Tuesday, July 19, 2011

Đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài

Theo các ước tính thì Hoa Lục sẽ đầu tư 2 ngàn tỷ USD ra ngoại quốc trong vòng 10 năm sắp tới. Bỏ ra số tiền khổng lồ này có nhiều nguyên do: để giảm mức độ lệ thuộc vào đồng đô la và việc mua công phiếu của Mỹ; nhằm bảo đảm các nguồn cung cấp nguyên vật liệu quan trọng như dầu hoả và lương thực; quốc tế hoá những nhãn hiệu của Trung Quốc hay thu mua các thương hiệu của Tây Phương; đa dạng hoá các công ty của Hoa Lục để đi vào sản xuất tại địa phương nhằm né tránh các biện pháp giới hạn mậu dịch và phản ứng bất lợi của dân chúng nước ngoài.

Việc Trung Quốc bỏ tiền đầu tư ra nước ngoài đi theo tiến trình tự nhiên của một nền kinh tế đang vương mình lớn mạnh toàn cầu, nhưng hậu quả tốt hay xấu đến từng quốc gia sẽ vô cùng khác biệt.

Đối với Hoa Kỳ và Âu Châu vốn có cơ sở xã hội vững chắc nên họ mở cửa khuyến khích tiền đầu tư của Hoa Lục nhằm tạo công ăn việc làm trong nước, qua đó giải quyết phần nào nạn thất nghiệp trầm trọng hiện giờ. Dĩ nhiên sẽ có những phản ứng chống đối gay gắt từ các chính trị gia bảo thủ và những thành phần quần chúng vốn lo ngại các bí mật công nghệ sẽ bị đánh cấp, chủ quyền đất nước bị xâm phạm hay chỉ vì tự ái dân tộc – không khác gì trong thập niên 80 khi nước Nhật đổ tiền ào ạt sang Mỹ. Nhưng nhờ vào luật lệ cạnh tranh minh bạch cùng tự do báo chí và dư luận giám sát nên các thiệt hại sẽ được giảm thiểụ. Ngược lại các công ty Hoa Lục khi sinh hoạt tại Âu-Mỹ phải tuân theo luật chơi ngoài sân nhà: không thể đánh cấp tác quyền; tôn trọng các luật lệ về lao động và môi trường; nâng cao phẩm chất an toàn sản phẩm. Âu-Mỹ-Nhật-Hoa khi xây dựng cơ sở làm ăn lớn trên đất nước của nhau lại có thêm ràng buộc để giải quyết ôn hoà các tranh chấp chính trị vì chính phủ nào cũng sợ bị ảnh hưởng đến các hoạt động thương maị – chẳng bù với hiện thời Bắc Kinh có thể bắt chẹt các công ty ngoại quốc trên nước họ mà Tây Phương và Nhật chỉ có thể phản ứng rất giới hạn và chậm chạp.

Nhưng đối với các nước phát triễn kém Trung Quốc thì ảnh hưởng có thể vô cùng tai hại. Đồng tiền từ Hoa Lục sẽ khuynh đão về kinh tế, gây ảnh hưởng về chính trị để tạo một hình thức thực dân mới. Nhưng còn tệ hơn Anh-Pháp trước đây chỉ cung cấp giới chủ nhân trong lúc dùng nhân công thuộc địa thì Trung Quốc có đủ dân số để xuất cảng cả chủ lẫn thợ thuyền và dành lấy công ăn việc làm của dân chúng địa phương!

Khi các sản phẩm kém tiêu chuẩn và độc hại không thể bán sang Âu-Mỹ sẽ mang đổ tràn về những nước kém mở mang lân cận. Giá thành rẻ mạt (còn nếu buôn lậu lại không phải trả thuế!) sẽ làm thiệt hại các ngành công nghệ bản địa còn đang phôi thai.

