Saturday, July 20, 2024

Tìm hiểu chính sách kinh tế của Trump và Biden

Nhân mùa tranh cử ở Mỹ người viết tìm hiểu về chính sách kinh tế của Trump và Biden. Trump lúc nào cũng gây cấn hơn nên xin bàn trước rồi sau đó mới đến Biden.

Trước hết bàn về bối cảnh kinh tế nhìn từ phía Hoa Kỳ: bên cạnh cuộc tranh hùng Mỹ-Trung (không phải là chủ đề của bài này) thì nợ công và chênh lệch mậu dịch do Mỹ tiêu xài quá nhiều trong khi các đối tác thương mại tiêu thụ không đủ. Những nước đang mở mang trong đó gồm cả Trung Quốc và vùng Đông Á hạn chế tiêu thụ nên thặng dư tiết kiệm, dùng vào đầu tư sản xuất dư thừa bán hàng hóa sang Hoa Kỳ khiến Mỹ khiến tiêu thụ quá trớn tạo thành thâm thủng mậu dịch. Vì USD là đơn vị tiền dự trữ và giao dịch toàn cầu nên các nước đang mở mang lại tích trữ USD bằng cách mua nợ công nước Mỹ khiến USD tăng giá làm xuất cảng từ Hoa Kỳ trở nên đắt đỏ, đồng thời Mỹ ôm khối nợ khổng lồ lên đến 35 ngàn tỷ USD. 

Giải pháp cân đối là các nước đang mở mang thúc đẩy tiêu thụ nội địa để Mỹ bán hàng ra ngoại quốc cắt giảm thâm thủng mậu dịch và tạo công ăn việc làm trong nước. Thực tế là Hoa Kỳ không thể áp lực chính sách nội địa trong các nước khác. Thí dụ Mỹ không thể ép buộc Bắc Kinh tăng trợ cấp xã hội cho dân Tàu hay cung cấp hộ khẩu thành phố cho công nhân từ quê lên đô thị làm việc, cho dù hai biện pháp này sẽ nâng đỡ dân Tàu tăng sức mua mà bớt tiết kiệm. Mỹ có thể dựa vào các hiệp định thương mại như WTO hay TPP (Trump đã rút lui khỏi TPP), nhưng nếu đối tác thương mại vi phạm các thỏa ước mậu dịch thì nhờ trọng tài kiện tụng kéo dài hàng chục năm trời mà thường là không đi đến đâu:

o       Muốn chứng minh Tàu hay Việt không phải là thị trường tự do phải có bằng cớ chứng minh ngân hàng nhà nước ưu đãi doanh nghiệp xuất cảng, hay chính quyền địa phương trưng thu đất đai của dân chúng cho doanh nghiệp khai thác với giá rẻ mạt.

o       Tàu hay Việt vi phạm WTO (hay TPP) bằng cách đàn áp công đoàn độc lập tranh đấu đòi tăng lương và quyền lợi công nhân (nâng mãi lực của người lao động) thì Mỹ cũng chẳng làm được gì.

o       Tàu hay Việt nhắm mắt cho doanh nghiệp trong nước phá hoại môi trường thì tiền viện trợ bảo vệ môi trường của Âu-Mỹ bị đục khoét hao mòn mà chẳng thưa kiện ai.

Vì không thể trực tiếp thay đổi đường lối của đối tác thương mại nên Mỹ chỉ còn 2 cách để thích nghi (adapt) chính sách thương mại về phía mình nhằm gián tiếp áp lực lên đối phương.

  1. Đối với đảng Dân Chủ và cánh Tân Tiền Tệ (Modern Money Theory hay MMT) thì Hoa Kỳ có lợi thế nơi USD là dự trữ ngoại tệ toàn cầu nên thế giới muốn tích trữ USD thì Mỹ cứ in thêm nợ, đến khi cần trả nợ thì in USD mà trả không bao giờ sợ quịt nợ. Cho dù in USD dẫn đến lạm phát nhưng lạm phát hiện đang giảm cho thấy đồng USD không hề mất giá do nhu cầu mua vào USD vẫn còn cao. Chính quyền Hoa Kỳ cần khôn khéo vay nợ với lãi xuất thấp để đầu tư vào hạ tầng và các ngành nghề công nghệ chiến lược trong thế kỷ 21 nhằm tạo công ăn việc làm và bảo đảm an ninh quốc gia. 
  1. Đối với đảng Cộng Hòa nếu nước ngoài không thay đổi chính sách nâng đỡ tiêu thụ và mua hàng xuất cảng từ Mỹ thì Hoa Kỳ dựng hàng rào thuế quan ngăn chận hàng nhập cảng. Tàu bán hàng sang Mỹ không được sinh dư thừa phải đổ tràn bán sang Âu Châu, Ấn Độ, Mexico, Việt Nam…đến phiên các nước này phải dựng hàng rào thương mại chống Tàu nhằm bảo vệ doanh nghiệp nội địa. Lỗi do Tàu gây ra thì mỗi nước phải tự lo đối phó chớ Mỹ không cần làm trọng tài quốc tế. 

Từ bối cảnh kinh tế nói trên nay bàn về chính sách kinh tế của Trump và Biden. 

***

Chính sách kinh tế của Trump có thể được tóm tắt trong bốn điểm: 

  1. Tăng thuế nhập cảng lên trên 60% đối với hàng Trung Quốc  và 10% đối với các nước còn lại. 
  1. Giảm thuế doanh nghiệp (corporate tax) và giảm thuế lợi tức (income tax). 
  1. Thúc đẩy sản xuất dầu khí. 
  1. Hạ lãi xuất và hạ giá đồng USD. 

