Những tin tức xấu trong tháng rồi cho thấy cả bốn khối Mỹ-Hoa-Âu-Nhật sẽ còn gặp nhiều thử thách trong một thời gian lâu dài sắp đế.
Ở Mỹ nạn thất nghiệp rục rịch tăng lên trên 9%. Người ta hy vọng đây chỉ là hậu quả ngắn hạn của nạn động đất tại Nhật và giá dầu lên vào đầu mùa hè, nhưng nếu con số việc làm không tăng trong quý tới đây sẽ cho thấy nền kinh tế vẫn chưa vực dậy sau các biện pháp cấp cứu tốn 1500 tỷ USD.
Khả năng tiếp tục tăng chi khó xãy ra vì nợ nần đã lên khoảng 90% GDP, và nhà nước đang thảo luận cắt giảm 4000 tỷ USD trong 10 năm tới.
Câu hỏi đặt ra là tại sao tiền bơm hàng ngàn tỷ khiến giá đô la hạ thấp (dân Mỹ đi ra nước ngoài đều thấy hàng quá mắc, trong lúc Âu-Á sang Hoa Kỳ đều nói đồ quá rẻ!) nhưng vẫn không vực dậy tính cạnh tranh của nền kinh tế? Lý do trong nước vẫn còn hàng triệu căn nhà bị tịch thu chưa có người dám mua khiến thị trường địa ốc tiếp tục trì trệ. Người ta chẳng những không đầu tư lúc thất nghiệp còn cao mà lại cắt bớt tiêu pha. Các công ty bị áp lực giá cả nên phải tiếp tục đem sản xuất ra nước ngoài để hạ giá thành.
Nhưng vòng lẩn quẩn này không thể tiếp tục mãi được, vì xuất cảng tại Trung Quốc, Việt Nam , Bangladesh v.v… sẽ không có chổ bán nêu Âu-Mỹ-Nhật không mua hàng.
***
Một các giải quyết là Hoa Lục phát triển thị trường tiêu thụ nội địa để bớt lệ thuộc vào xuất cảng, qua đó Âu-Mỹ tạo thêm công ăn việc làm. Bắc Kinh thực hiện điều này không phải vì lòng tốt mà do kinh tế thế giới suy sụp sẽ kéo họ ngã nhào theo. Trên lý thuyết họ có 3000 tỷ USD để chi tiêu, nhưng Trung Quốc lại nằm trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Tiền bỏ ra đầu tư trong nước từ mấy năm nay không đến tay dân chúng mà bị hao mòn trong tay các quan chức tham nhũng và giai cấp đặc lợi. Nợ xấu cho nhiều địa phương đã lên đến 45% - 90% GDP tuỳ cách tính, nói cho cùng là chẳng ai biết tiền rơi rớt nơi đâu! Chỉ thấy trưng bày các công trình đồ sộ như đập Tam Hiệp, hệ thống đường xe hoả cao tốc cùng bao nhiêu kế hoạch to lớn khác được đề ra để giới chức có cơ hội chia chác trong khi đời sống dân chúng bị ảnh hưởng nặng nề, còn kết quả kinh tế rất đáng ngờ vực.
Cơ quan thẩm định S&P cảnh giác về các khoảng nợ khó đòi của những ngân hàng Trung Quốc. Nhưng Bắc Kinh đang rơi vào thế kẹt vì tiền bỏ ra cứu ngân hàng sẽ rơi mất vào tham nhủng, còn không giúp để ngân hàng đóng cửa thì quả bóng địa ốc sẽ nổ kinh hoàng trong khi dân chúng nổi loạn vì trước giờ tiền lương họ thấp, mua nhà không nổi mà đầu tư cũng không dám nên chỉ biết bỏ vào trương mục giờ này có thể mất sạch!
(Một lý do khiến Tàu bị lệ thuộc vào Mỹ, ghét Mỹ mà cứ vẫn phải mua trái phiếu vì tiền cho Mỹ mượn ít nhất còn thấy trên giấy tờ, còn tiền chi trong nước cứ hao mòn không biết rơi vào đâu mà còn làm cho dân chúng tức giận vì khoảng cách giàu nghèo tăng quá xa)
***
Trong khi đó khu vực đồng Euro vẫn lung túng với nợ nần của Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha v.v… Các chính quyền Tây Phương khi thành hình khối thị trường chung hồ hởi về kinh tế mà thiếu các ràng buộc chính trị thông qua sự chấp thuận của dân chúng, nên giờ này khủng hoảng thì dân Đức và Bắc Âu tức giận không muốn giúp Nam Âu tiêu xài hoang phí trong lúc chính họ cần cù dành giụm; dân Nam Âu cảm thấy bị xúc phạm vì nước ngoài chèn ép áp đặt nhiều biện pháp thắt lưng buộc bụng ngặt nghèo trong lúc khủng hoảng do lổi của nhà nước và giới tài chánh chớc không phải do dân chúng. Các nước lại không dám tách rời khỏi đồng Euro nên cứ kéo chùm cả đám vừa tuột dốc vừa cãi vã, còn nếu để đồng Euro tan rã lại là một thảm hoạ kinh tế cho cả khu vực Âu châu và toàn thế giới.
Nước Nhật vẫn không có viễn ảnh thoát ra nhiều thử thách trầm trọng: tình trạng lão hoá, nợ nhà nước đã quá cao trong lúc gánh nặng của cơn động đất sóng thần ngày càng chồng chất. Nhiều nhà máy nguyên tử tự ý đóng cửa khiến số lượng điện suy giảm sẽ ảnh hưởng đến phục hồi. Cho dù Tokyo bơm tiền tái thiết nhưng nền kinh tế Nhật không thể là một đầu tàu kinh tế
Tóm lại chúng ta cần theo dõi ba dấu hiệu trong quý tới đây để đoán liệu kinh tế toàn cầu có lại sẽ rơi vào suy trầm hay không: con số công ăn việc làm tại Mỹ; nợ xấu ngân hàng và bóng địa ốc ở Trung Quốc; tình trạng nợ nần ở Nam Âu. Các khối bị ràng buộc vào nhau nên bất cứ lay động ở đầu nào cũng sẽ có ảnh hưởng lan rộng khắp nơi.
No comments:
Post a Comment