Thursday, June 24, 2021

Kinh Tế Dễ Hiểu: Khủng hoảng Tiền Tệ (Chương 10)

Khủng hoảng kinh tế có 2 hình thức: khủng hoảng cung cầu và khủng hoảng tài chánh. Khủng hoảng cung cầu do chiến tranh hoặc thiên tai (hạn hán, động đất, dịch bệnh,v.v…) khiến hảng xưởng bị tàn phá, mùa màng bị thất thu. Hàng hóa không cung cấp đủ cho nhu cầu nên cơ bắp của nền kinh tế trở nên yếu đuối bại hoại.

Khủng hoảng tài chánh do nơi tiền và bao gồm bong bóng, lạm phát, nợ trong nước, nợ ngoài nước và khủng hoảng ngân hàng. Tiền như máu huyết trong cơ thể nên khi nghẽn mạch máu - tức là dòng tiền bị đứt lưu thông - thì nền kinh tế sẽ bị tê liệt.

Tiền một khi được cởi trói (financial liberalization) sẽ tự do chảy tìm ngõ ngách kiếm lời. Nguồn tiền nếu dồi dào (tiền đầu tư từ nước ngoài, hoặc một mối đầu tư mới hấp dẫn thu hút tiền vào) sẽ thôi thúc giới kinh doanh hám lợi mà trở nên liều lỉnh, cẩu thả rồi dẫn đến thất thoát, đầu tư kém hiệu quả và bong bóng. Trường hợp các ngân hàng hay công ty tài chánh cho vay nhiều nợ xấu đến lúc phải ngừng cho vay, hoặc kẹt vốn đành bán tháo tài sản khiến thị trường chứng khoáng và nhà đất tụt giá. Doanh nghiệp bị ảnh hưởng dây chuyền buộc phải cắt giảm đầu tư hoặc đóng cửa. Dân chúng lo sợ mất công ăn việc làm nên bớt tiêu thụ. Thuế thu vào ít đi, nhà nước vừa giảm thu lại tăng chi cho trợ cấp thấp nghiệp cùng các gói kích cầu khiến ngân sách bị thâm thủng nghiêm trọng.

Ngược lại tiền bị cột trói (financial repression) cũng dẫn đến khủng hoảng tài chánh. Nhà cầm quyền hạn chế những cơ hội đầu tư nên dân chúng không có nhiều chọn lựa mà phải gởi tiết kiệm vào ngân hàng với phân lời thấp do nhà nước quy định. Ngân hàng thu vào tiền giá rẻ, đến phiên cho nhà nước, các công ty quốc doanh hay tư bản thân hữu vay mượn với lãi xuất ưu đãi. Quen thói làm càng nên những thành phần kinh tế nói trên sinh tật hối mại thất thoát và đầu tư kém hiệu quả. Kết quả ngân hàng rồi sẽ phải ôm đồn một khối nợ xấu.

Đến lúc kinh tế suy thoái, nhà nước tăng chi còn NHTƯ (Ngân Hàng Trung Ương) phải bơm tiền cứu vớt các ngân hàng con sẽ khiến lạm phát tăng và đồng bạc mất giá so với ngoại tệ. Tư bản nước ngoài sợ thua lỗ nên khi tháo chạy không chỉ rút vốn ra khỏi quốc gia khủng hoảng (như Thái Lan 1997 hay Hy Lạp 2010) mà ùa theo đám đông thối lui toàn bộ một khu vực (Đông Á 1997, Nam Âu 2010) khiến nhiều nước lân cận bị vạ lây – lý do vì các quốc gia trong cùng một khu vực thường phát triễn theo mô hình tương tự như nhau nên đến lúc khủng hoảng rất dễ bị lây lan. Nhiều nước nguy ngập phải cầu viện đến IMF giúp điều đình xin tư bản ngoại quốc đáo nợ, giảm nợ hay trì hoãn hạn kỳ trả nợ.