Bốn điểm nói trên có liên hệ như sau: 

Thuế nhập cảng tuy tăng nhưng thuế doanh nghiệp lại giảm đồng thời các quy định (regulations) về kinh doanh được nới lỏng. Kết quả đầu tư ở Mỹ trở nên hấp dẫn đối với doanh nghiệp trong và ngoài nước (như Âu Châu và Nhật Bản) để vừa tránh hàng rào thuế quan lại được giảm thuế doanh nghiệp trong khung cảnh làm ăn dễ dãi, vừa tạo công ăn việc làm trong nước Mỹ lại bán được hàng giá rẻ. 

Thuế nhập cảng tăng khiến giá cả tăng nên sức mua giảm. Bù lại thuế lợi giảm nâng đỡ mãi lực vì dân chúng có thêm tiền túi tiêu xài thay vì trả thuế. 

Nước Mỹ có ưu thế về dầu khí nên Trump muốn tăng sản xuất nhiên liệu nhằm:

(1) bán dầu khí ra nước ngoài để giảm thâm thủng mậu dịch;

(2) giá xăng dầu trong nước rẻ khiến vận chuyển rẻ đẩy giá cả và lạm phát xuống thấp;

(3) hấp dẫn doanh nghiệp nước ngoài (như Âu Châu và Nhật Bản nơi có giá nhiên liệu rất cao) đầu tư vào Hoa Kỳ. 

Trump sẽ đốc thúc Ngân Hàng Trung Ương hạ lãi xuất vì cơn lốc lạm phát có vẽ đã qua. Dân chúng mượn tiền mua nhà và mua xe với phân lời thấp nên sức mua tăng. 

Lãi xuất thấp khiến nước ngoài bớt mua nợ công nước Mỹ nên đồng USD xuống giá (so với Euro, Yen,…) giúp đẩy mạnh xuất cảng (máy bay, lương thực, v.v…) tạo ra công ăn việc làm trong nước. Mỹ cũng sẽ theo dõi các nước như Việt Nam thao túng tiền tệ (currency manipulation) bằng cách tích trữ USD để ép giá VND so với USD nhằm tạo lợi thế cạnh tranh. 

Nợ công nước Mỹ hiện là 120% GDP. Đảng Dân Chủ cảnh giác Trump giảm thuế sẽ khiến nợ công tăng vọt. Trump lại bị bó tay không thể cắt giảm chi phí trong các ngân khoảng lớn như:

(1) tiền trả nợ hiện lên đến 900 tỷ USD vào năm 2024

(2) ngân sách quốc phòng trên 800 tỷ USD

(3) tiền bảo hiểm sức khỏe người lớn tuổi Medicare 800 tỷ USD

(4) lương hưu trí (social security benefits) có ngân khoảng riêng nên không bàn nơi đây 

Bù lại đảng Cộng Hoà cho rằng giảm thuế sẽ thúc đẩy đầu tư và tiêu thụ giúp kinh tế tăng trưởng để trả nợ. Đảng Cộng Hòa gọi đây là chính sách kinh tế trọng cung (supply-side economic), còn đảng Dân Chủ gọi là kinh tế nhỏ giọt (trickle down economic, tức nhà giàu được giảm thuế hưởng trước còn lại phần dư thừa mới rơi rớt xuống đến quần chúng lãnh nợ.) 

***

Chính sách kinh tế của Biden có thể được tóm gọn trong bốn điểm như sau: 

(1)   Tăng thuế doanh nghiệp và thuế lợi tức để trợ cấp dân nghèo, đầu tư vào hạ tầng, công nghệ xanh và kỹ thuật điện toán. 

(2)   Ưu đãi thuế (tax incentives) trợ cấp cho điện gió, điện mặt trời và xe hơi điện để cạnh tranh với Trung Quốc trong những ngành nghề chiến lược của thế kỷ 21. 

(3)   Giữ mức thuế 25% trên hàng hoá tiêu dùng từ Trung Quốc (do Trump áp đặt từ năm 2018) nhưng tăng thuế lên 50% đối với chip điện toán và 100% đối với xe hơi điện. 

(4)   Hạn chế khai thác dầu khí để chống biến đổi khí hậu. 

Đảng Dân Chủ xem tăng thuế nhằm tái phân phối tài sản (wealth redistribution) trong nước để tạo bình đẳng và giảm khoảng cách giàu nghèo. Đảng Cộng Hòa lên án đây là mô hình xã hội chủ nghĩa xạo hết chỗ nói vì nhà nước đánh thuế để tiêu xài phung phí (tax and spend). 

Hàng rào thuế quan của đảng Dân Chủ đánh điểm (“narrow yard, high fence”) vào các ngành nghề chiến lược (targeted tax) đối với Trung Quốc. Hàng rào thuế quan của đảng Cộng Hòa đánh diện vì Trung Quốc như con thuồng luồng 100 đầu, chặng ngỏ chính thì luồn ngỏ hậu sang Mexico, Việt Nam để tránh thuế. Những nước nhận làm trạm trung chuyển cho hàng hóa Trung Quốc sẽ bị đánh thuế nhiều hơn. Cạnh đó nhiều nước đồng minh như Âu Châu, Đài Loan,…muốn được Mỹ bảo vệ an ninh nhưng không chi tiêu đủ cho quốc phòng mà lại còn đâm sau lưng lợi dụng bán hàng sang Mỹ. 

Chính sách kinh tế của đảng Dân Chủ chú trọng về năng lượng xanh (new green deal) mà đảng Cộng Hòa gọi là năng lượng lừa đảo (new green scam) do cắt giảm ưu thế của Hoa Kỳ về dầu khí mà lệ thuộc vào Trung Quốc vào đất hiếm.   

*** 

Bạn đọc đã chọn sẽ bỏ phiếu cho ai?

 

 

 

No comments:

Post a Comment