Sunday, January 4, 2009

Khủng hoảng kinh tế và niềm tin

Cuộc khủng hoảng kinh tế lan dần từ Hoa Kỳ đến Âu-Á bắt đầu từ địa ốc, lan đến tài chánh ngân hàng, sang  tín dụng và hiện đang có khả năng dẫn đến nạn thất nghiệp trầm trọng và tình trạng suy thoái.

Điều khiến người ta ngạc nhiên và hoảng hốt vì những định chế lâu đời và nổi tiếng như ngân hàng Swiss Bank và UBS (Thụy Sĩ), Lehman Brothers và Meryll Lynch (Hoa Kỳ), hảng bảo hiểm  quốc tế IMG chỉ trong khoảng thời gian không đầy 2 tháng bị lâm vào tình trạng phá sản hay phải xin nhà nước cấp cứu. Công ty địa ốc khổng lồ Fannie Mae và Freddie Mac phải được quốc hữu hoá với giá trị cổ phiếu rơi xuống gần con số không - trước đây tiền đầu tư vào hai công ty rất an toàn chỉ kém mua công khố phiếu của chính phủ Hoa Kỳ. Đó là chưa kể một loạt các ngân hàng và công ty bảo hiểm ít nổi tiếng nhưng không kém phần quan trọng của Mỹ- Pháp-Anh-Nhật đồng rơi vào hoàn cảnh nguy kịch.

(Trường hợp của ngân hàng Thụy Sĩ UBS cho chúng ta thấy tại sao có tâm lý hốt hoảng: tiền ký gởi tổng cộng là 2 ngàn tỷ đô-la, so với GDP của Thụy Sĩ là 500 tỷ - nếu ngân hàng khánh tận thì nhà nước Thụy Sĩ cũng bó tay! Quỹ hưu bổng 401K trong công ty của chính người viết được quản lý bởi UBS)

Tài chánh là huyết mạch của tư bản. Đầu tư và mậu dịch dựa trên tổ chức ngân hàng,nên  khi tiền tệ không còn lưu chuyển điều hoà thì mọi sinh hoạt kinh tế sẽ bị đình trệ tức thời.

Ở Việt Nam làm ăn nhỏ lẻ hay mức trung bình khó mà thấy tầm quan trọng của ngân hàng, vì thông lệ buôn bán trao đổi bằng tiền mặt hay vàng hay cho thiếu nợ để trả dần. Không qua ngân hàng thêm cái lợi là chi thu không cần sổ sách minh bạch nên dễ trốn thuế! Tuy vậy nhưng nhà buôn vẫn có cái lo canh cánh là nợ bị giựt hay trả trễ. hi doanh nghiệp phát triễn và chủ nhân không còn thời giờ đi dòi nợ; hoặc buôn bán ra những vùng xa không thể nào quen biết thân chủ để đánh giá đáng tin cậy hay không; hay lương nhân viên, tiền trả nhà đất và vật liệu không thể tuỳ thuộc vào con số thu lên xuống bất thường; khi đó mới cần đến các ngân hàng quốc gia hay quốc tế.

Công việc của ngân hàng là (1) giữ ký thác để người bán yên tâm vì người mua có tiền trong trương mục; (2) dựa vào quá trình làm ăn của thân chủ để cung cấp một khoảng tín dụng, khi khách đặt hàng thì mượn tín dụng để trả trước, sau đó mới thanh toán với ngân hàng (3) cho khách hàng tốt đáng tin vai nợ làm ăn hay mua nhà xe v.v….

Vì thế vai trò của ngân hàng vừa trung gian lẫn trung tâm của hệ thống tư bản: ngân hàng đã sạn lọc khả năng tài chánh của khách hàng nên nhà sản xuất không còn phải lo điều tra từng thân chủ  mà dành thời giờ để phát triễn doanh nghiệp của mình; tiền bạc lại do ngân hàng trả nên thu nhập không bị chậm trễ đến lương nhân viên, tiền cơ sở và vật liệu. Kinh tế ở cấp độ quốc gia và toàn cầu cần vào hệ thống ngân hàng để sinh hoạt lành mạnh, trái với ở mức địa phương khi người mua kẻ bán biết mặt nhau thì chưa cần đến ngân hàng.

