Tuesday, February 24, 2009

Khủng hoảng kinh tế: câu chuyện sau gói kích cầu 787 tỷ của Mỹ

Dự trù ngày thứ ba tuần này tổng thống Hoa Kỳ Obama sẽ ký thông qua gói kích cầu khổng lồ 787 tỷ Mỹ kim. Đây là biện pháp khẩn cấp bơm tiền để hồi sinh nền kinh tế nhưng sẽ mang lại những hệ luỵ lâu dài mà xả hội Mỹ phải giải quyết trong nhiều năm tới.

Người viết có thể xác định ngay từ bây giờ là việc quản lý và chi tiêu gói kích cầu trong vòng 2 năm tới sẽ quyết định cho hình ảnh của nhiệm kỳ Obama, tương tự như chiến tranh Việt Nam gắn liền với chính phủ Johnson, Iraq với Bush. Dân chúng, thị trường đầu tư và báo giới sẽ soi mói liệu tiền có bơm vào đủ nhanh mà lại không bị phí phạm để thúc đẩy nền kinh tế; liệu sẽ mang lại 2, 3 hay 4 triệu việc làm trong bao lâu? Câu trả lời sẽ giúp cho đảng Dân Chủ hay Cộng Hoà nắm đa số của Quốc Hội trong lần bầu cử vào năm 2010.

Nhưng ngay sau khi có kế hoạch để tiêu xài số tiền 787 tỷ , toà nhà trắng sẽ phải chú tâm giải quyết 3 vấn đề nghiêm trọng kế tiếp: ngoại thương, lạm phát và thiếu hụt ngân sách.

Ngoại thương, hay nói thẳng ra là bảo hộ mậu dịch, nhằm mục đích giữ tạo và giữ công ăn việc làm ở lại Hoa Kỳ mà không mất ra nước ngoài nhất là sang Đông-Á và Trung Quốc. Trong gần 20 năm sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt và các hàng rào mậu dịch được phá bỏ nền kinh tế Hoa Kỳ và thế giới phát triễn ngoạn mục nhờ vào hai khuynh hướng:

1. Sản xuất chuyển từ Âu-Mỹ sang các khu vực nhân công rẻ để hạ thấp giá thành, nâng cao đời sống dân chúng mà không bị áp lực tiền mất giá, tức là lạm phát;

2. Tiền bạc thặng dư tạo ra từ khâu sản xuất tại Á Châu lại ký thác ngược vào hệ thống tài chánh công và tư của Tây Phương - vốn được xem là nơi an toàn và bảo đảm (!).

Tiền vào Mỹ dùng trong hai việc:

A.     Chi phí quốc phòng để Hoa Kỳ giữ an ninh cho mậu dịch toàn cầu, nhất là tại các điểm “nóng” ở Trung Đông và Đông-Bắc Á.

B.     Cung cấp tín dụng dồi dào cho dân Mỹ tiêu thụ hàng hoá sản xuất tại Đông-Á. Nhờ vậy hai thị trường tài chánh và địa ốc “bốc hoả” tạo ra công ăn việc làm bù đắp cho các mất mát trong khu vực sản xuất. Nói chung bên nào cũng có lợi trong hoàn cảnh mậu dịch tự do.

Nhưng đến năm 2007 các chênh lệch trong cách thức dàn xếp đó bắt đầu hiện rỏ:

i. Thế giới lo ngại về khả năng lảnh đạo của Hoa Kỳ vì tốn 1 ngàn tỷ, phạm nhiều sai lầm mà vẫn không giải quyết các vấn đề với Hồi Giáo (Iraq, Iran, Do Thái-Palestine, Pakistan, Afghanistan) và Bắc Hàn. Hai cường quốc quân sự là Trung Quốc và Nga lại phát triễn kinh tế nên không còn muốn Hoa Kỳ độc quyền về an ninh như trước (ghi chú 1).

ii. Tiền của không do mình làm ra, lại được cho vay mượn rộng rải nên dễ dàng lạm dụng dẫn đến tình trạng quả bóng kinh tế và tài chánh thổi phồng cho đến khi vỡ tung tạo cuộc khủng hoảng kinh tế hiện giờ.

Kết quả là 20 năm sau chiến tranh lạnh Hoa Kỳ bị thất lợi về 3 phương diện: kinh tế không tạo công ăn việc làm lâu dài trong lãnh vực sản xuất (ghi chú 2); ngoại giao không thể đơn phương giả quyết các tranh chấp thế giới; tài chánh công quỹ ngập nợ, hệ thống ngân hàng Anh-Mỹ  vốn là nền tảng của tư bản Tây-Phương lại khốn đốn cần chỉnh đốn gấp. Cả ba đều có ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh và chính sách của Mỹ toàn cầu.

