Nhắc lại chương 1&2:
- Adam Smith: bàn tay vô hình điều hợp thị trường nơi đó tư nhân tự do tạo ra của cải và trao đổi hàng hóa; nhà nước chỉ giữ vai trò giới hạn nhằm bảo đảm an ninh và trật tự.
- John M. Keynes: bàn tay hữu hình của nhà nước phải tích cực can thiệp và bù đắp các sai sót của thị trường (market failures).
Dù Smith hay Keynes thì nhà nước vẫn giữ vai trò hổ trợ dù nhiều hay ít nhưng chỉ có tư nhân mới tạo ra của cải và sự thịnh vượng. Do Keynes chú trọng đến sự can thiệp tích cực của nhà nước nên phe tán đồng cho rằng ông cứu vớt Tư Bản vì ngăn ngừa không cho những xáo trộn của thị trường dẫn đến khủng hoảng kinh tế rồi sau đó là bạo loạn, cách mạng để cuối cùng đi đến Cộng Sản hay Phát Xít. Phe chống đối cảnh giác mô hình Dân Chủ Xã Hội kiểu Keynes rồi sẽ trở thành xã hội chủ nghĩa, bởi vì bàn tay thô bạo của nhà nước mỗi ngày sẽ tăng thuế má và quyền lực để rồi bóp chết thị trường tự do, cho nên họ lên án chính sách kinh tế của Biden đang đi trên con đường thứ 2 này. Ngược lại những người ủng hộ giải thích Biden mở rộng vai trò của nhà nước chính vì những bất cập của thị trường.
Trong Tư Bản Mỹ thì tư nhân tạo ra giá trị (value) nhờ mang lại tiện ích (utility) khi sản xuất hàng tiêu dùng. Giá cả (price) lại là thước đo giá trị: hàng đắt vì giá trị cao nên nhiều người muốn mua; một người được trả lương lớn vì thỏa mãn nhu cầu tiện ích của xã hội. Quan điểm này tuy hợp lý về kinh tế nhưng lại sinh chuyện lấn cấn về đạo đức bởi vì giá trị của một người thành ra họ làm tiền nhiều hay ít (người Mỹ gọi là make money dịch sát tiếng Việt là làm tiền nên đúng cả nghĩa đen lẫn bóng.)
Nói rộng ra thì giá trị (hay tính chính đáng - legitimacy) của nhiều nhà nước như Trung Quốc và Việt Nam ngày nay đặt nơi GDP tăng trưởng nhanh hay chậm, tức là nhà nước có thành công đẩy quốc gia làm ra tiền nhiều hay ít thay vì chú trọng đến hạnh phúc, bình đẳng và an sinh xã hội (môi trường, giáo dục, y tế, v.v…)
Bên cạnh đó giá cả không phải lúc nào cũng phản ảnh giá trị thực tế bởi vì thị trường có thể bơm lên bong bóng. Những ngành nghề chuyên môn “làm tiền” như thị trường tài chánh ở Mỹ ngày nay chiếm đến gần 8% GDP mà không hề sản xuất ra một vật dụng tiêu dùng nào. Các công ty tài chánh phân bua họ mang đến tiện ích nhờ cung cấp vốn cho doanh nghiệp và cơ hội đầu tư cho dân chúng (điều này đúng) nên khi giá địa ốc và chứng khoáng bay bổng thì họ thu vào lợi nhuận khổng lồ. Nhưng ngược lại lúc các ngân hàng đầu tư cẩu thả như trong lần Đại Suy Thoái năm 2007 lại không gánh chịu trách nhiệm đã hũy hoại giá cả trên thị trường (value destruction) khiến hàng chục triệu dân chúng mất nhà mất việc và suýt làm sụp đổ nền kinh tế. Cho nên “làm tiền” không hẳn đã tạo ra giá trị.
Tài sản của 26 người giàu nhất thế giới hiện ngang bằng 50% phần còn lại của nhân loại [1]. Riêng ở Mỹ vào năm 2017 của cải của 3 nhà giàu nhất nước nhiều hơn 50% dân chúng còn lại [2]. Những tỷ phú như Jeff Bezos hay Mark Zuckerberg quả tình mang đến tiện ích cho hàng tỷ con người qua các dịch vụ trên Amazon và Facebook, nhưng khó lòng giải thích tài sản hàng trăm tỷ của họ 100% là đến từ giá trị tiện ích mà không phải nhờ các công ty này bẻ cong luật pháp và bóp méo thị trường nhằm tránh thuế và giết chết cạnh tranh.