Để đóng trọn vai trò của mình thì toàn bộ hệ thống tài chánh phải tạo được niềm tin: nhà nước không thể bất ngờ đổi tiền để dân chúng trong tay chỉ còn mớ giấy lộn (!); tiền ký thác cũng không thể bị tịch thu như đánh tư sản, nếu không ai nấy mua vàng dấu thì chắc ăn hơn; ngân hàng phải làm ăn cẩn trọng để không bị phá sản hay thiếu khả năng thanh toán tài khoảng cho thân chủ

Trong gần 200 năm Âu và Mỹ là trung tâm của hệ thống đế quốc đến thực dân đến tư bản, và đã tạo được niềm tin vào cả ba lãnh vực trên. Cho đến nay cả thế giới vẫn còn tin vào sự ổn định của chính quyền Hoa Kỳ để bảo đảm giá trị của đồng đô-la (bên cạnh tiền Euro cũng đang tạo uy thế); nên mậu dịch quốc tế và trử lượng ngoại tệ đều bằng đồng đô-la. Luật pháp về quyền sở hữu minh bạch và được tôn trọng – trên phương diện tài chánh, có nghĩa  tiền ký thác không bị nhà nước tịch thu. Và cuối cùng, niềm tin – cho đến năm 2008 – là các ngân hàng lớn Âu Mỹ là những công ty lâu đời đáng tin cậy để gởi tiền.

Viết cho dễ hiểu, nếu ở Việt Nam hay Tàu mà quá nhiều tiền thì kiếm cách gởi ra ngân hàng hay đầu tư, mua tài sản Âu-Mỹ, vì nếu chỉ giữ trong nội địa thì lo có ngày bị nhà nước chỉnh lý, nhưng ký thác cho Mã Lai Brazil thì lại không tin! Về phần các chính quyền như Trung Quốc Nhật Bản Saudi Arabia Kuwait  khi thặng dư thì mua công khố phiếu Hoa Kỳ cho dù có là đối thủ kinh tế chính trị, còn hơn là gởi cho Nga Iran chẳng khác gì giao trứng cho ác!

Đây là những phản ảnh đơn giản nhưng chính xác cho hiện tượng đồng đô-la tăng giá trong khi hệ thống tài chánh Mỹ bị điêu đứng: khi thế giới đứng trước khủng hoảng thì không còn nơi nào đáng tin ngoài sự bảo đảm của chính phủ Mỹ, khiến giá trị đô-la gia tăng.

Làn sóng toàn cầu hoá khiến tiền lưu thông nhanh chóng. Tiền ví như nước gặp chổ nghẽn thì lại chảy qua hướng khác, bằng đọng lại cũng giống như nước ao tù.Trung Quốc, Nam Hàn sản xuất hàng hoá làm tiền ra quá nhanh, ở trong nước không còn trữ lượng kịp nên phải chạy ra Âu-Mỹ; các nền kinh tế đang phát triễn này cần thị trường tiêu thụ, nên phải cho dân Mỹ vay mượn để mua hàng của mình! Tiền lại phải đẻ ra tiền: đổ vào Hoa Kỳ một số đi vào sản xuất, số lớn lại dồn vào địa ốc nhất là sau khi quả bóng công nghiệp điện toán bị vỡ năm 2001. Tình trạng này lại tạo ra một quả bóng mới về đất đai nhà cửa, đến khi nổ thì ảnh hưởng lại bắt đầu lan về các nguồn tiền gốc ở Á-Châu và Trung Đông. Cũng cần phải nhớ là giá nhà tăng phi mã trong 6 năm qua không phải chỉ ở Hoa Kỳ, mà còn tại các thành phố lớn Âu-Á, và nhất là thập bội bên Trung Quốc và Việt Nam, nên tác động dây chuyền rất khó lường được.

