước thích hợp cho các nước đang mở mang hơn là tổ chức dân chủ tự do kiểu Tây Phương thì Trung Quốc sẽ trở nên trọng tâm kinh tế và chính trị trong thế kỷ 21.

Ưu và khuyết điểm của hai đối thủ đã đều lộ rỏ và không lâu nửa người ta có thể đoán biết được kết quả trong tương lai. 

No comments:

Post a Comment