Monday, May 24, 2021

Kinh Tế Dễ Hiểu: Tiền Đô La Mỹ (Chương 8)

Bàn về tiền không thể không nhắc đến USD. Nhiều nước ghanh tức Hoa Kỳ được hưởng tiện nghi quá đáng (exorbitant privilege) nhờ vào vai trò của USD trong khi dân Mỹ tức tối họ phải mang gánh nặng quá đáng (exorbitant burden) cũng vì USD. Chính quyền Hoa Kỳ xử dụng USD như một loại vũ khí lợi hại trên bàn cờ địa chính trị quốc tế cho nên trong cuộc tranh hùng Mỹ-Trung việc phá vỡ trận đồ USD dù ít được nhắc đến nhưng quan trọng không kém so với các lãnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao, kỷ thuật và quân sự.

Năm 1944 tức gần cuối Thế Chiến Thứ Hai 44 quốc gia tham dự hội nghị Bretton Woods ở Mỹ để tìm một đơn vị tiền tệ quốc tế nhằm giúp cho mậu dịch toàn cầu được suông sẻ, với hy vọng chiến tranh sẽ không xảy ra một khi thương mại được thắc chặc. Lấy thí dụ trước hội nghị nước Anh khi mua bán với Pháp phải đổi tiền Franc, mua bán với Mỹ phải dùng USD hay Yen với Nhật, cho nên thủ tục phiền toái và tốn kém. Kết thúc hội nghị Bretton Woods chọn USD làm đơn vị tiền quốc tế: giá trị USD cột vào vàng, rồi tiền Anh, Pháp, Nhật, v.v… đều neo theo USD. Như vậy hàng hóa mua bán giữa các nước dùng chung một đơn vị đo lường và hoán đổi là USD. Việc này giúp thương mại toàn cầu thuận tiện hơn là đổi tiền riêng lẻ giữa từng cặp hai quốc gia với nhau[1].

Sang đến thập niên 1960 nước Mỹ thiếu tiền vì chi tiêu quá mức vào chiến tranh Việt Nam và trong cuộc Chiến Chống Nghèo Đói (War On Poverty) của Tổng Thống Lyndon B. Johnson. Các nước lo Mỹ in thêm tiền khiến USD mất giá nên đòi đổi USD lấy vàng. Mỹ sợ hết vàng cho đến năm 1971 Tổng Thống Richard M. Nixon đơn phương tuyên bố Mỹ “tạm thời” không đổi USD ra vàng, thay vào đó thả nổi giá trị USD so với đồng Yen, Mark, Franc, v.v..do thị trường quyết định (“tạm thời” kiểu Mỹ nên 50 năm sau vẫn còn nổi lình bình!)

Năm 1979 Saudi Arabia đạt thỏa thuận với Hoa Kỳ để bán dầu nhận USD (gọi là Petrodollar.) Giá dầu trong cuối thế kỷ 20 lên xuống bất thường nên nước nào nhập cảng dầu cũng phải dự trữ USD.  

Nền kinh tế Mỹ xoay chiều từ sản xuất (manufacturing) sang thiết kế (design), dịch vụ (service economy) và tiêu thụ (consumption); từ xuất cảng sang nhập cảng. Mỹ trước đây là công xưởng của thế giới tự do trong Thế Chiến Thứ Hai nay trở thành thị trường nhập cảng lớn nhất hoàn cầu. Do Hoa Kỳ thâm thủng mậu dịch nên các đối tác thương mại gồm Nhật và các con rồng Đông Á (bán hàng hoá) cùng OPEC (bán dầu hỏa) ồ ạt thu vào những khoảng lợi nhuận khổng lồ. USD lẻ ra theo đó mất giá nhưng để tiếp tục duy trì lợi thế cạnh tranh nên nhiều nước dùng biện pháp thao túng tiền tệ (currency manipulation) bằng cách tích trữ USD không cho lưu hành (cũng giống như đào hồ chứa nước vào mùa mưa: USD bị chận không cho tràn vào thị trường để không mất giá.)[2]

