Saturday, March 23, 2013

Mỹ, Trung, Nga: chính sách ngoại giao của ba cường quốc


Ba cường quốc Mỹ - Trung - Nga đã từng một thời tạo thế chân vạc trong Chiến Tranh Lạnh. Sau khi Bức Màn Sắt bị sụp đổ tới phiên Hoa Kỳ chiếm ưu thế gần như tuyệt đối trong một khoảng thời gian ngắn vào cuối thế kỷ 20, nhưng đến nay hai đối thủ còn lại đều tái phục hồi vai trò chủ động của mình trong nhiều diễn biến quốc tế. Tương quan lực lượng tuy thay đổi so với quá khứ nhưng cả ba quốc gia đều quen thuộc với các tính toán chiến lược nhằm gây lợi cho mình và tạo thiệt hại đến đối phương.

Điều đáng ngạc nhiên là Nga-Hoa vào thế kỷ thứ 20 vốn kêu gọi  phát huy cách mạng vô sản ra toàn cầu, nhưng đến nay lại theo chính sách duy lợi nhuận (mercantile) của thị trường tự do và chủ trương không can thiệp vào nôi tình nước khác. Trong khi đó Âu-Mỹ là các nước tư bản tiên tiến hàng đầu, nhưng nền kinh tế của khối này hiện phát triển chậm đi so với hai cường quốc cộng sản và hậu cộng sản nói trên. Ngược lại Tây Phương lại đứng ra cổ vỏ cho phong trào dân chủ tự do tại nhiều khu vực như Bắc Phi và Miến Điện.

Cho dù giữa các nước đều tích cực trao đổi mậu dịch nhưng kế hoạch về an ninh của mỗi quốc gia đều bị đối phương nghi ngờ như âm mưu kềm chế lẩn nhau. Trong lúc Mỹ - Hoa có tầm nhìn xa của hai cường quốc dẫn đầu thì trái lại Nga không có được nhận thức rỏ rệt về vai trò của mình trong thế kỷ thứ 21. Tuy nhiên chính sự thiếu sót này đã giúp cho Mạc Tư Khoa có những tính toán đoản kỳ khiến bàn cờ thế giới càng thêm phức tạp.

NGA

Nga có những ưu thế về (1) tài nguyên thiên nhiên (2) công nghiệp quốc phòng (3) chiếc ghế trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Ngược lại, Mạc Tư KHoa cũng phải đối đầu với ba thử thách về (a) dân số ngày càng giảm (b) nạn độc tài và tham nhũng (c) nền công nghiệp thua kém quốc tế ngoại trừ trong hai lãnh vực năng lượng và vũ khí. Tổng thống Putin biết khai thác khéo léo các lợi thế của nước Nga nhưng lại yếu kém trong việc giải quyết những vấn nạn nội bộ.

Nga là nguồn cung cấp dầu hoả và khí đốt hàng đầu đến Trung Quốc, Âu Châu và cả Nhật Bản và Nam Hàn. Tuy là nguồn lợi kinh tế chính yếu nhưng Mạc Tư Khoa sẽ không ngần ngại xử dụng như con bài chiến lược khi cần thiết.

Giá dầu khi nhảy vọt thường do khủng hoảng ở Trung Đông, hoặc nền kinh tế toàn cầu phát triễn nhanh khiến nhu cầu năng lương tăng theo. Đây lại dịp để Nga thu thêm lợi tức từ bán dầu, cho nên Mạc Tư Khoa có lý do để dùng lá phiếu phủ quyết trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc nhằm ngăn chận các biện pháp dứt khoát để kéo dài tình trạng bất ổn tại Trung Đông. Bên cạnh đó Nga còn phải bênh vực các khách hàng mua vũ khí tại Trung Đông, cũng như hậu thuẩn những nước như Iran và Syrie nhằm ngăn chận thế lực của Tây Phương.

Nga khai thác tình hình căng thẳng giữa Trung Quốc – ASEAN - Ấn Độ để bán vũ khí cho mọi phía. Nga vận động khối BRIC (bao gồm Brazil – Nga - Hoa - Ấn) để tìm đối trọng với thế lực Âu Mỹ trong nhiều lãnh vực về kinh tế, chính trị, mậu dịch và tiền tệ.

