Hai nền
kinh tế Âu-Mỹ trì trệ kéo dài từ 2008 đến nay đã 4 năm vẫn chưa có dấu hiệu phục
hồi vững mạnh. Nhiều người không khỏi thắc mắc tại sao môn kinh tế học đã được
nghiên cứu hàng trăm năm, các triệu chứng và biện pháp đối phó đều ghi chép
thấu đáo với bao nhiêu bút mục vậy mà nhà nước cùng các cố vấn thượng thặng
(trong đó có nhiều giải Nobel về kinh tế) chẳng những loai hoai mãi không tìm
ra lối thoát mà lại còn cãi nhau ỏm tỏi?
Nhận xét
muốn đưa ra trong bài này là môn kinh tế phần nào giống như y học vì kết quả
trị liệu tuỳ thuộc nhiều vào tâm lý không kém gì khả năng chuyên môn. Khi mang
chứng nan y bệnh nhân phải có niềm tin nơi thầy thuốc và dám chiụ đau thì mới
thuyên giảm. Ngoài ra còn có loại lang băm cho thuốc cực mạnh để chửa bệnh
nhanh, được nhiều người khen nhưng sau này hậu hoạn thì để lại cho bác sĩ khác
chăm sóc, hoặc những lương y cứ lo cứu chửa đến tận gốc nhưng kết quả chậm chạp
lại bị chê là cố tình kéo dài để kiếm tiền thân chủ. Sau rốt tuy cùng một bệnh
trạng nhưng vẫn phải dựa vào căn cơ nội tạng (trẻ, già, mức độ dinh dưỡng,
v.v…) mà cho thuốc chớ không phải liều nào cũng như nhau. Nói bình dân nôm na
nhưng rất đúng là phải tìm ra ông thầy thuốc mát tay.
Trở lại kinh
tế Mỹ, nợ ngập đầu thì lý lẻ thông thường là phải cắt xén để trả nợ (e.g. cắt
giảm ngân sách). Nhưng thân chủ lại đang đau ốm nên trái lại cần phải có thêm
tiền để mua thuốc bổ mới có sức khoẻ đi
làm trả nợ (e.g. các gói kích cầu). Cho nên trong nhà cứ nhắm đòi tiền không ai
khác hơn là con gái có chồng giàu (e.g. tăng thuế nhà giàu)! Cô này nổi giận vì
đóng góp đã nhiều mà ông già cứ chi cho thằng em ghiền thuốc phiện (e.g. các
chương trình xã hội kém hiệu quả), thay vì để cô dùng số tiền đó đi buôn sanh lợi
(e.g. đầu tư tư nhân). Trong khi gia đình gây gổ loạn xạ cả lên thì ông thầy
thuốc (Quỹ Dự Trữ Liên Bang) quýnh quán cứ phải bơm thuốc hồi sinh (e.g.TARP
rồi QE1 đến QE2) cho dù sẽ sinh ra hậu hoạn sau này (e.g. lạm phát trong dài
hạn). Ông thầy (e.g. Ben Bernanke) nhắc mãi là các biện pháp tài chánh không
thể thay thế chính sách thuế khoá và ngân sách nhưng chẳng ai quan tâm đến lời
ông nói!
Nói đến đây
thì độc giả đã thấy muốn giải quyết khủng hoảng không phải chỉ có các biện pháp
kinh tế mà bao gồm cả nhiều vấn đề xã hội và chính trị. Ý kiến nào nghe cũng
hợp lý cho dù trái nghịch nhau nên dân chúng cũng mù mờ không thể nào phân biệt
được ai đúng ai sai. Do đó mới cần tìm ra một ông thầy thuốc mát tay để giao công
việc không những chữa bệnh nhưng trước hết phải khiến thân chủ tin, hiểu và
nghe lời!
