Ứng cử viên
Tổng Thống Mitch Romney đã nhiều lần tuyên bố nước Nga là một “đối thủ chiến lược”
của Hoa Kỳ trong lúc không hề đả động đến Trung Quốc trên hai phương diện ngoại
giao và quốc phòng. Vì thế nếu có người cho rằng đảng Cộng Hoà theo đuổi lập trường
đối ngoại cứng rắn thì cách nhìn này chỉ thích hợp trong thời Chiến Tranh Lạnh,
và đến thế kỷ thứ 21 đã trở nên lệch lạc và cần thay đổi.
Trong khi đó
đảng Dân Chủ và quan điểm của Obama/Clinton về Á Châu không thể bị chê trách. Từ
việc tái khẳng định vai trò của Mỹ như một cường quốc Thái Bình Dương, cho đến
quyết định chuyển đổi trọng tâm chiến lược từ Đông sang Tây, sau đến nhiều chuyến
công du của hai vị bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng sang khu vực – cách hành
xử này hoàn toàn trái nghịch với thái độ bỏ rơi vùng Đông Nam Á trong suốt 8 năm
dưới thời tổng thống George W. Bush.
Nếu cho rằng
đảng Cộng Hòa có lập trường ngoại giao vững chải thì trong thực tế lần bầu cử năm
2012 họ không hề mang chiến lược quốc phòng ra làm chủ đề tranh luận. Điều này
có thể giải thích do kinh tế là mối quan tâm duy nhất hiện thời của dân Mỹ; hoặc
cả hai ông Mitch Romney và Paul Ryan đều không có kinh nghiệm đối ngoại. Nhưng nguyên
nhân chủ yếu vì đa số trong nước Mỹ không chê trách chính sách ngoại giao của
Obama trên tổng quan; hoạ chăng các đối thủ chính trị chỉ có thể phê bình cách
hành xử hàng ngày như thái độ trước cuộc tấn công sát hại đại sứ Hoa Kỳ tại
Lybia vào tuần rồi. Cho dù đảng Cộng Hoà có thắng cử cũng sẽ không thay đổi hướng
đi mà Ngoại Trưởng Hillary Clinton đã đề ra: rút quân khỏi A Phú Hãn; cô lập
Iran và Bắc hàn; ngăn chận ảnh hưởng bành trướng của Trung Quốc; ủng hộ các
phong trào dân chủ tại Syrie và Miến Điện.
Ứng cử viên
Mitch Romney tố cáo Hoa Lục đã kèm giá đồng Nhân Dân Tệ, ăn cấp bản quyền, kiểm
soát thị trường nội địa, và hứa hẹn sẽ có biện pháp cứng rắn hơn chính quyền
Obama để tái lập cân bằng mậu dịch. Nhưng ông chưa hề lên tiếng về tham vọng bành
trướng của Bắc Kinh tại Đông Á cũng như không bày tỏ lập trường xem Trung Quốc
là một đối thủ chiến lược tại Thái Bình Dương trong thế kỷ 21.
Trong quá
khứ thì quả thực các tổng thống của đảng Cộng Hoà có lập trường đối ngoại cứng
rắn nhưng chỉ là đối với Trung Đông và Âu Châu: Richard Nixon rút quân khỏi Việt
Nam; Ronald Reagan kềm chế Liên Xô ở A Phú Hãn và Tây Âu; George Bush tấn công
Iraq; George W. Bush sa lầy tại Iraq và A Phú Hãn. Các chính sách này đã góp phần
lớn trong việc kết thúc Chiến Tranh Lạnh và ngăn chận nạn khủng bố Hồi Giáo cực
đoan. Tuy nhiên kết quả vẫn thiệt thòi cho nhiều nước Á Châu trong đó có Việt
Nam.
Âu Châu là
đồng minh truyền thống và tối quan trọng của Hoa Kỳ; Trung Đông là vùng dầu hoả
với ảnh hưởng chính trị đáng kể của khối cử tri gốc Do Thái. Nhưng Thái Bình Dương
là khu vực tương lai đầy triển vọng và trắc trở, nên việc ứng cử viên Romney chỉ
công du sang Âu Châu và Trung Đông vào tháng 7 mà không thăm viếng Á Châu chứng
tỏ sự thiếu quan tâm và là một thiếu sót không kém gì chính quyền George W.