Ở Mỹ hay nhiều nước khác ngày nay tuy không bóc lột lao động (mất việc hay không chịu đi làm thì lãnh trợ cấp nhà nước) nhưng vô cùng chênh lệch: nhiều gia đình làm việc quần quật nhưng vẫn sống chật vật với đồng lương thấp trong khi một số khác hưởng lợi to nhờ giá nhà và chứng khoán tăng vọt. Một khi quần chúng phẩn nộ cho là bất công thì mô hình kinh tế phải thay đổi, bởi vì mô hình kinh tế phải phục vụ con người chớ xã hội không thể bị bẻ cong vì lý thuyết kinh tế (trừ độc tài cộng sản!)
Cho dù thị trường tự do có những khuyết điểm như trên nhưng nhiều người e sợ bàn tay thô bạo của nhà nước một khi can thiệp để lấp bớt hố sâu giàu nghèo sẽ khiến mọi người cùng nghèo như nhau (equality = equally poor.) Tuy nhiên bài học của Nam Hàn, Đài Loan, Trung Quốc cho thấy có những trường hợp bàn tay hữu hình của nhà nước đưa quốc gia trở nên cường thịnh trong thời gian kỷ lục. Một thực tế khác nữa là các công ty Âu-Mỹ-Nhật đều không thể cạnh tranh với nhà nước Cộng Sản trong thị trường ở Trung Quốc, tức khu vực tư nhân cần đến sự hổ trợ tích cực của chính quyền trong thương mại quốc tế.
Cuối cùng, có những vấn nạn của thời đại như đại dịch Vũ Hán và biến đổi khí hậu đòi hỏi quy mô ở tầm vóc quốc gia hay quốc tế mà khu vực tư nhân không thể nào đảm trách nổi, cho nên cần đến bàn tay của nhà nước huy động nhân vật lực của cả một nước hay phối hợp toàn cầu để đối phó.
***
Những khuyết điểm nói trên của thị trường tự do ngấm ngầm làm sôi sục lên hai làn sóng phản đối, một bên cánh hữu dân túy (Brexit, Trump) và bên kia cánh tả xã hội (Bernie Sanders, Elizabeth Warren). Chính sách kinh tế của Biden thể hiện sự đắc thắng của cánh tả, ít nhất là cho đến kỳ tái đấu bầu Quốc Hội năm 2022.
Trong suốt 40 năm từ thời Reagan (1981) cho đến Trump (2020) các tổng thống Mỹ đều tránh né để không bị gọi là Big Government, tức là bóng đen của một nhà nước to lớn che phủ lên toàn bộ nền kinh tế. Ngay khi nhà nước can thiệp mạnh bạo trong lần Đại Suy Trầm (Obama, 2007-09) hay Đại Dịch Vũ Hán (Trump, 2020) thì các chính quyền cũng chỉ giải thích do nhu cầu hổ trợ nền kinh tế. Tranh cãi giữa hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ là nơi nhà nước “lấn” nhiều hay ít vào thị trường tự do.
Đến Biden thì nhà nước không chỉ can thiệp thụ động (government intervention) mà phải tích cực chủ động (government activism) nền kinh tế vì 3 lý do:
- Chính sách kinh tế của nhà nước phải chủ động mang lại công bằng xã hội (equality) và bình đẳng màu da, giới tính, v.v…(racial, gender equity) tức là những điều mà thị trường tự do không giải quyết[3].
- Chính sách kinh tế của nhà nước phải chủ động đối phó với Đại Dịch Vũ Hán và biến đổi khí hậu vốn là những vấn đề lớn của thời đại mà khu vực tư nhân không đủ sức cán đáng.
- Chính sách kinh tế của nhà nước phải chủ động tạo ra tiện ích và giá trị kinh tế.