Thí dụ nói trên không tiêu biểu cho một cuộc khủng hoảng vì không có hai khủng hoảng tài chánh nào giống nhau. Mục đích nơi đây chỉ nhằm cho thấy khủng hoảng tài chánh nguy hại và lây lan nhanh không kém gì vi-rút Vũ Hán. Kinh Tế Dễ Hiểu có vài nhận xét như sau:

1.      Lý do khủng hoảng tài chánh trầm trọng và lâu hồi phục là khi tiền dồi dào dễ vay mượn thì các nhà đầu tư dùng nợ làm đòn bẩy kinh doanh (leveraging.) Thí dụ một người bỏ vốn 10 ngàn mua chứng khoáng nếu thị trường tăng 10% sẽ lời 1 ngàn. Nhưng nếu họ dùng 10 ngàn đặt cọc (deposit) làm đòn bẩy mượn tổng cộng 100 ngàn mua nhà, đến khi giá nhà tăng 10% sẽ lời 10 ngàn tức là gấp 10 lần nhiều hơn không dùng đòn bẩy. Đòn bẩy là cách mang tám lượng đẩy ngàn cân trong truyện Tàu.

2.      Thí dụ nói trên cho thấy bong bóng nhà đất thường là một dấu hiệu đi trước khủng hoảng tiền tệ như ở Mỹ 2007 và Nam Âu 2010. Các trường hợp khủng hoảng tài chánh khác gồm sàn chứng khoáng Hoa Kỳ bị sụp vào Đại Khủng Hoảng 1929; Thái Lan vì nợ đầu tư kém hiệu quả nên bị giới đầu cơ thao thúng giá hối đoái 1997; nợ và đầu tư kém hiệu quả ở Trung Quốc và Việt Nam 2017.

3.      Khi tiền bạc càng dồi dào (easy money) thì ngân hàng dễ cho vay. Thí dụ ngân hàng lúc trước bắt người đi mượn nợ phải bỏ vốn 10% (10 ngàn), xuống 5% rồi chỉ còn 0% (không cần vốn). Ngân hàng cho vay càng nhiều càng có lời; nhiều người mượn tiền mua nhà khiến giá địa ốc tăng nhanh; giá nhà tăng nên ngân hàng dễ gọi giới đầu tư góp thêm vốn mới cho vay. Vòng xoáy cứ thể bơm lên bong bóng ngày càng phình to.

4.      Người mua dùng căn nhà thế chấp nợ nên thiếu tiền trả nợ hàng tháng thì ngân hàng tịch thu nhà mà vẫn lời (do giá nhà tăng.) Ngân hàng nắm đàng cán nên không sợ bị lỗ.

5.      Đến khi gánh nợ quá nặng thì gãy cán đòn. Dùng đòn bẩy khi giá cả tăng lời nhanh nhưng lúc xuống lỗ nặng. Ngân hàng nhát vốn không dám cho vay, doanh nghiệp lẫn tư nhân đều lo trả các khoảng nợ chồng chất trong thời gian dài - người Mỹ gọi là deleveraging – đành cắt giảm đầu tư và chi tiêu khiến nền kinh tế phục hồi chậm chạp (slow recovery.)

6.      Ở Mỹ khủng hoảng tài chánh và địa ốc năm 2007 mãi cho đến 2019 mới trở lại mức thất nghiệp 3% (nhưng ngay sau đó bị dịch cúm Tàu 2020 khiến Trump thất cử.) Tại Âu Châu khủng hoảng Euro năm 2010 cho đến giờ này chưa hồi phục. Nước Nhật chiếm kỷ lục bong bóng địa ốc vỡ vào cuối thập niên 1980 nay vẫn chưa thoát ra nạn trì trệ (Thêm vào đó là nạn lão hóa trầm trọng ở Nhật khiến kinh tế không tăng trưởng.)