Năm 1998 khủng hoảng tài chánh Đông-Á bắt đầu từ Thái Lan khi tư bản ngoại quốc rút vốn USD tháo chạy khiến đồng Bhat thủng đáy lúc quỹ dự trử USD của Thái cạn sạch. Khủng hoảng nhanh chóng lây lan từ Thái Lan ra toàn vùng Đông Á rồi chạy sang Nam Mỹ và Đông Âu khiến nhiều nhà cầm quyền bị lật đổ như tại Nam Hàn, Đài Loan, Phi, Indonesia, Brazil. Rút tỉa bài học này nên các quốc gia đang phát triễn gồm Trung Quốc, Nga, Nam Hàn, Đài Loan và vùng Đông Nam Á đều quyết định hổ trợ xuất cảng để thu vào USD càng nhiều càng tốt. Các nước trong khu vực Đông-Á tích lũy quỹ dự trử ngoại tệ khổng lồ như một công hai việc: (1) thao túng tiền tệ để tạo lợi thế cạnh tranh, (2) tăng ngoại tệ dự phòng trường hợp tư bản nước ngoài tháo vốn.

Dân Mỹ sướng vì tha hồ mua hàng trả bằng USD (tiện nghi quá đáng – exorbitant privilege) trong khi các nước xuất cảng thu vào USD rồi cất đó mà không dám xài để nâng cao mạng lưới y tế, giáo dục, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường cho dân họ.

Dân Mỹ khổ vì USD giá cao nên hãng xưởng di dời ra nước ngoài khiến công nhân mất việc làm (ghánh nặng quá đáng – exorbitant burden.) Thất nghiệp mà vẫn có mua hàng xài, vậy mới hay!

Nhiều nước dự trữ USD rồi gởi tiền sang Mỹ để kiếm chút đỉnh lời vì Hoa Kỳ được xem như chốn giữ tiền an toàn (safe haven). Mỹ dễ dàng vay mượn với lãi suất thấp nên cả nhà nước lẩn dân chúng đều tiêu xài thẳng tay.

Nước nào cũng cho Hoa Kỳ vay nên nợ công của Mỹ (Treasury Bills, hay T-Bills) có giá trị tương đương USD: thí dụ Việt Nam mua T-Bills của Mỹ nhưng cần tiền mặt trước khi T-Bills đáo hạn; Việt Nam có thể bán T-Bills cho Ấn Độ đổi lấy USD. Như vậy T-Bills và USD giống nhau đến 99.9% (trừ một ngoại lệ vào dịch cúm Tàu tháng 03-2020 chỉ trong vài ngày thị trường không chịu trao đổi T-Bills mà chỉ muốn USD. Lý do trong cơn hốt hoảng cao độ ai nấy chỉ lo thủ vàng và tiền mặt.)

Câu chuyện ngược đời mỗi lần khủng hoảng kinh tế vị trí của đồng USD lại càng thêm vững chắc. Thứ nhất, Hoa Kỳ được xem là nơi gởi tiền an toàn nên gặp lúc khó khăn nhiều nước tranh nhau gởi tiền cho Mỹ với lãi suất thấp. Thứ nhì, các nhà đầu tư trên thế giới thường rút USD tháo chạy khi gặp khủng hoảng: trường hợp năm 1998 Thái Lan cạn USD khiến đồng Bhat thủng đáy là một, nhưng năm 2008 các ngân hàng Âu Châu thừa Euro mà thiếu USD vào lúc tư bản tháo vốn ra khỏi Nam Âu. Cho nên NHTƯ (Ngân Hàng Trung Ương) Hoa Kỳ phải thiết lập khẩn cấp các đường dây hoán chuyển ngoại tệ (currency swap) cung cấp USD cho NHTƯ Âu-Nhật để rồi Âu-Nhật bơm USD vào hệ thống ngân hàng tư và các nền kinh tế của Nam Hàn, Đài Loan, Mã Lai, v.v…tránh tình trạng kẹt vốn dây chuyền. Như vậy vai trò của USD mặc nhiên cũng cố mỗi lần khủng hoảng.

