Đất nước nào khi chuyển mình từ độc tài sang dân chủ cũng
đều muốn tiến trình sẽ xảy ra trong ôn hoà và trật tự như trường hợp của Miến Điện,
thay vì bạo loạn và đầy bất trắc như tại Ai Cập. Nhưng hy vọng có thực hiện được
hay không, hoặc cần có những chuẩn bị gì để tránh các xáo trộn chính trị khiến
xã hội bị suy thoái trong lúc mục tiêu của cuộc cách mạng dân chủ bị lệch hướng
- đây là vấn đề cần đặt ra, tuy không quá sớm cho dù không có trả lời dứt khoát.
Đặt tính của một nhà nước chuyên chế là cấm đoán không
cho các đảng phái khác sinh hoạt hay tham gia điều hành đất nước. Vì thế khi giới
cầm quyền bị xụp đổ tạo ra một khoảng trống rất lớn về chính trị. Những nhà đấu
tranh cho dù có uy tín nhưng vì trước đây bị bắt bớ đàn áp nên thiếu kinh nghiệm
tổ chức đoàn thể và lèo lái quốc gia. Trái lại tại một nước dân chủ, lấy thí dụ
như ở Hoa Kỳ thì dù đảng Dân Chủ hay Cộng Hoà nắm giữ chính quyền thì đảng còn
lại vẫn có vai trò thiểu số và tiếng nói đóng góp vào chính sách của nhà nước.
Nhờ vậy nên mỗi khi lãnh đạo thay đổi thì đảng đắc cử đưa ngay ra được một bộ
tham mưu mới vào chính quyền, trong đó gồm nhiều nhận sự có kinh nghiệm giúp
cho quá trình chuyển tiếp không gặp trở ngại.
Tổng thống Then Sein của Miến Điện mặc dù xuất thân từ thành
phần độc tài quân phiệt nhưng lại sớm nhận thức được nhu cầu dân chủ hoá của đất
nước. Ông bắt đầu tiến trình này bằng cách trả tự do và chấp nhận cho bà Aun
Sang Suu Ki cùng đảng Vì Dân tham gia sinh hoạt chính trị. Nhờ vậy đảng đối lập
này có được ba bốn năm để góp phần điều hành đất nước. Nếu giả sử bà Aun Sang
Suu Ki đắc cử Tổng Thống nhiệm kỳ tới thì bà sẽ có được một ban tham mưu với
kinh nghiệm thực tế. Dân chủ đồng nghĩa với tương nhượng và thoả hiệp nên khoảng
thời gian ba bốn năm sinh hoạt chính trị giúp cho đảng Vì Dân ý thức về nhu cầu
lèo lái giữa khát vọng dân chủ của quần chúng và quyền lực trong đám tướng lãnh,
áp lực từ Trung Quốc, và bất đồng tôn giáo giữa đa số Phật Giáo và thiểu số đạo
Hồi.
Trái lại tại Ai Cập việc ông Mubarak bị lật đổ một cách vô
cùng đột ngột do phong trào quần chúng tự phát khiến các đảng chính trị còn lại
không có đủ thời gian làm quen với công việc tổ chức và điều hành. Trong khi đó
tâm lý dân chúng tuy ủng hộ cho phong trào dân chủ nhưng lại không dành cho một
đảng phái chính trị nào nổi bật – cho dù phong trào quần chúng chỉ có thể lật đổ
nhà cầm quyền còn điều hành quốc gia phải do nhân sự từ các đảng phái. Với khoảng
trống đó nên cánh Huynh Đệ Hồi Giáo vốn có tổ chức và được hậu thuẩn của thành
phần giáo sĩ đã thắng cử năm rồi. Nhưng sau đó họ lợi dụng thời cơ để đẩy mạnh
Giáo Quyền nên gặp sức đề kháng dữ dội của đa số dân chúng muốn có một nhà nước
thế tục và dân chủ. Cuộc đảo chánh tuần vừa rồi tuy lật đổ Tổng Thống Morsi nhưng
mang theo nguy cơ chia rẽ nội chiến nên là bước thoái trào của cách mạng.
Một ưu điểm khác ở Miến Điện nhờ vào uy tín quốc tế của bà
Aun Sang Suu Ki nên phong trào dân chủ nhận được rất nhiều trợ giúp nơi Âu-Mỹ-Nhật:
từ áp lực ngoại giao lên chính quyền quân phiệt cho đến việc nới lỏng phong toả
kinh tế, hay các chương trình cố vấn tổ chức hệ thống ngân hàng và các luật lệ đầu
tư. Trái lại tại Ai Cập vì không có một đảng phái dân chủ nổi bật nên Hoa Kỳ và
Âu Châu dù bỏ hàng tỷ đô-la để viện trợ nhưng phần lớn dành cho quân đội, lý do
là họ không tìm ra một đối tượng nào khác đáng tin cậy hơn để hậu thuẩn.
Bài viết này tuy không phần tích về các yếu tố xã hội và
lịch sử vốn sẽ đòi hỏi một công trình khảo cứu công phu, nhưng nhằm nêu lên vị
trí quan trọng của một nhà nước chuyên chế đương quyền: nếu vì quyền lợi lâu dài
của quốc gia phải gấp rút mở cánh cửa dân chủ; bằng không rồi cũng sẽ có một
phong trào quần chúng tự phát lật đổ độc tài, nhưng khi đó cái giá mà Tổ Quốc
phải trả sẽ đắt hơn rất nhiều.
No comments:
Post a Comment