Sunday, February 17, 2013

Bói thời cuộc: gieo quẻ đầu năm (ngày Tây)



Vũ trụ đang tiến vào một chu kỳ mà vị trí các của vì tinh tú thay đổi trên trời, lòng đất rung chuyển dưới thế… tạo cơ hội tốt cho các ông thầy rùa bàn chuyện thời cuộc! Nhưng sau khi dỡ lầm lịch Mayan gieo quẻ hụt về ngày tận thế cuối năm 2012 nên người viết phải nghiên cứu dài lâu, nay đã sẵn sàng chu đáo để đưa ra những lời tiên đoán táo bạo không những trong năm 2013 mà còn cho cả hai thập niên sắp tới.

Trước đây đã có nhiều dự đoán về kết quả cuộc chạy đua Mỹ-Trung vào khoảng 2020, và vừa rồi cơ quan NIC của Hoa Kỳ lại đưa ra một bản phân tích tình hình thế giới năm 2030. Dân chúng lo chạy gạo hàng ngày, còn các nhà lo chuyện đại sự toàn bàn 10-20 năm sắp tới; chắc là họ rảnh rổi hoặc do chính sách quốc gia phải cần bao nhiêu đó thời gian dài chuẩn bị cho thế hệ lãnh đạo tương lai.   

Theo tiên đoán của người viết việc Mỹ-Trung hơn thua dựa vào ba yếu tố: (1) nhân sự, (2) năng lượng và địa chính trị, (3) khả năng giải quyết các vấn đề nội bộ của mỗi quốc gia.

Cho dù không làm ai ngạc nhiên nhưng đầu năm nay xác định được hai nhân vật lãnh đạo vốn sẽ ảnh hưởng đến vận mệnh của nhân loại. Cuộc chạy đua Mỹ-Trung đi vào hồi chung cục, và cho dù mức hơn thua chưa xảy ra ở cuối nhiệm kỳ Obama (2016) hay Tập Cận Bình (2022) nhưng chỉ trong vài năm nửa sẽ thấy rõ bên nào đang thắng cuộc. Các nước khác lại dựa vào kiểu đánh giá này theo tâm lý đám đông cá độ - hể thấy ngựa về đầu hụt hơi, hoặc ngựa hàng nhì loạng choạng - thì cứ ùa theo nhau bắt về một phía vô hình chung tạo thành trào lưu thúc đẩy tiến trình chuyển đổi càng thêm gấp rút. Cho nên Thiên Thời - Địa Lợi là động cơ tiến hoá, nhưng rồi Nhân Hoà mới tác động lên cường điệu và kết quả.

Nhiều nhà quan sát nhận xét rằng thế giới đang tiến vào thế đa cực nơi đó không có một siêu cường độc nhất với vai trò áp đảo giống như Hoa Kỳ trong hai thập niên 1988-2007. Trung Quốc - Ấn Độ - Nga – Brazil sẽ chiếm giữ vai trò ngày càng quan trọng trong khu vực và trên quốc tế. Dù vậy Mỹ - Trung vẫn là hai quốc gia có vai trò và tầm ảnh hưởng hàng đầu đến mô hình phát triển của những nước còn lại. Cả hai đều có tiềm năng rất lớn và những nhược điểm vô cùng trầm trọng. Kết quả thứ hạng nhất hay nhì tuỳ thuộc vào chính quyền và dân chúng của mỗi quốc gia liệu có đoàn kết và thích ứng để khắc phục các khó khăn nội tại hay không. Trước hết xin bàn về Mỹ.

*** Hoa Kỳ ***

Mỹ vừa sa lầy trong trận chiến chống khủng bố lại suy thoái bởi khủng hoảng kinh tế; thêm nội bộ chia rẻ giữa hai đảng Cộng Hoà – Dân Chủ khiến dân chúng bất mãn còn nhà nước đôi khi thành cản trở.  Ngược lại chính quyền Trung Quốc dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn lèo lái con thuyền đất nước phát triển nhảy vọt 10% trong 30 năm liền, đà tăng trưởng ngày càng mạnh nên việc hoán đổi vị thế tưởng chừng như không thể nào tránh khỏi. Nhưng sau khi phân tích rồi tổng hợp vài dữ kiện quan trọng mới nhận thấy kết luận này vẫn chưa chắc chắn.