Trở lại vấn đề tự do mậu dịch: dân Mỹ biết 787 tỷ Mỹ kim mang lại công ăn việc làm nhưng chỉ sau 2 năm là hết, nên sẽ kiểm soát chi tiêu. Thị trường tiêu thụ hẹp lại, Trung Quốc và các nước Đông-Á (trong đó có Việt Nam, Thái Lan, v.v…) hạ giá đồng bạc để giảm giá xuất cảng và tạo công ăn việc làm trong nước (ghi chú 3). Điều này lại khiến Hoa Kỳ và Tây-Âu tiếp tục mất công ăn việc làm trong sản xuất mà không có gì bù đắp những mất mác trong lãnh vực tài chánh và địa ốc. Thị trường hối đoái sẽ phải là mặt trận chính của Obama sau khi phê chuẩn gói kích cầu, và có thể dẫn đến các biện pháp trả đủa qua rào cảng mậu dịch - tầm quan trọng của vấn đề này có thể được ví như khởi đầu của Thế Chiến thứ Tư, vì hậu quả sẽ khuynh đảo nhiều chính quyền và hệ thống xả hội tại Hoa Kỳ, Trung Quốc, Tây-Âu, Nhật Bản và những nước khác.

Hoa Kỳ bỏ 1639 tỷ để cứu vãn kinh tế gồm 152 tỷ giảm thuế 02/2008, 700 tỷ vào hệ thống ngân hàng 10/2008, 787 tỷ kích cầu 3/2008 - một phần trong số này sẻ thu hồi khi giá trị cổ phiếu của các ngân hàng tăng lại. Nhưng hiện tại thì nhà nước Mỹ thiếu nợ 10 ngàn tỷ đô la, dẫn đến tình trạng tiền bạc khan hiếm nhất là khi các nền kinh tế lớn cũng bỏ ra những biện pháp kích cầu tương tợ: Trung Quốc 586 tỷ, Nhật Bản 500 tỷ, khối Âu Châu 257 tỷ và còn sẽ tăng nhiều hơn nửa… Kết quả là khi các nền kinh tế bắt đầu phục hồi thì tiền bạc lại khan hiếm dẫn đến tình trạng lạm phát phi mã toàn cầu – có những dự trù riêng tại Mỹ lải xuất cho vay mua nhà sẽ nhảy vọt từ 5% đầu năm 2009 lên trên 10% vào năm 2011-12.

Cuối cùng là nước Mỹ phải tăng thuế hay giảm chi để trả nợ. Hai biện pháp này nếu thực hiện quá sớm sẽ hoá giải hiệu quả của các gói kích cầu nên có lẻ sẽ xảy ra sau năm 2011. Khi đó ông Obama sẽ cần trổ hết tài năng lãnh đạo và thuyết phục vì đàng nào cũng đều làm mất lòng: dân chúng và nhất là giới tư bản không muốn bị tăng thuế, nhưng đồng thời không ai muốn thấy cắt giảm các lợi ít công cọng như bảo hiểm sức khoẻ, bảo hiểm xả hội và hưu bổng.

Để kết luận cho một đề tài mở rộng như vậy nên người viết xin kể lại cách nhìn của dân chúng về nền kinh tế: một người đi đường chợt té xỉu; người bên cạnh chạy đến bơm vài hơi hô hấp rồi … moi bóp lấy tiền rồi bỏ chạy! Người té xỉu là nền kinh tế đang hồi nguy ngập. Kẻ bất lương chính là khuynh hướng bè phái trong chính quyền và quốc hội lợi dụng gói kích cầu để chi tiêu cho những mục tiêu không giúp đỡ trực tiếp cho nền kinh tế hồi phục.


Ghi chú:

  1. So sánh với thập niên 1980 khi Nhật Bản dù cạnh tranh kinh tế nhưng không hề có ý muốn thoát khỏi bao che về quân sự của Hoa Kỳ. Trái lại Trung Quốc và Nga nếu không là đối thủ thì ít nhất cũng muốn ngang hàng với Mỹ trên kinh tế, chính trị và quân sự.
  2. Kể từ thập niên 90 nền kinh tế Mỹ đã đẻ ra các công ty hàng đầu thế giới như Microsoft, Google, Dell, Apple, Walmart, Starbuck, nhưng đồng thời lại không tạo công ăn làm mới cho những người mất việc trong hãng xe, sắt thép, và ngay cả trong ngành điện toán khi công việc chuyển ra nước ngoài.
  3. Kinh tế tăng trưởng 6% mỗi năm là con số tối thiểu do Bắc Kinh đưa ra, và nhiều người mặc nhiên công nhận mà không thắc mắc, để tạo công ăn việc làm và xã hội không bị xáo trộn. Tuy nhiên theo người viết nhận định thì tình trạng bất ổn tại Trung Quốc là vì hai lý do khác. Thứ nhất 300 triệu người gần duyên hải hưởng lợi trong lúc 700 triệu trong lục địa vẫn nghèo khó, nên dân chúng đổ dồn vào các thành phố lớn và dễ dàng tạo ra bất an khi thất nghiệp gia tăng. Thứ nhì là tình trạng chênh lệch giàu nghèo ngày càng sâu. Nếu giải quyết được hai tệ trạng này thì mức sống dân chúng sẽ tăng trưởng đồng đều, và nền kinh tế có thể duy trì ở mức 3-5% mà không tạo khó khăn cho Âu-Mỹ.

No comments:

Post a Comment