Sunday, May 2, 2021

Kinh Tế Dễ Hiểu: Giàu nghèo và Cơ hội (chương 6)

Mỹ là nước tư bản, ai cũng muốn giàu hơn người khác nên không đòi hỏi giàu nghèo giống nhau. Tuy nhiên dân Mỹ muốn có sân chơi bình đẳng (fairness) nơi đó mỗi người có được cơ hội đồng đều (equal opportunities) để tiến thân, còn kết quả thành công hay thất bại là do tài năng, ý chí và sức làm việc của mỗi người thay vì dựa vào thế lực, quan hệ hay giai cấp.

Nước Mỹ không thiếu trường hợp của những tỷ phú như Elon Musk, Jeff Bezos hay Bill Gates tự làm nên sự nghiệp từ hai bàn tay sinh viên. Cộng đồng gốc Việt là một thí dụ thành công khác khi đến Hoa Kỳ chưa đầy 50 năm nhưng đã đóng góp nhiều nhân tài và cho sự thịnh vượng của đất nước này. Mỹ là vùng đất của cơ hội, nhưng tại sao ngày nay xã hội bị rạn nứt với những lời tố cáo rằng cơ hội không đến đồng đều khiến nhiều người Mỹ - dù trắng, đen hay da màu – đã bị bỏ rơi? 

Nhà giàu tất nhiên có nhiều cơ hội thăng tiến hơn người nghèo! Đối với cánh tự do (libertarian) và phe bảo thủ (conservative) thì ở Mỹ có tự do và cơ hội nhưng còn tùy thuộc vào mỗi cá nhân biết nắm lại cơ hội để khắc phục nghịch cảnh (against all odds) mà vươn lên thay vì ỷ lại vào sự bảo bọc của nhà nước.

Đối với phe cấp tiến (progressive) thì xã hội quá sức chênh lệch, sân chơi bị dàn dựng (the system is rigged) cho nên nhà nước phải tích cực can thiệp để mang lại sự công bằng, bằng không cơ hội chỉ đến với thành phần ưu đãi (privilege) mà bỏ rơi giới bị thiệt thòi (underprivilege.) Tình trạng này nếu kéo dài không giải quyết sẽ sinh thành giai cấp, trong khi giai cấp lại chính là kẻ thù của nền dân chủ và thị trường tự do. Bàn tay hữu hình của nhà nước phải tái phân phối của cải xã hội một cách công bằng (equitable distribution of wealth) – nói trắng ra là tăng thuế, tăng chi nhằm tạo điều kiện cho người nghèo có cơ hội vươn lên. Cách nhìn này giống như kiểu Robin Hood trời Tây (hay thảo khấu Lương Sơn Bạc trời Đông) cướp của nhà giàu phân phát cho người nghèo.

Ngược lại cánh tự do và phe bảo thủ cho rằng phải hạn chế bàn tay thô bạo của nhà nước bởi vì chính quyền hô hào bình đẳng để rồi tước đoạt tài sản và tự do cá nhân, kết quả khiến mọi người cùng nghèo như nhau (equality = equally poor): nhà nghèo sinh ỷ lại lười biếng; nhà giàu chẳng muốn làm việc để rồi bị đánh thuế nuôi nhà nghèo.

Cuộc tranh luận này 100 năm nửa cũng sẽ không giải quyết được, nên tạm thời trở về quá khứ để thấy vai trò ngày càng to lớn của nhà nước theo dòng lịch sử.

***

Từ thời lập quốc cho đến đầu thế kỷ thứ 20 chính quyền có vai trò rất hạn chế trong nền Tư Bản Mỹ. Nhưng cuộc Đại Khủng Hoảng Kinh Tế 1929 đã khiến hàng chục triệu dân chúng thất nghiệp nên chính quyền của Tổng Thống Dân Chủ Franklin D. Roosevelt can thiệp ào ạt bằng cách ban hành luật bảo hiểm thất nghiệp (unemployment insurance) và lương hưu trí (social security act) như mạng lưới an sinh (safety net) cứu vớt khi sa cơ hoạn nạn.

Sang thập niên 1960 Hoa Kỳ bị phân hoá vì chiến tranh Việt Nam và phong trào dân quyền (Civil Rights) đòi bình đẳng cho phụ nữ và người da đen. Vai trò của nhà nước tăng vọt khi Tổng Thống Dân Chủ Lyndon B. Johnson ban hành chính sách Chống Nghèo (War on Poverty) nhằm tạo cơ hội đồng đều (Opportunity Act 1964) đến mọi người dân, chủ yếu qua các chương trình trợ cấp y tế (Medicare and Medicaid Act 1964), trợ cấp nhà ở (Housing Act 1968), trợ cấp thực phẩm (Food Stamp Act 1964) và tiền trợ cấp các gia đình nghèo có con nhỏ (AFDC hay Aids to Familes with Dependent Children 1964, tức lãnh tiền welfare.)

Mạng lưới an sinh (safety net) dưới thời Roosevelt nhằm giúp cho những người bị sa cơ thất thế sang đến Johnson trở thành nhà nước bao cấp (welfare state.) Chính sách của Roosevelt nhằm nhằm phục hồi kinh tế (economic policies) còn Johnson để thực hiện lý tưởng của phe cấp tiến (progressive ideology) đòi công bằng xã hội[1]

Tổng Thống Dân Chủ Biden được xem là nhân vật tiếp nối thứ 3 sau Roosevelt và Johnson. Nhưng thay vì tăng trợ cấp xã hội (welfare - vốn bị chống đối là phung phí, lạm dụng và tạo ra ỷ lại) nay đổi tên gọi thành đầu tư hạ tầng (infrastructure spending), vì hạ tầng không chỉ giới hạn vào đường xá, điện nước, Internet, v.v… mà nay gồm cả đầu tư trồng người (human capital) như tiền giữ trẻ và chăm sóc ông bà già để giúp đỡ các gia đình với lợi tức thấp có cơ hội tìm việc làm.

