Saturday, November 4, 2017

Liệu Việt Nam sẽ có vũ khí nguyên tử

Báo New York Times ngày 29/10/2017 đăng trên trang đầu một bài phân tích về khả năng một cuộc chạy đua vũ trang nguyên tử ở Á Châu trong đó có một dòng cho biết Úc, Miến Điện, Đài Loan và Việt Nam từng thảo luận đến việc trang bị loại vũ khí này [1]. Bài viết không cho thêm dữ kiện nào về thông tin nói trên vì trọng tâm nhắm vào việc Nam Hàn và Nhật Bản có thể trở thành hai cường quốc hạt nhân để đối phó với Bắc Hàn.

Bài toán như sau: nếu Bắc Hàn sở hữu hoả tiễn liên lục địa có khả năng tấn công Hoa Kỳ thì Seoul và Tokyo sẽ không còn tin chắc rằng Mỹ sẽ can thiệp khi Bình Nhưỡng dọa trả đủa bằng cách tiêu hủy Los Angeles hay Seattle. Cách tính này từng xảy ra trong Chiến Tranh Lạnh với kết quả là Anh và Pháp đã tự phát triển kho vũ khí hạt nhân.

Chính Tổng thống Trump trong thời gian tranh cử đã nói công khai rằng Nam Hàn và Nhật nên có vũ khí nguyên tử để tự bảo vệ. Khung cảnh chính trị tại Nam Hàn ngày càng có nhiều tiếng nói đòi trang bị hạt nhân, trong khi tại Nhật thì dư luận chống quan điểm này vì từng là nạn nhân ở hai thành phố Hiroshima và Nagasaki.

Nhưng nếu Trung Quốc, Bắc Hàn và Nam Hàn đều có vũ khí nguyên tử thì Nhật sẽ không còn chọn lựa nào khác. Đài Loan sẽ theo đó để tự bảo vệ, rồi đến Úc, Miến Điện và Việt Nam trong khung cảnh Á Châu trở nên vô cùng bấp bênh.

Theo nhận xét của người viết thì khả năng Việt Nam trang bị hạt nhân rất thấp. Thứ nhất, Bắc Kinh khôn khéo theo chính sách “tằm ăn dâu” nên sẽ không để tình hình căng thẳng đến mức phải xảy đến chiến tranh toàn diện. 

Thứ hai, Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới sát cạnh bốn nước khác có vũ khí nguyên tử (Nga, Ấn, Pakistan và Bắc Hàn) nên sẽ bằng mọi cách ngăn cản không cho Việt Nam thêm vào con số đó: áp lực về chính trị, đe dọa về kinh tế, tấn công bằng tin học hay can thiệp thay đổi thành phần lãnh đạo. 

Thứ ba, Việt Nam khi còn bị chia rẽ giữa các phe cánh lãnh đạo tranh giành quyền lực, giữa nhà cầm quyền và dân chúng thì không thể có một chính sách toàn diện đối đầu với Hoa Lục.

Trở lại tình hình chung Á Châu, một giải pháp được bàn thảo đến là Nam Hàn yêu cầu Hoa Kỳ mang dàn hỏa tiễn hạt nhân tầm trung vào nước họ – cũng giống như Tây Đức cho phép hỏa tiễn Patriot của Mỹ vào thập niên 80. Mục tiêu để Hoa Kỳ sẽ phải phản ứng tức thời khi có khủng hoảng mà không còn 2 tiếng đồng hồ chần chờ quyết định (thời gian bay của hỏa tiễn liên lục địa) và thay đổi lập trường. Nhưng Mỹ hiện không ngỏ ý muốn đem hỏa tiễn tầm trung sang Đông Á vì không ngăn được Bình Nhưỡng trang bị hỏa tiễn liên lục địa, và như vậy chỉ giúp bảo vệ Nam Hàn mà không tăng an ninh cho Hoa Kỳ (trái với America First).

Đây là nước thấu cáy của Trump lật ngược ván cờ Bắc Hàn hiện đang là gánh nặng của Mỹ để trở thành mối đe dọa cho Trung Quốc nếu ông Tập không muốn thấy có thêm hai cường quốc hạt nhân là Nam Hàn và Nhật Bản kề cận ở Đông Á. Bàn cờ lớn giữa các cường quốc sẽ thay đổi bộ mặt an ninh châu Á.

***

[1] North Korea Rouses Neighbors to Reconsider Nuclear Weapons. New York Times, Oct 28, 2017.

No comments:

Post a Comment