Điểm thứ 3 là một thay đổi cực kỳ sâu rộng trong lý luận vì đi xa hơn cả John M. Keynes, tức không chỉ tư nhân mà nhà nước cũng tạo ra giá trị kinh tế. Hai thí dụ thường được nêu lên là nhà nước đã đầu tư khai sinh công nghệ bán dẫn (semiconductor) và Internet mà sau này các công ty tư nhân như Intel, Apple, Google,…khai thác làm thay đổi bộ mặt nhân loại. Cho nên theo kinh tế gia Mariana Mazzucato và các chính trị gia cánh tả như Bernie Sanders, Elizabeth Warren và Biden thì nhà nước không thể chỉ “rụt rè” hổ trợ mà phải “táo bạo” (cánh tả dùng chữ tiếng Anh là “bold”) đầu tư và điều khiển khu vực tư nhân vào những công trình làm biến đổi thế giới như năng lượng xanh (green energy), trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence) và vi sinh học (biotechnology.)[4]
Kinh tế của các nước công nghiệp gồm Âu-Mỹ-Nhật đang ở trong tình trạng đình trệ lâu dài (secular stagnation – Larry Summers) từ đầu năm 2000 cho đến nay, tức là tư nhân không đầu tư vào sản xuất để tạo công ăn việc làm trong nước mà di dời hảng xưởng sang Đông Á nhằm khai thác nguồn nhân công rẻ và các quy định kiểm soát lỏng lẽo. Thu nhập của giới công nhân và thành phần trung lưu vừa và thấp không hề tăng trong suốt 30 năm kể từ ngày toàn cầu hóa. Như vậy thị trường tự do và tự do mậu dịch đã không đáp ứng đủ nhu cầu của xã hội cho nên nhà nước phải chủ động đầu tư ào ạt vào giáo dục, hạ tầng và các công nghệ tiên tiến nhằm tạo công ăn việc làm và thúc đẩy nền kinh tế cạnh tranh với đà vươn lên của Trung Quốc. Nói cách khác, chính sách công nghiệp quốc gia (national industrial policy) và tư bản dân tộc là những quan điểm cấm kỵ trong suốt 40 năm từ thời Ronald Regan (1981) nay bắt đầu xuất hiện trở lại.
Nhà nước chủ động can thiệp nên phải…xài lớn (và xài bậy!) Chưa đầy 3 tháng từ khi nhậm chức mà Biden đã xài 1900 tỷ USD kích cầu (stimulus spending) rồi nay đề nghị thêm 2000 tỷ USD đầu tư hạ tầng (infrastructure spending). Đây là chưa kể đến những chương trình vô cùng tốn kém tiếp theo như hũy bỏ một phần nợ cho sinh viên (student loan cancellation), giữ trẻ miễn phí, y tế cho mọi người (medicare for all), giáo dục cho mọi người (education for all) và lương căn bản cho mọi người (UBI, hay Universal Basic Income.) For all dịch sang tiếng Việt là của toàn dân, tức là dân chúng đừng có no để nhà nước no. Câu hỏi ở đây là tiền đâu mà xài dữ vậy trong khi mà nước Mỹ đang mắc nợ như chúa chởm?
Câu trả lời thứ nhất là thế giới đang ngập lụt tiền tiết kiệm (savings glut – Ben Bernanke) do 4 nguyên nhân:
(1) hố sâu giàu nghèo – tiền của tích tụ vào nhà giàu xài không hết nên còn dư để dành;
(2) chênh lệch mậu
dịch – các nước như Trung Quốc hay Việt
(3) trong những năm giá dầu nhảy vọt thì khối các nước sản xuất dầu như Nga, Saudi và Na Uy thu về các khoảng lợi nhuận khổng lồ (nhưng khối tiền này đang vơi dần trong những năm gần đây);
(4) dân chúng Âu-Mỹ-Nhật để dành tiền trong các quỹ hồi hưu.
Vì tiền tiết kiệm ngập lụt nên nước Mỹ có thể tha hồ vay mượn với lãi xuất (negative interest rate, sau khi trừ lạm phát) dại gì không mượn để đầu tư hay tiêu xài…cho sướng!
