Tuesday, March 5, 2013

Những tính toán sai lầm dẫn đến chiến tranh


Cho đến giờ này vẫn ít ai nghĩ rằng sẽ có chiến tranh Mỹ-Trung ở vùng Đông-Á do quyền lợi kinh tế không thể tách rời giữa hai nước. Tuy nhiên lịch sử chỉ mới 50 năm gần đây cho thấy ít nhất đã có hai cuộc chiến lớn xảy ra chỉ vì những đánh giá sai lầm về ý định của đối phương, và các bài học này vẫn có thể lập lại trong tương lai:

  1. Năm 1949 Bộ Trưởng Ngoại Giao Dean Acheson và Tư Lệnh Quân Đội Mỹ ở Thái Bình Dương Mac Arthur đều tuyên bố rằng Hoa Kỳ không xem Triều Tiên như trọng điểm chiến lược nếu xảy ra Thế Chiến Thứ Ba. Bối cảnh của hai lời tuyên bố là trường hợp chiến tranh toàn diện nhưngMạc Tư Khoa và Bắc Kinh lại hiểu sai rằng điều này đồng nghĩa với Hoa Kỳ sẽ không phản ứng ngay dù khối Cộng Sản lấn sang Nam Hàn. Ngộ nhận này đã dẫn đến cuộc chiến tranh khốc liệt từ 1950-53.

  1. Kuwait vốn trước đây là lãnh thổ ly khai từ Iraq. Nhà độc tài Saddam Hussein vẫn nuôi tham vọng chiếm lại vùng đất giàu dầu hoả này và thăm dò quan điểm của Hoa Kỳ trong cuộc họp với Đại Sứ Mỹ bà Glaspie. Qua sự trao đổi thế nào mà Saddam lại kết luận rằng Mỹ sẽ đứng trung lập trong mọi cuộc tranh chấp giữa các nước Ả Rập. Nhận xét sai lầm này đã khiến Iraq xua quân vào Kuwait dẫn đến nhiều cuộc khủng hoảng liên tục tại Trung Đông và cái chết của Saddam Hussein vào năm 2006.

So sánh hai bài học lịch sử nói trên với hoàn cảnh Đông Á hiện giờ, hai cường quốc Mỹ-Trung giống như hai con công phùng lông trợn mắt hù doạ đối thủ mặc dù không hề có ý định đánh nhau. Tình trạng này rất nguy hiểm vì lỡ tính toán sai lầm có thể dẫn đến một chuổi các hành động đáp trả khó lường trước được.

Giữa hai nước thì Bắc Kinh có mục tiêu rõ ràng là bành trướng thế lực để phục hưng giấc mộng Đại Hán ở vùng Đông Á. Nếu mềm mỏng thì họ lấn chiếm, còn gặp cứng rắn thì họ áp dụng các biện pháp hù doạ về kinh tế và quân sự để lâu ngày làm mòn mỏi đối phương. Nhưng thái độ của Trung Quốc hung hăng hơn khả năng hiện thời của họ, không hiểu do họ tự tin sẽ qua mặt Hoa Kỳ một ngày không xa, hoặc vì áp lực nội bộ, hay để khích động chủ nghĩa dân tộc nhằm đánh lạc hướng nổi bất bình trong xã hội đầy dẫy bất công. 

Trong khi đó tại Hoa Kỳ nhiều nhà nghiên cứu đề nghị Mỹ phải dứt khoát thể hiện một trong hai thái độ để đối phương không hiểu lầm và vượt qua điều tạm gọi là làn ranh đỏ. Bởi vì dù đã tuyên bố chuyển trọng tâm chiến lược sang Thái Bình Dương nhưng cả đối phương lẫn nước bạn vẫn mù mờ không biết vượt qua ngưỡng cửa nào sẽ khiến quân đội Mỹ  trực tiếp vào cuộc: giới hạn đó có phải ở Senkaku/Điếu Ngư; hay Đài Loan; hoặc Trường Sa?

Chọn lựa thứ nhất là Hoa Kỳ tuyên bố nền an ninh khu vực phải dựa trên nguyên trạng (status quo) - tức là Mỹ sẽ ngăn chận mọi động thái làm đảo lộn tương quan lực lượng và an ninh hàng hải tại Đông Á. Bắc Kinh sẽ vô cùng tức giận vì họ sẽ xem đây là chiến lược bao vây và ngăn chận sự trổi dậy của Trung Quốc.

Chọn lựa thứ nhì là Hoa Kỳ phải chấp nhận Trung Quốc như một cường quốc với khu vực sân nhà vùng Đông Á,  tương tự như quan điểm Châu Mỹ của Người Mỹ, hay Đông Âu thuộc vùng ảnh hưởng của Liên Xô trước đây. Điều này đồng nghĩa với việc hai cường quốc sẽ phân chia khu vực, với làn ranh bắt đầu đâu đó chẳng hạn từ Guam, chạy qua Nam Hàn, Nhật Bản, Phi Luật Tân rồi xuống Úc Đại Lợi?

Thái độ nào cũng dựa trên hai thực tế về Thế và Lực, nhưng hiện giờ còn bị chi phối bởi tâm lý của các nước trong khu vực. Nhật, Nam Hàn, Úc và toàn khối ASEAN dù cần Mỹ để cân bằng thế lực với Bắc Kinh nhưng đều không muốn bị lôi kéo vào một cuộc Chiến Tranh Lạnh của thế kỷ thứ 21, nhất là khi thương mại với Trung Quốc đang dần qua mặt Hoa Kỳ. Nhưng cùng lúc một thái độ thận trọng nào đó của Mỹ nhưng có thể bị đánh giá như nhân nhượng sẽ khiến nhiều nước đồng minh xem là Hoa Kỳ đánh mất vi trí cường quốc hàng đầu và gây ảnh hưởng dây chuyền đến Nam Á, Trung Đông, Phi Châu v.v…

Trong hoàn cảnh này cả Mỹ-Trung đều không thể dứt khoát được đâu là khu vực an ninh cốt lỏi của từng nước. Mỗi bước cờ cho dù thận trọng cân nhắc nhưng đều tiềm tàng nhiều nguy hiểm tính toán sai lầm.

No comments:

Post a Comment