Thursday, December 24, 2020

Mất cân bằng trong kinh tế toàn cầu: thao túng ngoại tệ (Bài 31)

Thị trường Việt Nam trong những ngày gần đây xôn xao về quyết định của Bộ Thương Mại Hoa Kỳ dán nhãn Việt Nam ép giá đồng bạc (VND). Bài viết này tìm hiểu việc thao túng ngoại tệ ảnh hưởng ra sao đến cả hai bên đối tác thương mại.

Trước hết xin bàn thế nào là mậu dịch công bằng. Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ nhiều hơn nhập khẩu, lẽ thường thì VND phải tăng giá so với USD. VND nếu lên giá sẽ khiến hàng Việt mắc trong khi đồ Mỹ rẻ lại, cho nên Hoa Kỳ sẽ bớt mua quần áo, đồ gỗ từ Việt Nam trong khi Việt Nam mua thêm xăng dầu, máy bay của Mỹ. Nhờ vậy cán cân thương mại sẽ tái quân bình một khi USD và VND có giá trị tương xứng.

Có nhiều cách can thiệp để làm chênh lệch cán cân thương mại như dùng rào cảng thuế quan, ưu tiên hàng trong nước và thao túng ngoại tệ. Việt Nam ép giá VND bằng cách tích trữ USD vào kho ngoại tệ khiến USD trở nên khan hiếm trên thị trường để đẩy giá USD cao hơn so với VND. Nhờ vậy hàng Việt vẫn rẽ hơn so với đồ Mỹ cho dù Việt Nam xuất cảng nhảy vọt sang Hoa Kỳ.

Có những lý do chính đáng để dự trữ kho ngoại tệ lớn rút tỉa từ bài học của khủng hoảng tài chánh châu Á 1998. Tâm lý lạc quan rằng Thái Lan sẽ trở thành một con rồng châu Á khiến giới tư bản nước ngoài đổ tiền ồ ạt bơm lên bong bóng đầu tư. Đến khi bóng xì do vốn đầu tư bị phung phí thì giới tài phiệt lại tranh nhau tháo chạy đổi Bhat ra USD khiến thị trường hoảng loạn và đồng Bhat phá giá. Chính phủ Thái Lan bán ra USD hòng kềm giữ giá trị đồng Bhat nhưng chỉ cầm cự được một thời gian cho đến lúc kho dự trữ ngoại tệ cạn kiệt thì đồng Bhat thủng đáy rồi lạm phát tăng vọt. Thái Lan mất khả năng trả nợ nước ngoài và hết đô-la để nhập cảng những nhu cầu thiết yếu như xăng dầu, máy móc. Kinh tế Thái sụp đổ rồi sau đó khủng hoảng lan ra khắp vùng Đông Á. Từ đó các nước Đông Á đều rút tỉa bài học là lúc nào cũng phải dự trữ USD đủ cho 3 tháng nhằm ngăn ngừa bị đầu cơ tiền tệ. Nhưng nhiều hơn 3 tháng lại có dấu hiệu thao túng ngoại tệ để hổ trở xuất khẩu làm thiệt hại cho Hoa Kỳ.

Dân Mỹ mất việc vì thương mại không bình đẳng. Ước tính cán cân thương mại với Việt Nam chênh lệch 70 tỷ USD năm 2020 sẽ khiến 420 ngàn công nhân thất nghiệp [1] Hiện 10.7 triệu người Hoa Kỳ không có việc làm thì con số nói trên đủ lớn để chính quyền dù Biden hay Trump phải quan tâm. Trong hoàn cảnh kết quả bầu cử tổng thống năm 2020 cho thấy hai bên sai biệt chỉ vài ngàn lá phiếu ở các tiểu bang trọng điểm như Georgia, Wisconsin, Pennsylvania vốn bị tác động bởi ảnh hưởng của toàn cầu hóa thì 420 ngàn lá phiếu có thể làm thay đổi đảng cầm quyền trong tương lai.