***

Phần trên cho thấy USD vừa là (1) tiền quốc tế cho thương toàn cầu, (2) tiền dự trữ quốc tế. Do chưa ai “chê” USD nên USD tiếp tục giữ ngôi vị thống trị. Người Mỹ gọi USD tạo thành Network Effect tức Mê Hồn Trận cột trói chằng chịt. Nga-Tàu dù tức giận nhưng vẫn chưa gỡ ra nút thắt:

Lý do chính là trong đám mù kẻ chột làm vua. Đồng Euro chưa biết có sẽ tan rã hay không. Đồng NDT (Nhân Dân Tệ, còn gọi là Ren Min Bi tức RMB) do nhà nước Trung Quốc kiểm soát chặc chẻ giá trị thay vì được quyết định bởi thị trường nên quốc tế và doanh nghiệp nước ngoài e sợ Bắc Kinh vì lợi ích riêng tư mà gây thiệt hại cho họ. USD bị Mỹ chi phối nhưng còn cơm ăn thay vì NDT bị Tàu thao túng chỉ húp cháo. Thí dụ dễ hiểu, đại gia Việt Nam gởi của cải qua Mỹ (hay Âu, Úc) chớ không dại gì chuyển tiền sang Tàu.

Trung Quốc lại là nước xuất cảng nhiều hơn nhập cảng nên ít có nước nào thặng dư mậu dịch với Tàu hòng tích lũy NDT.

USD hiện chiếm 60% kho dự trữ ngoại tệ trên toàn thế giới. 60% thương mại toàn cầu dùng bằng USD. 90% các dịch vụ đổi tiền hàng ngày dính líu đến USD. Vì đa số các giao dịch trên quốc tế ít nhiều liên quan đến USD, tức liên hệ đến ngân hàng Mỹ, nên Hoa Kỳ mới có thể đơn phong tỏa thương mại một nước như Iran: Mỹ không cấm được Tây hay Tàu buôn bán với Iran nhưng có quyền chặn không cho tiền thông qua các ngân hàng Mỹ. Điều này cũng như trong quân sự đóng chốt chận tuyến lưu thông.   

***

Đồng USD quá mạnh nên Hoa Kỳ lạm dụng quyền lực này một cách bừa bãi. Các tổng thống từ Dân Chủ cho đến Cộng Hòa đơn phương dùng USD như vũ khí trừng phạt đối phương mà không cần thông qua Liên Hiệp Quốc. Vừa dễ mượn tiền lại in tiền trả nợ nên Hành Pháp lẫn Quốc Hội đều ăn xài thẳng tay, còn việc cãi nhau để cân bằng ngân sách chỉ là vỡ kịch mùa tranh cử dụ khị dân chúng bỏ phiếu cho phe mình.

Thiệt hại trước mắt là công nhân Mỹ mất việc do giá USD cao nên hãng xưởng di dời ra ngoại quốc khiến Hoa Kỳ gánh chịu lỗ lả khi mua bán với nước ngoài.

Thiệt hại trong tương lai khi nợ nần chồng chất nên thế giới đổi ý không cho vay mượn. Khi đó lãi xuất và lạm phát sẽ tăng vọt ở Mỹ. USD in ra càng nhiều càng mất giá. Nhà nước sẽ phải tăng sưu cao thuế nặng trả nợ khiến dân tình oán than, kinh tế suy sụp.

Nhà tỷ phú dầu hỏa Paul Ghetty từng nhận xét “Nếu bạn mượn ngân hàng $100 phải lo trả. Nếu bạn thiếu $100 triệu đến phiên ngân hàng năng nỉ bạn trả.” (If you owe the bank $100 that’s your problem. If you owe $100 million that’s the bank problem.) Việt Nam cũng có câu chuyện tương tự là người thiếu nợ ngập đầu than vãn với chủ kiếp này trả không xong xin chết đầu thai làm trâu ngựa trả nợ; chủ nợ nghĩ thầm mình lại phải tốn tiền mua trâu ngựa rồi nuôi cho nó ăn, thôi đành an ủi ráng sống để từ từ trả nợ.