Ưu điểm lớn nhất của Hoa Kỳ là tính sáng tạo và linh động, và từ vụ giá dầu hoả tăng vọt họ đã hoàn thiện kỷ thuật khai thác năng lượng trong đá phiến.  Uớc tính đến năm 2020 Mỹ có thể sẽ qua mặt Saudi Arabia để dẫn đầu về sản xuất dầu hoả và hơi đốt. Sự kiện này sẽ có ảnh hưởng quan trọng về địa chính trị do Mỹ độc lập về năng lượng trong hoàn cảnh sôi sục tại Trung Đông, còn Hoa Lục vẫn chưa tìm ra nguồn cung cấp bền vững cho dù tại Biển Đông hay từ Nga.

Trong quá khứ những dự đoán về dầu hỏa đã sai trật rất nhiều (chẳng hạn như tiên đoán thế giới sẽ hết dầu thô năm 2030), nhưng nếu ước tính nói trên dù chỉ đạt một phần cũng vẫn ảnh hưởng lên bàn cờ quốc tế:

-        Do tình hình sôi sục tại Ai Cập, Lybie, Syrie, Iran v.v…. thật tình không ai biết được vùng Trung Đông có sẽ ổn định hay không trong 20 năm sắp tới. Nhưng nếu Hoa Kỳ không có nhu cầu nhập cảng năng lượng Mỹ mới có thể theo đuổi kế hoạch dài hạn, hay ít nhất có thời gian để chờ đợi cho các xáo trộn trở nên lắng đọng.

-        Khủng hoảng dầu hoả vào các thập niên 1970 và 2000 khiến nền kinh tế Hoa Kỳ bị chấn động, thì ngược lại một khi Mỹ trở thành nước xuất cảng năng lượng giả sử giá dầu tăng vọt lại giúp Mỹ (và Nga) lời to trong lúc Trung Quốc, Nhật, Âu Châu kêu khổ! Còn nếu dầu giảm giá lại ảnh hưởng đến Nga nhiều nhất do Mạc-Tư-Khoa không có nguồn lợi nào khác để thay thế. Cho nên năng lượng sẽ trở thành vũ khí để Hoa Kỳ tìm lại tính cạnh tranh và vai trò chủ động của mình.

-        Nguồn lợi từ đá phiến sẽ tạo điều kiện để chuẩn bị cho trọng điểm chiến lược kế tiếp về năng lượng nơi Bắc Cực.  Biển phía Bắc hiện đang bị tan băng để lộ ra những tài nguyên vô cùng phong phú trong 10-20 năm tới đây. Nhờ vào đá phiến trong đất liền nên Mỹ có thế mạnh thương thuyết với Nga, Canada và Na-Uy, đồng thời hoàn thiện kỷ thuật khai thác vùng biển giá lạnh này. Trung Quốc rất thèm thuồng nhưng không tìm ra cách nhảy vào khu vực nói trên.

