Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2007-08 làm nổi bật tranh luận về vai trò của nhà nước trong nền kinh tế, nhất là tại Hoa Kỳ. Chủ trương chính quyền phải giảm thiểu không can thiệp vào thị trường tự do đã trở nên lổi thời – mà đại diện là ông Alan Greenspan và quan niệm “laissez faire” để nền kinh tế thị trường tự điều chỉnh khi bị mất thăng bằng. Thay vào đó nhà nước đóng vai trò chủ động chẳng những để giải quyết mối nguy trước mắt mà còn nhằm ngăn ngừa một cuộc khủng hoảng tương tự không xảy ra trong tương lai. Nói một cách ông Smith ngày này đã nhường chổ cho ông Keynes lên sân khấu chính (Adam Smith là kinh tế gia thế kỷ 18 với quan điểm thị trường cần được phát triễn tự do, còn John Keynes vào đầu thế kỷ 20 chủ trương nhà nước can thiệp tích cực vào nền kinh tế).
Tuy vậy không thể tìm ra một sự phân công tuyệt đối giữa chính quyền và tư nhân. Khu vực công, hay nhà nước, mang trách nhiệm bảo đảm trât tự, các nhu cầu công cọng và an sinh cho mọi người dân. Trong khi đó khu vực tư nhân là động lực chính cho phát triễn vì thúc đẩy bởi lợi nhuận. Bất cứ ai trong chúng ta khi nào có dính líu đến nhà nước từ Âu sang Á cũng đều gặp phải cách làm việc rườm rà, quan liêu của công sở cho dù mức độ ít nhiều rất khác nhau. Trái lại các công ty tư vì bị cạnh tranh nên linh hoạt, quyết định nhanh chóng và trách nhiệm, nhưng bù lại chủ yếu nhằm vào tư lợi chớ không phải an sinh cho nhân viên. Sự khác biệt này thể hiện rỏ ràng nhất qua lời phát biểu của ông Paulson khi còn là Tổng Giám Đốc Ngân Hàng Đầu Tư Goldman Sachs, rằng 80% lợi nhuận của công ty đến từ 20% nhân viên, nói một cách khác, ông có thể sa thải đa số người làm việc mà ngân hàng còn sanh lời nhiều hơn; nhưng đến lúc trở thành Tổng Trưởng Tài Chánh đối diện với cuộc khủng hoảng hiện thời thì ông phải lo cho toàn bộ nền kinh tế trong đó có cả người giàu lẫn nghèo, giỏi hay dỡ, thất nghiệp hoặc có việc làm; ông phải tìm biện pháp giúp đỡ cả các công ty lành mạnh hay yếu kém trong các ngành tài chánh, xe hơi v.v….
Ông Adam Smith lập luận rằng nền kinh tế phát triễn điều hoà nhất theo nếu tự điều tiết theo hai định luật tự nhiên là cung cầu và đào thải. Cung cầu thì ai cũng hiểu, khi nhu cầu tăng thì giá cả tăng dẫn đến sản xuất tăng, hảng xưởng tạo ra công ăn việc làm, nhưng khi phát triễn ra quá lớn lại trở thành nặng nề trì trệ. Đến lúc hoàn cảnh xoay chuyển, hoặc vì nhu cầu giảm, sản xuất thặng dư, hay kỷ thuật thay đổi thì một số công ty củ phải bị đào thải để nhường chổ cho các lực lượng sản xuất mới và linh động ra đời. Adam Smith ví von có một bàn tay vô hình (invisible hand) chỉnh đốn các bất quân bình, và sự can thiệp của nhà nước chỉ làm cản trở tiến trình phát triễn và sạn lọc tự nhiên.
Nhưng mỗi lần có cuộc khủng hoảng lớn như năm 1929-32 hay 2007-09 thì nhà nước không thể làm ngơ khi đời sống dân chúng bị ảnh hưỡng trầm trọng vì nạn thất nghiệp, hay tài sản đầu tư vào chứng khoáng và địa ốc mất mát trầm trọng. Chẳng những chính quyền phải bơm tiền vào các biện pháp cấp thời để cứu cấp nền kinh tế, mà còn phải có các biện pháp ngăn ngừa và chính sách thúc đẩy phát triễn dài hạn rút tỉa từ những bài học đã qua. Ông John Keynes là kinh tế gia đầu tiên cổ vỏ cho vai trò tích cực của nhà nước để bảo đảm sự phát triển liên tục và đồng bộ của nền kinh tế.
