Monday, September 12, 2011

Nguyên nhân các cuộc khủng hoảng tài chánh: tiền chạy

Cuộc khủng hoảng tại Âu-Mỹ 2007-2011 có thể được xem như móc kế tiếp trong chuổi dài các bong bóng tài chánh bắt đầu từ Nhật Bản (1980), chạy qua Bắc Âu (1990), trở về Đông Á (1998), đổ sang Nam Mỹ và Đông Âu (2001), chạy về Hoa Kỳ (2001 và 2007) rồi giờ tấn công Âu Châu (2010).

Có nhiều lý do nhưng cùng chia xẻ một nguyên nhân chính: tiền như nước, không thể nằm yên mà phải tìm chổ an toàn hay sanh lợi; nhưng rồi đổ như lủ vào một nơi lại sanh lụt lội.

Một cách nhìn là trào lưu toàn cầu hoá đã bắt đầu vào thập niên 1980 và ngày càng phát triển theo nhịp độ gắp rút từ sau chiến tranh lạnh:

1.    Nhật Bản trổi lên khiến cán cân mậu dịch chênh lệch với Mỹ nhất là trong những năm 1980

2.    Bốn con rồng Á Châu (Hồng Kông – Nam Hàn – Đài Loan – Singapore) vực dậy theo gót chân Nhật vào thập niên 1990, phần lớn nhờ bán hàng cho Mỹ

3.    Lần đầu trong lịch sử Hoa Kỳ từ một nước chủ nợ trở thành con nợ vào thập niên 1980

4.    Mỹ từ độc lập về dầu hoả bắt đầu nhập cảng và lệ thuộc ngày càng nhiều vào Trung Đông

Bốn biến chuyển nói trên xảy ra nhờ vào chính sách mở cửa mậu dịch của Mỹ (Âu châu trong những năm này còn giới hạn mậu dịch) cùng những tiến bộ trong ngành giao thông khiến việc nhập cảng hàng hoá và dầu hoả rẻ hơn là sản xuất trong nội địa.

5.    Chiến tranh lạnh chấm dứt năm 1988, thay đổi quan trọng nhất là Trung Quốc mở cánh cửa tự do kinh doanh;

6.    Theo gót WTO Âu-Mỹ-Nhật không còn bị ràng buộc về những lo ngại an ninh quốc phòng nên mang nhiều kỷ thuật sản xuất hiện đại sang Hoa Lục và các nước đang mở mang để giảm giá thành

Sự xuất hiện của mạng Internet vào giai đoạn này đã giúp cho việc thông tin & điều hành xí nghiệp đa quốc gia ngày càng thuận lợi; đồng thời các bước chuyển ngân hàng ngàn tỷ USD trở nên nhanh chóng theo tích tắc của một cái bấm chuột.

Các nước Đông Á và Trung Đông tích lũy một lượng ngoại tệ khổng lồ nhờ vào chênh lệch mậu dịch. Một phần dùng để đầu tư trực tiếp vào công nghệ và cầu đường; phần kế vào an sinh xã hội; cuối cùng qua các khoảng đầu tư gián tiếp – chính con số tiền sau này góp phần tạo liên tục các bong bóng tài chánh từ năm 1980.

Lý do là những khoảng đầu tư trực tiếp nơi các cơ sở sản xuất hay an sinh xã hội không dễ dàng thay đổi; nhưng đầu tư gián tiếp - thường là vào địa ốc và chứng khoáng – có thể nhanh chóng nhảy vào rút ra để sanh lợi nhưng đồng thời mang lại nhiều xáo trộn cho thị trường.

Bong bóng địa ốc tại Nhật Bản căng phòng và nổ bùng trong thập niên 80. Số tiền thặng dư chạy sang Bắc Âu bơm giá nhà đất ở Na Uy - Thụy Điển - Phần Lan đầu thập niên 90. Bóng xì hơi khiến tiền dồn sang Đông Á để sanh lợi ở các nước đang mở mang như Thái Lan – Nam Dương – Nam Hàn. Sau cuộc khủng hoảng tài chánh ở Đông Á năm 1997 tiền đổ vào Mỹ đầu tư nơi các công ty Internet. Bóng Internet bể năm 2001 tiền chạy sang Nam Mỹ làm nền kinh tế Argentina – Brazil bốc hỏa rồi khủng hoảng. Tiền lại chia thành hai nhánh, một bên đổ vào thị trường địa ốc của Mỹ, phần còn lại đầu tư vào các nước Nam Âu.

Đến nay sau hai cuộc khủng hoảng tại Hoa Kỳ (2007) và Âu châu (2010) tiền lại tìm chổ chạy mới! Các nước đang mở mang nhất là Trung Quốc – Brazil đã phát triển quá nhanh, nay sợ lạm phát và chính trị thiếu ổn định. Khu vực đồng Euro bấp bênh. Trung Đông nổi sóng. Kết cục là các nước cứ phải cho Mỹ mượn tiền, điểm tín dụng dù bị hạ thấp mà vẫn vay được ở mức lời cực thấp 2.8%.

Chuổi dài các cuộc khủng hoảng cho thấy có hai nhu cầu cần giải quyết: cán cân chênh lệch mậu dịch giữa Đông-Tây (và Nam-Bắc) không thể kéo dài; thặng dư ngân khoảng ở các nước đang phát triển không thể để tồn đọng tích lủy mà phải dùng để nâng an sinh xã hội, tức là tạo ra thị trường tiêu thụ mới bù đắp cho Âu-Mỹ. Một đề nghị khác có tính cách kỷ thuật là kiểm soát hệ thống ngân hàng để giới hạn các đầu tư ngắn hạn – nhưng lúc nào con người cũng tìm ra kẻ hở để thoát.

Thực hiện được các yêu cầu nói trên không tuỳ thuộc vào các nhà kinh tế mà do khả năng lãnh đạo chính trị. Nếu tìm được chính sách tốt và sự phối hợp toàn cầu thì những thay đổi sẽ tương đối êm thắm, bằng không thế giới sẽ trải qua nhiều cơn quặn thắt của lịch sử.

No comments:

Post a Comment