Giới tinh hoa ưu tú (elites) trong ngành ngoại giao Hoa Kỳ phản đối cho rằng Mỹ cần Việt Nam ngăn cản Trung Quốc nên quyết định về thao túng ngoại tệ sẽ tạo bất lợi. Nhưng con số 420 ngàn người Mỹ thất nghiệp nói trên muốn nhà nước tạo ra việc làm thay vì bảo vệ an ninh cho Việt Nam! Dùng phong cách giang hồ kiểu Donald Trump thì anh cần tui hơn tui cần anh: anh muốn được bảo vệ thì khi đi ăn chung phải mời thay vì chờ tui trả tiền tức là chơi không đẹp! Nước Mỹ Trên Hết (America First) nên dằn mặt chẳng những Việt Nam mà cả Nam Hàn, Nhật Bản, Âu Châu đừng tiếp tục chơi gác kiểu này. Phía Biden có thể lịch sự nhân nhượng nhiều hơn nhưng cũng phải quan tâm đến ½ dân Mỹ học Donald Trump cách tính toán lời lổ, rằng quyền lợi kinh tế chính là quyền lợi chiến lược.

Từ sau Thế Chiến Thứ Hai Mỹ chịu buôn bán thua thiệt với Âu-Nhật-Hàn nhằm (1) hổ trợ USD trở nên đơn vị tiền quốc tế, và (2) tìm “đàn em” chống Nga Xô. Nhưng lúc đó GDP của Hoa Kỳ là 50% của toàn thế giới, nay GDP chỉ còn trên 20% thì Hoa Kỳ không cam nổi gánh nặng này thêm nửa.

Một cách nhìn từ Việt Nam là nhờ vào lợi thế nhân công rẻ nên xuất cảng những món tiêu dùng như quần áo, bàn ghế mà dân Mỹ muốn mua. Tuy nhiên gia đình Hoa Kỳ nào cũng thừa thải các vật dụng trong nhà nên năm 2021 bớt lại cũng không sao! Ở Mỹ lạm phát thấp do nhập cảng hàng hóa không cần thiết (tivi, điện thoại thông minh, quần áo, v.v…) mua từ Trung Quốc hay Việt Nam còn có thể dùng thêm 1-2 năm nửa. Trong khi đó giá cả của những thứ quan trọng như tiền nhà, y tế, giữ trẻ và đại học lại tăng vọt. Mô hình tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ từ 30 năm nay khuyến khích giới tiêu thụ (consumers) mượn tiền tiêu xài…bậy cho nên đã đến lúc phải thay đổi. 

Nhiều công ty nước ngoài như Samsung khuyếch trương sản xuất sang Việt Nam để vừa dùng nhân công rẻ lại lợi dụng VND bị ép giá bán hàng giá rẻ sang Hoa Kỳ. Sản xuất từ Trung Quốc nhưng dán nhãn Việt Nam, cho nên thao túng ngoại tệ không những chỉ giúp cho Việt Nam mà còn tạo lợi thế cho các đối thủ cạnh tranh với Mỹ. Việt Nam thặng dự mậu dịch với Hoa Kỳ trong khi lại thâm thủng con số tương đương với Trung Quốc, nên nhìn trên đại thể (macro) thì Việt Nam là trạm trung chuyển để Tàu rút ruột Mỹ. Lại chơi xấu!

Một khía cạnh ít được nhắc đến khi nhà nước thao túng ngoại tệ chính là đánh thuế dân nghèo hổ trợ nhà giàu. Nếu VND lên giá thì sức mua của công nhân cũng tăng giúp cải thiện đời sống. Ngược lại VND bị hãm giá cho nên sức mua sụt giảm, tức là nhà nước chèn ép thị trường tiêu thụ để hổ trợ cho khâu xuất khẩu nên gọi đây là financial repression. Cho nên khoảng cách giàu nghèo ở VN nhảy vọt, các đại gia tiến lên hàng cự phú quốc tế trong khi đời sống công nhân chật vật còn công đoàn quốc doanh bênh phe chủ hơn là thợ.

