Thursday, January 8, 2009

Khủng hoảng kinh tế: biện pháp cứu vãn

Câu hỏi đặt ra là tại sao các biện pháp cứu vãn cho đến giờ này không hữu hiệu? Hai khoảng tiền khổng lồ bơm vào nền kinh tế gồm 150 tỷ trả cho dân chúng hồi tháng 01-2008, và 350 tỷ vào hệ thống ngân hàng từ tháng 09-2008 đã đi về đâu?

Tổng số nợ xấu địa ốc ước lượng chừng 5% GDP tức là hơn 650 tỷ. Tổng số tiền Quốc Hội chuẩn chi là 850 tỷ (150 tỷ vào 1-2008,  700 tỷ vào 9-2008) tại sao không thanh toán hết nợ xấu mà các chỉ số kinh tế cứ tiếp tục sụt giảm, và tân chính quyền Obama phải xin thêm một ngân khoảng cứu cấp phụ trội đến 800 tỷ?

Câu trả lời là thái độc của dân Mỹ hồi tháng Giêng cũng giống như các ngân hàng Hoa Kỳ vào tháng 10: bội chi quá cao nên khi nhận tiền thì lo thủ mà không dám tiêu xài, nên tiền bơm vào chỉ nằm một chổ mà không luân chuyển để giúp nền kinh tế phục hồi.

Ngân hàng Hoa Kỳ từ nhiều năm nay không những cho nợ địa ốc mà còn thêm hai hình thức cho vay bừa bãi: thẻ tín dụng tức là các credit cards, và tái cho vay các món nợ địa ốc (refinance - người viết sẽ giải thích vụ này cho những người không ở Hoa Kỳ trong đoạn kế). Dân Mỹ dù lương không tăng, việc làm khó kiếm mà vẫn tiêu xài thẳng tay dùng thẻ tín dụng để tậu xe, tivi,và khi cần thì cứ rút tiền từ con gà đẻ trứng vàng là giá trị nhà ốc tăng đều mỗi năm!

Việc tái cho vay các món nợ địa ốc rất phổ thông từ năm 2001-2007. Giả dụ tháng 3/2001 mua căn nhà 150 ngàn với lải xuất 8% trả $1100/tháng; đến 7/2003 trị giá nhà tăng lên 200 ngàn, lải xuất xuống còn 4% trả $954/tháng nên ai nấy cũng tái thế chấp, kết quả vừa có 50 ngàn tiền mặt mà mỗi tháng lại thêm $146 bỏ túi. Trung bình một gia đình tái thế chấp như vậy từ 1 đến 2 lần từ năm 2001 đến nay, nhất là ở các tiểu bang giá nhà lên như California, Florida, Nevada, Arizona và xung quanh hai thành phố New York và Washington DC.

Mọi chuyện êm đẹp vì dân chúng dùng căn nhà giống như con gà đẻ trứng vàng để tiêu xài, giúp nền kinh tế lên; hai khu vực xây cất nhà cửa và tín dụng địa ốc lại sôi nổi tạo công ăn việc làm bù đắp cho các công nghệ sản xuất chạy ra nước ngoài nhất là sang Đông Á và Trung Quốc. Vì vậy mà có tình trạng kinh tế liên tục phát triễn nhưng mức lương không tăng mà dân chúng nơm nớp lo mất việc.

Khi người Mỹ gọi là “the party is over”, tạm dịch là ngày vui đã qua: các món nợ xấu làm ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường địa ốc, giá nhà xuống đều ở khắp nơi. Ngay cả những căn không thuộc diện nợ xấu, giá trị nay xuống 175 ngàn trong lúc nợ gần 200 ngàn nên ai nấy chán ngán (lấy theo thí dụ bên trên). Cọng theo đó là nợ xe, nợ ti-vi v.v… réo đòi trong lúc công ăn việc làm trở nên bấp bênh.
                                                                                                        
Dân Mỹ không có khả năng trả nợ thì các ngân hàng lo sợ, nên khi được nhà nước bơm 350 tỷ từ tháng 10/2008 và lại sắp có thêm đợt 2 gồm 350 tỷ khi Obama nhậm chức, vậy mà không dám cho vay nợ mới. Tiền bạc không lưu chuyển như máu huyết không chạy đến các bộ phận còn lại nên cơ thể bị tê liệt, toàn bộ nền kinh tế đến hồi nguy kịch. Khủng hoảng kinh tế giờ này không còn chỉ ở niềm tin mà còn vào sổ sách thanh khoảng chênh lệch không rỏ ràng.

Nếu ai có thắc mắc các con số khổng lồ từ đâu ra thì có những trùng hợp rất “tình cờ”: 700 tỷ của Bush xin vào 09/2008 ngang hàng với số nợ xấu địa ốc 5% GDP; 800 tỷ do Obama vận động tương đương với tổng số nợ tín dụng của dân Mỹ. Một cách nhìn là chính phủ Mỹ tung tiền để mua lại toàn bộ các khoảng nợ địa ốc và tín dụng nhằm trấn an ngân hàng và phục hồi nền kinh tế. Nhưng nợ không biến mất mà chỉ chuyền tay từ khu vực tư sang công, kết quả là Hoa Kỳ sẽ thiếu khoảng 1200 tỷ Mỹ kim tổng cộng. Về lâu dài nhà nước chỉ có hai cách để trang trải, một là cắt giảm chi tiêu, hai là tăng thuế, với hy vọng các khoảng đầu tư sẽ tạo ra công ăn việc làm mà không chạy ra nước ngoài!

No comments:

Post a Comment