Tuesday, January 23, 2018

Áp dụng mô hình Trung Quốc vào các nước đang mở mang

 “Tại Đại hội toàn quốc lần thứ 19 của đảng Cộng sản hồi tháng 10 vừa qua, chủ tịch Tập Cận Bình đã trình bày hệ thống cai trị của Trung Quốc như một hình mẫu để các quốc gia khác mô phỏng theo. Các nhà lãnh đạo muốn “thúc đẩy sự phát triển trong khi vẫn duy trì nền độc lập của mình” nên nhìn vào Trung Quốc như “một lựa chọn mới”, ông Tập nói” [1].

Câu hỏi đặt ra là Trung Quốc phát huy mô hình đó như thế nào ra quốc tế?
Tuy chưa có tài liệu phân tích từng bước chiến lược của Bắc Kinh trong lãnh vực này, nhưng diễn biến tại nhiều nước đang mở mang ở Đông Nam Á, Nam Á, Phi Châu và tại những nước công nghệ ở Âu và Úc Châu cho thấy một kế sách lâu dài đang được định hình.

Nhưng trước hết, thế nào là mô hình Trung Quốc?

Mô hình Trung Quốc có một số đặc điểm chủ yếu, bao gồm chế độ cai trị chuyên chế dựa trên ý niệm về sự ổn định; chính sách công nghiệp và tài chính do nhà nước dẫn dắt; đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng; công nghiệp hóa nông thôn hậu thuẫn bởi nông nghiệp quy mô nhỏ; và sự mở cửa cho thương mại và công nghệ nước ngoài” [2].

Bắc Kinh không áp dụng toàn bộ nhưng chọn lọc vài chủ điểm trong mô hình trên mang ra áp dụng một cách thuần nhất vào các nước đang phát triển như sau:
1.      Chế độ cai trị dựa trên ý niệm về sự ổn định (tức là cộng sản, độc tài hay dân chủ đều o.k. miễn là có nền chính trị ổn định để buôn bán với Trung Quốc).
2.      Chính sách công nghiệp và tài chính do nhà nước dẫn dắt (tức là kinh tế do nhà nước dẫn dắt càng nhiều thì càng thuận lợi cho Trung Quốc thao túng).
3.      Đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng (tức là tạo thuận lợi để Trung Quốc đầu tư vào hạ tầng của mỗi quốc gia trong kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ).
4.      Mở cửa cho thương mại và công nghệ nước ngoài (tức là tạo thuận lợi cho Trung Quốc khai thác tài nguyên và bán hàng tiêu dùng).

Chủ trương của Trung Quốc là không can thiệp chính trị và quân sự nhằm vận động quảng bá cho một ý thức hệ. Nếu diễn giải theo ngôn từ của Tập Cận Bình thì lập trường này trái ngược với Tây Phương vốn quảng bá sự phát triển của nền dân chủ tư do (liberal democracy) qua các tổ chức quốc tế như IMF, World Bank, NATO, và các tổ chức phi chính phủ như Human Rights Watch, Ký giả không biên giới, v.v. khiến nhiều quốc gia mất đi sự độc lập của mình trong đó có các nước Đông Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Phi Luật Tân (Phillipines), Mã Lai (Malaysia), Thái Lan, Cam-Bốt, Bangladesh, Pakistan… Chỉ khi nào không bị xáo trộn đột ngột về chính trị thì các quốc gia mới có ổn định xã hội để phát triển kinh tế.

Chủ trương nói trên không chỉ nhằm hấp dẫn các nhà độc tài vốn không muốn bị áp lực phải thay đổi, mà còn dựa trên kinh nghiệm quá khứ của chính Trung Quốc qua cuộc Cách Mạng Văn Hóa đẫm máu, và bài học hiện tại từ các cuộc Cách Mạng Hoa Nhài dẫn đến thảm họa nhân đạo ở Syria, Lybia và kinh tế trì trệ ở Ai Cập, Tunesia… Nói một cách khác, Bắc Kinh ngày nay không chống đối nền dân chủ nhưng phản đối việc can thiệp thực hiện nền dân chủ như một mô hình đồng nhất (one size fits all) lên mọi quốc gia mà không quan tâm đến các đặc thù văn hóa, lịch sử và xã hội.

