Sunday, January 8, 2012

Truyện Tàu xưa và nay

Nhiều sự kiện trùng hợp khiến người viết không khỏi so sánh Trung Hoa trong 60 năm vừa qua như một khúc phim rút ngắn của giai đoạn lịch sử 400 năm từ thời Đông Châu đến Tam Quốc, mặc dù các biến cố xảy đến không theo cùng thứ tự lớp lang nào cả:

1.     Mao Trạch Đông thống nhất lục điạ và chấm dứt thời kỳ Trung Hoa bị Tây Phương và Nhật Bản xâu xé, phần nào giống như Tần Thủy Hoàng gồm thâu sáu nước.

2.     Họ Mao phát động phong trào Cách Mạng Văn Hoá, đóng cửa trường học đuổi sinh viên và trí thức về làm ruộng không khác gì Tần Thủy Hoàng đốt sách chôn sống học trò. Vì thế mà sau này Đặng Tiểu Bình luận bàn Mao Trạch Đông công-tội 70/30.

3.     Trong Chiến Tranh Lạnh thế giới chia thành thế chân vạt giữa Mỹ-Nga-Hoa. Hai nước Liên Xô và Trung Quốc dù cùng ý thức hệ cộng sản nhưng xung đột do những tranh chấp lãnh thổ và lịch sử, nên Bắc Kinh đã dùng sách lược của Khổng Minh “Bắc Cự Tào Tháo, Đông Hoà Tôn Quyền” áp dụng vào cận đại là đi với Mỹ để chống Nga.

Kế hoạch này đã thành công mỹ mãn. Khi Đặng Tiểu Bình cho hàng trăm ngàn bộ đội xâm lấn Việt Nam để phá vỡ thế “trên đe dưới búa” thì dù tổn thất nặng nề về quân sự nhưng trên phương diện chính trị đã lật con bài tẩy của Mạc Tư Khoa không dám ra mặt hậu thuẩn khi nước đàn em bị tấn công. Với đánh giá Nga không còn là mối đe doạ nên Hoa Lục an tâm “ngồi trên núi cao xem lưỡng hổ tranh hùng”, tập trung vào phát triển đất nước trong lúc Nga-Mỹ đánh nhau. Kết quả Liên-Xô bị xụp đổ vì kinh tế trì trệ trong lúc chi phí chạy đua vũ trang tăng nhanh, còn Trung Quốc che dấu tham vọng (theo mưu lược “vùi ánh đèn trong đống trấu”) nên được quốc tế khen ngợi  – mãi đến năm 2007 đủ lớn mạnh mới công khai hoá ý đồ bành trướng ở biển Đông.

4.     Tình hình Đông Á ngày nay không khác gì cuối thời Đông Châu. Trung Quốc bây giờ giống nước Tần  - hung mãn như loài hùm dữ – dùng kế Liên Hoành để chia rẻ và ép các nước trong vùng phải thần phục theo chiều hướng “đối thoại song phương”. Trong khi đó Mỹ-Hàn-Nhật–Úc-Ấn theo sách lược Hợp Tung đối phó bằng tăng cường hợp tác quân sư, mặt khác vận động thành hình Tổ Chức Mậu Dịch Xuyên Thái Bình Dương để phá vỡ gọng kềm kinh tế.

Ván cờ chưa ngã ngũ. Việt Nam cũng có 4 ngàn năm văn hoá, và các bài học lịch sử dù không lắm mưu thần chước  quỷ như Trung Hoa nhưng tựu trung nằm một điểm chính: chính quyền nào huy động được sự hậu thuẩn và lòng yêu nước của toàn dân thì không sợ gì toan tính của ngoại bang; còn khi nội tình chia rẻ, nhà cầm quyền và dân chúng không còn tin nhau thì… mất nước! 

No comments:

Post a Comment