Một ngày nào đó cả thế giới phải nhào vào cứu vớt USD vì Mỹ xập tiệm thì Tàu Việt cũng tiêu!

***

Nhung các đối thủ (Nga, Tàu) hay đối tác (Âu) không chịu thua mà tìm đủ mọi cách phá vỡ vòng kim cô USD để tránh bị phong tỏa kinh tế[3] lại điểm trúng tử huyệt của nền trật tự tự do toàn cầu (liberal world order) do Mỹ gầy dựng trên nền móng USD. Giải pháp nào sẽ hất ngã USD trong khi cả NDT lẫn Euro đều còn ít đáng tin hơn USD? Dưới đây là vài phỏng đoán thay vì dựa trên chứng cớ vững vàng.

Giữa Trung Quốc, Nga và Iran đều thiết lập những đường dây hoán đổi ngoại tệ (currency swap) mà không thông qua hệ thống ngân hàng Mỹ. Thí dụ Iran bán dầu thu vào NDT rồi dùng NDT nhập cảng máy điện toán từ Trung Quốc (với điều kiện các máy điện toán này không chứa đựng bản quyền Mỹ trong đó.) Ngân hàng Iran có thể đổi trước một lượng tiền nội địa ra NDT dự trữ giao dịch mà không cần chờ đợi phải thu NDT từ bán dầu mới mua hàng Trung Quốc.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng đầu của nhiều quốc gia nên Bắc Kinh muốn biến Đông Nam Á thành khu vực mậu dịch bằng NDT: các nước Đông Nam Á mua bán lẫn nhau và với Trung Quốc dùng NDT, còn giao thương ra thế giới bên ngoài tiếp tục dùng Euro, Yen hay USD. Mô hình này có thể lan sang cả Phi Châu và Nam Á là những khu vực mà Trung Quốc có ảnh hưởng rất mạnh. Giao thương như vậy thuận tiện vì trao đổi trực tiếp trong khu vực và với đối tác thương mại quan trọng nhất bằng một đơn vị tiền chung (NDT) mà không phải đổi ra một đồng tiền thứ ba (USD, Euro.) Một nước như Việt Nam nhập siêu với Trung Quốc (thiếu NDT) mà xuất siêu với Mỹ (dư USD) có thể đổi USD ra NDT mua bán hàng từ Trung Quốc hay các lân bang.

Ant Group (thuộc Alibaba) và WeChat là hai tập đoàn tài chánh điện toán lớn và thành công nhất thế giới nhằm cung cấp dịch vụ cho vay, mở trương mục và mua bán dùng NDT - tức là giống như ngân hàng. Vì là ứng dụng trên điện thoại cầm tay nên hai tập đoàn này thâm nhập sâu trong xã hội đến từng cửa hàng nhỏ lẻ (kể cả những người bán hàng rong) hay những người tiêu thụ ở các vùng quê hẽo lánh vốn không có chi nhánh ngân hàng. Nếu Ant Group và WeChat phát triển dùng nhãn hiệu địa phương của từng quốc gia Đông Nam Á sẽ kết nối trực tiếp 655 triệu dân chúng trong vùng với thị trường sản xuất và tiêu thụ khổng lồ ở Hoa Lục, tức là thành hình một khối mậu dịch chặc chẻ hơn cả RCEP và CPTPP với xương sống là đồng NDT nhưng qua đường dây trực tiếp hoán chuyển ngoại tệ chằng chịt theo hệ thống 4G hay 5G.

Dù vậy, khả năng đồng NDT trở thành một đơn vị tiền tệ quốc tế thay thế USD rất thấp. Lý do Trung Quốc (1) kiểm soát chặc chẻ giá trị đồng NDT, (2) không muốn nợ nước ngoài, (3) không chấp nhận thâm thủng mậu dịch cho nên không đủ NDT lưu hành ra nước ngoài để trở thành trữ lượng ngoại tệ quốc tế.