Sức mua từ Trung Quốc đủ tạo các cơn khủng hoảng và bảo giá ở các thị trường nhỏ, qua đó tạo cơ hội cho các doanh nhân người Hoa chiếm lĩnh vị trí độc quyền trong nhiều ngành nghề thiết yếu nhất là các nhu yếu phẩm như lương thực, quần áo, vật dụng hàng ngày hay các sản phẩm điện tử.

Hoa Lục đầu tư khai thác nguyên vật liệu tại những nơi luật lệ về môi trường còn lỏng lẽo trong lúc họ siết dần và bảo vệ tài nguyên trong nước họ. Bù lại họ xuất cảng sản phẩm đã thành sang các nước đang mở mang tạo nên tình trạng thâm thủng mậu dịch trong lúc chính các quốc gia này đang cần tiền để phát triễn kinh tế hay kiểm soát lạm phát.

Bắc Kinh cho các nước chậm tiến vay mượn với lãi xuất thấp nhưng bù lại những công ty Trung Quốc được trúng thầu qua những điều kiện ưu đãi. Kết quả là Hoa Lục thu lợi tăng trưởng về công nghệ và giải quyết phần nào nạn thất nghiệp trong xứ trong lúc các quốc gia nhận viện trợ vừa chiụ lệ thuộc lại phải gánh chịu nhiều công trình thiết yếu (điện lực, giao thông v.v…) có chất lượng kém. 

Trung Quốc cũng sẽ dùng các nước đang phát triễn để quốc tế hoá đồng Nhân Dân Tệ. Điều này tự nó không phải là xấu vì thế giới cần một đơn vị tiền tệ để cân bằng với những nổi trôi của đồng đô la. Tuy nhiên khi Bắc Kinh vẫn còn đơn phương quyết định giá trị của Nhân Dân Tệ không tuỳ thuộc vào thị trường mà do nhu cầu phát triễn và ổn định của chính nước họ thì bị ràng buộc vào đồng tiền Trung Quốc là chiụ thêm mất tự chủ về tài chánh.

Riêng tại Đông Nam Á Bắc Kinh đang đầu tư ào ạt vào Lào, Thái và Miên. Hệ thống tàu hoả nối liền các nước trong khu vực sẽ giúp Hoa Lục mở con đường phát triễn cho khu vực sâu trong đất liền vốn còn thua sút rất xa so với các vùng ven biển. Trong vòng 10 năm tới khi Trung Quốc tiến vào tình trạng lão hoá thì phương cách giải quyết để tiếp tục phát triễn là dân Hán tộc sẽ tiến lên ngành nghề sản xuất cao cấp (hiện thời họ đang đào tạo 6.5 triệu sinh viên mỗi năm) đồng thời dùng thành phần dân cư trong đất liền và các nước phía Nam cho lao động giá rẻ.

Một hệ luỵ xã hội là do chính sách mỗi gia đình một con và tâm lý quý con trai nên Trung Quốc sẽ có khoảng 18-30 triệu đàn ông nhiều hơn đàn bà. Khi giao thông, du lịch và visa trở nên dễ dãi thì một số không ít sẽ đi về phương Nam tìm vợ - tạo ra mối căng thẳng trong xã hội các nước lân bang, và một cơ hội để phát huy dòng màu Hán Tộc!

Để kết luận: chương trình đầu tư của Trung Quốc một phần do những toan tính bành trướng, nhưng phần còn lại từ nơi tiến trình tự nhiên của một nền kinh tế lớn mạnh không khác gì Âu- Mỹ-Nhật. Các nước nhỏ sẽ chiụ sức hút của nước lớn, liệu từng quốc gia có giữ được độc lập bằng cách trông đợi vào thiện chí của người ngoài (không có gì bảo đảm), hay chính quyền và dân chúng phải đồng lòng thực hiện luật pháp minh bạch, chính sách khôn ngoan và thích ứng mới mong giữ được tự chủ và phát triễn bền vững.

No comments:

Post a Comment