Đồng thời tình trạng thao túng ngoại tệ cũng khiến khoảng cách giàu nghèo tăng vọt ở Mỹ.  Lý do vì USD là đơn vị tiền quốc tế nên các nước khi tích trử USD phải tìm chốn an toàn để gởi. Chẳng ở đâu an toàn hơn gởi tiền vào Hoa Kỳ vì Mỹ in USD trả nợ (!) nên chẳng sợ quịt nợ! Tiền đổ vào Hoa Kỳ không đầu tư sản xuất vì mang hảng xưởng ra nước ngoài có lợi khi đồng USD cao giá. Cho nên tiền USD đổ ngược vào Mỹ lại bơm giá địa ốc và cổ phiếu giúp cho các gia đình sở hữu đất đai và chứng khoáng giàu thêm trong lúc lương bổng và đời sống của công nhân không hề tăng trưởng trong 30 năm nay kể từ ngày toàn cầu hóa – người Mỹ gọi đây là asset inflation (tài sản lạm phát) do thế giới dự trữ tiền ngập lụt tràn vào Hoa Kỳ (savings gluts). Tổng Thống Pháp Charles De Gaulle có lần phàn nàn rằng Hoa Kỳ được hưởng tiện nghi quá đáng (exorbitant privilege) nhờ vào USD là đơn vị tiền quốc tế, nhưng thực tế cho thấy giá USD cao chỉ có lợi cho giới thượng lưu sở hữu tài sản và nhà đất cùng các tập đoàn Hoa Kỳ đầu tư ra nước ngoài trong khi hàng triệu công nhân với việc làm bấp bênh hay thất nghiệp dẫn đến tình trạng khủng hoảng chính trị và xã hội ngày hôm nay. Nói cách khác, USD là đơn vị tiền quốc tế lại trở thành gánh nặng bất công quá đáng (exorbitant burden) cho người lao động thợ thuyền ở Mỹ.

Nếu chênh lệch thương mại và thao túng ngoại tệ thiệt hại đến cả hai giới công nhân Việt lẫn Mỹ thì tại sao Hoa Kỳ sinh biến động trong khi Việt Nam vẫn ổn định đủ để thu hút tư bản ngoại quốc bỏ vốn đầu tư? Lý do thứ nhất vì nhà nước Việt Nam đàn áp gắt gao công đoàn độc lập và những phong trào công nhân tranh đấu đòi cải thiện lương bổng và phúc lợi. Thứ nhì đời sống công nhân Việt cho dù ngày càng thua kém các đại gia nhưng vẫn tiến lên bước rất dài trong vòng 30 năm kể từ ngày hội nhập trong khi giới thợ thuyền ở Mỹ bị mất việc hay mức sống không hề tăng trưởng cũng trong suốt 30 năm đó.  Cả hai nước đều gánh chịu hệ lụy của việc thao túng tài chánh nhưng Việt Nam hổ trợ khâu sản xuất tạo ra công ăn việc làm trong khi Hoa Kỳ tăng chi vào phúc lợi xã hội cho người thất nghiệp. Giá trị và sự tự trọng của mỗi người đến từ công ăn việc làm còn nhàn cư vi bất thiện, cho nên nhìn theo cách đó thì trong 30 năm nay nhà nước Việt Nam (và Trung Quốc) quản lý đất nước tốt hơn Mỹ!

Khi Nhật Bản thao túng ngoại tệ bị Hoa Kỳ áp lực vào cuối thập niên 80 khiến đồng Yen tăng vọt gần 100% làm kinh tế suy sụp trong suốt 30 năm sau đó! Bắc Kinh rút tỉa kinh nghiệm nên tăng giá đồng Nhân Dân Tệ lên chậm khoảng 20%. IMF ước tính VND thấp giá 15% [1] nếu tăng lên ở khoảng này không phải là quá đáng.

***

[1] Vietnam is copying China’s aggressive currency playbook. The Detroit News

No comments:

Post a Comment