Saturday, August 6, 2011

Những cơn chấn động về tài chánh trong tuần vừa qua

Các chao đảo trong tuần lể bắt đầu từ thứ Hai 01 tháng 08-2011 sẽ là đề tài nghiên cứu chính trị kinh tế trong hàng chục năm tới.

Tựu trung nơi một câu hỏi: liệu Tây Phương và thế giới có sẽ rơi vào cuộc khủng hoảng lần hai (theo mô hình chữ W) hay không? Câu trả lời lại tuỳ thuộc vào một câu hỏi khác - rằng liệu cơ cấu chính trị tại Hoa Kỳ và Âu Châu có năng lực để tìm ra các biện pháp đồng thuận giải quyết hay không?

Như vậy vấn nạn kinh tế đã phơi bày những nan đề chính trị và xã hội.

Lý do vì khác với năm 2007 nay vẫn còn nhiều thử thách nhưng các nước Âu-Mỹ đã chuẩn bị không còn bị bất ngờ và trong tay lại có nhiều biện pháp đối phó. Nhưng chính sự chia rẻ giữa các nước trong Liên Hiệp Châu Âu và giữa những khuynh hướng chính trị tại Hoa Kỳ đã gây nên hoang mang cho giới đầu tư và cơ hội cho nhóm kinh tài. Thị trường tài chánh là một quái vật phi chính trị - không quan tâm đến dân chủ, độc tài, tự do mà chỉ biết phản ứng co giật theo các cơn chấn động đó. 

Để nhắc lại các tin tức dồn dập trong tuần:

-          Từ nhiều tuần trước thị trường chứng khoáng đã bấp bênh vì các tranh cải giữa Hành Pháp và Quốc Hội Mỹ về mức trần nợ công; và vì các nước Âu Châu không có biện pháp dứt khoát để giải quyết tình trạng nợ nần tại Hy Lạp.
-          Hôm thứ ba tổng thống Obama ký đạo luật thoả thuận giữa hai đảng Cộng Hoà và Dân Chủ nâng mức nợ công lên tổng số 16.7 ngàn tỷ USD, nhưng đồng thời phải cắt giảm ngân sách 2.1 ngàn tỷ USD trong 10 năm tới đây
-          Nhưng thị trường chứng khoáng tiếp tục tuột dốc vì sau đó các chỉ số cho thấy kinh tế Mỹ chỉ tăng trường 1% (thay vì 4%) trong 6 tháng đầu năm 2011, khiến giới đầu tư lo rằng Hoa Kỳ đang bước vào cơn khủng hoảng lần 2.
-          Thị trường chứng khoáng sụp 4% hôm thứ 5 vì cơn hốt hoảng rằng tình trạng nợ nần ở Nam Âu lan rộng sang Ý và Tây Ban Nha, và có nguy cơ thật sự làm sụp khối Euro.

-          Ngày thứ 6 vô cùng ngoạn mục (và nghẹt thở): chứng khoáng tăng khi vừa mở cửa, vì con số công ăn việc làm ở Mỹ lên 0.1% đem lại hy vọng kinh tế không đến nổi suy sụp. Nhưng sau đó thị trường rớt xuống 1.4% vì mức tăng trưởng quá nhỏ nhoi so với các thử thách. Rồi lại vọt lên 30 phút trước giờ đóng cửa với tin đồn rằng Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu sẽ tung tiền mua lại nợ công của các nước Nam Âu - một cách gián tiếp để tài trợ cho các ngân hàng chủ nợ của Pháp và Đức không bị sập tiệm.

-          Nhưng đáng nói nhất là hảng Standard & Poor’s sau giờ chứng khoáng đóng cửa, lần đầu tiên trong lịch sử hạ mức tín dụng của Hoa Kỳ từ AAA xuống còn AA+, với lập luận rằng dù Mỹ cần phải cắt giảm 4000 tỷ USD (thay vì 2100 tỷ USD) để giải quyết nợ nần nhưng chính quyền quá chia rẻ để tìm ra biện pháp hữu hiệu.

Không ai biết được thị trường tài chánh sẽ phản ứng ra sao vào ngày thứ Hai tới đây, cho dù quyết định của S&P đưa ra vào chiều thứ 6 chắc hẳn nhằm để giới kinh doanh có thời giờ suy gẩm.

Một mặt, tình trạng nợ nần và chia rẻ của Hoa Kỳ và giữa các nước Âu Châu không có gì mới mà đã kéo dài từ nhiều năm nay, nên việc S&P hạ điểm tín dụng cũng chẳng đáng ngạc nhiên. Mặc khác các nước nhiều tiền mặt là Trung Quốc và Trung Đông cũng chẳng có chọn lựa nào khác hơn là cho tiếp tục cho Mỹ mượn tiền (với giá rẻ mạt) vì chính nội bộ của họ cũng bấp bênh còn đồng Euro lại không khả quan.

 Nhưng ngược lại, Hoa Kỳ là chốn tin cậy và chổ dựa cuối cùng của hệ thống tư bản trong 100 năm nay (lender and loaner of last resort). Thị trường và giới đầu tư Mỹ đã giúp Âu Châu và Nhật Bản tái thiết sau thế chiến thứ 2; mở cửa để nền kinh tế Á Châu (trong đó có Trung Quốc) tăng trưởng từ thập niên 70; tài trợ cho Đông Á và Nam Mỹ qua nhiều lần khủng hoảng. Nhưng nay khi Âu Châu bị khủng hoảng mà Hoa Kỳ không có khả năng giúp đỡ, trong lúc nợ nần chồng chất sẽ khiến kinh tế và chính trị Mỹ còn bị chao đảo trong 5-10 năm nửa thì giới đầu tư không khỏi hoang mang.

(Cái hay của lý thuyết kinh tế là bàn kiểu nào cũng đúng, trong lúc thực tế đời sống là tiền đầu tư cứ thục xuống vùn vụt còn công ăn việc làm tìm ra cũng khó!)

Trong ngắn hạn, các tiểu bang và thành phố Hoa Kỳ phải tăng lải xuất vay nợ (vì dựa vào điểm tín dụng của Liên Bang) gây thêm khó khăn trong hoàn cảnh mức thuế thu bị hạ. Dân Mỹ cũng sẽ phải trả thêm khi mượn tiền mua sắm nhà xe thì sức mua sẽ kém. Nhiều quỹ hưu bổng khổng lồ bị luật pháp quy định phải đầu tư vào các khoảng an toàn hạng AAA như công nợ của Hoa Kỳ, nay phải tìm nơi an toàn khác hay thay đổi luật chơi - tiền bạc di chuyển khiến thị trường sẽ xáo  động.

Khi sức mua của Âu-Mỹ-Nhật bị xuống thì áp lực bể bóng tại Trung Quốc sẽ tăng. Đồng thời Tây Phương phải tăng sản xuất để tạo công ăn việc làm lại sẽ va chạm với Hoa Lục trong lúc không mở thêm thị trường tiêu thụ mới. Tình huống tương tự đã xãy ra vào thập niên 1930 trong cuộc Đại Khủng Hoảng, các nước dựng ra hàng ra mậu dịch và rơi vào suy trầm mãi đến sau Thế Chiến Thứ Hai mới hồi phục.

Người viết bài ở Texas khi nhiệt độ bên ngoài sẽ vược kỷ lục nóng trên 1000F vào tuần tới – nhưng thị trường tài chánh và chứng khoán xem ra lại còn sôi sục hơn! 

No comments:

Post a Comment