Bush đã bỏ quên Đông Nam Á.
Hơn nửa không
phải lúc nào cũng cần chứng tỏ sự cứng rắn. Bài học không thể quên được là nước
Mỹ đã tổn hại tài nguyên nhân vật lực, sa lầy về quân sự và cô lập về chính trị
do các quyết định nông nổi của George W. Bush. Nếu tiếp tục chính sách theo kiểu
hô hào của Thượng Nghị Sĩ Cộng Hoà John Mc Cain đòi tăng quân tại A Phú Hãn –
Iraq, đem lính vào Lybie & Syrie trong tình trạng ngân quỹ thâm thủng 15 ngàn
tỷ USD thì làm thế nào còn thực lực để đối đầu với một đối thủ hùng mạnh như
Trung Quốc?
Cánh Tân Bảo
Thủ (neo-conservative) đã áp đão và mang lại nhiều tổn thất ngoại giao vô cùng trầm
trọng dưới thời George W. Bush. Đến nay một vài nhân vật trong nhóm này làm cố
vấn ngoại giao cho Mitch Romney, điển hình là John Bolton - một nhân vật chủ trương
phải Mỹ phải đơn phương quyết đoán theo quyền lợi riêng mà không bị ràng buộc bởi
luật pháp quốc tế và Liên Hiệp Quốc. Người viết tự hỏi với Mitch Romney làm tổng
thống liệu Hoa Kỳ có sẽ lại vội vã tấn công Iran dưới áp lực của Do Thái để rồi
lại sa lầy ở Trung Đông mà làm nhẹ đi trách nhiệm vùng Thái Bình Dương hay không?
Trái với đảng
Cộng Hoà lập trường của Ngoại Trưởng Hillary Clinton là áp dụng quyền lực một cách
khôn ngoan (smart power). Các vấn đề thế giới cần được giải quyết bằng sự hợp tác
của nhiều quốc gia trên căn bản luật pháp và công ước quốc tế, đồng thời vẫn
chuẩn bị sức mạnh quốc phòng làm hậu thuẩn khi cần thiết. Quan điểm này hoàn toàn
phù hợp với những tranh chấp tại Đông Á vì các nước một mặt cần Mỹ che chở đối
với những động thái gây hấn của Trung Quốc, nhưng vẫn muốn tự chủ để không bị lôi
kéo phải về một phía. Cho dù sau này nếu mỗi quốc gia phải chọn thái độ dứt khoát
cũng vì Bắc Kinh đè nén quá đáng chớ không phải do Mỹ áp lực. Nền kinh tế của các
nước Đông Á đang lên nên tự trang trải được cho cuộc chạy đua quốc phòng, vũ khí
của từng nước cho dù thua kém Hoa Lục nhưng cộng chung lại không phải là kém cỏi.
Hoa Kỳ bỏ vốn tuy ít nhưng thu lợi rất nhiều về cả ngoại giao lẫn hợp tác quốc
phòng nên không phải lo về ngân sách sắp bị giảm chi trong những năm sắp tới.
Ông Mitch
Romney chống việc cắt xén 500 tỷ USD trong quốc phòng. Nhưng nợ ngập đầu, thuế
không tăng thì chỉ còn cách giảm bớt nhiều chương trình xã hội. Dù vậy, lập trường
về ngân sách nhất là của ứng cử viên Phó Tổng Thống Paul Ryan tuy gắt gao nhưng
nghiêm chỉnh, cử tri cần tìm hiểu để cân nhắc trong việc chọn lựa lá phiếu của
mình.
Có nhiều lý
do khác nhau để bầu cho đảng Cộng Hoà hay Dân Chủ: nợ công quá cao mà không có
kế hoạt giải quyết; tình trạng thất nghiệp cải thiện quá chậm chạp. Nhưng riêng về ngoại giao - nhất là về vai trò
của Hoa Kỳ tại Biển Đông vốn được người Mỹ gốc Việt quan tâm – thì người viết đánh
giá chính quyền Obama hơn điểm rất nhiều so với đảng Cộng Hoà.
No comments:
Post a Comment