7.      Ngược lại các nước Đông Á phục hồi nhanh sau khủng hoảng tài chánh so với những nước công nghiệp. Trung Quốc 1988, Nam Hàn-Đài Loan-Philippines-Indonesia 1998, Trung Quốc và Việt Nam 2017 chỉ mất 2-3 năm để trở lại mức độ tăng trưởng củ (Khủng hoảng 2007 không được liệt kê nơi đây vì lây lan từ bên ngoài thay vì do bong bóng trong nước.) Lý do vì GDP những nước Đông Á phát triển nhanh 6-10% mỗi năm trong khi các nền kinh tế trưởng thành Âu-Mỹ-Nhật chỉ tăng trưởng 1-2.5% một năm. GDP tăng nhanh nên tỷ số nợ so với GDP teo dần rồi biến mất. Thí dụ một người mới đi làm lương 50 ngàn mượn nợ 100 ngàn thấy quá lớn nhưng đến lúc lương tăng 200 ngàn thì 100 ngàn nợ củ chẳng là bao!

Kinh tế của Trung Quốc đang trưởng thành, dân chúng bắt đầu lão hóa nên tăng trưởng sẽ thụt xuống còn khoảng 3% trong vài năm nửa, tức là Bắc Kinh khó xoay sở trong các cuộc khủng hoảng tài chánh tương lai. Ngược lại Việt Nam có thể phát triển 7-8% thêm một khoảng thời gian dài cho nên lỡ bị khủng hoảng thêm 1-2 lần vẫn còn cơ hội đối phó!

8.      So với Đông Á thì các nước Nam Mỹ vỡ nợ dài dài (serial default) từ thập niên 1980 cho đến nay. Nam Mỹ lệ thuộc vào xuất cảng nguyên vật liệu (commodities) nên lúc kinh tế thế giới tăng xuất cảng nguyên vật liệu theo đó lên cao, còn gặp khủng hoảng thì nguyên vật liệu mất giá. Các nước Nam Mỹ vay mượn lúc tăng trưởng đến chu kỳ suy thoái đâm ra vỡ nợ.

Ngược lại Đông Á chú trọng xuất cảng công nông nghiệp, lại dìm giá hối đoái giúp bán hàng rẻ để thu vào và tích trữ ngoại tệ phòng khi khủng hoảng. Các nước Đông Á rút kinh nghiệm từ bài học 1998 nên bắt chước sự thành công của Nam Hàn, Đài Loan, Singapore, Trung Quốc,...thu hút đầu tư nước ngoài khiến toàn vùng Đông Á trở thành khu vực kinh tế năng động và nhiều triển vọng nhất hoàn cầu từ thập niên 1970 cho đến nay.

9.      Đầu tư nước ngoài có hai hình thức: đầu tư trực tiếp (FDI hay Foreign Direct Investment) tức doanh nghiệp nước ngoài xây nhà máy hay hạ tầng, vừa tạo công ăn việc làm, vừa chuyển giao công nghệ lại khó tháo vốn, nên là kiểu đầu tư thường được ưa chuộng[1].

Ngược lại nguồn vốn nước ngoài thay vì xây cất hảng xưởng có thể đi theo dòng tiền tự do lưu thông. Tiền nước ngoài tràn vào nhanh thì rút ra cũng dễ. Tiền bơm vào địa ốc và chứng khoáng đến khi bong bóng vỡ thoát vốn tháo chạy. Các nhà đầu tư một khi rút vốn lại hùa nhau thoái lui theo từng khu vực khiến nhiều nước bị vạ lây.

Cho nên IMF trước đây cổ vỏ cởi trói tiền tệ nay cũng sinh ra dè dặt.

10. Nợ gồm có trong nước và ngoài nước. Nợ ngoài nước thường dùng ngoại tệ (USD) trong khi nợ trong nước dùng đồng bạc nội địa.

Nếu mượn nước ngoài bằng USD phải trả bằng USD. Lỡ cạn kiệt USD nước đi vay phải xin hoãn nợ, tái cấu trúc nợ (hạ thấp lãi xuất hay kéo dài thời gian trả nợ), hoặc nhờ vã IMF cho vay bắt cầu (bridge loan) và làm trung gian điều đình với chủ nợ. Chuyện quịt nợ ít xãy ra vì chủ nợ vẫn có thể thưa kiện toà án nước ngoài để tịch thu tài sản ở ngoại quốc. Khi đồng tiền nội địa bị mất giá so với USD thì doanh nghiệp vay mượn bằng USD có nguy cơ phá sản do không đủ USD trả nợ.