Đây là lý do từ khủng hoảng địa ốc dẫn đến tín dụng – và sư khan hiếm niềm tin: chính các ngân hàng cũng không biết họ thua lổ bao nhiêu. Trước đây tiền vay mua nhà chỉ giữa nhà băng và khách hàng ; nay nhiều món nợ gói ghém tập trung vào các thanh khoảng lớn (derivates) để bán vào các quỹ đầu tư, mà thân chủ  có thể là các hãng bảo hiểm, quỹ lương bổng hưu trí (IRA hay 401K), hay tư nhân-tập đoàn và chính quyền ngoại quốc. Mối tương quan chằng chịt không rỏ ai là chủ nợ ai thiếu nợ, nhà đầu tư không dám bỏ tiền vào,  các ngân hàng hốt hoảng không cho vay dẫn đến tình trạng tiền không chạy như nước đọng ao tù. Công ty, cửa hàng nhỏ lớn bị kẹt tài khoảng thanh toán không dám mua bán, cắt giảm nhân viên tạo ra tình trạng thất nghiệp.

Nhưng trầm trọng hơn cả khủng hoảng tín dụng là mất niềm tin. Huyết mạch của tư bản là hệ thống ngân hàng, và ngân hàng từ trước đến nay được xem là các định chế có giám sát chặc chẽ và làm ăn thận trọng. Đến nay đổ vỡ ra là các ngân hàng đầu tư lớn và uy tín nổi tiếng thế giới (cùng các hãng bảo hiểm) lại cũng lao đầu vào quả bóng địa ốc và các đầu tư không ai hiểu, kết quả là sổ sách lỗ lả bao nhiêu chính các ngân hàng cũng không biết và phải được chính phủ cấp cứu. Số tiền thua lổ ảnh hưởng đến các quỹ hưu trí (IRA, 401K) và đe doạ cả những trương mục tiết kiệm của dân chúng. Nhưng nếu dân chúng Âu Mỹ lo ngại thì các nhà nước và tài phiệt ở Trung Quốc Trung Đông Nga lại hốt hoảng, vì tiền dư bây giờ không biết gởi vào đâu: trước nay tin vào các ngân hàng đầu tư, thị trường chứng khoáng và địa ốc Âu-Mỹ thì bây giờ lổ nặng, nhưng ngoài ra không biết bỏ chổ nào, đây là lý do khiến thị trường chứng khoáng trồi sụt khủng khiếp vì các tay đại tài phiệt chưa quyết định được hướng đi.

Hệ thống tài chánh quốc tế lung lay vì gãy một trong ba chân vạc niềm tin nói ở phần trên. Ngân hàng không cẩn trọng khi đầu tư tiền của thân chủ, và không xem xét kỷ lưỡng khi cung cấp tín dụng cho người đi vay. Khi các chính quyền Âu Mỹ Nhật tung tiền hồi sinh hệ thống ngân hàng thì giới đầu tư mới phần nào tin tưởng là tiền thác gởi có thể bị thua lổ nhưng không đến nổi bị mất sạch. Nhưng rồi xét lại thì Hoa Kỳ mang thêm nợ quá nhiều thì sau này hoặc phải tăng thuê’ hay thắt lưng buộc bụng, tức kinh tế sẽ giảm hay không tăng trưởng, vì vậy mà thị trường chứng khoáng lên xuống trồi xụt bất thường vì giới đầu tư chưa quyết định là nên rút hay không.

Nghịch lý cuối cùng là mặc dù các ngân hàng Âu-Mỹ đánh mất uy tín nhưng tiền của thế giới không có chổ thay thế để gởi vào, vì không ai dám tin vào ngân hàng và cả chính quyền như Trung Quốc Trung Đông. Thế giới đang trải qua một tình trạng bất thăng bằng là thặng dư tiền của mà lại thiếu thốn niềm tin. Cho đến ngày nào mà các cường quốc mới về kinh tế như Trung Quốc Ấn Độ Brazil Nga có nền chính trị ổn định và minh bạch thì vai trò tài chánh không thể thay thế Âu-Mỹ, cho dù sản xuất và giao thương có hơn nhiều đi chăng nửa.