Nước Mỹ
trong thập niên 1980 khi rơi vào khủng hoảng trầm trọng lại bầu ra Tổng Thống
Ronald Reagan. Cho đến nay vẫn còn tranh luận sôi nổi cho rằng ông này giỏi hay
dở, nhưng đặc điểm của Ronald Reagan là tính lạc quan và năng khiếu nói chuyện
thu hút khiến dân chúng tin nghe. Gặp vận số tốt nên đến cuối nhiệm kỳ kinh tế
phục hồi tăng vọt, cho đến giờ nhiều người Mỹ vẫn ngưỡng mộ xem ông như một
trong các vị tổng thống thành công nhất trong lịch sử. So với Tổng Thống Obama
là nhà trí thức hùng biện nhưng cách nào đó khi giải thích chương trình bảo
hiểm sức khoẻ (ObamaCare) vốn là một trọng điểm trong chính sách kinh tế mà mãi
đến giờ này đa số dân Mỹ - kể cả người viết - cũng chẳng rỏ sẽ ảnh hưởng đến
mình như thế nào, bởi thế nên không được ủng hộ mà đồng thời lại dễ bị đối thủ xuyên
tạc tấn công. Cho nên điều kiện đầu tiên của một thầy thuốc mát tay là phải giải
thích cho bệnh nhân hiểu, lạc quan tin tưởng rồi mới có thể cho liều thuốc
đắng.
Các biện
pháp kinh tế tranh cải tuy viễn vong nhưng áp dụng thì lại chạm đến túi tiền và
nồi cơm của từng phe nhóm – đồng tiền liền khút ruột nên chẳng ai không lo.
Tăng thuế sẽ tạo thêm gánh nặng cho nhà giàu và xí nghiệp; cắt trợ cấp xã hội sẽ
ảnh hưởng đến người già và giới nghèo. Ai cũng muốn giải quyết khủng hoảng
nhưng chẳng ai dại gì để phần mình bị cắt xén nên cứ tranh luận mãi không dứt.
Trong xã hội dân chủ mỗi phe nhóm đều có quyền lợi và tiếng nói như nhau nên
đạt đến đồng thuận không phải dễ, nên cuối cùng rồi một thầy thuốc mát tay phải
dụ được bệnh nhân chiụ uống liều thuốc đắng, bằng không doạ dẫm đợi tới lúc ung
thối rồi đem ra giải phẩu. Phương pháp trị liệu dù có nhưng trách nhiệm vẫn nơi
bác sĩ có khả năng thuyết phục hay răng đe.
Bên cạnh đó
căn cơ của người bệnh cũng không kém phần quan trọng. Một anh nội tạng yếu đuối
(e.g. luật lệ và các cơ chế trong xả hội lỏng lẽo) sẽ dễ sanh biến chứng so với
người mạnh khoẻ từ nhỏ. Hoặc người già (e.g. các nước nhiều người lớn tuổi như
Nhật, Âu Châu,…) khó chữa hơn thanh niên (e.g. những quốc gia đang trổi dậy như
Trung Quốc, Việt Nam ).
Hay tiền mua thuốc chửa bệnh lại chia ra cho băng đảng bài bạc hết sạch (e.g.
tham nhũng bè phái).
Ngoài ra
đôi khi gặp bệnh lạ - như dịch SIDA chỉ lan tràn vài chục năm nay khiến bác sĩ
điêu đứng vì chưa tìm ra phương thuốc cứu chữa. Tương tự vậy, nền kinh tế toàn
cầu diễn tiến ở mức độ chưa từng có trong lịch sử làm đổi thay nhiều nền tảng
mà nhân loại chưa thấu hiểu khiến vài biện pháp trị liệu không còn hợp thời:
chẳng hạn ngày xưa kích cầu thì tạo ra nhu cầu tiêu thụ và công ăn việc làm
trong nước; nhưng giờ đây kích cầu vẫn khiến tăng tiêu thụ để mua hàng …. giá
rẻ nước ngoài nên không tạo công ăn việc làm trong nước.
Cuối cùng là
vận mệnh của quốc gia đôi khi gắn liền với cái “hên” của nhà lãnh đạo. Nói có vẻ
lạ nhưng bầu các ông Tổng Thống lạc quan vui vẻ như Ronald Reagan hay Bill
Clinton thì khá, còn rầu rĩ lo âu như Jimmy Carter thì cứ gặp thất bại. Nhưng
dù rối bù như vậy Hoa Kỳ và Âu Châu đang dần cải tổ hệ thống đầu tư, giám sát,
ngân sách, thuế khoá để tăng cường tính cạnh tranh. Có lẻ vậy nên nhiều người
bắt đầu tin tưởng rằng Mỹ sẽ là nền kinh tế hồi phục hàng đầu trong năm 2013.
No comments:
Post a Comment