Các nhà đầu tư ngoại quốc thường đòi phân lời cao (6-7% cao hơn thị trường) để bù đắp rủi ro khi cho quốc gia nợ xấu vay mượn. Họ tính toán trừ trường hợp bị quịt nợ ngoài ra đáo nợ hay tái cấu trúc nợ cũng vẫn có lời. Cho nên nhiều nước tuy vỡ nợ dài dài (serial default) mà vẫn mượn thêm được nợ.     

11. Nợ trong nước mượn bằng tiền nội địa. Nhà nước quịt nợ bằng cách giết chết chủ nợ (tái cấu trúc nợ kiểu này xảy ra dưới thời vua chúa và cộng sản – cho nên có trường hợp con cháu mấy chục năm sau vẫn ra tòa án đòi nước Nga trả nợ sau khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ), đổi tiền hay đơn phương hạ mức trần lãi suất. Các biện pháp này gây rất nhiều xáo trộn xã hội nên phương pháp thường dùng là tăng lạm phát!

Nhà cầm quyền in tiền khiến tiền mất giá nên nợ cứ bốc hơi cạn dần. Bình  thường nhà nước thu thuế để trả nợ thì lạm phát là một hình thức thuế má rất thâm độc đánh lén lên dân chúng khiến tiền trong tủ sắt cứ vơi dần mà ít ai để ý biết đến.

Lạm phát vừa vừa thì dân chúng than van vật giá ngày càng đắc đỏ. Trường hợp lạm phát phi mã (hyperinflation - trên 40% một năm) trở thành khủng hoảng tiền tệ sinh nhiều ra xáo trộn xã hội. Trường hợp Venezuala năm 2020 lạm phát 10,000,000% nhưng chính quyền Malduro vẫn còn tồn tại được!

12. Để kết luận phần này Kinh Tế Dễ Hiểu xin sơ lược trận Khủng Hoảng Tài Chánh Toàn Cầu 2007 (GFC hay Global Financial Crisis) để cho thấy mức độ lây lan và nguy hiểm của khủng hoảng tài chánh. Mức độ trầm trọng của biến cố chỉ thua cuộc Đại Khủng Hoảng 1929 (Great Depression), và ít nhiều liên quan đến khủng hoảng Euro 2010 rồi khủng hoảng tài chánh Trung Quốc 2017.

Vào đầu thế kỷ 21 Hoa Kỳ đứng trên đỉnh điểm quyền lực theo trào lưu dân chủ hóa, toàn cầu hóa, tự do mậu dịch và cuộc cách mạng điện toán. Ngành tài chánh ngân hàng ở Mỹ tưởng chừng như vững chắc như đồng: NHTƯ dưới thời Alan Greenspan khắc phục được nạn lạm phát, trong khi chính sách cởi trói tiền tệ tạo môi trường cho giới phù thủy tài chánh (financial engineering) thi thố phù phép biến hóa ra nhiều cơ hội đầu tư mới, hấp dẫn và ngoạn mục.

Do NHTƯ hạ lãi suất xuống thấp từ sau biến cố 9/11 nên dòng tiền phải đi tìm lợi nhuận. Kinh doanh địa ốc ở Mỹ vừa có lời lại an toàn không kém nợ công Hoa Kỳ (T-Bills), lý do giá nhà ở Mỹ chỉ biết tăng mà không giảm! Cho nên các quỹ đầu tư và hưu trí Tây Phương, tiền bạc của Đông Á và Trung Đông tranh nhau đổ vào ngành địa ốc Hoa Kỳ. Ngân hàng Mỹ có sáng kiến là thay vì chết vốn cho mượn tiền mua nhà trả góp trong vòng 30 năm, nay ngân hàng bán chuyền tay nợ địa ốc (mortgage securization) cho các nhà đầu tư trong hay ngoài nước.  Nhất cữ lưỡng tiện vì ngân hàng gây thêm vốn mới trong khi giới kinh doanh quốc tế có cơ hội đầu tư vào nhà đất ở Mỹ. Ngân hàng càng nhiều vốn cho vay càng có thêm người mua đẩy giá nhà lên cao; giá địa ốc tăng càng thêm nhiều người muốn đầu tư; vòng xoáy dây chuyền cứ như vậy bơm lên thành bong bóng bay lên đụng trời.