Hai nước Nga - Hoa tạm gác qua các tranh chấp biên gới ngày nào mà Mạc Tư Khoa còn bán, và Bắc Kinh còn mua khí đốt và dầu hoả. Nga xuất cảng vũ khí để giúp Hoa Lục tăng cường khả năng quân sự đối với Mỹ - Nhật, nhưng đồng thời vẫn chuẩn bị hai vũ khí năng lượng và nguyên tử làm lá bài tẩy phòng khi Bắc Kinh trở mặt.

Nga lợi dụng tranh chấp hải phận giữa Nhật - Trung Quốc - Nam Hàn để chiếm giữ vài quần đảo của Nhật. Mạc Tư Khoa xây đường dẫn khí đốt trực tiếp sang Tây Phương chạy theo hai con đường vòng Bắc và Nam Âu, chủ đích nhằm cô lập các lân bang như Ba Lan, Georgia để biến dần thành khu vực sân nhà giống như đối với Liên Bang Xô Viết trước đây.

Vấn đề tương lai là Nga sẽ thay đổi thế nào trong giai đoạn hậu Putin? Tổng thống nước Nga hiểu rất thấu về các nhu cầu (1) xây dựng dân chủ (2) duy trì ổn định cho kinh tế (3) tăng cường tính cạnh tranh trong công nghiệp. Nhưng trước mắt ông chỉ theo đuổi những biện pháp để cũng cố uy quyền nên không ai rỏ nước Nga sẽ đóng vai trò nào về lâu dài trong thế kỷ 21. 

TRUNG QUỐC

Hoa Lục nhanh chóng nhảy vọt thành siêu cường hạng nhì và có thể qua mặt Mỹ trong vài chục năm tới đây. Tham vọng của Bắc Kinh không phải để duy trì trật tự toàn cầu hiện giời mà phải vẽ lại một bản đồ thế giới mới cho phù hợp với quyền lợi của Trung Quốc.

Mục tiêu của Bắc Kinh rất đơn giản là nhằm thực hiện Giấc Mơ Trung Quốc, trong đó nếu Hoa Lục không trở thành trung tâm vũ trụ thì ít ra cũng phải là một trong hai hay ba tâm điểm quan trọng nhất của thế giới. Trái với Nga vốn đi theo cơ hội chủ nghĩa thì Hoa Lục dù theo chính sách duy lợi nhuận nhưng lại có tầm nhìn rất dài hạn.

Nhà lãnh đạo lão thành Lý Quang Diệu nhận xét rằng Hoa Lục sẽ cố tránh chiến tranh với Mỹ. Nếu cần họ sẽ chấp nhận đứng ngang hàng với Hoa Kỳ trong thế kỷ thứ 21 để có thêm thời gian chuẩn bị vươn lên hạng nhất trong thế kỷ 22!

Người viết không khỏi thán phục chính sách mềm dẽo và táo bạo của Đảng Cộng Sản Trung Hoa từ năm 1949 với hai thành quả nổi bật: (1) loại trừ được Liên Bang Xô Viết vốn là mối đe doạ sống còn từ bên ngoài, và (2) mở cánh cửa cho tư bản nước ngoài đầu tư đẻ canh tân hoá đất nước. Trong Chiến Tranh Lạnh họ đã liên kết với Mỹ để kềm chế Liên Xô thì nay họ hợp tác với Nga để tạo khó khăn cho Mỹ và Nhật.

Hai sự kiện vào năm 2001 (khủng bố tấn công vào Hoa Kỳ), và 2007 (khủng hoảng kinh tế bắt đầu tại Âu-Mỹ) là các món quà bất ngờ cho Bắc Kinh: Hoa Kỳ bận rộn đối phó với Hồi Giáo cực đoan nên không chú trọng vào vùng Đông Á, đây là thời cơ để Trung Quốc phát huy thanh thế ở Thái Bình Dương.