-        Trong khi đó Hoa Lục vẫn phải lệ thuộc vào dầu hoả từ Nga và Trung Đông. Hiện Hoa Kỳ giảm dần hiện diện tại Trung Đông thì Bắc Kinh tăng cường hợp tác với Saudi Arabia nhằm tạo thế chính trị bảo vệ cho nguồn cung cấp được ổn định. Điều này có thể xem là bước tiến ngoại giao nhưng cũng tiềm tàng nhiều nguy hiểm. Mối lo tâm huyết của Trung Quốc là trở thành mục tiêu của phong trào Hồi Giáo cực đoan một khi can thiệp quá sâu vào Trung Đông, Phi Châu, A-Phú-Hãn và do tình trạng tranh chấp sắc tộc tại Tân Cương. Khi đó chẳng những nguồn cung cấp bị bấp bênh mà con đường biển vận chuyển chạy ngang qua Indonesia-Philippines vốn là khu vực Hồi Giáo lớn nhất thế giới cũng gặp trở ngại. Trong khi đó nguồn cung cấp năng lược từ Nga cũng tựa như cái vòng kim cô gài vào đầu Bắc Kinh vì biết rằng Mạc Tư Khoa sẽ siết chặc khi cần thiết để tạo thế đương đầu với Hoa Kỳ hay Âu Châu, hay đơn giản chỉ nhằm tăng giá dầu và khí đốt.  (Nhật Bản và Nam Hàn cũng rơi vào vấn nạn này nhưng được may còn Hoa Kỳ hổ trợ, nên tình hình nếu trở nên ngặc nghèo còn được tiếp tế theo ngã Thái Bình Dương)

-        Cuối cùng rồi Mỹ-Trung vẫn sẽ hợp tác chớ không thể vật chết lẫn nhau. Con đường mở ra cho Hoa Lục là tiếp thu kỷ thuật khai thác đá phiến trong nước và hợp tác khai thác dầu hoả ngoài biển Đông, nhưng cả hai việc này cần một thời gian dài để chuẩn bị. Do khoảng cách địa lý Hoa Kỳ dù khó lòng tranh giành khu vực “ao nhà” với Bắc Kinh nhưng vẫn tạo được áp lực để một mặt bảo đảm an ninh hàng hải, mặt khác thúc đẩy Trung Quốc-Brunei-Mã-Phi-Việt đạt được những thoả thuận đồng đều khai thác biển. Như vậy Mỹ mới có thế giữ vị thế cột trụ trong khu vực kinh tế năng động nhất của hành tinh, đồng thời bảo đảm cho nền an ninh của các đồng minh cật ruột gồm Nhật-Úc-Nam Hàn-Đài Loan-Singapore.

Phần trên là yếu tố địa chính trị, còn bây giờ quay sang kinh tế. Sau 5 năm khủng hoảng đã có nhiều dấu hiệu cho thấy khu vực tư nhân đang hồi phục. Ngành địa ốc sanh lời; ngân hàng nới rộng tín dụng; các đại công ty tồn trử 4 ngàn tỷ USD trong thời gian khủng hoảng nay đầu tư trở lại, trong lúc dân chúng trước đây vay mượn tiêu xài nay tiết kiệm và giảm được hàng trăm tỷ USD nợ nần. Chỉ còn thất nghiệp vẫn ở mức rất cao gần 8%, tuy vậy theo đà phục hồi dù chậm nhưng sẽ trở lại mức bình thường là 3-4% khoảng 2020.

Vấn đề nan giải nhất của nước Mỹ là tìm được sự đồng thuận giữa hai đảng cầm quyền để giải quyết nợ công, quỹ hưu bổng và bảo hiểm sức khoẻ. Tuỳ theo tình hình kinh tế nhưng ba món này đủ để đè bẹp mọi chi phí còn lại cho xả hội và quốc phòng trong giai đoạn 2030-50. Hành Pháp và Quốc Hội bất lực do dân chúng muốn quá nhiều, còn các chính trị gia hứa hẹn quá đáng: một mặt đòi giảm thuế, mặt khác muốn được bảo đảm an sinh xã hội và hưu bổng, rồi thêm vào đó là chi phí quốc phòng cho vị trí siêu cường hạng nhất toàn cầu!

Thử thách cho Hoa Kỳ cơ bản nơi chính nơi mô hình dân chủ tự do, rằng liệu cấu trúc chính trị này sau một thời gian dài có sẽ chuyển mình thích ứng theo nhu cầu phát triển hay bị phân hoá thành nhiều tập đoàn lợi ích cấu xé lẫn nhau. Nhà lãnh đạo dù biết rỏ việc cần làm nhưng vẫn bó tay bất lực khi chính trong xã hội bị chia rẽ. Gánh nặng lịch sử đè nặng lên Obama, ông có cơ hội ngang hàng với Washington, Lincoln và Roosevelt để thuyết phục và lãnh đạo dân Mỹ trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, hay trở thành vị tổng thống trị vì cuối cùng trước khi lịch sử sang trang nhường chổ cho Trung Quốc.