Quan niệm của Adam Smith thịnh hành từ những ngày đầu khi tư bản áp dụng công nghệ sản xuất hàng loạt để thành hình thị trường mậu dịch theo chúng ta hiểu ngày nay, cho đến khi có cuộc Đại Khủng Hoảng năm 1929. Sau đó chủ trương của Keynes trở nên hợp thời qua chính sách New Deal của Tổng Thống Roosevelt đầu tư ào ạt mang nền kinh tế ra khỏi suy thoái, và tiếp tục nhiều ảnh hưởng đến năm 1979 khi có một cuộc khủng hoảng kinh tế khác bắt nguồn từ giá dầu tăng vọt sau chiến tranh Trung Đông. Từ 1979-2007 quan điểm của Adam Smith về tự do mậu dịch và vai trò giới hạn của nhà nước lại được ưa chuộng. Nhưng đến 2007 thì chủ trương của Keynes trở lại thịnh hành theo đà can thiệp của các chính quyền ngăn chận không cho cuộc khủng hoảng hiện thời trở nên trầm trọng. Như vậy là mỗi chu kỳ kéo dài khoảng 30 năm, và có lẻ lần nay chính quyền liên bang Mỹ sẽ chủ động cho đến khoảng giữa thế kỷ thứ 21 để giải quyết các nan đề đang đè nặng lên nền kinh tế: nợ nầng chồng chất, việc tái phối trí năng lực sản xuất từ Âu-Mỹ sang Đông-Á, và nhiên vật liệu trở nên khan hiếm theo đà tiêu thụ gia tăng trên thế giới.
Một cách nhìn khác là quan điểm của Adam Smith trở nên thịnh hành mỗi khi xã hội có những đột biến về kỷ thuật dẫn đến sự thay đổi sâu rộng trong tương quan sản xuất: vào đầu thế kỷ 20 khi ngành cơ khí và dây chuyền sản xuất hàng loạt (mass production) trở nên phổ thông; hay vào thập niên 90, khi công nghệ tin học sang bằng ranh giới địa lý, mở cánh cửa mậu dịch toàn cầu và chuyển khâu sản xuất sang vùng Đông-Á. Khu vực tư nhân nhanh lẹ khai thác các kỷ thuật mới này và đẩy nền kinh tế phát triễn trong khoảng 20 năm. Nhưng vì chú trọng vào lợi nhuận nên những bất thăng bằng trở nên sâu sắc nhất là sai biệt về mức độ thu nhập trong xả hội. Nhà nước cũng chưa hoàn tất các biện pháp giám sát hữu hiệu – hơn nửa khi kinh tế đang lên thì không ai muốn chận đà phát triển chậm lại – tình trạng dẫn đến sự lạm dụng thổi phồng các quả bóng. Khi bong bóng vở thì theo Keynes chính quyền phải gấp rút can thiệp để giải quyết tình trạng suy thoái, và có những biện pháp giám sát chặc chẻ. Tiếp tục 20 năm nửa vai trò của nhà nước lại trở nên quá nặng nề đè lên khu vực tư nhân khiến kinh tế trở nên trì trệ, khi đó nhu cầu nới lỏng và giới hạn sự can thiệp của chính quyền lại trở nên thịnh hành. Bàn cân cứ thế mà xoay vần trong nền kinh tế của Hoa Kỳ.
Chiến tranh lạnh chấm dứt đánh dấu thắng lợi của nền kinh tế thị trường so với kinh tế tập trung. Một vấn đề còn lại chưa được giải quyết dứt khoát là mô thức giữa một nhà nước độc quyền hay đa phương thích hợp hơn cho sự phát triễn điều hoà của thị trường tự do. Trong khoảng thời gian khủng hoảng 2007-09 hình ảnh và uy thế của Hoa Kỳ suy giảm, trong khi Trung Quốc với mức độ tăng trưởng nhảy vọt liên tục trong 30 năm, tiềm năng sản suất khổng lồ và khoảng dự trử 2 ngàn tỷ đô-la để đối phó với khủng hoảng giống như là một mẩu mực đáng tán thưởng. Thật tình mà nói quả bóng địa ốc và tài chánh tại Mỹ khi vỡ đã ảnh hưởng đến hàng triệu gia đình; hay mức độ lường gạt của công ty Enron và cá nhân Madoff lên đến hàng chục tỷ Mỹ-Kim thì các khoảng tham nhủng hối lộ tại nước nào khác cũng khó qua mặt. Nhiều người đã chờ đợi quả bóng kinh tế Trung Quốc nổ suốt 30 năm nay, vậy mà nền kinh tế của họ vẫn tăng trưởng đều đặn qua 3 kỳ khủng hoảng 1997 ở Đông Nam Á, 2001 bóng công nghệ tin học và 2007-08 tài chánh địa ốc tại Hoa Kỳ. Dù vậy trong khi nước Mỹ đang ở quá trình tự chuyển hoá, thì tình trạng trì trệ và lạm dụng tại Trung Quốc chỉ dự phóng mà chưa được mang ra ánh sáng. Có lẻ chúng ta phải đợi đến khi nền kinh tế của Trung Quốc rơi vào một cuộc khủng hoảng từ các nguyên nhân nội tại thì mới tìm ra câu trả lời.
No comments:
Post a Comment