Kế hoạch đầu tư hạ tầng của Biden bị lên án là một loại quái vật Frankeinsten vá víu giữa đầu tư (investment) và tiêu xài (spending). Chi phí 2000 tỷ USD đầu tư không đủ để Hoa Kỳ dẫn đầu trong các đại dự án kỷ thuật trong thế kỷ thứ 21 như năng lượng xanh, trí tuệ nhân tạo, vi sinh học, kỷ nghệ bán dẫn, v.v… bởi vì bị chia đều linh tinh vào các chương trình xã hội kém hiệu quả. Đầu tư hay trợ cấp nên phân biệt rỏ ràng để dân chúng quyết định thay vì mập mờ gian lận con đen.

Dù vậy ngân sách 2000 tỷ USD vẫn có nhiều triển vọng được Quốc Hội Dân Chủ thông qua để kết cục rồi dân Mỹ vừa gánh thêm một núi nợ lại ngày càng thụt lùi so với Trung Quốc.      

***

Tạm ngừng phê bình Biden ở đây để nhìn lại kết quả của chính sách nhà nước can thiệp. Cho đến 2014 tức là 50 năm sau Lydon B. Johnson tuyên bố Chống Nghèo (War On Poverty) Hoa Kỳ đã chi tiêu tổng cọng 2200 tỷ USD cho các chương trình trợ cấp xã hội[2]. Có những điểm son như sự thành công của cộng đồng người Mỹ gốc Việt và những thất bại như cộng đồng người da đen.

Rất nhiều gia đình Việt khi mới đến Mỹ lãnh welfare, food stamp, Medicaid, housing, con cái lại được học bổng toàn phần đổ đạc kỷ sư, bác sĩ nên chỉ sau 5-7 đã thoát ra khỏi nghèo khó tiến lên tầng lớp chuyên viên trung lưu; lại chịu khó làm ăn, mua nhà và đầu tư nên sau 15-20 năm đã có tài sản và thu nhập ở mức 10% cao nhất nước Mỹ.

Các cộng đồng thành công gồm gốc Ấn, Hoa, Việt, Đông Âu, Trung Đông… Cho dù Hiệp Chủng Quốc thu nhận đủ loại di dân hổn tạp khiến welfare bị lạm dụng và gian lận rất nhiều nhưng kết quả thành công vẻ vang góp phần làm giàu cho nước Mỹ.

(Nhiều người Mỹ bản xứ không ngữa tay nhận trợ cấp vì gọi đây là của tế bần hay tiền bố thí (handouts) trong khi các nhóm di dân mới đến không chê mà còn xin hưởng bổng lộc hay quyền lợi xã hội (entitlements).)

Ngược lại hai cộng đồng da đen nằm sâu trong các đô thị (inner cities) và giới thợ thuyền Mỹ trắng ở vòng đai han rỉ (rust belt) tuy có cùng những cơ hội nhưng không thoát ra khỏi vòng vây giam hảm của nghèo khó, tội phạm và nghiện nghập (opiod.) Trong khi người gốc Hoa-Ấn-Việt…trở thành giới trí thức ưu tú với đồng lương cao thì lợi tức của những giới lao động và các gia đình trung lưu người bản xứ không tăng trưởng trong suốt 40 năm kể từ ngày toàn cầu hóa.  Cộng thêm vào đó là 10-15 triệu người gốc Nam Mỹ hiện đang sống bất hợp pháp cùng với hàng triệu di dân khác (cũng từ Nam Mỹ) sẳng sàng vượt qua biên giới bằng đường bộ vào Hoa Kỳ.

Bức tranh xã hội vô cùng phức tạp – câu hỏi nơi đây chỉ giới hạn vào kinh tế tức là bàn tay hữu hình của nhà nước liệu có sẽ mang lại một sân chơi bình đẳng hay chỉ bóp nghẹt thị trường tự do? Hai câu trả lời dĩ nhiên là trái ngược giữa cánh cấp tiến và phe bảo thủ hay tự do, còn trong thực tế nhà nước sẽ tiêu xài khoảng 4000-5000 tỷ USD (kích cầu và đầu tư hạ tầng) chỉ riêng vào năm 2021!

TÓM TẮT: Vai trò của nhà nước bành trướng từ:

  • 1930: Chính sách kinh tế của Roosevelt gồm mạng lưới xã hội (safety net) bảo hiểm thất nghiệp và lương hưu trí;
  • 1960: Chính sách chống nghèo (War On Poverty) của Johnson: nhà nước bao cấp (welfare stare) trợ cấp nhà ở, y tế, giáo dục cho người nghèo nhằm tạo cơ hội đồng đều (equal opportunity);
  • 2020: Chính sách đầu tư hạ tầng (Infrastructure Investment) của Biden gồm cả đầu tư trồng người (human capital) như giữ trẻ và chăm sóc ông bà già nhằm giúp đỡ cho các gia đình với lợi tức có cơ hội tìm việc làm.


[1] Điểm đáng nói là Lyndon B. Johnson, cũng giống như Joe Biden, đều không cực đoan (ideologists) nhưng chính là 2 chính trị gia chuyên nghiệp 100%. Có thể nhờ vậy nên Johnson khôn ngoan “bốc gió” theo trào lưu Civil Rights còn Biden theo Black Life Matters để mua phiếu.

[2] The War on Poverty After 50 Years. The Heritage Foundation 09/15/2014.

No comments:

Post a Comment