Saturday, January 3, 2009

Khủng hoảng kinh tế 2008 và những nguyên nhân chính trị

Có nhiều giải thích được đưa ra về tình trạng khủng hoảng tài chánh, nhưng một lý do ít được nhắc đến là sự thiếu cân bằng về chính trị trên thế giới. Đây là một tiến trình khá phức tạp gồm nhiều bước:

  1. Hàng hoá sản xuất từ Đông-Á, cùng với nhu cầu tiêu thụ dầu hoả tăng nhanh khiến các nước chủ yếu là Trung Quốc và Trung Đông tích tụ một số ngoại tệ khổng lồ nằm trong tay nhà nước và các tập đoàn.

  1. Số tiền thặng dư này quá lớn và phải tìm nơi an toàn để đậu, và mãi cho đến 6 tháng trước đây không cho chổ nào khác hơn là gởi vào ngân hàng Âu-Mỹ vốn được thế giới tin tưởng là những định chế vững chải.

  1. Tiền ào ạt đổ vào Hoa Kỳ dùng trong nhiều việc: cung cấp tín dụng dễ dãi để dân Mỹ mượn nợ với lãi xuất thấp tiêu xài thoải mái (vì nếu hàng hoá Trung Quốc và dầu hoả Trung Đông thiếu người tiêu thụ thì sẽ bị thặng dư); gián tiếp trang trải cho cuộc chiến tại Iraq (vì các nước trên thế giới kể cả Trung Quốc và Trung Đông vẫn lệ thuộc vào chiếc dù quân sự của Mỹ bảo đảm cho các hành lang nguyên vật liệu và mậu dịch toàn cầu).

  1. Hai khía cạnh đầu nhằm bảo vệ ổn định và thị trường; mục tiêu còn lại là phải sinh lời. Đầu tư vào công nghệ tại Hoa Kỳ không lợi nhuận được so với vùng Đông Á vì giá nhân công cao và các luật lệ chặc chẻ về an toàn & môi trường, nên chỉ còn một hướng là địa ốc vì đất đai của Mỹ nhiều và giá hạ (so với Tokyo - Thượng Hải - Bắc Kinh – Hà Nội – Sài Gòn) và nhân công ngành xây dựng rẻ (nhờ vào di dân bất hợp pháp).

  1. Dân Mỹ thiếu nợ nhiều, ngành công nghiệp và sản xuất tại Hoa Kỳ lại không tạo đủ công ăn việc làm cho người mua nhà nên hệ thống ngân hàng và đầu tư tại Mỹ mở ra những sáng kiến “khuấy nước lã thành hồ” bán nhà đất cho cả những người không đủ tiền mua, bơm giá và tạo nên một trái bóng khổng lồ trên thị trường địa ốc.

  1. Kinh tế Hoa Kỳ  phát triễn hơn 6 năm (2001-2007), nhưng đến năm 2008 sự mất thăng bằng trở thành hiển nhiên là dân Mỹ không gánh nổi nợ, nên bị mất nhà; giá nhà xuống thấp, ngân hàng lỗ lã vì nợ không thanh toán; các thủ đoạn “khuấy nước lã thành hồ” lúc trước lại chằng chịt nên không ai biết rỏ lỗ bao nhiêu khiến giữa các ngân hàng cũng không còn tin tưởng cho vay mượn lẩn nhau. Tiền bạc lưu thông dễ dàng trong khung cảnh toàn cầu hoá nên các ngân hàng Âu Châu cũng bị liên đới thiệt hại nặng. Những nguồn tiền từ Đông-Á và Trung Đông không còn chổ chảy vì mất niềm tin vào thị trường Âu-Mỹ: hậu quả là từ khủng hoảng địa ốc dẫn đến khủng hoảng tài chánh, và nguy cơ khủng hoảng tín dụng – tín dụng không gì khác hơn chính là niềm tin. Các chính phủ Âu-Mỹ phải vội vả nhảy vào bơm tiền để cứu vãn và tạo lại niềm tin là tiền bạc trong hệ thống ngân hàng Âu-Mỹ vẫn được bảo đảm, thì mới hy vọng mọi người trở lại đầu tư mua sắm.