Nhưng Bắc Kinh không cần thay thế USD bằng NDT. Tiền quốc tế tuy mang đến nhiều lợi lộc (exorbitant privilege) nhưng đồng thời cũng là một gánh nặng (exorbitant burden) như đã phân tích phần trên. Trái lại Bắc Kinh chỉ cần một đơn vị tiền quốc tế nào đó - không phải là NDT - để thay thế USD cũng đủ để khiến nền kinh tế Mỹ suy yếu giúp Trung Quốc đánh bại siêu cường hàng đầu trên thế giới.

Một trường hợp có thể xãy ra là Trung Quốc, Nga và Âu Châu sẽ đề nghị một loại giỏ tiền tệ điện toán quốc tế - vừa giống Bankcor của John M. Keynes lại qua hệ thống điện toán kiểu Libra của Facebook. Ưu điểm nơi không một quốc gia nào có thể thao túng tiền tệ để tạo ưu thế cạnh tranh nên dễ được thế giới chấp nhận thay thế USD. Khuyết điểm cũng chính nơi Trung Quốc không thể thao túng tiền tệ nhằm nâng đỡ bán hàng ra ngoại quốc. Cho nên giải pháp nói trên chỉ có thể xảy đến sau khi Bắc Kinh thành công chuyển đổi trọng tâm nền kinh tế Trung Quốc từ xuất cảng sang tiêu thụ nội địa.

Kinh Tế Dễ Hiểu xin thành thật thứ lổi vì đi vào các lãnh vực phức tạp thành ra…khó hiểu.

TÓM TẮT: tiền trình quốc tế hóa USD trải qua 4 giai đoạn

  1. Năm 1944 hội nghị quốc tế Bretton Woods chọn USD làm đơn vị tiền giao thương quốc tế cột vào giá trị vàng.
  2. Năm 1971 tổng thống Richard M. Nixon thả nổi đồng USD không còn neo theo vàng.
  3. Năm 1979 Saudi Arabia nhận bán dầu bằng USD nên nước nào cần mua dầu cũng phải tồn trữ USD
  4. Năm 1998 tư bản nước ngoài tháo vốn rút USD bỏ chạy khiến đồng Bhat của Thái Lan thủng đáy. Các nước Đông Á rút kinh nghiệm từ bài học khủng hoảng tài chánh Đông Á nên đẩy mạnh xuất cảng nhằm thu về và tích lũy các khoảng dự trữ USD khổng lồ để phòng vệ.
  5. Lý do USD tiếp tục nắm giữ vị trí tiền tệ quốc tế vì trong đám mù kẻ chột làm vua: Euro không vững còn NDT bị Tàu thao túng nên nước nào cũng sợ.


[1] John M. Keynes trong phái đoàn Anh đề nghị một loại tiền quốc tế gọi là Bankcor thay vì dùng USD. Bankcor là một loại giỏ ngoại tệ nên không nước nào có thể nước thao túng hối đoái nhằm tạo lợi thế cạnh tranh, nhờ vậy giữa các quốc gia sẽ không xảy ra chiến tranh thương mại. Thí dụ nếu dùng Bankcor Mỹ sẽ không bị thâm thủng với Trung Quốc và Việt Nam như từ năm 2000 cho đến nay. Nhưng cuối cùng hội nghị Bretton Wood chọn USD làm tiền quốc tế vì lý do chính trị: sau Thế Chiến thứ hai Mỹ là nền kinh tế sản xuất lớn nhất hoàn cầu còn các nước Âu Châu đều cần mua hàng và nhận viện trợ Mỹ để tái thiết. 

[2] Nếu đơn vị tiền quốc tế là Bancor (như John M. Keynes đề nghị) thì các nước không thể thao túng Bancor (vốn là một loại giỏ tiền tệ) như đã thao túng USD. Nhiều người cho rằng sau Thế Chiến Thứ Hai Mỹ khôn quá hóa dại.

[3] Âu châu phản đối Mỹ dùng USD đơn phương phong tỏa mậu dịch với Iran. Đức lại tức giận vì Mỹ đe dọa dùng USD phong tỏa các công ty Âu Châu tham dự đường ống dầu hỏa Nordstream II do Merkel-Putin hợp tác chủ trì.

No comments:

Post a Comment