Để kết luận phần này người viết xin đưa ra vài nhận xét về tác động của khủng hoảng kinh tế lên chiều hướng thế giới trong thế kỷ thứ 21:

  1. Sự kiện đồng đô-la lên giá trong khi hệ thống ngân hàng Mỹ bị điêu đứng cho thấy đến giờ này chính quyền Hoa Kỳ vẫn là chổ dựa cuối cùng của toàn bộ hệ thống tư bản trong đó gồm cả Trung Quốc Nga và Trung Đông. Mặc dù Á Châu phát triễn mạnh về sản xuất nhưng cho đến khi các nước trong vùng, nhất là Trung Quốc, có những định chế chính trị và xã hội ổn định thì không ai dám ký thác tiền của – và ít nhất đến thế kỷ 22 việc này mới có thể xảy ra.

  1. Dù vậy, cuộc khủng hoảng làm tổn hại rất nặng đến uy tín của hệ thống tài chánh Âu-Mỹ: về phương diện lý thuyết, nền kinh tế thị trường thả nổi không tự điều tiết mà phải có sự can thiệp của chính quyền (nói nôm na, hám lợi ngắn hạn mà quên cái hại lâu dài), nhưng trong thực tế rất khó bảo đảm vai trò của nhà nước trong dài hạn không lạm quyền và bóp chẹt sáng kiến kinh tế. Về thực tế, Hoa Kỳ sẽ cần một thời gian dài để chỉnh đốn và hồi phục, nên ít có điều kiện can thiệp ra nước ngoài.

  1. Năm 1998 khi Đông Á bị khủng hoảng thì Hoa Kỳ gián tiếp qua IMF và World Bank có biện pháp giúp đỡ kèm với các điều kiện khắt khe ràng buộc giảm phung phí, điều này trực tiếp làm sụp đổ các nhà độc tài và dẫn đến các chính quyền dân chủ tại Đài Loan, Nam Hàn và Nam Dương. Sau năm 2008 Mỹ chẳng những mất uy tín mà khả năng giúp đỡ giảm sút rất nhiều; nếu Trung Quốc không rơi vào khủng hoảng thì họ có điều kiện dùng mậu dịch và trữ lượng ngoại tệ khổng lồ để nâng đỡ các nước nhỏ, và dĩ nhiên qua đó cũng cố các thế lực thân Trung Quốc. Một giải pháp có thể xảy ra là nếu trước đây IMF ra điều kiện giải tán các cơ quan quốc doanh (tức là giảm sự kiểm soát của chính quyền độc tài) thì Bắc Kinh có thể cứu giúp các công ty này (để giữ công ăn việc làm, và nâng uy tín cho cánh thân Trung Quốc).

Một sự kiện trong tháng 10/2008 là việc 13 nước Đông Á cùng Trung Quốc Nhật Bản thành lập một Quỹ Tương Trợ với số vốn ban đầu là 83 tỷ Mỹ Kim. Cho dù chưa thay thế được IMF và World Bank, và tác dụng có thể bị giới hạn bởi quyền lợi tương phản của ba nước lớn, nhưng việc này đánh dấu một bước của Á Châu muốn độc lập ra ngoài sự kiểm soát về tài chánh của Âu Mỹ từ suốt 200 năm.

  1. Cuối cùng là tác động lên các phong trào dân chủ. Một điểm ít được nói đến là thị trường Hoa Kỳ đã mỡ cánh cửa tiêu thụ cho Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, rồi sau đó cùng với Tây Âu giúp cho Đông Đức Ba Lan Tiệp Khắc. Các nền kinh tế trổi dậy dẫn đến sự thành hình của giới trung lưu, và một con số phỏng định cho thấy khi lợi tức đầu người lên đến khoảng 4 ngàn đô-la thì lực lượng sản xuất và doanh nghiệp sẽ đòi hỏi luật pháp ổn định và dân chủ.

Đó là quá khứ. Trong những năm tới đây chính phủ và dân chúng Mỹ sẽ phải thắt lưng buộc bụng thanh toán nợ nần; các nền kinh tế đang phát triễn bị giảm mất thị trường tiêu thụ, kèm theo lại  bị cạnh tranh bởi năng lực sản xuất hùng mạnh của Trung Quốc, đà tăng trưởng kinh tế và sự thành hình của tầng lớp trung lưu không còn nhanh như trước. Liệu hệ luỵ có dẫn đến sự thoái lùi của phong trào dân chủ hay không, đây là một đề tài mà người viết sẽ phân tích trong những bài kế tiếp.

No comments:

Post a Comment