Tình hình chưa lắng đọng để có rút tỉa những bài học, tuy nhiên có những điểm nổi bật đáng chú ý:

    1. Từng bước từ 1 đến 5 xét riêng lẻ không phải là vô lý: chẳng hạn như tiền dư gởi vào ngân hàng Âu-Mỹ vẫn đáng tin hơn gởi cho Trung Quốc Ấn Độ Nga Brazil v.v…; hay khi giá nhà đang lên thì nếu nợ không trả và nhà bị tịch thu thì ngân hàng vẫn lời vì trị giá tài sản tăng. Chỉ khi nhìn toàn bộ, tức là ngó kính chiếu hậu (20/20 hindsight), mới thấy đây là một chuổi dẫn đến khủng hoảng bắt đầu từ hai căn bản chính: Hoa Kỳ tiêu thụ hàng hoá và nguyên liệu nhiều hơn khả năng sản xuất nên nợ ngày càng nhiều; ngược lại các nước Đông Á và Trung Đông tuy tích tụ nhiều tài sản nhưng lại không tạo nên các định chế tài chánh ổn định mà phải đem tiền của gởi ra nước ngoài.

    1. Chỉ 1 năm trước đây không một ai - kể cả các nhà hoạch định chính sách và chuyên viên kinh tế thượng thặng – tiên liệu được ảnh hưởng dây chuyền, gián tiếp và phức tạp từ thị trường địa ốc -> tài chánh -> tín dụng.

    1. Nhưng mặc dù không ai đánh giá được tầm sâu rộng của khủng hoảng thì mọi người - từ nhà kinh tế cho đến người đầu tư cho đến thường dân - đều biết trước sẽ có một cú vỡ bong bóng trên thị trường địa ốc ngay từ những năm 2002 khi giá cả tăng vọt “phi lý”. Những người thận trọng nhảy ra sớm thì lại thua lỗ liên tục trong 5 năm 2002-2007, cho đến lúc lòng tham che mắt, lý luận bị lung lạc thì khi đó quả bóng mới vỡ.

    1. Trong một nước dân cử thì không một nhà lãnh đạo nào dám có những biện pháp kềm chế thị trường và ngăn dân chúng thụ hưỡng phúc lợi khi giá nhà và chứng khoán tăng vọt, nhất là khi tăng trưởng kéo dài liên tục trong 7 năm, nếu không họ sẽ bị đánh rơi ngay trong lần bầu cử kế tiếp.

    1. Riêng tại Mỹ trong 7 năm vừa qua tốn kém quá nhiều trong chiến tranh Iraq và nợ nần chồng chất, nên ngay khi quả bóng đang phồng đẩy kinh tế đi lên thì cả hành pháp lẫn lập pháp không thể nào dám đưa những biện pháp kềm chế phát triễn vì sẽ bị dân chúng và cánh đối lập chống đối.

(Vì thế nhiều người vẫn tin rằng một đấng minh quân, hay nói nôm na là độc tài sáng suốt, có điều kiện lèo lái quốc gia giỏi hơn nhà nước dân chủ; nhưng giữa độc tài thương dân hay ngu xuẩn, tham quyền là do may rủi chớ không ai có quyền chọn lựa, nên rồi rốt cục dân chủ cho dù không toàn hảo nhưng về đường dài vẫn tốt hơn các thể chế khác).

    1. Khi quả bóng nổ thì các chính trị gia lại trách móc lẫn nhau để lấy phiếu, cho dù trước đó họ cũng chẳng tiên liệu xa hơn ai, mà cho dù có tiên liệu cũng không dám có biện pháp quá sớm.

    1. Cuộc khủng hoảng lần nầy càng làm nổi bật tính liên đới giữa các nền kinh tế trong hoàn cảnh toàn cầu hoá.

Cuộc khủng hoảng năm 2008 sẽ có những hệ luỵ sâu xắc đến cán cân chính trị và kinh tế toàn cầu, đây sẽ là chủ đề cho bài sắp tới.

No comments:

Post a Comment