Sunday, July 12, 2020

Mất cân bằng trong kinh tế toàn cầu: tại sao Mác vẫn chưa chết? (Bài 24)


Tư tưởng Mác phá sản. Chủ nghĩa Mác bị chôn vùi trong đám tro tàn lịch sử. Thế nhưng Mác đang đội mồ sống dậy và trở nên thời thượng (fashionable) trong giới trí thức Tây Phương, khi báo chí mỗi ngày nêu nổi bật khoảng cách giàu nghèo (wealth gap) và bất công (inequality) xã hội. Giới cấp tiến trong đó tiêu biểu là Thomas Piketty (Pháp) hay Bernie Sanders (Mỹ) dù có hay không tự nhận là Mác-xít, tuy sự nghiệp chính trị chưa thành nhưng tư tưởng và trào lưu xã hội do họ vực dậy không hề suy giảm mà có khả năng làm thay đổi cấu trúc tư bản Âu-Mỹ trong vài thập niên sắp tới.

Cơ bản của Mác là phản kháng chống lại những quá độ của chủ nghĩa tư bản. Cho nên vào đầu hai thế kỷ thứ 20 & 21 khi tư bản phát triển nhanh chóng dẫn đến hai cuộc Đại Khủng Hoảng 1929 & 2008, cộng thêm vào đó là nỗi bất mãn do chênh lệch giàu nghèo quá đáng thì tư tưởng của Mác lại trở nên thịnh hành. Nói cách khác, Mác và Tư Bản như Âm và Dương, Thiện và Ác, bóng đêm giữa ban ngày: khi tư bản lên đến tột cùng thì Mác lồm cồm trổi dậy!
                           
Chủ trương của Mác là dùng nhà nước để xây dựng bình đẳng kinh tế. Ở Âu-Mỹ ngày nay mọi người dân đều được bảo đảm mực sống tối thiểu và có quyền đi bầu nên không ai (hay chưa ai) hô hào cách mạng vô sản lật đổ dành chính quyền. Thay vào đó trào lưu Dân Chủ Xã Hội [1] dùng lá phiếu quần chúng để đưa nhà nước (thay vì tư nhân) chiếm vai trò trọng tâm trong kinh tế. Nhưng khi nhà nước nắm giữ kinh tế tức là có thêm quyền lực; quyền lực tăng thì cơ nguy lạm dụng quyền hành cũng tăng. Cho nên dù trí thức cánh tả có tự xem là cấp tiến (liberal) đi chăng nửa thì chính họ lại cấm đoán tư tưởng tự do (liberty) nếu mang quan điểm đối nghịch với mục tiêu bình đẳng tuyệt đối của họ. Dùng thí dụ cho dễ hiểu, nếu tôn giáo và văn hóa cản trở hôn nhân đồng tính thì cánh cấp tiến đả phá tôn giáo và xóa sạch truyền thống văn hóa. Dù chưa nắm được chính quyền nhưng cánh tả áp dặt bình đẳng tuyệt đối - nay không còn chỉ giới hạn trong kinh tế - bằng cách đe dọa và kiểm duyệt quyền tự do ngôn luận trên báo chí và học đường.

Nhà nước hứa hẹn sẽ mang lại bình đẳng bằng cách bảo đảm y tế, giáo dục, nhà ở và thu nhập cho mọi người: health care for all, education for all, basic housing for all, universal basic income for all. Vì vậy đối với người viết FOR ALL không gì khác chính là tiếng lóng (codeword) của xã hội chủ nghĩa. Chủ nghĩa xã hội đặt trọng tâm vào phân phối của cải (wealth distribution) thay vì tạo ra của cải (wealth creation) khiến xã hội trở nên nghèo khó.

Ông Bernie Sanders và bà Elizabeth Warren tuy không còn tranh chức Tổng Thống nhưng ảnh hưởng của hai người rất lớn có thể làm thay đổi chính sách kinh tế của Hoa Kỳ nếu đảng Dân Chủ thắng lớn. Bà Elizabeth Warren vẫn tự nhận là tư bản đến xương tủy (capitalism to the bone) nhưng chủ trương phải tăng cường vai trò của nhà nước để ngăn chận những quá độ (excessive) của xã hội tư bản; vào đầu thập niên 2010 bà tranh đấu chống giới ngân hàng giăng bẫy nợ tín dụng làm khốn đốn nhiều gia đình trung lưu. Ông Bernie Sanders theo xã hội chủ nghĩa tranh đấu bảo vệ giới công nhân ở Mỹ mất việc do toàn cầu hóa quá nhanh chóng (runaway globalization). Nhưng hai người này khi ra tranh cử năm 2020 không những tranh nhau vẽ bùa chú ngân sách để hứa hẹn các chương trình xã hội khổng lồ cho mọi người dân (for all) mà còn ngã theo cánh cấp tiến ủng hộ giáo điều bình đẳng tuyệt đối từ LGBTQ, Me Too, Black Live Matter,… kể cả mở cửa biên giới cho di dân bất hợp pháp. Ông Sanders và bà Warren tiêu biểu cho cánh cấp tiến tuy khởi đầu với những đòi hỏi cải thiện đời sống kinh tế nhưng rồi tiến đến xóa bỏ mọi bất công từ màu da, phái tính, v.v… Vai trò của chính quyền dần dần phình to ra để kiểm soát mọi sinh hoạt và tư tưởng trong xã hội, dân chúng đừng suy nghĩ đừng có no để nhà nước lo hết.

