Sunday, September 9, 2012

Ngân hàng và niềm tin


Trải qua những xáo trộn gần đây trong hệ thống ngân hàng Việt Nam người viết nhận thấy quần chúng có hai lối suy nghĩ khá phổ thông: thứ nhất nhà nước sẽ làm mọi cách để hệ thống tài chánh không bị sụp đổ, nếu không hậu quả sẽ vô cùng lớn về xã hội và chính trị; thứ nhì vụ này chỉ do giữa do các vây cánh choảng nhau nhưng rồi lâu dài đâu sẽ vào đó nên không kỳ vọng gì sẽ có cải tổ thực sự.

Tâm lý nói trên thể hiện một mối nguy tiềm tàng mà nhiều chuyên viên gọi là “moral hazard”, tạm dịch rủi ro đạo đức trong nền kinh tế [1]. Điều này muốn nói thị trường tự do phải dựa trên một tiêu chuẩn duy nhất là các doanh nghiệp đều bình đẳng, thành công phải nhờ nơi công việc hữu hiệu và sáng tạo, còn thất bại do cẩu thả hay thụt lùi phải cho đào thải mà nhà nước không thể chen vào can thiệp. Nếu giúp đỡ một lần tức là tạo ra tiền lệ xấu khiến thị trường trở nên ỷ lại, tìm sự che chở bè phái và bóp chết cạnh tranh. 

Dĩ nhiên đây là lập luận trên lý thuyết kinh tế, còn trong thực tế chẳng một chính quyền nào dám khoanh tay đứng yên nhìn một hệ thống huyết mạch như ngân hàng rơi vào khủng hoảng mà không can thiệp. Tại Âu-Mỹ nhà nước đã bỏ hàng ngàn tỷ USD tái cấp vốn cho các ngân hàng vốn cho vay bê bối, đồng thời mua hay bảo đảm cho nợ xấu để ổn định thị trường.

Nếu ví von giữa Việt Nam với Hoa Kỳ: so sánh hai tập đoàn Vinasin/Vinalines với đại công ty Enron [2] nay đều khánh tận; Dương Chí Dũng giận lận giống CEO Kenneith Lay [3]; Bầu Kiên lường gạt kiểu Maddoff [4]; nhà nước tung tiền vào ACB cũng như Mỹ đã cứu cấp cho các công ty “quá lớn nên không sụp đổ được” (too big to fail) như Citibank, AIG, Fannie Mae & Freddie Mac. Cả hai nền kinh tế điêu đứng, vô số người thất nghiệp hay thua lổ, thế mà ở cả hai nước con số thủ phạm bị bắt bỏ tù chỉ đếm được trên đầu ngón tay! Điều này cho thấy lòng tham nơi nào cũng có, càng văn minh tiến bộ thì thủ đoạn thêm tinh vi và hậu quả càng trầm trọng.

Dân Mỹ đã phản ứng qua hai phong trào Tea Party (cánh hữu) và Chiếm Phố Wall (cánh tả). Lập trường chính trị của hai bên khác nhau rất nhiều nhưng tựu trung vẫn phản ảnh nổi phẩn uất của quần chúng: nhà nước lạm dụng công quỹ, đánh xâu cao thuế nặng; các doanh nghiệp lớn được cứu sống, còn những công ty tư nhân nhỏ và trung bình bị bỏ mặt, dân chúng thua lổ mất nhà cửa chẳng ai giúp đỡ; nhà giàu có quyền thế và vây cánh thì lợi dụng lạm bậy.

Đảng Tea Party dù chỉ mới vài năm nhưng đã là một sức mạnh vô cùng quan trọng trong chính trường Mỹ: họ đã đem hàng chục Dân Biểu Nghị Sĩ vào Quốc Hội, và đưa ra hai ứng cử viên Phó Tổng Thống của đảng Cộng Hoà là bà Sarah Palin (2008) và Paul Ryan (2012). Phong trào Chiếm Phố Wall hiện lắng động nhưng vẫn có thể bùng nổ trở lại nếu tình trạng thất nghiệp không sớm cải thiện.

Nói một cách khác, sau cơn khủng hoảng tài chánh người dân Mỹ nhào vào sinh hoạt chính trị để đòi cải tổ chớ không thụ động chờ giới cầm quyền và các phe phái lợi ích quyết định thay cho mình. Báo chí theo dõi tường trình nhà nước và doanh nghiệp có đang chỉnh đốn hay chẳng làm gì cả. Tiến trình cải tổ chậm chạp vì tính cách phức tạp và quyền lợi đối nghịch của nhiều thành phần xã hội, nhưng nếu không bị quần chúng thúc đẩy thì “đấm đá nhau nhiều ngày rồi đâu cũng vào đấy”. Đảng phái nào không đưa ra chương trình hành động tốt thì sẽ bị dân chúng bỏ phiếu cho lui vào hậu trường trong kỳ bầu cử tháng 11 tới đây, còn các ứng cử viên hứa hẹn nhiều nhưng không thực hiện sẽ bị ghi sổ trong lần sau.

Có lẻ chúng ta cũng nên để ý đến bài học này của Mỹ.

***

[1] Manias, panics, and crashes : a history of financial crises – tác giả  Kindleberger

No comments:

Post a Comment