*** Trung Quốc ***

Người viết có dịp sang Hoa Lục nhiều lần và chứng kiến các tiến bộ đáng ngưỡng mộ. Khi đọc những bài phê phán phẩm chất hàng hoá Trung Quốc, trường học bị xập, tàu hoả ủi vào nhau người viết suy nghĩ rằng với độ tăng trưởng chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại mà họ chỉ vấp phải bấy nhiêu lổi lầm thì thật… đáng kính phục - bởi vì đào tạo ra lớp lãnh đạo, đội ngủ quản lý, tầng lớp chuyên viên và huy động 1300 tỷ người đẩy GDP nhảy vọt 16 lần (từ 300USD cho đầu người năm 1981 lên đến 5000USD vào 2011) quả là công việc phi thường. Nhưng bên sau những hào nhoáng đó không ai hiểu Trung Quốc bằng chính người Hoa, và những lời cảnh báo trong giới lãnh đạo cao cấp nhất cùng các nhà trí thức hàng đầu rằng những thành quả đạt được có thể bị xoá bỏ cần được quan tâm. Những trở ngại chính yếu gồm:

-        Trong hoàn cảnh nền kinh tế Âu-Mỹ bị suy thoái và giảm mua hàng Hoa Lục sẽ phải chuyển đổi sang tiêu thụ nội địa để bù đắp lổ hổng của xuất cảng, đồng thời nâng cao đời sống dân chúng. Nhưng tiền đầu tư trong nước là mất vào giới quan quyền tham nhũng và đầu cơ khiến hố sâu giàu nghèo thêm sâu đậm trong lúc lạm phát cứ tăng dần. Đời sống dân chúng dù có khá hơn nhưng tâm lý oán ghét và bất mãn ngày càng lan tràn tạo thành mầm mống bất ổn và bạo động.

-        Việc cấu kết giữa viên chức nhà nước và các nhóm lợi ích ngày càng chặc chẻ dẫn đến tình trạng bè phái khiến nhiều tập đoàn lớn mất dần tính cạnh tranh, đồng thời bóp nghẹt sức sống của khu vực tư nhân.

-        Do chính sách một con nên Trung Quốc phải đối diện với tình trạng lão hoá ở mức độ chưa từng thấy bắt đầu từ 2020. Lưới an sinh xã hội nếu tổ chức gấp rút sẽ bị lạm dụng khiến dân chúng thêm bứt xứt, trong lúc lợi thế về nhân công và lương bổng bị sút giảm.

-        Nhà cầm quyền phải kiểm soát thông tin để ngăn chận tâm lý bất mãn bị kích động, nhưng quan chức lợi dụng vào đó để che dấu tội ác của mình.

Chính quyền Trung Quốc đã khéo léo lèo lái con thuyền quốc gia trong 30 năm nay. Mâu thuẩn hiện giờ đến từ tầng lớp chuyên viên lãnh đạo tuy tài giỏi nhưng lại nắm trong tay quá nhiều đặc qưyền đặc lợi, đồng thời không bị giám sát độc lập nên sinh ra nạn bè phái và lạm dụng quyền thế. Cho dù Tập Cận Bình có quyết tâm và bản lảnh như Đặng Tiểu Bình nhưng các cải tổ vẫn chỉ là gải ngứa ngoài da.  

