Bài này không viết về luật pháp mà chỉ đứng trên cái nhìn xã hội nhằm giải thích một cách đơn giản mối tương quan giữa Hiến Pháp, Luật Pháp với Dân Chủ và Tự Do.
Vào thời cổ đại con nguời hoang dã gần như có tự do tuyệt đối, muốn ăn mặc ngủ lúc nào cũng được không đụng chạm đến ai. Nhưng bù lại người tiền sử phải đơn độc chống lại bệnh tật, thú dữ, thời tiết….
Dần dần nhân loại hợp quần thành hình xã hội. Con người đã đánh đổi một phần tự do để có an ninh, vì khi sống tập đoàn mỗi cá nhân phải chiụ tự giới hạn vào trong khuôn khổ như luật pháp và đạo lý.
Nhà nước được dựng nên để giữ trật tự xã hội. Nhưng quyền hạn dễ bị lạm dụng, nên từ đó nảy sinh ra quan niệm về Hiến Pháp. Đây là một loại khế ước giữa nhà nước và công dân, rằng khi người dân đóng thuế và chiụ thi hành các quy định luật pháp thì bù lại giới cầm quyền phải tôn trọng những quyền căn bản của công dân.
Như vậy mục tiêu chính của Hiến Pháp nhằm bảo vệ quyền tự do cá nhân không bị nhà nước vi phạm. Riêng Hiến Pháp Hoa Kỳ cho rằng mỗi cá nhân được Tạo Hoá ban cho các quyền bình đẳng và quyền được mưu tìm hạnh phúc mà không ai khác có thể tước đoạt.
Xã hội muốn vận hành tốt đẹp phải dựa vào sự đồng ý của đa số nên gọi là dân chủ. Còn nếu bị thiểu số áp đặt ý chí của mình lên tập thể thì gọi là độc tài.
Nhưng cũng có trường hợp dân chủ trở thành độc tài đa số. Điển hình là tại vài nước Trung Đông tập thể Hồi Giáo bầu ra nhà nước giáo hội với mục đích ban hành các luật lệ áp bức người dân thuộc tôn giáo khác. Trường hợp này cũng đã xảy ra cho giới phụ nữ, người da màu, v.v… Trừ trường hợp xảy ra bạo loạn còn nếu không muốn giải quyết các tình trạng này phải có một Hiến Pháp tốt và được tôn trọng để người dân có thể kiện cáo nếu nhà nước hay luật pháp vi phạm quyền tự do của mình.
Nói cách khác, chỉ có nhà cầm quyền hay luật pháp mới vi phạm Hiến Pháp chớ người dân không thể vi phạm Hiến Pháp. Như vậy Hiến Pháp là một thứ siêu luật pháp áp dụng riêng cho nhà nước nhằm bảo đảm quyền tự do cá nhân không bị vi phạm.
Tại Hoa Kỳ luật pháp do Quốc Hội ban hành và Hành Pháp thực thi. Nhưng người dân vẫn có quyền kiện lên Tối Cao Pháp Viện để huỷ một đạo luật nếu quyền tự do của mình bị vi phạm. Ngược lại Quốc Hội và nhà nước có thể sửa đổi Hiến Pháp nhưng tiến trình thực hiện bị quy định vô cùng ngặc nghèo để không bị lạm dụng.
Tự do của con người không chỉ giới hạn ở ăn ngủ đi đứng mà quan trọng không kém là về tinh thần và tư tưởng. Xã hội phải tạo ra môi trường để con người tiến bộ và thăng hoa. Dưới chế độ độc tài đa số hay thiểu số cá nhân bị tha hoá vì không dám thể hiện niềm tin riêng của mình, lao động bị bóc lột nên không mưu tìm ra hạnh phúc. Chỉ trong khuôn khổ dân chủ tự do con người mới có suy tư độc lập và được bảo đảm các thành quả của cần lao hay sáng tạo.
Trên cách nhìn đó thì một bản Hiến Pháp chân chính hoàn toàn trái ngược với quan điểm về “mệnh trời” của quân chủ hay giáo quyền, hoặc tính chất độc tôn của bất cứ một hình thức nhà nước nào khác. Hiến Pháp nhằm giới hạn quyền hạn của nhà nước chớ không thể trao cho giai cấp cầm quyền uy lực tuyệt đối. Không lý nào có một khế ước nhường vình viễn quyền cai trị cho riêng một dòng họ hay tập thể nào cả. Một bản văn như vậy không thể nào phản ảnh sự thoả thuận giữa dân chúng và nhà nước, mà chỉ có thể do một tập đoàn áp đặt ý chí riêng lên mọi người.
Một vấn đề không có câu trả lời dứt khoát là làn ranh giữa quyền tự do cá nhân và sự thăng tiến của xã hộị. Con người có tự do để thăng hoa hay sa đoạ, để chọn lựa giữa tốt và xấu. Luật pháp trừng trị những hành động vi phạm đến an ninh của người khác, nhưng những suy nghĩ hư hỏng ảnh hưởng đến đạo lý và sinh hoạt của xã hội lại không thể bị ngăn cấm vì khoảng cách giữa tự do tư tưởng và kiểm duyệt khó phân định rỏ ràng. Hơn nửa lịch sử đã cho thấy chính những tư tưởng khuynh đảo đã mang đến các bước đột phá cho văn minh nhân loại.
Cho nên mới gọi là khoa học nhân văn. Mỗi thế hệ có một số tiến bộ nhưng rồi nhân loại vẫn phải đối diện với nhiều vấn đề muôn đời của xã hội.
No comments:
Post a Comment