Một hệ lụy là Mỹ nợ 100% hay 150% GDP không còn quan trọng miễn là giữ tiền trả nợ hàng năm dưới 2% GDP. Vì nếu tăng trưởng hay lạm phát cũng khoảng 2% thì nợ sẽ dần dần bốc hơi biến mất (Larry Summers và Jason Furman, tức hai tay đại phù thủy kinh tế gia “hô biến” thì nợ biến mất!)
Điểm cuối cùng nhưng quan trọng là
thuyết Tân Tiền Tệ (Modern Monetary Theory hay MMT – Stephanie Kelton) lý luận
rằng Mỹ mượn nợ bằng USD nên không bao giờ quịt nợ vì có thể in USD trả nợ! Mỹ
chỉ không mượn được nợ ngày nào thế giới “chê” đô-la vì USD mất giá (như trước đây
dân Việt “chê” tiền Bác Hồ mất giá quá nhanh nên chuộng vàng và USD.) Mỹ mượn nợ
ào ạt từ 6% GDP năm 2000 nay tăng vọt lên 109% GDP năm 2020 vậy mà lãi xuất thực
rơi từ 4.1% xuống chỉ còn -0.1%[5]
tức là ngày càng thêm nhiều người muốn cho Mỹ mượn tiền. Vì thế giá USD không
giảm so với Euro, Yen, Nhân Dân Tệ (NDT) hay ngay cả Đồng Việt Nam (VND). Thí dụ
cho dễ hiểu, Việt Nam hiện có khoảng 80 tỷ USD trong quỹ cọng với thu vào hàng
năm trên 60 tỷ USD từ chênh lệch mậu dịch, vậy mà Việt Nam tuy dư thừa USD nhưng
vẫn không “chê” USD, trái lại chỉ sợ Mỹ không chịu in tiền hay mượn tiền để mua
hàng Việt Nam. Việt
Nước Pháp có lần tức giận gọi Mỹ được hưởng tiện nghi quá đáng (exorbitant privilege) nhờ vai trò đồng đô-la. Ngược lại nhiều chuyên viên kinh tế cho rằng Mỹ mang gánh nặng quá đáng (exorbitant burden) cũng vì USD – nhưng đây là câu chuyện sẽ bàn về sau. Còn nay trở lại với thuyết MMT thì Mỹ cứ tiếp tục in tiền hay vay tiền cho đến khi lạm phát tức là USD bắt đầu mất giá!
TÓM TẮT THỜI BIDEN
1. Nhà nước phải táo bạo (bold) chủ động thúc đẩy nền kinh tế thoát khỏi tình trạng đình trệ lâu dài (secular stagnation) để mang lại công bằng xã hội (equality), để đầu tư vào công nghiệp xanh, trí tuệ nhân tạo hay vi sinh học nhằm đưa nền kinh tế Mỹ tiếp tục dẫn đầu so với đà trổi dậy của Trung Quốc.
2. Nhà nước phải xài tiền cho bạo chừng nào mà Mỹ còn có thể mượn tiền gần không giới hạn do tình trạng ngập lụt tiết kiệm (savings glut), và bởi Mỹ in USD trả nợ nên không bao giờ quịt nợ (MMT).
[1] Word’s 26 richest people own as much as poorest 50%. The Guardian 01/20/2019
[2] The 3 richest Americans hold more wealth than botto 50% of the countrỵ Forbes 11/09/2017
[3] Chính sách kinh tế nặng về xã hội của Biden được cánh tả xem là bước thứ 3 tiếp nối The New Deal của Franklin D. Roosevelt (thập niên 1930) và The Great Society của Lyndon B. Johnson (thập niên 1960.) Khuynh hướng này suy yếu từ thời Ronald Reagan (1981) cho đến nay mới bộc phát trở lại. Các chương sau sẽ trình bày rõ ràng hơn về tiến trình kinh tế nước Mỹ.
[4] Cái khó là chưa có cách để đo lường các “giá trị” của nhà nước tạo ra. Tư nhân đầu tư thua lỗ sẽ bị phá sản. Trái lại nhà nước thua lổ bị phá sản thì dân chúng…chết trước chớ đợi gì tới bầu cử thay đổi lãnh đạo.
[5] A Reconsideration of Fiscal Policy in the Era of Low Interest Rate. Jason Furman and Larry Summers
No comments:
Post a Comment