Ngân hàng ham lời nên cho vay dễ dàng, dần dần trở thành cẩu thả đến mức những người không bỏ vốn mà không đủ sức mua nhà vẫn mượn được nợ. Ngân hàng thúc giục thân chủ đi vay dùng nợ làm đòn bẩy để chỉ trả tiền hàng tháng rất ít rồi đợi đến lúc giá nhà tăng bán lại kiếm lời. Ngân hàng giảm thiểu rủi ro bằng cách pha trộn nợ tốt với nợ xấu thành từng gói nợ rồi chặt mỏng thái từng lát nợ (tranche) bán cho giới đầu tư - kiểu như bán chả lụa thịt heo trộn thịt chuột! Vậy mà giới đầu tư vẫn tranh đua mua vì những gói nợ này được các hảng tín dụng như Moody’s hay Standard&Poors cho điểm AAA+ với lý do ngành địa ốc không bao giờ thua lỗ!

Siêu đại công ty AIG lại bảo đảm thêm an toàn cho giới đầu tư bằng cách bán bảo hiểm cho các gói nợ địa ốc không bị mất giá (credit default swap.) AIG tính chỉ thu lời mà không sợ lỗ, lý do vẫn là đầu tư vào địa ốc không bao giờ thua lỗ! 

…Cho đến ngày thua lỗ trong địa ốc. Giá nhà tăng quá cao hết người mua. Người mua nhà không đủ tiền trả hàng tháng phải chịu mất nhà. Giá nhà rơi xuống thảm hại. Các ngân hàng và giới đầu tư bị đe dọa phá sản bởi những gói nợ độc hại (toxic mortgages), nhưng Bộ Tài Chánh Hoa Kỳ quyết định không cứu vớt đại ngân hàng Lehman Brothers nhằm dạy cho giới kinh tài phố Wall bài học đầu tư cẩu thả. Không ngờ khi giới tài chánh thấy một trong ngũ đại ngân hàng bị sập tiệm nên hoảng hốt xét lại sổ sách mới vỡ lẽ tất cả các ngân hàng và công ty tài chánh đều ít nhiều ôm nợ độc hại. Đáng sợ nhất do nợ xấu trộn lẩn vào nợ tốt nên sau khi buôn bán chuyền tay vài lần rốt cục không còn biết ngân hàng sắp vỡ nợ vì nắm trong tay bao nhiêu nợ xấu hay tốt!

Toàn bộ các ngân hàng sợ hụt vốn lo thủ tiền mặt nên không dám cho doanh nghiệp bên ngoài vay ngắn hạn vào đầu tháng để trả lương và thanh toán hóa đơn. Doanh nghiệp tê liệt phải đóng cửa hay sa thải nhân viên. Đại công ty AIG bị đe dọa phá sản vì lỡ bảo hiểm nhiều gói nợ độc hại. Cuộc khủng hoảng bắt đầu từ ngành địa ốc lan sang tài chánh ngân hàng rồi bao phủ toàn bộ nền kinh tế.

Tin đồn các ngân hàng Âu Châu thua lỗ nợ địa ốc ở Mỹ khiến giới đầu tư Âu châu hoảng hốt rút vốn USD (do giao dịch quốc tế phần lớn dùng USD.) Ngân hàng Âu Châu (và Nhật) thừa Euro (và Yen) nhưng thiếu USD đành phải cầu cứu NHTƯ Hoa Kỳ mở các đường dây hoán chuyển ngoại tệ (currency swap) bơm USD vào hệ thống ngân hàng Âu-Nhật, rồi đến phiên ngân hàng Âu-Nhật bơm USD vào các ngân hàng Đông Âu, Nam Hàn, Đài Loan...