Bên cạnh đó, chính sách quyết đoán của Bắc Kinh từ năm 2008 khiến Trung Quốc bị cô lập về ngoại giao trong vùng Đông Á. Nhật hiện tuy thất thế nhưng vì tinh thần dân tộc và quyền lợi kinh tế bị xúc phạm nên đang chuẩn bị để không còn bị bắt chẹt sau này. Việt-Phi còn yếu nhưng Hoa Lục nhất thời cũng không thể chiếm đoạt Biển Đông. Tình huống khó khăn nhất cho Hoa Lục là sau năm 2020 khi các mâu thuẩn xã hội bùng nổ, nền kinh tế phát triễn chậm lại, nguồn cung cấp năng lượng từ Trung Đông và Nga không được bảo đảm trong khi Mỹ-Nhật đã củng cố sức mạnh kinh tế và quân sự tại Biển Đông.

*** Kết Luận ***

Gần đến hồi kết thì vài độc giả tinh ý có thể phê bình rằng ông thầy miệt vườn bói theo kiểu huề tiền, rằng Mỹ không hơn Tàu thì Tàu hơn Mỹ.

Thú thật là “thiên cơ bất khả lậu” nên người viết gieo quẻ thời cuộc mà cũng mù mờ đến tương lai. Nhưng nhiều độc giả sẽ nhận thấy năm 2020 được nhắc đến nhiều vì người viết tin rằng đây chính là mốc điểm của khúc quanh lịch sử. Cuộc chạy đua giữa Mỹ-Trung không chỉ nằm về kinh tế -chính trị mà còn bao trùm ý thức hệ: sau Chiến Tranh Lạnh mô hình Dân Chủ - Tự Do (liberal democracy) tưởng chừng là con đường phát triển hợp lý và duy nhất của các nước đang mở mang. Nhưng rồi cả Âu lẫn Mỹ lại rơi vào suy trầm có tính cách cấu trúc trong chính mô hình xã hội của họ. Nếu Trung Quốc vượt qua Hoa Kỳ mà vẫn duy trì ổn định và độc đảng thì họ chứng minh rằng Dân Chủ - Tự Do không phải là con đường duy nhất, cho dù muốn bắt chước Hoa Lục thì các nước khác cũng chưa biết phải làm thế nào. Còn nếu Trung Quốc thất bại thì quốc tế mới phải nhìn nhận nền Dân Chủ - Tự Do tuy cộc cà cộc cạch nhưng vẫn chính đáng, linh động và dẻo dai hơn mọi thể chế khác.

Bánh xe tiến hoá không ngừng chạy. Xã hội Hoa Kỳ đã tỏ ra thích ứng trong 200 năm nay trải qua Nội Chiến, hai cuộc Thế Chiến và Chiến Tranh Lạnh. Hiện giờ hệ thống chính trị tuy trì trệ nhưng cá nhân vẫn đủ quyền tự do phát huy sáng kiến nhằm tìm ra giải pháp thông qua chính trị, kinh tế hay bước tiến khoa học. Lãnh đạo Trung Quốc có thể xem là giỏi nhất so với mọi quốc gia trong 30 năm trở lại, và họ trông mong đào tạo được một lớp minh quân kế tục sự nghiệp. Liệu nền dân chủ có tiếp tục phát huy năng lực cá nhân hay bị phân hoá? Liệu minh quân trị vì quá lâu trở thành bạo chúa? Đây chính là hai câu hỏi cho tương lai.

Chỉ có điều khi mấy “ông lớn” bàn chuyện thế giới lại quên đi dân chúng phải đi chạy gạo hàng ngày. Nhưng đến Tết thì ai cũng nghĩ 1-2 hôm nên đem chuyện thời cuộc ra bàn cho vui chớ ngày thường đừng tin vào tử vi – bói bài - tướng số mà đổ nợ. Duy chỉ có một quẻ an lành xin gởi đến độc giả ngày đầu năm, nếu không giúp trở thành giàu có thì cũng được hạnh phúc:

-        Cần cù làm việc (và bớt ăn nhậu)
-        Thương yêu lo lắng cho gia đình
-        Không hại ai
-        Chẳng để ai cướp giựt đồ của mình
-        Giúp đỡ người hoạn nạn


No comments:

Post a Comment