Thủ Tướng Đức bà Angela Merkel trong Hội Nghị Davos dội gáo nước lạnh vào chính quyền Biden rằng Âu Châu sẽ không theo phe Mỹ chống Trung Quốc[1]
Trước đó hôm 30/12/2020 (ba tuần trước ngày Biden nhậm chức) EU và Trung Quốc ký thoả ước đầu tư[2] cho dù Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Jake Sullivan đã nhắn trên Twitter rằng chính quyền Biden muốn tham khảo với Âu Châu trong mục đích nhằm ngăn chận hay chậm lại hiệp ước này. Đây có thể xem là thất bại đầu tiên của Biden khi mà chính sách ngoại giao đặt trên nền tảng liên minh với các nước dân chủ và phát triễn để tạo áp lực chung đối với Trung Quốc.
Hiệp ước mậu dịch Trung-Âu tuy đã thương thuyết từ 7 năm nay nhưng vào tháng 11/2020 lại được chính Tập Cận Bình và bà Merkel hối thúc từ sau cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ. Về phần họ Tập muốn ngăn chận một khối Tây Phương đoàn kết chống Bắc Kinh, trong khi bà Merkel đặt Biden trước sự đã rồi để khỏi bị lôi kéo vào chiến tranh mậu dịch Mỹ-Trung. Kinh tế Âu Châu suy sụp do đại dịch Vũ Hán nên cần đầu tư và mua bán với Trung Quốc khiến bà Merkel tính toán đây là cơ hội duy nhất còn lại để kỳ kèo với họ Tập trước ngày Biden nhậm chức.
Nói cách khác vào trường đua ngựa không ai bắt cá con hạng nhì nên bà Merkel nhanh tay đặt cược vào phe đang thắng thế, nhất là khi có tin GDP của Trung Quốc dự trù sẽ qua mặt Mỹ năm 2028 – hay sớm hơn nửa vào 2026.[3] Ngay cả trường hợp bà Merkel dù muốn cứng rắn với Trung Quốc thì dân chúng Âu Châu và các nước Ý hay Hy Lạp cũng sẽ phản đối do cần tiền Tàu.
Ngược lại Bắc Kinh không có nhượng bộ nào đáng kể. Hiệp ước Trung-Âu cấm không được xử dụng lao động cưởng bức thì ngày hôm sau Bộ Ngoại Giao Trung Quốc tuyên bố nước Tàu không có tình trạng cưởng bức người Duy Môn Nhĩ. Một tuần lể sau đó Hồng Kông bắt giam hơn 50 nhà tranh đấu cho nhân quyền. Vậy mà bà Merkel cũng trong chính hội nghị Davos tuần rồi cho biết rất hài lòng (“so satisfied”) với hiệp ước mậu dịch Trung-Âu.
Biden muốn Hoa Kỳ lãnh đạo thế giới thì ngược lại Mỹ đã bị bỏ rơi do vắng bóng trong các hiệp ước CPTPP, RCEP và nay là thỏa ước đầu tư Trung-Âu. Giới tinh hoa của Âu Châu nay tự cho rằng EU đi trước Hoa Kỳ trong những vấn đề lớn như Biến Đổi Khí Hậu và các quy định về mạng xã hội, trong khi nền Dân Chủ Xã Hội của châu Âu tiến bộ hơn mô hình Tư Bản của Mỹ; hơn thế, dân chủ của Hoa Kỳ nay bị chê bai hơn là ngưỡng mộ.
Dù vậy các nhân vật chủ chốt trong chính quyền Biden gồm Ngoại Trưởng Antony Blinken, Bộ Trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin và Cố Vấn An Ninh Jake Sullivan nhiều kinh nghiệm về Âu Châu và Trung Đông nên được giới ngoại giao Tây Phương hớn hở gọi là cánh thân-Âu (Europhile) vào lúc Đông Nam Á xầm xì Biden kém chú trọng vào khu vực. Nhân vật phụ trách vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương là Kurt Campell vốn hiểu biết nhiều về Á Châu sẽ đứng hàng nhì trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia.
Nhiều người đánh giá dù Biden hay Trump thì Hoa Kỳ nay hết mơ ngủ nên chính sách đối với Trung Quốc sẽ cứng rắn như nhau. Điều này đúng với thành phần tinh hoa nước Mỹ, nhưng trong quần chúng chỉ có hơn 30% số người bỏ phiếu cho Biden quan tâm về Trung Quốc trong khi phía Trump gần 70% đặt ưu tiên cho vấn đề này. Lý do vì số cử tri ủng hộ Biden thuộc thành phần trẻ nên chú trọng đến Biến Đổi Khí Hậu và Bình Đẳng Xã Hội thay vì một cuộc chiến tranh lạnh thứ nhì.
Chính Biden vừa tặng quà trước Tết cho họ Tập khi ký sắc lệnh hành chánh cấm các cơ quan nhà nước không được gọi tên China Virus (dịch Tàu) hay Wuhan Virus (dịch Vũ Hán) mà phải dùng từ vô tư COVID-19.[4]
No comments:
Post a Comment