Thomas Piketty phân tích vốn tư bản (capital) bao giờ cũng tích tụ theo chiều hướng tự nhiên như nước dồn vào lổ trũng; dần dần lợi nhuận đầu tư sẽ bỏ xa lương bổng; vốn tư bản lại thừa hưởng từ đời này sang đời khác tạo ra một tầng lớp ăn trên ngồi trước (rent seekers) đào sâu khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Cho nên Piketty chủ trương nhà nước đánh thuế lũy tiến để tái phân phối tài sản trong xã hội. MMT (Modern Monetary Theory hay thuyết Tân Tiền Tệ) đi xa hơn nửa với lập luận nhà nước nắm độc quyền (mononopoly) in tiền nên phải in và mượn càng nhiều càng tốt để đầu tư vào y tế, giáo dục, tạo công ăn việc làm, v.v…; giá trị đồng tiền (lạm phát) không còn do thị trường tự do quyết định mà nơi nhà nước ban hành [2]. Nói chung Bernie Sanders, Elizabeth Warren, Thomas Piketty hay MMT đều chủ trương bước nhảy vọt vai trò của chính quyền: nhà nước xóa bỏ các quá độ của tư bản chủ nghĩa để tạo quân bình trong xã hội; nhà nước phân phối của cải; nhà nước in tiền; nhà nước độc quyền. Chủ trương này hoàn toàn trái ngược với quan điểm của Ronald Reagan và bà Margarett Thatcher 40 năm trước đây rằng chính nhà nước mới là nguyên nhân của hư hỏng (Government is not the solution to our problem, government is the problem – Reagan.) Bernie Sanders, Elizabeth Warren, Thomas Piketty hay MMT đều là những cành cây to mọc lên từ góc rễ Mác nhằm biến đổi cấu trúc tư bản.

Một khuynh hướng khác với Dân Chủ Xã Hội Tây Phương là mô hình phát triễn theo kiểu Trung Quốc vốn nêu cao tính chính danh (legitimacy) của nhà nước không nhất thiết nơi dân bầu (consent) mà dựa trên khả năng điều hành hiệu quả của chính quyền (good governance) đưa đất nước giàu mạnh [3]. Quả thật mô hình Trung Quốc có sức thu hút nếu so sánh với tình hình chính trị hổn loạn ở Mỹ hay Anh (Brexit), giữa bàn tay sắt nhưng hữu hiệu của Bắc Kinh trong đại dịch Vũ Hán, và nhất là bước phát triển nhảy vọt về kinh tế cải thiện đời sống của hơn 1 tỷ người dân Hoa Lục trong suốt 30 năm nay (nhiều độc giả sẽ phản đối nêu lên những thất bại của Bắc Kinh nhưng trong phạm vi bài viết ngắn không thể nào phân tích sâu xa thêm nửa.) Hơn nửa, Trung Quốc là đầu tàu tăng trưởng không những cho các nước đang phát triển mà cả Âu Châu, Úc, v.v…Cho nên ở Tây Phương có quan điểm tương tự thịnh hành rằng bàn tay vô hình (invisible hand hay laissez-faire) của thị trường tự do đã thất bại nên cần thay vào đó bàn tay lông lá của nhà nước điều hành đưa ra sách lược công nghiệp quốc gia tạo phát triễn bền vững (sustainable growth) và đồng bộ (equitable growth) nhằm mang lại công ăn việc làm và phúc lợi xã hội (welfare) đến mọi người dân mà không sinh ra bất công (inequalities) hay phá hủy môi trường.

Quốc gia nào cũng có nhà nước nên vai trò của chính quyền không thể tránh. Nhưng quả lắc khi nghiêng về nhà nước quá xa thì bóp nghẹt thị trường tự do còn khi chuyển sang tư nhân quá mức lại tạo ra bất ổn (khủng hoảng kinh tế) và hố sâu giàu nghèo. Một nghịch lý khác là khi xã hội xáo trộn, kinh tế suy trầm thì một bên là Mác Xít trỗi dậy, bên kia là Phát Xít nổi lên như xảy ra vào các thập niên 1930 hay 2010.

***

[1] Các nước Bắc Âu được xem như mô hình tiêu biểu của Dân Chủ Xã Hội. Người viết không biết về Bắc Âu nên không dám lạm bàn, nhưng có vẽ dân chúng nơi đây sống tự do, bình đẳng và hạnh phúc – đúng là giấc mơ của thế giới còn lại. Câu hỏi là mô hình Bắc Âu có thể áp dụng tại nhiều nước khác hay không, và tại sao? Xin mời độc giả góp ý trả lời.

[2] Lý luận MMT thoạt nghe kỳ quặc nhưng thực tế là chính quyền và Ngân Hàng Trung Ương Hoa Kỳ đang áp dụng MMT khi in tiền ồ ạt để cứu cấp nền kinh tế những tháng gần đây trong đại dịch Vũ Hán. Ngược lại nhiều nước không thể in tiền vì lệ thuộc vào đô-la, Euro, Yen, v.v… nên dễ lâm vào khốn đốn.

 [3] Dù là nước cộng sản nhưng mô hình Trung Quốc lại mang màu sắc Khổng Giáo: dòng dõi vua chúa (đảng Cộng Sản) là tối thượng nhưng ở giữa có tầng lớp quan chức và sĩ phu (đảng viên và chuyên viên) tài giỏi làm gạch nối với quần chúng và lèo lái đất nước…cho đến khi quan lại và đảng viên tha hóa tột cùng thì triều đại bị lật đổ!

2 comments:

  1. các nước bắc âu không thể so sánh với hoa kỳ về mọi mặt.
    hoa kỳ là cường quốc, còn các nước bắc âu chỉ là những quốc gia hạng ruồi mà thôi

    ReplyDelete
  2. Bác viết quá nhiều bài rất hay. Những bài viết của Bác Thường làm cho người đọc phải suy ngẫm về sự Logic của các sự kiện và vấn đề trong cuộc sống.Cảm ơn Bác nhiều.

    ReplyDelete