Wednesday, May 30, 2012

Khủng hoảng kinh tế Âu Châu: liều thuốc đắng


Hy Lạp không lạ gì với chuyện vỡ nợ, vì trong 180 năm nay sau khi thoát ra khỏi đế quốc Thổ thì khoảng một nửa thời gian hoặc phá sản hay nằm trong tái cấu trúc nợ nần. Nước này lại có nhiều tỷ phú - nổi tiếng nhất là vua tàu biển Onassis tức là chồng thứ hai của bà goá phụ vợ cố Tổng Thống Kennedy – vì luật pháp nhiều kẽ hở, chính trị gia dễ bị mua chuộc để trốn thuế. Lẽ ra Hy Lạp không đủ tiêu chuẩn vào khối Euro nhưng trong niềm phấn khởi sau Chiến Tranh Lạnh Âu Châu đã sơ suất quên chọn lựa kỷ càng.

Nền kinh tế Hy Lạp hiện giờ như anh què còn đứng được là nhờ hai cây nạng nơi khối Euro, trong đó Đức là quốc gia cột trụ. Nước Hy Lạp trong hai năm nay bị Âu Châu bắt phải theo chính sách khắc khổ, nạn thất nghiệp tăng nhanh, lương bổng sụt giảm trong lúc vật giá cứ gia tăng khiến dân chúng nổi giận biểu tình và lật đổ đa số cầm quyền trong chính phủ, nhưng rồi hai cánh tả hữu lại chia rẻ nên không thành hình được nhà nước mới. Cả thế giới nhất là giới tài chánh đang hồi hợp chờ xem liệu Hy Lạp có tách ra khỏi khối Euro hay không vì đây có thể là bước bắt đầu cho sự tan rã của Liên Âu.

Nhưng một số các nhà quan sát – trong số đó có người viết – tin rằng việc này sẽ không xảy ra với lý do là người dân Hy Lạp tuy bất mãn tột độ nhưng vẫn ý thức được quốc gia của họ sẽ sụp đổ nếu tách rời khỏi khối Euro. Đồng tiền củ Drachma dù được phục hồi sẽ không có giá trị, lạm phát tăng vọt lên trăm hoặc ngàn phần trăm, thất nghiệp không chỉ ở mức 20% như hiện giờ mà có thể lên đến 50-60%, và chẳng còn nhà đầu tư nào dám cho Hy Lạp mượn tiền. Các chính trị gia khi đó đang cầm quyền dù tả hay hữu cũng sẽ bị đám đông đem ra liệng đá, biết vậy nên họ chẳng dại gì tự sát tập thể theo kiểu này.

Nếu lạc quan thì phải xem đây là liều thuốc đắng chửa căn bệnh nan y của nhiều nước dân chủ Tây Phương: có người dân nào không thích làm ít lương cao, nhiều ngày nghĩ phép, được chu cấp đầy đủ về y tế và hưu trí, việc làm do luật lệ bảo đảm không cho chủ đuổi. Các chính trị gia biết vậy nên cứ đua nhau hứa hẹn để đắc cử, tiền không đủ trong ngân sách thì vay mượn để các thế hệ sau toan tính. Điển hình nhất là nếu quỹ không đủ để tăng lương thì hứa nâng hưu trí vì số tiền này không phải bỏ ra ngay bây giờ mà phải chờ đến 10-20 năm nửa cho nhóm lãnh đạo tới lo liệu.

Thủ tướng Đức Merkel chiụ rất nhiều sức ép không những từ Châu Âu, Mỹ mà cả thế giới để bớt áp lực cắt ngân sách và giữ Hy Lạp nằm trong khối Euro. Nhưng vấn đề nơi đây không chỉ giới hạn nơi tiền tệ mà còn lệ thuộc vào cơ cấu xã hội và hệ thống nhà nước. Một anh nghiện ngập nợ nầng chồng chất thì người ta chỉ cho vay mượn mua thuốc bổ cho khoẻ mạnh đi làm trả nợ, chớ không ai đưa thêm tiền để thỏa mãn cơn ghiền.

Trong hoàn cảnh tệ hại nhất, nhiều người sợ Hy Lạp tách khỏi Euro rồi kéo theo Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Ý Đại Lợi. Nhưng trái lại người viết nghĩ rằng dân chúng ba nước này khi thấy Hy Lạp đơn độc rơi vào tình trạng hổn loạn lại càng ý thức tôn trọng những cam kết kiệm ước để tiếp tục được nằm trong khối.

Khi cơ cấu dân chủ xã hội (social democrat) của Tây Phương không giải quyết được tình trạng lạm dụng trong xã hội thì nền tài chánh quốc tế sẽ bỏ phiếu để chấn chỉnh - thế mới gọi là Lá Phiếu của Tư Bản. Hy vọng rằng nước Mỹ cũng lo học bài này vì chỉ còn vài năm để lo toan món nợ 13 ngàn tỷ USD trước khi sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng và đánh mất ngôi vị siêu cường.


No comments:

Post a Comment