Ngày xưa Thành Các Tư Hản tung vó ngựa để chinh phục thế giới thì nay Trung Quốc tràn ngập địa cầu với … hàng hoá giá rẻ, cộng thêm hiện diện của cộng đồng gốc Hoa tài giỏi và chiụ khó ở khắp nơi nơi. Nhiều quốc gia dù nhìn thấy tham vọng chiến lược của Bắc Kinh nhưng không thể nào cắt đứt quan hệ thương mại với Hoa Lục. Thêm vào đó Trung Quốc tiếp tục tăng cường nhanh chóng uy thế quốc phòng và của đồng Nhân Dân Tệ cho phù hợp với vị trí của một siêu cường.

Nhiều sáng kiến để liên kết trong khối BRIC và Hợp Tác Thượng Hải được xem như nổ lực nhằm cạnh tranh với các định chế quốc tế thành hình bởi Tây Phương. Tuy nhiên thế giới hiểu rỏ ý đồ của Bắc Kinh (lấy Trung Quốc làm tâm điểm) nên các tổ chức này khó lòng được nhiều nước chấp nhận thay thế cho các cơ chế như WTO, World Bank và IMF.

Một trật tự thế giới mới do Hoa Lục thống trị rất dễ hình dung: thu hút công nghệ và các nguồn tài nguyên thiên nhiên từ mọi lục địa; chế biến, sản xuất và bán hàng hoá ra khắp thế giới . Lợi nhuận sẽ bơm vào đầu tư, quốc phòng, chính sách tiền tệ và các nhà cầm quyền thân thiện với Bắc Kinh để bảo vệ cho guồng máy hoạt động không bị trở ngại. 

Bốn mối lo tâm phúc của Bắc Kinh về chiến lược gồm (1) tránh chiến tranh với Mỹ (2) bảo vệ con đường vận chuyển dầu hoả quá dài từ Trung Đông vòng qua Nam và Đông Á (3) không trở thành mục tiêu của phong trào Hồi Giáo cực đoan một khi sự hiện diện của người Hoa ngày càng rỏ nét (4) bảo vệ một khu vực trái độn không cho phép thành hình một nước dân chủ tự do sát biên giới với Hoa Lục.

HOA KỲ

Đà tuột dốc của Hoa Kỳ từ vị trí siêu cường duy nhất thế giới vào đầu năm 2000, đến nay lại sa sút trong nhiều thử thách triền miên từ nội bộ ra đối ngoại thật là nhanh chóng không thể ngờ trước.

Thế giới chỉ trong 10 năm thay đổi từ đơn cực sang đa cực, nơi đó không còn một nước nào dù Mỹ hay Hoa nắm lấy vai trò thống trị. Nhịp độ rất gấp rút khiến nhiều nước cảm thấy chao đảo và tìm đến Hoa Kỳ như một cây cổ thụ để nương tựa. Tuy nhiên nước Mỹ - cũng giống như Trung Quốc – phải giải quyết nhiều mâu thuẩn nội bộ xong mới có khả năng can thiệp ra ngoại quốc một cách lâu dài.

Điều bất ngờ khác là khối dân chủ tư bản Tây Phương bao gồm Âu-Mỹ-Nhật đều mất tính cạnh tranh trước các nước đang trổi dậy ngày càng lớn mạnh. Nhiều sách vở đã phân tích về một thế giới hậu Hoa Kỳ (post-American) hay một cuộc xoay chuyển trọng tâm hành tinh từ Tây sang Đông (tetonic shift from West to East).

Sự trì trệ về kinh tế - chính trị của Âu - Mỹ - Nhật khiến mô hình dân chủ tư bản của Tây Phương mất đi ít nhiều sức hấp dẫn: nếu mục tiêu của xã hội dân chủ nhằm khai phóng cá nhân để dược tự do sáng tạo và mưu cầu hạnh phúc, thì khi áp dụng mô thức này đã giúp các khối lợi ích tranh giành quyền lợi làm xã hội bị phân hoá.

Cụ thể ngày này mỗi lần Hoa Kỳ (hay IMF) khuyến cáo các nước đang mở mang đừng lạm chi phung phí ngân sách thì nhiều chính phủ phê bình ngược lại rằng chính Tây Phương cũng không khá gì hơn.