Ngân hàng Âu Châu thua lổ ở Mỹ khi xem sổ sách mới khám phá ra chính họ cũng đã cẩu thả cho Hy Lạp vay với lãi xuất cực rẻ, lý do vì Hy Lạp là thành viên Euro cho dù trước đó thuộc loại quốc gia nợ xấu dây chuyền (serial default.) Nhà nước Hy Lạp gian lận sổ sách trong khi bong bóng địa ốc đã bơm lên căng phòng từ năm 2000. Ngân hàng Âu Châu hoảng hốt không những tháo chạy khỏi Hy Lạp mà còn rút vốn ra khỏi 3 nước lân cận gồm Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha khiến toàn vùng Nam Âu mang họa. Khối Euro từ đó rạn nứt giữa Bắc Âu (nhà giàu hà tiện) và Nam Âu (nhà nghèo xài sang.)

Trung Quốc bị ảnh hưởng dây chuyền do nhu cầu tiêu thụ của Tây Phương co rút. Tàu không bán được hàng hóa nên ngừng mua nguyên vật liệu của Úc và Nam-Mỹ đến phiên BrazilArgentina ngã nhào. Cuộc khủng hoảng tài chánh lây lan ra toàn cầu giống như vi-rút Vũ Hán.

Trung Quốc giờ này bị phê bình nhưng phải thành thật nhận xét Bắc Kinh có công tung ra một gói kích cầu khổng lồ 586 tỷ USD vào năm 2007 (tương đương với 16% GDP của Trung Quốc thời bấy giờ) nhờ vậy góp phần chận đứng khủng hoảng không trầm trọng thêm. Gói kích cầu này một mặt thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc tăng vọt nhưng đồng thời cho giới tư bản thân hữu vay đầu tư cẩu thả vào những khu phố ma dẫn đến cuộc khủng hoảng năm 2017 ở Trung Quốc

Khủng Hoảng Tài Chánh Toàn Cầu (2007) không những dẫn đến khủng hoảng Euro (2010) và khủng hoảng tài chánh Trung Quốc (2017) mà còn để lại nhiều ảnh hưởng vô cùng sâu đậm về chính trị và xã hội cho đến giờ này vẫn chưa thấy hết hậu quả: chính sách bành trướng của Trung Quốc ở biển Đông từ sau Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008; Brexit và Donald Trump 2016; trào lưu dân túy ở Đông Âu (Tiệp, Ba Lan), Nam Mỹ (Brazil, Mexico) và Ấn Độ; tâm lý bài Tây Phương ở Nga và Trung Đông.

Khủng Hoảng Tài Chánh Toàn Cầu 2007 vừa bắt đầu qua khỏi thì thế giới bị nhồi thêm Đại Dịch Vũ Hán. Các gói kích cầu khổng lồ khiến kinh tế Mỹ hiện thời bốc hỏa nhưng chỉ là hiệp thứ nhì, còn sau này hậu hoạn kinh tế, chính trị và xã hội sẽ ra sao…Thiên Cơ Bất Khả Lậu!

TÓM TẮT

a.      Khủng hoảng tài chánh gồm có bong bóng, nợ trong nước, nợ nước ngoài, lạm phát và khủng hoảng ngân hàng.

b.      Khủng hoảng tài chánh lây lan rất nhanh do dòng tiền lưu chuyển tự do.

c.      Khủng hoảng tài chánh theo khu vực (Đông Á 1997, Nam Mỹ 2001) hay toàn cầu (Đại Khủng Hoảng 1929, Khủng Hoảng Tài Chánh Toàn Cầu 2007.)

d.      Các nước Nam Mỹ thường bị vỡ nợ theo chu kỳ kinh tế toàn cầu khiến nguyên vật liệu tăng hay giảm giảm giá.

e.      Sau khủng hoảng kinh tế Âu-Mỹ-Nhật phục hồi chậm do GDP tăng trưởng chậm. Ngược lại khu vực Đông Á phục hồi rất nhanh trong vòng 2-3 năm nhờ GDP tăng trưởng nhanh.

 



[1] Một biệt lệ là vốn đầu tư Vòng Đai Con Đường (BRI) của Trung Quốc cho vay kém minh bạch, phân lời cắt cổ, kém hiệu quả lại dùng công nhân Tàu nên không tạo công ăn việc làm cho dân chúng trong nước cho nên bị xem là liều thuốc độc.

No comments:

Post a Comment