Cuộc tranh cãi gay gắt giữa Toà Nhà Trắng và Quốc Hội Mỹ về việc nâng mức trần nợ công và các biện pháp cắt giảm thiếu hụt ngân sách không đạt được đồng thuận vì một lý do ít được nói đến: các khuynh hướng dù trái ngược nhau nhưng nghe ra đều có lý nên thật khó có giải pháp chung.
Nền kinh tế Hoa Kỳ vừa thoát ra khủng hoảng có thể ví như người bệnh mới vượt khỏi cơn ngặt nghèo. Các bác sĩ lại không đồng ý về bước trị liệu kế tiếp vì nếu cắt giảm thuốc sớm thì e cơn bệnh trở nặng; còn tiếp tục liều thuốc mạnh thì sẽ để lại hậu hoạn sau này. Người nhà nghe vị thầy thuốc nào phân tích cũng hay đâm ra bối rối không biết nghe theo ai.
Cũng thế, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ còn cao hơn 9% nên nếu nhà nước giảm chi tiêu e rằng kinh tế suy sụp trở lại. Tiếp tục tăng chi thì nợ nầng vốn đã chồng chất sẽ trở thành gánh nặng cho thế hệ sau này. Nếu đã chọn giảm chi thì cắt ở đâu, ai trước? Chọn tăng thuế (tăng thu) để bớt bội chi thì lại ảnh hưỡng đến đầu tư của tư nhân và bước phục hồi kinh tế.
Nền dân chủ không có thành phần “siêu lãnh đạo” quyết định nhanh gọn và dứt khoát, nên việc tranh cãi cứ kéo dài khiến thị trường tài chánh sốt ruột và chứng khoáng tuột dốc. Lập trường nào nghe ra cũng đúng nên con số ủng hộ gần ngang nhau, do đó các giải pháp tương nhượng thường bị chặn đứng bởi những nhóm nhỏ ở cánh cực hữu hay cực tả - dẫn đến nhiều cuộc thương lượng hay áp lực hành lang.
Hậu quả là nhà nước Hoa Kỳ đôi khi tạo ấn tượng tê liệt ngay khi hoàn cảnh khó khăn đòi hỏi có những biện pháp cứng rắn và nhanh chóng. Nền dân chủ Mỹ như một nồi nước sôi không đậy nắp, lúc nào cũng sùng sục giữa những xung đột của nhiều thành phần trong xã hội: trẻ già.; nam nữ; chủ thợ; giàu nghèo; da trắng da đen; bản xứ di dân; bảo thủ cấp tiến.
Mỗi nhóm là môt khối quyền lợi có tiếng nói và nguyên vọng tranh nhau nhưng sau cùng vẫn phải tương nhượng nhau để sống chung. Do đó không có giai cấp tiên phong, mà cũng chẳng tìm ra lãnh đạo nào nắm mãi được chân lý tuyệt đối của tiến bộ.
Trong hoàn cảnh tự do thông tin và Internet thì điều hành nước Mỹ rất khó vì bị áp lực không ngừng từ báo chí và dư luận theo các chiều hướng trái nghịch nhau. Một chính trị gia lão thành không ai khác hơn là Henry Kissinger đã than rằng các nhà lãnh đạo giờ đầy phải chaỵ theo nhu cầu trước mắt của xã hội mà không còn cơ hội có tầm nhìn xa và chiến lược.
Một mô hình khác là dùng sức ép đậy chặt nồi nước sôi cho không trào, ngăn chận các mâu thuẩn không được thể hiện ra bên ngoài – đễ tạo sự đồng thuận cho các kế hoạch 5, 10 năm. Nhưng giữ được yên tỉnh trong một thời gian rồi thế nào nó cũng nổ bùng bởi áp lực bên trong ngày càng tăng.
Nước Mỹ trì trệ trong khi Trung Quốc tăng trưởng như diều gặp gió. Nhưng có một người Hoa đã nhận xét khi hai chuyến tàu cao tốc đụng vào nhau hồi tuần rồi: …. chúng ta chạy quá nhanh (theo tăng trưởng) nên đã bỏ rơi hạnh phúc và lương tâm của con người ….
No comments:
Post a Comment