Khác với quá khứ, mối đe dọa ngày hôm nay cho Mỹ không đến từ bên ngoài do chủ nghĩa Phát Xít (Đức Quốc Xã) hay Cộng Sản (Liên Bang Xô Viết) mà bắt nguồn từ trong chính mô hình xã hội dân chủ của Hoa Kỳ khiến nhà nước bị trì trệ không giải quyết được nhiều vấn nạn. Trường hợp này cùng đồng thời đang xảy ra tại Âu Châu và Nhật Bản.

Cho đến những năm gần đây Hoa Kỳ tưởng chừng không cách nào thoát khỏi cuộc chiến kéo dài và tốn kém với khối Hồi Giáo cực đoan do nhu cầu nhập cảng dầu hoả từ Trung Đông. Nhưng bất ngờ có phát minh đột phá về kỷ thuật khai thác dầu hỏa từ đá phiến giúp Mỹ có triển vọng trở thành một quốc gia xuất cảng năng lượng trước năm 2020. Điều này có nhiều ý nghĩa sâu xa về ngoại giao.

Do trở thành nước sản xuất dầu khí hàng đầu nên Mỹ có thể giảm nhẹ hiện diện tại các vùng Hồi Giáo ở Trung Đông và Trung Á nhằm giới hạn xung đột. Cho dù không thể nào bỏ quên khu vực này nhưng Hoa Kỳ có thêm thời gian để theo đuổi một chính sách ngoại giao dài hạn (hoặc chờ các xáo trộn lắng dần). Trong khi đó Trung Quốc và Ấn Độ ngày càng lệ thuộc vào nhập cảng năng lượng nên sẽ phải ra mặt bảo vệ quyền lợi của mình, và dễ trở thành mục tiêu mới của phong trào Hồi Giáo cực đoan.

Một cuộc khủng hoảng giá dầu sẽ giúp cho Mỹ (và Nga) thêm lợi lộc, trong khi Trung Quốc - Ấn Độ - Tây Âu - Nhật Bản - Nam Hàn - v.v… gặp nhiều khó khăn, nhờ đó mà Hoa Kỳ có thể tăng cường uy thế chính trị trên trường quốc tế.

Thái độ hung hăng của Bắc Kinh đối với Biển Đông tạo cơ hội để Hoa Kỳ công khai chuyển trọng tâm chiến lược sang Thái Bình Dương và cũng cố quan hệ với các đồng minh lâu đời như Ấn Độ - Singapore - Úc - Nhật – Nam Hàn. Cho dù không một nước nào (kể cả Hoa Kỳ) muốn thành hình một liên minh chống Trung Quốc nhưng sự kết nối này cũng đủ để tạo áp lực không nhỏ đến Bắc Kinh.

Nhu cầu ổn định tại Trung Đông và Đông Á khiến Trung Quốc ngày càng thấy cái giá nặng nề phải trả để tiếp tục hậu thuẩn Iran và Bắc Hàn, nhưng Bắc Kinh không có biện pháp nào để thay đổi chính sách.

KẾT LUẬN


Hoa Kỳ hiện có vài lợi điểm trên chiến lược toàn cầu, nhưng các ưu thế này vẫn còn dựa trên nhiều yếu tố rất mong manh như triển vọng khai thác năng lượng từ đá phiến, và chương trình giảm bớt hiện diện ra khỏi Nam Á và Trung Đông không đưa đến những xáo trộn bất ngờ và dây chuyền.

Trái lại Trung Quốc tiếp tục dựa vào đà tiến của mậu dịch, và trong cuộc tranh chấp tại Đông Á thì Hoa Lục là nước ở gần trong khi Mỹ ở xa. Bắc Kinh có thể tập trung vào khu vực lân cận trong khi Hoa Kỳ bị phân tán từ Đông sang Tây.

Nước Nga dưới thời Putin theo cơ hội chủ nghĩa, thì sau năm 2020 sẽ thay đổi thế nào không ai rỏ.

Các thế trận cho dù rất mù mờ nhưng dần thành hình. Có lẻ phải đợi thêm 10 năm nửa mới dần rỏ nét.

No comments:

Post a Comment