Tiêu biểu cho lập trường này là quan hệ giữa Trung Quốc với Miến Điện: tuy trước đây Bắc Kinh hậu thuẩn cho chế độ quân phiệt, nhưng khi cánh dân chủ thắng thế thì Hoa Lục sẵn sàng làm việc với bà Aung San Suu Kyi để tiếp tục trao đổi mậu dịch. Khi bà Aung San Suu Kyi bị Tây Phương lên án mạnh mẽ vì không bảo vệ cho thiểu số đạo Hồi người Rohinya, Bắc Kinh im lặng thúc đẩy cho một giải pháp giữa Miến và Bangladesh, qua đó nâng cao vai trò của Trung Quốc vào lúc Âu-Mỹ cô lập Naypyidaw.

Nhìn ra tương lai, hiện Trung Quốc đang ủng hộ nhà cầm quyền độc tài tại Venezuala, nhưng nếu Tổng Thống Maduro bị lật đổ thì Bắc Kinh sẵn sàng làm đối tác thương mại lớn nhất để tiếp tục đầu tư và mua dầu từ chính quyền mới.

Tuy nhiên Bắc Kinh sẽ từ bỏ chính sách không can thiệp nếu quyền lợi chiến lược bị xâm phạm, chẳng hạn như Trung Quốc không thể nào chấp nhận cho Bắc Hàn hay Việt Nam thay đổi thể chế. Hoa Lục cũng sẵn sàng dùng quyền lực nhọn (sharp power) theo cách tung tiền chi phối nền chính trị nội bộ của Úc và Tân Tây Lan (New Zealand) nhằm thay đổi lập trường của hai nước này về Biển Đông theo hướng có lợi cho Trung Quốc; hay dùng áp lực kinh tế ra quốc tế nhằm cô lập Đài Loan và Đức Đạt Lai Lạt Ma; hoặc dùng mậu dịch để trừng phạt Na-Uy, Nhật, Nam Hàn và Phi Luật Tân khi có những va chạm về địa chính trị hay nhân quyền.

Một điểm cần quan tâm là sau Chiến Tranh Lạnh nhiều nước tuy độc tài nhưng vẫn phải khoát tấm bình phong dân chủ vì cần giao dịch với Âu-Mỹ. Nhưng chỉ trong hai năm gần đây, Tổng thống Duterte của Phi và Hunsen của Cam Bốt dựa vào chiếc dù thương mại và chi viện của Trung Quốc để không còn dấu giếm mà ra mặt đối kháng với Tây Phương nhằm thẳng tay đàn áp trong nước. Diễn biến tương tự nhưng ở góc độ khác biệt khi Edorgan của Thổ Nhĩ Kỳ, Viktor Orban của Hung Gia Lợi (Hungary) và Duda của Ba Lan chống đối mô hình dân chủ tự do (liberal democracy) của Tây Âu thay vào đó bằng mô hình dân chủ phi tự do (illiberal democracy) mang màu sắc Hồi giáo hay dân tộc chủ nghĩa.

Nói chung là sức mạnh kinh tế của các nước dân chủ không tăng trong khi Trung Quốc nhảy vọt. Lượng hàng hoá sản xuất từ Mỹ chiếm 50% toàn cầu năm 1945, đến nay còn 16% và dự trù chỉ 11% trong khi Hoa Lục sẽ là 30% vào 2050 [3]. Trái với nhận định của những chuyên gia Tây Phương, mô hình phát triển của Trung Quốc (tóm tắt bằng một chữ “sale”) có mãnh lực thu hút tưởng chừng không thể cưỡng lại để các nước đang phát triển có “một lựa chọn mới” nhằm ổn định chính trị và phát triển thành những nền kinh tế chư hầu (satellite economies) trong kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ của Bắc Kinh.

***

[1] [2] Trích nguyên văn từ: http://www.viet-studies.net/kinhte/ChinaSolitaryModel_Bardhan_trans.html – Người dịch: Huỳnh Hoa.

[3] Destined for war: Can America and China Escape Thucydides’s trap? – Tác giả: Graham Allison.

No comments:

Post a Comment